Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
12:57 (GMT +7)

Người Lô Lô Đen đón Tết

Người Lô Lô ở Cao Bằng thuộc nhóm Lô Lô Đen, tập trung ở xã Kim Cúc, xã Hồng Trị, xã Cô Ba huyện Bảo Lạc và xã Đức Hạnh huyện Bảo Lâm, hiện tại có 2.373 người, chiếm 52,3% tổng số người Lô Lô tại Việt Nam. Người Lô Lô ở khá tập trung, mỗi bản từ 20 đến 25 nóc nhà. Họ ở nhà sàn, tầng dưới gầm sàn là nơi để nông cụ và kho lương thực, trên gác là nơi cất những đồ quý và những giống cây trồng cần nơi khô ráo, nhà cửa được sắp xếp theo một trật tự chung đó là dựa lưng vào núi, nhìn ra thung lũng nên rất thoáng mát…

Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô thật mộc mạc nhưng rất độc đáo và đầy sức sống. Ngoài mặt tâm linh thì những "trầm tích" về văn hóa truyền thống còn thể hiện như là một nguyên tắc sống được truyền từ đời này qua đời khác để tồn tại, phát triển ở mảnh đất đầy khắc nghiệt này.

Tết Nguyên đán hàng năm là dịp được người Lô Lô coi trọng nhất. Phong tục đón Tết của người Lô Lô ẩn chứa những giá trị văn hóa đậm nét của các cư dân trên miền núi cao. Với người Lô Lô, vào những ngày cuối cùng của năm cũ là những ngày bận rộn, đặc biệt sau chợ phiên ngày 25 tháng Chạp, mọi người sẽ tập trung quét dọn nhà cửa, quét dọn chuồng trại gia súc gia cầm cho sạch sẽ để chuẩn bị đón Tết đón tài lộc năm mới. Những ngày này đàn ông trong bản thường giúp nhau bắt lợn làm thịt, người trẻ thì mổ gà chuẩn bị các món ăn cho bữa cơm tất niên trong những ngày Tết, vì theo phong tục, từ sau phút giao thừa cho đến khi thầy tào xem được ngày tốt, giờ tốt thì dân bản mới được phép quét dọn nhà cửa và mổ lợn, gà, vịt, trở lại. Chị em phụ nữ lại bận rộn bên những khung cửi để kéo sợi, dệt vải và hoàn thành nốt các bộ quần áo mới cho mọi thành viên trong nhà để vui xuân.

Thiếu nữ Lô Lô hái quả vườn nhà để cúng tổ tiên trong ngày Tết

Người Lô Lô quan niệm bước sang năm mới, trong nhà không chỉ có ngô, gạo mà phải có nhiều củi và nước, đó là thành quả của một năm làm ăn bội thu sung túc. Vậy nên, trước thềm năm mới, họ sẽ kiếm sẵn nhiều khúc củi lớn đủ để đun trong những ngày Tết, đặc biệt mỗi nhà phải chuẩn bị một khúc củi to, dài đủ để giữ lửa, theo quan niệm của đồng bào, từ chiều 30 tháng Chạp cho đến hết Tết, bếp lửa trong nhà luôn phải có lửa cháy, để cả năm được ấm áp như lửa, ngoài ra còn có tác dụng đuổi tà ma trong đầu năm mới.

Sớm mồng một, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên bếp lửa, kiểm tra đầu củi cháy thành hình gì để tiên tri cho năm sau. Nếu củi cháy thành hình tròn thì năm đấy sẽ nuôi lợn tốt. Còn củi cháy thành hình nhọn thì sẽ nuôi gà tốt. Khúc củi sẽ được đun đến khi còn một đoạn ngắn thì giữ lại, để đến kết thúc tháng Giêng, vào ngày 30 sẽ đem ra đun nốt, đánh dấu khép lại những ngày xuân, bắt đầu công việc của năm mới.

Người Lô Lô có tục đi lấy nước mới đầu năm, sáng sớm mồng một sau phút giao thừa các gia đình đốt đuốc đi gánh nước đầu nguồn đem về đun pha trà dâng cúng tổ tiên. Cả nhà cũng rửa mặt, ngâm chân bằng nước mới đầu năm để lấy may mắn cho cả năm, giúp họ tỉnh táo, mạnh khỏe, trẻ con thông minh hơn. Phần nước còn lại đem cho vật nuôi uống để béo, khỏe hơn. Sáng sớm ngày đầu năm, người Lô Lô sẽ gọi vật nuôi thức dậy. Họ coi chúng như người bạn, giúp họ công việc đồng áng hằng ngày.

Người Lô Lô cũng chế biến rất nhiều loại bánh bằng gạo nếp như bánh chưng, bánh khảo, như người Tày, Nùng. Điểm khác biệt bánh chưng của người Lô Lô không làm nhân đỗ xanh mà chỉ làm nhân bằng thịt ba chỉ lợn. Thịt để làm nhân bánh chưng thường được thái dài bằng chiều dài của chiếc bánh và được tẩm ướp bằng những thứ gia vị có sẵn tại địa phương như gừng núi, hạt tiêu rừng và muối trắng. Bánh được gói hình dáng như bánh chưng gù của người Tày, Nùng. Đồng bào thường gói bánh chưng vào trước ngày 30 để kịp đêm giao thừa có bánh để cúng tổ tiên.

Ngoài bánh chưng, người Lô Lô còn chế biến thêm một loại bánh nữa cũng bằng bột gạo nếp, mà loại bánh này thường được làm sau phút giao thừa. Vì vậy, vào đêm giao thừa sau phút sang năm mới, mỗi gia đình lại cử người ra gánh nước tại mỏ nước của bản về nhào bột, làm bánh nếp. Bánh bột nếp là loại bánh rất đặc trưng chỉ riêng có của người Lô Lô, có tên gọi theo tiếng dân tộc là “Chò mìa chá”. Loại bánh này cũng được gói bằng lá dong tựa như bánh chưng. Màu bánh cũng rất đặc biệt bởi gạo nếp trước khi nghiền bột được ngâm bằng nước của loại lá lấy từ trên rừng, có màu xám đen.

Bữa cơm đoàn viên trong ngày Tết của người Lô Lô Đen

Trong ngày đầu năm mới, loại bánh này được buộc ở các cột nhà, cột chuồng gia súc gia cầm, buộc vào nông cụ lao động để cầu may mắn, mùa màng bội thu. Bánh được treo hết ngày 15 Tết mới được gỡ xuống, bởi từ xa xưa người Lô Lô quan niệm vạn vật đều có linh hồn, ngày Tết tất cả đều phải được đón Tết đủ đầy.

Đêm giao thừa là đêm các gia đình người Lô Lô thường tập trung cả nhà cùng ôn lại những câu chuyện của năm cũ. Người cao tuổi trong gia đình tổng kết những gì đã làm được và những việc chưa hoàn thành, rồi vạch kế hoạch mọi công việc cần làm cho năm sau. Người Lô Lô quan niệm, tiếng gà gáy đầu tiên trong bản chính là khoảnh khắc đón giao thừa. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong bản có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về ăn Tết với con cháu. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả bản làng.

Vào sáng sớm mùng một, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sẽ sửa soạn bàn thờ để mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Trên bàn thờ tổ tiên của người Lô Lô đều có những hình nhân làm bằng cây gỗ "Mạy Vjẹc" - một loại cây được người Lô Lô quan niệm là vật thiêng được lấy từ trong khu rừng thần của bản. Rừng thần của bản được coi là nơi trú ngụ của thổ công. Người Lô Lô rất coi trọng tổ tiên. Nhà nào cũng phải có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Do sống ở trên vùng rừng núi cao nên họ thờ thần đất và mặt trời. Hàng năm dân bản thường tổ chức cúng thần thổ công, làm lễ xông đất để đánh thức hồn lúa, hồn đất dậy để xua đuổi chim, chuột, sâu bọ, cầu mưa gió thuận hòa nương rẫy được xanh tốt.

Theo quan niệm của người Lô Lô thì bữa cơm cúng tổ tiên và các thần linh phải được chuẩn bị từ những thực phẩm từ thiên nhiên hoặc do chính bàn tay lao động làm ra, để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thần đất sẽ xua đuổi tà ma, rủi ro, đem lại may mắn trong năm mới. Cho nên dù có khó khăn vất vả đến mấy cũng tìm cho bằng được những loại nguyên liệu để chế biến. Đặc biệt, bàn thờ của người Lô Lô không thể thiếu cành cây “Mà si phìa”. Cành cây này được cắm từ cầu thang, cửa nhà đến bàn thờ tổ tiên để cầu cho gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, ăn nên làm ra, con cháu thảo hiền…

Đối với người Lô Lô dù khá giả hay nghèo, Tết đều phải có thịt lợn đen treo trên gác bếp. Cỗ Tết được coi là to và sang thì ngoài món thịt lợn đen hay món gà trống thiến, phải có nhiều món khác như món cá lam thơm ngon nổi tiếng. Để có được cá lam người ta thường vào rừng tìm những con suối, con khe có loài cá này sinh sống. Cá bắt về được làm sạch rồi mổ bỏ ruột, tẩm muối và một số loại lá rừng, rồi cho vào ống tre để nướng. Khi cá vừa chín tới thì bày ra đĩa. Cá lam nướng đạt tiêu chuẩn phải không còn mùi tanh, thơm mùi tre non và lá rừng nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hương vị của cá. Ngoài ra, phải kể thêm các món như nhái nướng, nhái rang, món nhện nướng, châu chấu, cào cào rang... Đó là những món được đồng bào cho là món ngon, bổ dưỡng chỉ khi nào có khách quý đến chơi Tết mới được đem ra mời nhắm rượu. Để kiếm được những con côn trùng thơm ngon này, người Lô Lô phải vào rừng lật từng viên đá, ống bương, ống tre mục hay vạch từng chiếc lá, có khi đi cả buổi cũng chỉ tìm được vài con mang về nhà.

Bắt đầu ngày năm mới, sau khi ăn mâm cơm cúng sáng ngày mồng một Tết xong, mọi người mới bắt đầu đi xông nhà. Người Lô Lô rất coi trọng việc xông nhà, họ quan niệm chỉ người đàn ông mới được đi xông nhà, sau đó phụ nữ và trẻ em mới đi vào các nhà để chúc Tết.

Trong cả 3 ngày Tết, người Lô Lô không ra đồng làm việc. Họ quan niệm để mưa thuận gió hòa, có một năm bội thu thì sau những ngày nghỉ Tết, khi nào thầy Tào, người cao tuổi uy tín trong bản chọn được ngày, giờ tốt ra đồng cuốc đất, khi đó các gia đình mới được đi làm đồng.

Từ ngày mồng một đến hết ngày mồng ba Tết, người Lô Lô không mở cửa. Khách đến chơi nhà khi ra vào cũng phải chú ý khép cửa lại. Chủ nhà sẽ treo “Xì pèng” ngoài cửa và chọn giờ đẹp mở cửa đón không khí xuân. “Xì pèng” là loại cây dại mọc trên núi, được mang về phơi khô, mang ý nghĩa cầu sự may mắn, an lành. Trong những ngày đầu xuân, người Lô Lô không sát sinh con vật, không cãi cọ, tránh làm vỡ đồ và hoạt động mạnh, vì đây là những điều tối kỵ.

Với người Lô Lô, trong những ngày xuân, mọi người khi gặp nhau, dù không quen biết, nhưng ai cũng có thể gửi lời chúc phúc bằng những làn điệu, khúc ca đã được truyền giữ từ ngàn đời. Đây là một nét văn hóa rất riêng thể hiện tình cảm mến khách. Còn những chàng trai cô gái Lô Lô, ngày xuân là dịp để họ gặp nhau trao gửi tâm tình qua những điệu dân ca đối đáp mượt mà, sâu sắc. Những gương mặt rạng ngời và tiếng hát đối đáp của các chàng trai, cô gái Lô Lô vang lên giữa đất trời làm cho núi rừng thêm ấm áp, bừng dậy sắc xuân trên rẻo cao, cho thấy một mùa xuân no ấm đang về.

Hoàng Thị Nhuận

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy