Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:42 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Người con của quê hương cách mạng

Tôi đã về xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên nhiều lần, lần nào cũng có cảm xúc mạnh mẽ. Tiên Phong - vùng ATK II, nơi hoạt động của Tổng Bí thư Trường Chinh, của đồng chí Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí cán bộ của Đảng, thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ông Nguyễn Kiên Quyết và tấm bằng Tổ quốc ghi công của em gái, liệt sĩ Nguyễn Thị Sáu
Ông Nguyễn Kiên Quyết và tấm bằng Tổ quốc ghi công của em gái, liệt sĩ Nguyễn Thị Sáu

 

Mỗi bước đi khơi dậy trong tôi bao nhiêu suy nghĩ, cảm phục về vùng đất đã sinh ra anh hùng Lý Bí (Lý Nam Đế) cách chúng ta trên 15 thế kỷ, người đã tổ chức dân ta đánh đuổi giặc Lương và lập ra nước Vạn Xuân hiển hách, người Việt Nam đầu tiên xưng Hoàng Đế…

Lần này về Tiên Phong, tôi có thêm tâm trạng bồi hồi, xúc động khi tìm về quê hương của liệt sĩ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Sáu, một trong 60 liệt sĩ hy sinh đêm 24/12/1972, đã để lại bao tiếc thương, nhưng đầy tự hào của lớp lớp người không chỉ với Thái Nguyên, mà còn đối với cả nước trong gần 50 năm qua.

Từ đầu con đê đi về trung tâm xã, tôi rẽ lên đường nhựa mới hoàn thành. Tôi đã đi nhiều nơi trong, ngoài tỉnh nhưng chưa thấy con đường nào ở nông thôn mà lại thẳng, dài đến gần 2,5km và rộng đến 5m như thế. Hai bên đường, nhà cửa san sát, có đủ các cửa hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân. Bất cứ ai đến đây cũng có cảm giác như đi giữa hai dãy phố của một thị trấn, thị xã nào đó.

Tôi đến xóm Yên Trung, xóm có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia: Nhà đồng chí Ngô Hải Long, ngày trước là nơi hoạt động của đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí cán bộ khác của Đảng thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; nhà bà Hoàng Thị Úc - nơi Xứ ủy Bắc Kỳ đặt cơ sở in báo Cờ Giải Phóng năm 1942.

Tôi gặp ông Nguyễn Kiên Quyết, anh ruột liệt sĩ Nguyễn Thị Sáu. Ông Quyết năm nay đã 75 tuổi, giọng nói nhỏ nhưng rõ ràng, thể hiện người có trí nhớ tốt. Ông bồi hồi kể lại: “Nhà tôi có 9 anh chị em, Sáu là thứ sáu. Thời ấy kinh tế khó khăn lắm, Sáu biết hoàn cảnh gia đình nên rất chịu khó lao động, hàng ngày đi học về là ra đồng cùng bố mẹ. Sáu khéo tay lắm, đi cấy hay đi làm cỏ lúa, chăm ruộng ngô… đều rất gọn gàng. Nhà đông anh chị em nhưng Sáu không khi nào tị nạnh với ai, nhiều khi Sáu còn làm thay việc cho cả nhà.

Học hết lớp 6 (hệ 10 năm), năm 1972 có đợt trên về tuyển thanh niên xung phong, Sáu giấu bố mẹ, anh chị em, tình nguyện viết đơn. Tận đến khi có giấy báo ngày lên đường, gia đình tôi mới biết. Bố mẹ tôi thường khuyên anh chị em tôi học hết lớp cấp II rồi hãy lo đi làm việc khác. Bởi vậy, khi ấy bố mẹ tôi băn khoăn, suy nghĩ lắm, lúc đầu cũng định khuyên Sáu ở nhà học tiếp, nhưng thấy Sáu tỏ ra háo hức, quyết tâm nên bố mẹ tôi cũng đồng ý. Sáu bảo “Bây giờ đang là thời chiến, bao nhiêu thanh niên nam nữ trong làng đã ra đi chiến đấu, phục vụ chiến đấu, con không yên tâm ở nhà đi học, bố mẹ hãy cho con đi”. Sáu vui lắm, trước hôm lên đường vài ngày, Sáu đi chào họ hàng, anh chị em.

Ông Quyết ngừng kể, đôi mắt ông dõi ra xa, ngoài trời mưa nhỏ li ti như rắc một lớp sương mờ lên những chùm lá non trên khoảng vườn trước sân. Không gian trầm lắng, nghe rõ tiếng kim đồng hồ điểm nhịp trên tường. Tiếng ông Quyết trầm hẳn xuống:

- Ba tháng sau, em tôi được về thăm nhà. Trong bộ quần áo thanh niên xung phong, trông Sáu rắn rỏi, chững chạc hẳn lên. Em kể cuộc sống thanh niên xung phong tổ chức như đơn vị quân đội, theo tiểu đội, đại đội, em bảo được làm tiểu đội phó. Công việc chính của TNXP là san lấp đường. Chủ yếu làm đêm để tránh máy bay địch. Sinh hoạt đơn vị vui lắm… Nhìn nước da sạm nắng của em, chúng tôi biết em vất vả, thương em lắm. Hôm em trở lại đơn vị, vợ tôi gói bánh cho em đem đi. Lần thứ hai em về vào khoảng cuối tháng 12 năm 1972. Em kể đơn vị đang làm nhiệm vụ sửa đường, bận lắm, theo chỉ huy cho biết: Nhiệm vụ của đơn vị ngày càng nặng nề, mọi người cần sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Sáu nói với bố mẹ “Chúng con đã xác định rồi, để cho ngoài chiến trường bộ đội ta bớt đổ xương máu, việc gì cấp trên giao chúng con cũng sẽ cố gắng hoàn thành”.

Ông Quyết ngừng kể, tôi ý tứ nhìn nét mặt, biết ông đang cố gắng nén xúc động. Vài phút trôi qua, ông chậm rãi kể tiếp: “Cả hai lần về nhà, em tôi đều đi bộ từ bến xe Ba Hàng về, quãng đường trên 10 km. Khi ở nhà đi cũng thế. Không biết có phải do linh cảm hay không, mà lần thứ hai, trước lúc đi em lặng lẽ ôm bố mẹ tôi rất lâu. Và khi em ra khỏi nhà, bố mẹ tôi cũng không cầm được nước mắt…”. Nói đến đây ông cố nén xúc động, mím chặt môi. Tôi hiểu những giọt nước mắt của ông đang chảy vào bên trong. Tôi lặng lẽ ngồi chờ cơn xúc động của ông qua đi. Nhưng có lẽ sự chịu đựng, kìm nén của con người cũng có giới hạn, ông đưa tay thấm những giọt nước mắt, nước mắt của người đàn ông ở tuổi 75, đã trải qua bao biến cố của cuộc đời. Tôi đỡ bàn tay gầy gò của ông, an ủi: “Tôi cảm thông và chia sẻ nỗi đau của ông và gia đình, xin ông bình tĩnh”. Động viên ông như vậy, thực tình trong lòng tôi cũng rưng rưng xúc động. Một lát, dường như ông đã trấn tĩnh phần nào, tôi nhẹ nhàng hỏi: “Chị Sáu có để lại kỷ vật gì không?”. Phải đến một, hai phút sau ông mới nói, mà không đi vào câu hỏi của tôi:

- Tôi không ngờ lần thứ hai em tôi về thăm nhà là lần cuối cùng. Mấy ngày sau, ngày 25/12/1972, gia đình tôi nhận được tin em tôi đã hy sinh cùng với nhiều đồng đội khác ở khu vực ga Lưu Xá trong khi đang làm nhiệm vụ. Bố mẹ, các chị em tôi, bà con họ hàng, dân làng đến thăm hỏi,… không ai cầm được nước mắt.

Ngày 26/12/1972, tôi và ông chú ruột lên đơn vị của em. Chính trị viên của đơn vị tiếp đón, thông tin sự hy sinh của em tôi và chia buồn với chúng tôi. Người chính trị viên đưa ra một số kỷ vật của em tôi, gồm chiếc ba lô, bộ quần áo thanh niên xung phong, một cuốn sổ tiết kiệm có 37 đồng... Cầm những kỷ vật đó trên tay, tôi và ông chú nghẹn ngào không nói nên lời. Chúng tôi không đủ can đảm đem những thứ ấy về nhà. Sau này đơn vị chuyển về địa phương và trao lại cho gia đình tôi.

Nói đến đây tôi lại thấy người ông Quyết run lên. Nước mắt làm cho con người nhẹ nhàng hơn. Nghĩ vậy, tôi ngồi lặng im. Mấy phút sau tôi hỏi ông: “Những kỷ vật ấy gia đình còn giữ được không?”. Ông nhìn tôi, buồn bã lắc đầu:  “Theo phong tục ở quê tôi, những thứ của người đã mất phải gửi xuống cho người đó dùng, vì vậy đến ngày giỗ đầu của Sáu, gia đình tôi đã hóa gửi xuống cho em, kể cả tấm ảnh”.

Sau vài phút, để cơn xúc động lắng xuống, ông chậm rãi: “Em Sáu mất đi đã gần 50 năm nhưng dường như chúng tôi vẫn thấy bóng hình của em còn đâu đây. Gia đình tôi rất tự hào về em. Em đã hoàn thành nhiệm vụ với nước, với dân, với quê hương”.

Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Thị Sáu sẽ còn mãi với gia đình ông, với quê hương Tiên Phong, góp phần tô thắm thêm vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi ra đời Chi bộ Đảng và Đội Tự vệ Cứu quốc đầu tiên của huyện Phổ Yên (nay là thị xã Phổ Yên), một địa phương đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ghi chép. Thùy Chi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước