Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
01:29 (GMT +7)

Người đàn ông ở khu nhà vui vẻ

(Thân mến tặng tùy bút này cho những người đàn ông ngụ trong khu nhà T36)

Ở ngã tư, đèn đỏ. Đôi vợ chồng nhìn nhàu như táo tàu, nhí nhách chuyện trò. “Này ông, xem có thằng mười bảy mười tám, cấy rẽ. Đem về, tôi lo cho”. Mụ vợ, kéo khẩu trang - Giống hệt cái rọ mõm con chó, hất hàm nói với  chồng. “Ờ hớ. Để anh tính”. Anh chồng, cười tấp tửng. “Ờ với chả hớ. Nhỡ, từ hồi xửa xưa thì bê về. Bây giờ, không có tính chuyện”. “Mẹ mày buồn cười. Con nào chả là con. Mười bảy mười tám, hay sắp sinh, có khác gì nhau”. “Thôi đi ông ơi. Cái đồ điếu cày hở nõ, còn tinh vi”. Giật mình. Hờ. Anh Kệ ngoái người nhòm đôi vợ chồng cùng đỗ xe máy chờ đèn. Mặt quen quen. Nhớ ra rồi. Mụ này phe bánh mì ở cửa siêu thị BigC. Thường khi về quê, đi ngang, anh Kệ hay mua vài chiếc. Gã chồng, thì chịu, không biết mặt. Nhìn hai vợ chồng nhà này tình tứ chuyện trò, thấy ấm quá. Ờ, không tính nghề nghiệp, bằng cấp, chuyên môn gì cả. Chưa khẳng định nhé, ừ. Chỉ số hạnh phúc, khối đôi quyền cao sang chảnh lên xe xuống phà, chắc gì đã bằng họ. “Kể cả mình, đồ điếu cày phọt phẹt”. Anh Kệ bỗng cười. À mà. Điếu cày hở nõ là sao nhỉ? Điếu cày -  Kệ điếu cày, là chỉ mình rồi. Biệt danh bà con khu nhà T… đặt cho anh Kệ. Chả là từ lâu, anh nghiện nặng thuốc lào, mà người thì cứ dài ngoằng ngoằng hệt chiếc điếu cày. Ngẫm mãi. Điếu cày, buổi sáng sớm đem ra súc, thay nước. Lông gà ngoáy nõ. Tinh tươm. Lắp lại, lỏng tay. Bắn hơi thuốc lào,... phịt phịt phịt. Không được tròn khói. À. He he. Từ nay, ghét đứa nào. Mình sẽ gọi là: “Cái đồ điếu cày hở nõ”.

Người đàn ông ở khu nhà vui vẻ
Minh họa: Dương Văn Chung

Anh Kệ có người bạn, thân từ thủa còn đi lính. Hai nhà chơi với nhau ngót ba chục năm nay. Cà phê ở đâu đó, uống rượu chỗ nào, anh Kệ cứ hay lấy mẫu gia đình bạn để làm gương về sự khăng khít, gắn bó chặt chàng… thế mà đường đột, tháng trước, vợ chồng họ đưa nhau ra tòa ly dị. Nhanh, chóng vánh. Sóng gió âm thầm thực ra đã từ lâu. Thì, cũng chỉ từ những điều vụn vặt, không ăn nhập. Nói khác đi, vợ chồng họ không chịu xoay xoay cho bữa cơm chiều yên ả, bởi, ăn sáng và trưa là ở cơ quan, ở ngoài rồi. Đùng một cái, tan mất đàn. Đàn bây giờ chỉ còn hai. Các con họ đã có gia đình, lập thân. Có lần, anh Kệ từng cảnh báo bà vợ bác ấy khi thấy bà cứ o bế giờ giấc, ăn uống, tắm rửa, ra vào tắt bóng điện, tắt quạt… rồi tật xem ti vi đấm bốc khuya của anh. “Thời bây giờ, thành viên trong mỗi gia đình, luôn có xu hướng văng ra ngoài đấy. Giờ hồn. Liệu mà bồi bổ, mà chịu đựng nhau, không là mỗi người một tô cơm hộp". Ờ, thế mà, oành. Thủi thui cái miệng anh. Hôm trước, gặp bác trai. Trông cũ kỹ lắm vì cơm hàng cháo chợ. Còn chị vợ. Sụng xịu quá vì mất ngủ triền miên, chiếu giường chống chếnh. Khổ thế.

Sáng nay anh Kệ bận sinh hoạt định kỳ, ban hòa giải. Điện thoại để chế độ rung. “Anh đi đâu mà em gọi không bốc máy”. Chủ tịch nhà tích đến năm cuộc, anh Kệ chẳng nghe vì mải ngắm bác trưởng ban đang chém gió như đình điệu, trên bục. Tiếng bà xã tăng tăng như dây đàn. “Hả, họp xong, anh giờ đang đến thăm bác X…” - bạn anh Kệ “tan đàn” tên là X… Độ rày, mỗi khi thấy giọng bả sậm sật mưa phùn là anh lại bảo đến giao lưu với bác X… nghe vậy, bả đang giọng quãng chín, hạ ngay xuống quãng ba. Ha ha. Giờ, tớ vẫn còn đang họp, chứ có thăm bác X, bác Y nào đâu. Sướng ơi là sướng. Ai muối gừng đê?!

… Cái đoạn “mở” khoảng hơn mét của giải phân cách cứng giữa hai làn đường trước khu nhà, anh Kệ gọi là cái “lổ”. Đường đôi mà để cái “lổ” hơn một mét ở giải phân cách cứng, không đèn, không biển báo thế này thì là bẫy rồi. Nghe đâu một ông chức việc cấp phường có nói với Ban quản lý thi công con đường hồi cách đây hơn mười năm. “Sẽ không mở to hẳn để bọn ô tô khỏi quay đầu. Chỉ cho xe máy đi thôi”. Nghĩ, là nhà ông ấy không đi ô tô, chắc. Thế là Ban quản lý dự án ok. Nói thật: Thế giới có một, nước ta có một, ở thành phố này có nhõn cái kiểu trích lối quành xe kiểu như thế. Câu chuyện sẽ không thành chuyện gì khi lúc đầu con đường vắng người đi, sau đông dần và thế là cứ... tung lên, tung lên. Nghĩa là người đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy qua lổ, bị xe máy, ô tô ngược chiều bên mé kia “tung lên”. Người thì giữa đêm khuya thanh vắng bị tung, rồi vào viện, rồi chết - nghe phong thanh thế, chưa kiểm chứng. Có sự việc thế này. Một cậu thanh niên sau khi “tung lên” nói được một câu: “Gửi giúp cháu cái xe máy” với người đi đường là xỉu luôn... hai tháng nằm viện, khỏi, cậu thanh niên trở về tìm xe với dáng đi chấm phảy và mặt thì bị gạch dài một đường trang điểm. May, thấy xe. Các bác bảo vệ khu nhà T… vẫn giữ và trùm kín chiếc xe Honda của cậu ta.

Cái “lổ” cứ thế hoành hành. Tuần, hơn tuần lại “tung” một phát... họp chi bộ khu phố, ban quản lý khu tập thể T… đối diện chỗ cái “lổ” đã nhiều lần đề nghị, kêu ca trong các buổi sinh hoạt phường, sinh hoạt khu nhà. Có lần, cả một xe biển xanh đang tức tốc chở Ban chỉ huy đội phòng cháy chữa cháy ra chỉ đạo cứu hỏa ở phố bên, đến đây thì bất chợt “tung” một cậu thanh niên đi qua “lổ”. May, cậu này chỉ chấn thương phần mềm, vào viện qua loa. Thấy rõ đông người chức việc xúm quanh đám tai nạn, anh Kệ mặc vội quần áo đi ra: “Chú đã đưa lên VOV giao thông phát về cái lổ ba lần mà chẳng ai giải quyết. Lấp thì lấp, mở rộng thì phải có đèn hiệu, biển báo”. Mấy người tre trẻ giao thông công chính có, tự vệ phường có... đều đồng thanh: “Thế hả chú”. Rồi một cậu cưng cứng tuổi nhất, mặc thường phục. Anh Kệ đoán là Giao thông công chính hay cán bộ hành chính phường, nói chắc như cục gạch: “Chú yên tâm, chúng cháu sẽ có ý kiến ngay với quận”. Anh Kệ thở phào và chờ... gần tháng, cái “lổ” vẫn y nguyên, đồng thời tuần nào cũng lại vài bận “tung”. Anh quyết định viết một lá đơn định sẽ gặp trực tiếp chủ tịch quận C…, gửi, trình bày cái sự canh cánh mấy năm nay về “lổ”. Lá đơn ngoài những rằng thì là mà, chiều hôm ấy chính tay anh cầm đặt nghiêm ngắn trên bàn tiếp khiếu nại công dân Uỷ ban nhân dân quận. “Cho chú gặp ông chủ tịch”. “Chủ tịch quận đi họp chú ạ. Chú có ý kiến gì thì để đơn đây. Họp về, đồng chí ấy giải quyết”. “Chắc lại tí hút thôi”. “Chú nói gì ạ”. “Tí hút mà”. “Chú để lại địa chỉ, số điện thoại và cho cháu xin số Chứng minh thư nhân dân”. “Làm gì phải số chứng minh với địa chỉ”. “Thì để Quận hồi âm chú”. “Thế hở”. Thế là anh cung cúc làm theo lời cái con bé rõ xinh - hình như mép nó mượt ria măng mọc. Mười ngày, mười lăm ngày... tí hút. “Hôm nay mà chưa động tĩnh, đêm, mình sẽ ra, trộm gạch, xây bịt lại”. Buổi sáng, đi chữa xoang qua, anh Kệ cứ nhìn cái lổ, lẩm bẩm. Thật may, trưa về. Cái “lổ” đã được hàn, rất xinh. Anh Kệ thở phào, cơm tối, tự thưởng luôn mình một lon bia Trúc Bạch. Xoang thì xoang. Lổ ơi lổ, mấy năm trời bao lời đề nghị, bao cuộc kêu ca, bao chuyện thương đau từ các cú tung lên,... chỉ với ba cục phân cách mềm kê lại. Hết đời lổ chưa.

Quay đi quay lại,  vèo. Đã cuối tháng Chạp.

Buổi sáng tinh mơ, anh Kệ thảnh thang cà phê, xong, nhảo qua tiệm cắt tóc, sửa cái mai, cái gáy, để diện Tết. Gặp một “bà” cũng chấm chân mày, chân tóc - chơi Tết. “Năm nay Giáp Thìn. Ai Hợi, tuổi đây. Nhất là đàn ông, buồn thảm”.  Thấy bà bô lô ba la với thằng cháu làm nghề. “Đàn ông tuổi Hợi, đứng chữ Kỷ, buồn sao chị?”. Anh Kệ ngồi thẳng, nhỏ giọng và nhòm né nhà chị ranh rảu. “Thì là năm sao xấu. Hết sạch may. Cả đời những ông tuổi này lậm lụi, kém cỏi. Lại không chí tiến thủ. Chỉ nằm sẵn, chờ vợ, chờ con”. Hu. “Thế tỷ phú Jack Ma và ông Park Hang Seo thì sao”. Jack Ma, anh Kệ ang áng, còn thầy Park thì biết chắc tuổi Kỷ Hợi rồi. “Hai ông này không tính”. Chị này bỗng ngoái, nhìn sững anh Kệ, rồi sẵng. Xong, còn lườm anh cú nữa. Chết cha, gặp quạ khoang rồi. Định xuê xoa: Tôi cũng xém Hợi đây... anh Kệ dừng ngay lại, và cứ thế ngồi trật tự. Cú quá, đúng 27 Chạp, bị gieo quẻ… tạ.

Tết.

Quê, mọi thứ đã gọn gàng. Cũng đơn giản thôi. Hôm nay anh Kệ lại còn hăng hái ship hàng cho chủ tịch nhà. Chả là chị làm pate, các loại nước quả bán thêm trong khu. Hờ. Tuy bà ấy bảo “Anh đưa hộ em”, thực ra là bả sai mình. Khụ khụ.

“Đang yên đang lành tự dưng lại Tết”.

Ngẫm, bất quá Tết cũng chỉ là nỗi lo của người có tí tiền. Có tiền đâm sinh lễ nghĩa, thèm có cái nọ, thèm sắm thứ kia. Áy náy. Xả hơi. Tết là nỗi lo của những người tham vọng. Phải đối ngoại, mong vừa lòng từ ông bảo vệ đến chị nấu bếp, trở lên... đi nhẹ, nói khẽ, cười nhủm nhỉm. Tết sẽ rất thú vị với ai sống thanh đạm, tâm thế nhẹ nhàng. Ai thích hoài niệm sẽ vui thầm và mong Tết về. Tết ấm áp bên người thân, dầu không đầy đủ, to tát, sẽ là cái tết đoàn viên, thú vị và ý nghĩa nhất. Chiều, bà xã sai anh phóng xe máy lên phố mua vỏ bánh gối gửi làm quà cho con gái, lấy chồng tận Sài Gòn. Tiện, anh Kệ nháo qua cơ quan xin cuốn lịch Tết. Anh gặp ông bảo vệ, đứng nghiêm, oai phong bên cây đào thế - lúc cần nghiêm, có khi bố lại chả nghiêm cho. Đường sá loe xoe người. Cuối Chạp, Tết như chạm tới. Ra đường nhiều ô tô, ken ken, chứng tỏ đời sống xã hội có lên. Nắng chợt hoe, trơn dịu. Tự dưng vừa đi anh Kệ vừa rên sáo miệng. Giờ, về đến nhà, anh cố nhớ mình huýt điệu gì mà nghĩ mãi không ra. “Trí nhớ rồi sẽ dần, từ bỏ ta đây”. Anh Kệ  cứ lẩm nhẩm trong miệng.

Ngày xưa, quê anh Kệ có một ông đội trưởng. Thời, còn Hợp tác xã lớn, đội trưởng ngang với trưởng thôn bây giờ. Ông này có tật nói việc gì, kể chuyện gì, cổ súy hay chê trách ai, đều gắn câu: Coi như là vào cuối. Kiểu như: Hôm nay đội ta họp dân, coi như là. Hay: Tết này cả làng vui đáo để, nhà nào cũng đụng thịt lợn và có pháo đốt, coi như là. Hoặc. Thế là hai đứa sau thời gian một tháng tìm hiểu, chúng đã cưới nhau rồi, coi như là... “Coi như là, được nằm với nhau hả thầy”. Ở dưới, các bà, các chị, các em nhìn nhau, nhủ nhỉ cười. Đại để thế. Ông ấy quen mồm cứ gắn tùm lum cụm từ coi như là vào cuối mỗi câu ông phát. May quá, tối qua được tin con gái cùng các cháu ở Sài Gòn sẽ ra ăn tết cùng anh chị - Cầu được ước thấy, may quá. Thế là cả nhà chúng đem Tết đến cho anh chị sớm rồi, coi như là. Hôm trước, ngày ông Công, anh Kệ đã về quê dọn được bàn thờ gia tiên. Chị nhà đóng một chai nước gừng và cái khăn bông sạch sẽ để anh lau bàn thờ. “Lau bàn thờ, ông nhẹ tay. Kẻo các cụ giận cho, điếu cày à”. Xe nổ máy rồi bả còn dặn với. Vậy là nhiệm vụ Tết của anh Kệ đã xong xuôi từ ngày ông Công ông Táo. Ôi cái tết con Rồng này, các con cháu ra, vui quá. Coi như là…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 4 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 5 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 1 tuần trước