Người phụ nữ thôn quê “bước chân” vào Youtube
VNTN - Thời gian gần đây, người dân xã Xuân Phương huyện Phú Bình đi đâu cũng bàn tán về người phụ nữ chân chất mộc mạc của xã mình bỗng trở nên nổi tiếng bởi kênh Youtube “Ẩm thực mẹ làm” đã thu hút nhiều nghìn lượt xem. Người ấy là bà Dương Thị Cường, 55 tuổi ở xóm Tân Sơn 9.
Chân dung “người nổi tiếng”
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo khó của huyện Phú Bình, hạnh phúc muộn màng đến với bà Cường khi cậu con trai Đồng Văn Hùng ra đời. Vượt qua những sóng gió của cuộc đời, bà tần tảo một mình nuôi con khôn lớn. Năm 2014, tốt nghiệp THPT, cậu con trai về thủ đô Hà Nội làm việc. Một mình bà Cường cặm cụi với ruộng đồng. Vắng con, bà luôn coi những con vật trong nhà như gà, chó, lợn… làm bầu bạn. Bà Cường nhớ lại: “Một lần, con trai tôi về quê và thẽ thọt về nguyện vọng được cùng mẹ làm Youtube. Lúc đó tôi có biết Youtube là cái gì đâu. Đến điện thoại tôi vẫn dùng là cái “cục gạch” thì làm sao biết đến mạng Internet được. Tôi từ chối, nhưng thấy con trai tha thiết quá, tôi đành chiều nó. Lúc đầu, cứ xấu hổ, nhưng nó bảo mẹ cứ làm tự nhiên, con chỉ quay để giữ lại làm kỷ niệm thôi. Vì toàn những công việc thường ngày, quá quen thuộc nên tôi đã làm khá tốt”.
Video đầu tiên bà Cường làm “diễn viên” là cách chế biến món canh cua đồng. Mọi nguyên liệu nhà đều có. Cua thì ở ngoài bờ ruộng chỉ lội bì bõm một lúc đã bắt được gần một rổ. Rau khoai lang mọc non mơn mởn ở vườn nhà. Thêm một ít gia vị mắm muối vào là thành nồi canh nóng hôi hổi. Thế nhưng thể hiện được tất cả điều đó trên video lại không hề dễ dàng. Có những công đoạn phải quay đi quay lại rất nhiều lần mới thành. Mải làm video, mọi sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn. Nhiều khi, đàn lợn không kịp cho ăn đúng bữa, chúng kêu inh ỏi. Bữa cơm của hai mẹ con cũng bị lệch giờ so với mọi ngày. Những lúc phải quay đi quay lại mới được một cảnh, bà Cường cũng chán nản, sốt ruột vì bao việc đang chờ, muốn dừng lại lắm. Nhưng với sự động viên của con, bà lại cố gắng thao tác một cách tự nhiên nhất để con có cảnh quay ấn tượng. Cứ thế, những video về các món ăn dân dã lần lượt được hai mẹ con bà Cường cho ra đời trong sự chào đón nhiệt tình của cộng đồng mạng. Điều đó như một liều thuốc tinh thần động viên hai mẹ con bà Cường quyết tâm làm để đạt được nhiều lượt người đăng kí theo dõi.
Với gương mặt hằn sâu nhiều nếp nhăn, dáng đi lúc nào cũng như vội vàng, bà Cường lần lượt vào vai một bà mẹ thôn quê rất tự nhiên. Các video đều tập trung vào hình ảnh người mẹ tần tảo nắng mưa, tự tay làm những món ăn đậm chất quê hương cùng những hình ảnh gợi nhớ về một chốn yên bình. Với khu vườn và ao rộng gần 1000 m2, hai mẹ con bà Cường đã cố gắng tái hiện lại một cách chân thực nhất những món ăn quê, dễ gợi cho người xem những cảm xúc đẹp. Những món ăn đậm chất đồng quê, đơn giản nhưng vẫn hấp dẫn đã nhanh chóng thu hút nhiều người xem. Những hình ảnh đặc trưng của thôn quê như vườn rau, lối mòn ra vườn, ra ruộng, giếng nước đơn sơ, làn đựng thức ăn, rổ, rá, mâm tre, con gà, con chó tung tăng bên người mẹ… đã tạo nên nhiều cảnh quay đẹp, chân thực, khiến người xem rưng rưng xúc động mỗi lần xem.
Các video được mẹ con bà Cường đăng tải lên kênh Youtube đều nhận được bình luận tích cực từ cộng đồng mạng. Điều đó cho thấy, những gì thuộc về nét đẹp truyền thống của quê hương vẫn luôn được trân trọng giữ gìn và trường tồn. Với lối diễn chân thật mộc mạc, toát lên chất quê, tình quê đã góp phần giúp cho “Ẩm thực mẹ làm” trở nên gần gũi hơn với khán giả.
Và “bầu sô” đặc biệt
Người “chắp cánh” cho hình ảnh người mẹ cùng những món ăn dân dã ấy vượt qua lũy tre làng chính là Đồng Văn Hùng, cậu con trai duy nhất của bà Cường.
Sinh năm 1996, Đồng Văn Hùng có một tuổi thơ nhiều vất vả bởi thiếu vắng bàn tay cha chăm sóc. Như muốn bù đắp cho con, Hùng luôn nhận được tình yêu thương vô bờ từ mẹ. Tình cảm của mẹ, cùng cảnh quê, tình quê cứ thế hằn sâu trong tâm trí Hùng và đó cũng là những đề tài đầu tiên thôi thúc Hùng “bấm máy”, cho ra đời những bức ảnh chân thực, gần gũi, giản dị về mẹ và quê hương.
Hùng ấp ủ niềm đam mê chụp ảnh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 2014, tốt nghiệp trường THPT Phú Bình, khác với bạn bè cùng trang lứa, Hùng bỏ lại ước mơ giảng đường Đại học để theo đuổi nghề chụp ảnh. Không có tiền mua máy ảnh, Hùng xin đi làm tại một công ty điện tử ở tỉnh Bắc Ninh. Sau một năm, dành dụm được hơn 40 triệu đồng, Hùng mua chiếc máy ảnh để phục vụ công việc của mình. Sau 3 tháng, Hùng đã vững tay nghề, có thể tự kiếm việc. Hùng thuê một phòng trọ, mở cửa hàng nhỏ, đầu tư trang phục chụp ảnh, máy tính để làm việc. Hùng chủ yếu kiếm khách hàng qua mạng xã hội. Đến nay, Hùng đã duy trì, tạo được lượng khách thân quen, nên mức thu nhập hàng tháng của Hùng luôn ổn định từ 10 đến 15 triệu đồng.
Yêu quê hương, mong muốn những cảnh vật tươi đẹp của quê hương không chỉ được lưu lại bằng hình ảnh mà phải sinh động hơn, Hùng đã đau đáu tìm cách tạo ra những video độc đáo về những món ăn dân dã mẹ làm. Tháng 2/2019, Hùng hoàn thiện video đầu tiên về món ăn tự tay mẹ nấu rồi đẩy lên kênh Youtube. Ban đầu, Hùng chỉ nghĩ đơn giản, làm video để lưu giữ những kỷ niệm thân thương về mẹ. Vốn có nhiều người theo dõi, khi những video đầu tiên được đưa lên, Hùng đã nhận được những phản hồi tích cực và những lời động viên, giục giã làm video tiếp theo. Số lượng người đăng kí xem tăng vọt. Đến nay, sau 4 tháng, với 20 video được thực hiện, đã có trên 100 nghìn người theo dõi kênh Youtube “Ẩm thực mẹ làm”. Trang fanpage “Ẩm thực mẹ làm” cũng có tới trên 35 nghìn người theo dõi.
“Ẩm thực mẹ làm” tập trung vào những món ăn dân dã do tự tay bà Cường thực hiện.
Để đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng mạng, ngoài những giờ làm việc ở Hà Nội, Hùng lại tranh thủ phóng xe về với mẹ thực hiện những video mới. Mọi việc từ lên kịch bản, ý tưởng, quay, cắt, ghép, dựng Hùng đều làm một mình. Nhiều lần, Hùng miệt mài làm tận khuya. Với sự đầu tư chỉn chu về hình ảnh, bối cảnh, lối diễn chân chất, hai mẹ con bà Cường đã lần lượt cho ra đời những video có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Để có được những góc quay đẹp, đôi khi, Hùng phải trèo lên ngọn cây cao hay lội xuống bùn sâu để ghi hình. Ngoài ra, Hùng còn phát huy triệt để phần âm thanh bằng sự dẫn dắt của âm nhạc du dương và đặc biệt là những dòng chữ chạy cuối mỗi video, như những thông điệp sâu sắc ý nghĩa. Như trong video về món cơm nắm muối vừng, Hùng viết: “Thương nhớ lắm cơm nắm muối vừng chứa đựng tình yêu của mẹ. Cái mùi đặc trưng đó tôi vẫn nhớ như in, nhớ như những giọt mồ hôi, giọt nước mắt, những hi sinh gần một đời của mẹ”. Chính vì thế mà “Ẩm thực mẹ làm” đã nhanh chóng “ghi điểm” trong cộng đồng mạng ngay khi vừa xuất hiện.
Mỗi ngày, có rất nhiều video mới được đẩy lên kênh Youtube, nhưng không phải video nào cũng được cộng đồng mạng đón nhận. Việc một chàng trai trẻ cùng người mẹ nông dân chân lấm tay bùn mạnh dạn làm video về ẩm thực đồng quê đã cho thấy công nghệ số không phải là những gì quá xa lạ với nông dân. Chính họ cũng có thể trở thành những youtuber thực thụ, có thể kiếm tiền được từ chính những video về công việc gần gũi hàng ngày.
Hơn 20 video của hai mẹ con bà Cường thực hiện cùng trên 100 nghìn lượt người đăng kí đã đủ điều kiện được Youtube xét duyệt, cho phép bật chế độ kiếm tiền. Song, niềm vui lớn nhất của bà Cường cũng như của Hùng lúc này đó là tình cảm, sự đón nhận của cộng đồng mạng với “Ẩm thực mẹ làm”, qua đó, bồi đắp thêm tình cảm yêu mến quê hương, gia đình trong mỗi con người, điều mà rất dễ bị mai một trong đời sống hiện đại.
Dương Văn Mưu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...