Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
13:21 (GMT +7)

Người lưu giữ 300 ấm trà Việt trên đất Thái Nguyên

VNTN - Có trà tốt mà không biết dùng, chẳng khác nào uổng phí công sức những người đã làm ra trà ngon. Người sành trà thường nói “Nhất nước nhì trà tam pha tứ ấm”. Trà chẳng còn ngon nữa nếu không dùng nguồn nước tinh khiết và cách pha hợp lý. Còn với ông Mông Đông Vũ, phải là “Nhất ấm nhì trà”, ấm trà tốt không chỉ là yếu tố quan trọng để thưởng thức chất lượng vị trà mà hơn thế, qua ấm trà còn thể hiện rõ văn hóa thưởng trà của người Việt.

Từ “Nhất ấm nhì trà…”

Người Việt xa xưa, từ người bình dân đến tao nhân mặc khách, vua hiền, quan thanh liêm, hay những vị chân tu… đã coi việc thưởng trà như một thói quen, một thú vui tao nhã, một phép tu thân... Và rõ ràng thưởng trà của người Việt mang phong cách riêng, đã thành nét văn hóa tự nghìn đời. Vậy mà trước đây chẳng mấy người đi nghiên cứu sâu và thừa nhận có văn hóa trà Việt.

Sinh ra ở vùng đất “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên và là người “nghiện” trà, ông Mông Đông Vũ - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, một người khá nổi tiếng trong các hoạt động quảng bá và vinh danh trà Thái Nguyên - nhận thấy: Uống trà thì theo thói quen và theo khẩu vị, trên thế giới để đi chứng minh trà của nước nào ngon nhất hay ngon hơn, hoặc giống nhau thì rất khó vì đó là khái niệm tương đối theo cảm nhận của người uống. Nhưng tại bàn trà, món đồ không thể thiếu được trong nghệ thuật ẩm trà, thứ quan trọng nhất của trà cụ, chính là ấm pha trà. Và nó là vật thể hiện rõ nhất văn hóa trà. Vì vậy, để chứng minh sự tồn tại của văn hóa trà, ông Mông Đông Vũ bắt đầu đi sưu tầm ấm trà từ cuối thập niên 80.

 

Chiếc ấm nhỏ có hình dáng đơn giản, nhưng khá nghệ thuật

Năm 2006, tại Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng được tổ chức ở Đà Lạt, ông Mông Đông Vũ đã trưng bày và công bố bộ sưu tập ấm trà của mình. Bộ sưu tập này khiến nhiều nhà nghiên cứu trà, những người sưu tầm và am hiểu về đồ sành, sứ phải giật mình thán phục. Và bắt đầu từ đây chính bộ sưu tập ấm trà của ông Vũ là một trong những hiện vật lịch sử quan trọng, minh chứng cho sự tồn tại dài lâu của văn hóa trà Việt.

Quả thực khi được tận mắt ngắm nhìn bộ sưu tập đó hẳn ai cũng bị chinh phục bởi những chiếc ấm trà xinh xắn với đủ kích cỡ, kiểu dáng. Mỗi chiếc ấm, tùy hoàn cảnh sử dụng mà tự thân chúng đã rất độc đáo. Hình dáng của ấm trà gồm: nắp ấm, thân ấm, miệng ấm, vòi ấm cùng những họa tiết làm ấm tạo nên một tổng thể đặc biệt. Điều này chính ông Vũ cùng những người sưu tầm đồ sành, sứ cổ cũng đã nhận ra, sự tinh tế, cầu kỳ và chỉn chu nhất của người thợ ở mỗi lò gốm xưa có lẽ là thông qua việc làm ấm.

Lịch sử chứng minh đồ gốm, sứ Việt Nam đã có từ rất lâu đời (Khoảng 4000 năm). Bắt đầu sản xuất đồ gốm, trong mỗi lò gốm xưa đã làm ra các vật dụng sinh hoạt để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Ngoài ấm trà người thợ gốm còn làm các loại vật dụng khác như: lộc bình, bình vôi, chóe, chén, đĩa… Nhưng những đồ vật này cũng chỉ có một vài kiểu và hình dáng cũng đơn giản. Chỉ riêng có ấm trà thì vô cùng đa dạng với đủ các kích cỡ, màu sắc họa tiết, hoa văn… Và sự độc đáo này khiến không có một loại vật dụng gốm, sứ nào có thể sánh được.

Những tác phẩm của người thợ gốm xưa đều làm thủ công bằng tay, vẽ bằng tay và nung ở những lò thủ công, vì vậy mỗi chiếc ấm khi hoàn thành đều khác nhau. Ngay cả một người thợ làm một kiểu ấm trà nhưng khi qua lửa nung thì họa tiết màu sắc từng chiếc đã có thể khác nhau. Có những chiếc được “hỏa biến” tạo hình và màu sắc rất đặc biệt. Đôi khi ngoài ý nghĩa là vật dụng, ấm trà còn là đồ quý để biếu để tặng những người thân, những người bạn tri kỉ, những ân nhân. Dưới bàn tay tài hoa, người thợ đã thổi hồn vào những chiếc ấm đó một cách chu đáo và cẩn thận nhất để từ đó gửi đến người nhận một thông điệp, một tình cảm trân quý.

Hơn 30 năm sưu tầm ông Mông Đông Vũ đã có hơn 300 ấm trà (hiện được lưu giữ tại tư gia ở tổ 7 phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) với đủ kích cỡ, hình dáng và niên đại, đủ chủng loại ấm trà cổ, ấm trà cũ với nhiều dòng gốm khác nhau như: gốm Chu Đậu, Móng Cái, Hương Canh, Sơn Đông, Biên Hòa, Cây Mai, Lái Thiêu, Ốc Eo… Ông thấy, ở những nơi cầu kỳ nhất, chơi sang nhất như Sài Gòn, Hà Nội, Huế, đều có rất nhiều ấm trà cổ và có những chiếc ấm vô cùng giá trị… Hiện nay ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn đang trưng bày những bộ sưu tập ấm trà gốm, sứ cổ rất đẹp của Việt Nam qua các niên đại.

Trong bộ sưu tập ấm trà của ông Vũ, từng kiểu dáng, chất gốm đến men và các hoa văn, mỗi chiếc ấm đã mang trong mình những câu chuyện, một nét văn hoá thưởng trà; của các bậc vua chúa, quan lại hay các văn nhân, trí thức và cả lớp bình dân. Ví như chiếc ấm dành cho thường dân thì mộc mạc, đơn giản có chiếc mang vẻ hài hước vui nhộn, lại có chiếc mang dáng dấp buồn, suy tư… Ấm của bậc nho sĩ thì mọi thứ ngay ngắn, cân đối, hài hòa. Hài hòa, ngay ngắn ngay cả màu sắc hình họa đắp, vẽ trên thân ấm hoặc vẽ Tô Đông Pha, những bài thơ về trà của Lục Vũ và một vài vị thánh trà khác…

Thấy phong cách trà Việt

Từ bộ sưu tập ấm trà của mình, ông Mông Đông Vũ cho rằng, văn hóa uống trà Việt được thể hiện qua 3 phong cách: thưởng trà theo cách dân gian; thưởng trà theo cách tao nhã của các tao nhân mặc khách; thưởng trà trong sự giao hòa với tâm linh.

Thưởng trà theo cách dân gian: Người Việt uống trà ở bất cứ đâu với nhiều loại trà, từ trà tươi, trà mạn được pha trong các bình to hay bình nhỏ tùy vào công việc, sở thích. Người ta có thể thấy chiếc ấm trà xanh người nông dân mang theo uống để tiêu khát lúc làm đồng, hay ấm trà uống trên chõng tre bên hiên nhà để xua đi sự oi bức, nóng nực trong những ngày hè, hoặc những cốc trà đá uống vội nơi quán cóc… “Khách đến nhà không trà thì bánh”, chén trà ngọt hậu luôn để khai mở vô vàn những câu chuyện và từ đó gắn kết mối tâm giao. Qua chiếc ấm trà Việt, ta còn thấy cách thưởng trà của một dân tộc vừa tự do, phóng khoáng nhưng cũng rất nề nếp, gần gũi và hiếu khách… Thưởng trà theo phong vị dân gian là cách uống phổ biến nhất của người Việt.

Một phần bộ sưu tập của ông Vũ

Thưởng trà như một thú chơi tao nhã của các tao nhân mặc khách: Đây là lối thưởng trà khá cầu kỳ và được quy định tương đối chặt chẽ. Ví như tùy vào số lượng người uống trà có thể chia là: độc ẩm, song ẩm, tam ẩm, quần ẩm. Hoặc thưởng trà phải uống từng ngụm nhỏ trong lúc tâm hồn nhàn nhã, thanh tịnh là tốt nhất: “...cái thú uống trà, không thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo như bây giờ. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà…” (Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời). Với cách uống này người thưởng trà cũng không chỉ thưởng thức hương vị của trà mà còn chiêm ngưỡng nét đẹp độc đáo của kiểu dáng, họa tiết trang trí trên đồ trà hoặc nghiền ngẫm những chuyện xưa, tích cũ, những nét bút tài hoa lưu trên ấm trà. Qua cuộc mạn trà họ còn thưởng hoa quý, ngắm trăng, làm thơ, bàn chuyện thế sự…

Ấm thờ hoa văn hoa cúc cuối đời Lê

Thưởng trà giao hòa với tâm linh: Qua các bộ đồ trà dùng bày trên ban thờ có thể nhận thấy, xa xưa, người Việt đã luôn có chén trà trên bàn thờ để cúng thỉnh tổ tiên trong những dịp quan trọng. Và nét văn hóa đó còn tồn tại cho đến tận ngày nay, trà luôn là lễ vật quý để dâng cúng trong những ngày lễ hoặc những sự kiện trọng đại, của cộng đồng và mỗi gia đình, từ cúng trời đất, thần phật đến cúng tổ tiên… Trong mỗi nếp nhà vào những ngày lễ, tết, sau khi pha trà dâng cúng tổ tiên thì đại gia đình lại quây quần uống trà dưới chiếu hoa trải giữa nhà. Phong cách thưởng trà đặc biệt này có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có, vừa cung kính, phép tắc nhưng cũng gần gũi và dân chủ, thể hiện rõ đặc trưng văn hóa gốc nông nghiệp.

Ấm Bạch định “gà thần” gốm trắng trong suốt như vỏ trứng gà có niên đại khoảng 800 năm tuổi

Được chiêm ngưỡng hàng trăm ấm trà cổ độc đáo, các niên đại mà ông Vũ sưu tầm, càng hiểu hơn quan niệm về ẩm trà của cha ông. Qua bộ sưu tập ấm trà Việt đồ sộ, ông Vũ khẳng định điều mà ông đã dùng rất nhiều năm tháng và công sức để tìm cách chứng minh, đó là: người Việt có văn hóa trà từ rất lâu đời. Ông quả quyết: “Trà chính là quốc thủy của người Việt mang đặc trưng văn hóa của nền văn minh lúa nước - trọng tình, trọng tĩnh, trọng tập thể… Cách uống trà của người Việt giản dị và gần gũi nhưng đa dạng, cầu kỳ, tinh tế và bài bản không kém bất cứ một quốc gia nào”.

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy