Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
08:13 (GMT +7)

Người câu ba ba trên hồ Huyền Thoại

Buổi sáng hôm ấy, một người đàn ông chừng gần bảy mươi tuổi đường đột bước vào phòng biên tập. Ấn tượng đầu tiên của tôi về lão là vẻ phớt đời, phong trần và... nhếch nhác. Bộ quần áo nhàu nhĩ, vầng trán cao nhưng mái tóc bù xù, tơi tả. Cái bị cói lão mang bên hông, trông bụi bặm, ngang tàng.

- Cho tôi hay đây có phải là Báo văn nghệ của tỉnh không ạ?

Thì ra là một người có ý muốn sáng tác văn chương.

Lão tự giới thiệu tên là Sơn Lâm, làm nghề câu ba ba trên hồ Huyền Thoại. Làm biên tập hơn hai chục năm, gặp cộng tác viên là các nhà văn, nhà báo, là giảng viên đại học, kĩ sư, bác sĩ, sinh viên, thậm chí chỉ là công nhân, nông dân đã nhiều, nhưng một cộng tác viên làm nghề câu ba ba thì quả là độc nhất vô nhị. Tôi vui vẻ tiếp chuyện lão. Còn Sơn Lâm, cũng chẳng nề hà việc mới gặp lần đầu, thao thao bất tuyệt kể về những chiến tích lênh đênh giang hồ sông nước cùng những câu chuyện hấp dẫn về câu ba ba đêm trên cái hồ ít người nhiều ma ấy.

Minh họa: Đào Tuấn

Trước khi ra về, lão đưa cho tôi mấy bài thơ, bảo rằng chúng được… chế tác trong lúc ngồi chờ ba ba cắn câu. Lão ra khỏi cửa phòng là tôi đọc liền. Hóa ra thơ của lão câu ba ba cũng khá, câu chữ còn đôi chỗ hơi vụng nhưng điểm mạnh là có nhiều thi ảnh bay bổng, lạ, đẫm chất lãng mạn giang hồ, rất khác với những bài thơ bình bình, nhạt nhạt, mùa nào thức ấy bấy nay vẫn được đăng tải trên báo. Chắc chắn thơ lão sẽ được bạn đọc thích thú. Tôi quyết định biên tập ngay cho số báo tới. Cái tên Sơn Lâm bắt đầu hình thành từ đấy.

Sau mấy năm, thơ lão được đăng kha khá. Lão đã trở thành hội viên hội văn học nghệ thuật của tỉnh. Tôi bỗng nảy ra ý định khuyến khích Sơn Lâm viết tiểu thuyết. Cái đời tư nhiều lăn lộn, lênh đênh, ngấm đủ mùi đắng cay như lão có lẽ rất hợp với văn xuôi. Cũng là tung hỏa mù vậy thôi, ai ngờ lão nghe theo tôi, cắm đầu viết, bỏ hẳn nghề câu ba ba. Tôi ái ngại nhắc lão không nên mạo hiểm với chuyện áo cơm như vậy. Nhưng lão bảo ba ba hồ Huyền Thoại đã bị lão câu nhẵn nhụi rồi. Cười hề hề, lại bảo nói khoác tý thôi, chứ ba ba của trời đất sinh ra nhiều như quân Nguyên, câu hết thế quái nào được, nhưng vì giăng mắc với cái kiếp nạn văn chương này nên lão quyết định nghỉ câu, nhường cho người khác, nghèo thêm một chút cũng không sao. Hai năm sau thì tiểu thuyết “Kiếp trời đày” của lão lững lững ra đời. Trên năm trăm trang. Bìa có gam màu nóng, đỏ sẫm như máu… ba ba. Nội dung sách bề bộn đời sống hiện thực, lại phảng phất ma quái, thấp thoáng Liêu trai chí dị.

Các tình tiết gay cấn, bi hài đầy hấp dẫn nối nhau cho đến tận trang kết thúc. Trước khi gửi nhà xuất bản, lão đưa bản thảo cho tôi đọc và tôi đã bị cuốn hút ngay từ những trang đầu. Không chỉ ở sự hấp dẫn, những tình tiết li kì mà cái chính là tinh thần cao thượng, lòng vị tha, tính nhân văn của cuốn sách. Tôi đã hào hứng thức suốt mấy đêm sửa những lỗi về câu chữ, chính tả giúp lão. Cuốn sách ra đời được đánh giá như một hiện tượng văn chương ở địa phương. Cái tên Sơn Lâm từ đó trở thành một cái tên quen thuộc của làng văn trong tỉnh.

Giới văn chương nhiều người quí mến, cảm phục lão, nhưng cũng có người nhìn lão bằng cặp mắt e ngại, nói đúng hơn là thiếu thiện cảm. Không chỉ vì lối văn chương bặm trợn, khác người, coi trời bằng vung mà còn ở trang phục nửa lập dị nửa kì dị của lão. Bộ quân phục lính dù cũ kĩ, lúc được giặt giũ, là lượt kĩ càng, lúc nhếch nhác, luộm thuộm như vừa móc ở dưới lỗ lên. Nhất là việc nhiều người còn nghe phong thanh đời tư của lão “có vấn đề”, chuyện bồ bịch, vợ nọ con kia. Tôi không thật rõ lắm những “truyền kì” về Sơn Lâm, cũng chỉ nghe phong thanh qua những lời đồn đại.

Có một lần tôi tới thăm nhà lão. Vào những năm tháng này, nhiều văn nghệ sĩ đã bắt đầu có cuộc sống cải thiện hơn thì nhà Sơn Lâm vẫn là một túp lều gianh rách nát. Vách nhà là những viên gạch xỉ than xếp vào nhau. Trong nhà tuềnh toàng một cái giường ọp ẹp, bộ bàn ghế long chân, bộ ấm chén sứt mẻ...

Hôm ấy, sau khi tiếp tôi bằng bữa rượu nút lá chuối chua lòm nhắm với đậu phụ luộc thả ga, ngà ngà say, lão đưa cái cẳng tay dài lòng khòng chỉ vào chiếc giường đôi ọp ẹp kê ở góc nhà, gà gật:

- Chú có tin là trên cái giường tre cũ kĩ kia, tôi đã từng có nhiều đêm “vợ một bên và em một bên” không?

Cái chi tiết hi hữu và đầy gay cấn lão vừa khoe, tôi đã được đọc trong tiểu thuyết “Kiếp trời đầy”. Nhưng nghe lão nói, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên:

- Tôi tưởng đó chỉ là chi tiết văn học do anh hư cấu thôi, chứ chuyện đó làm gì có trong cuộc đời thực được.

Lão xua xua tay, giọng lè nhè nhưng nghe chừng thành thật:

- Không có hư cấu hư véo gì hết. Nó là thật! Thật trăm phần trăm, thưa chú! Đã có tới mấy năm liền anh và chị chú cùng người đàn bà thứ ba sống khá… yên vui dưới một mái nhà như vậy.

Tôi đờ mặt. Bằng một thái độ nghi hoặc, tôi hỏi lại:

- Yên vui? Làm sao mà có thể yên vui trong một hoàn cảnh trớ trêu như vậy? Chả lẽ vợ anh nặn bằng tượng thạch cao hay sao?

Lão thản nhiên:

- Tôi với chú thì sao có chuyện nói dối được. Ngày xưa, có nhà văn từng nói về thứ hạnh phúc “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”. Nhưng tôi thì đã từng được hưởng cảnh hạnh phúc “một mái nhà tranh ba trái tim vàng” như vậy đấy.

Rồi để tôi tin, lão kể về cuộc tình mà lão đã trải qua.

Người đàn bà thứ ba ấy là một người chuyên quạt ngô nướng ven bờ hồ Huyền Thoại. Đêm đêm, khi đã thu đồ nghề câu, lão thường vác cái bụng rỗng lên bờ. Và chao ôi! Những cái ngô nướng từ bàn tay khéo léo của người đàn bà nọ sao mà thơm ngon đến thế. Người ta bảo tình yêu của đàn ông thường bắt đầu từ cái dạ dày. Với ai không biết chứ với lão thì đúng là như vậy. Chừng như mỗi cơn đói sau đêm câu ba ba mà được mấy cái ngô nướng từ bàn tay dịu dàng của người đàn bà nọ, tình cảm của lão lại như ứ tràn thêm. Cứ thế, hàng tháng trôi qua. Tình trong như đã nhưng cả lão và người đàn bà nọ vẫn không ai dám lộ ra ngoài. Vào một đêm. Như thường lệ, lão đến cái gốc đa có quán ngô nướng để tận hưởng… niềm hạnh phúc vô biên (từ dùng của lão) thì không thấy bóng người đàn bà đâu cả. Như có linh tính, lòng lão nóng như lửa đốt. Nhớ một lần bà bán ngô nói nhà bà cứ đi dọc theo bờ hồ khoảng non cây số là đến. Thế là lão quên cả đói, chạy một mạch dọc theo bờ hồ Huyền Thoại.

Đến nơi, lão thấy bà nằm sốt li bì trên giường. Tim lão đau thắt lại.. Lão vội bế thốc bà lên bệnh viện huyện. Sau nửa giờ được cấp cứu, bà mới tỉnh trở lại. Bác sĩ cho biết may mà lão đưa bệnh nhân đến kịp nếu không thì không biết tình hình sẽ ra sao. Tận cái lần ấy lão mới biết bà là vợ liệt sĩ, sống đơn thân. Khi người đàn bà bán ngô xuất viện, mấy tháng trời lão cố thuyết phục và cuối cùng đã được vợ đồng ý cho người đàn bà bán ngô nướng về cùng ở một nhà, với tư cách là “thứ phi” (cũng là từ của lão). Vợ lão vốn lành hiền và có lòng hỉ xả. Lúc ấy, đang vào mùa đông giá rét căm căm, nhà chỉ có độc nhất một cái chăn bông, ba người chui vào thì càng ấm. Từ đó, nếu không kể những xô xát “ngứa ghẻ hờn ghen” thỉnh thoảng bất thần nổi lên thì nhìn chung cuộc sống của ba người cũng được coi là yên ấm. Hàng ngày, ngoài công việc đồng áng, tối tối “hai bà” lại ra ngoài ngã ba thị trấn huyện bán ngô nướng. Nhưng rồi được mấy năm, “người vợ bé” (thôi thì cứ gọi như vậy cho nó đúng với sự thực) mắc bệnh mất. Vợ chồng lão đã chôn cất người xấu số như một tang lễ người thân trong gia đình.

Nghe lão kể, tôi sửng sốt, thất kinh. Hóa ra cái chuyện lão nói “vợ một bên, em một bên” trên cái giường ọp ẹp kia là có thật một trăm phần trăm chứ không chỉ trong tiểu thuyết của lão. Chinh phục được nhân tình, nhân ngãi đã đi một nhẽ, đằng này Sơn Lâm đã chinh phục được cả... máu Hoạn Thư của vợ thì quả là đáng gờm thay. Nhưng lão bảo: “Tài cán gì đâu. Chẳng qua thấy cảnh cơ nhỡ mà phải đèo bòng”.

Tợp thêm chén rượu, Lão lại chỉ về phía góc sân, nơi có gốc cây cổ thụ bị cưa phẳng tận gốc, mặt nhẵn bóng. Tôi chợt nhớ ra, hình ảnh gốc cây cổ thụ kia lão cũng đã đưa vào tiểu thuyết. Thì ra, tác phẩm của lão có rất nhiều hình ảnh thật ngoài đời. Trong tiểu thuyết, cái gốc cây bị cưa phẳng là nơi ông nhân vật nhà văn nghèo thường xuyên phải ra ngồi để suy ngẫm sự đời. Khi đói, ra ngồi; khi vợ yếu đau mà bất lực, ra ngồi; khi bị vợ chì chiết, đánh ghen, ra ngồi; khi ân hận, sám hối về một lỗi lầm nào đó, ra ngồi… Ngồi quá nhiều lần, cái mặt gốc cây nhẵn lì như đánh véc ni. Vậy là “Kiếp trời đầy” lão đã viết về chính cuộc đời mình.

Nhìn cái mặt gốc cây cổ thụ nhẵn bóng, tôi vỗ vỗ vai lão, nói vui:

- Không phải chỉ có nhân vật trong tiểu thuyết mà chính tác giả của nó cũng nhiều lần ra ngồi đây phải không?

Hình như trúng “tim đen”, lão cười trừ:

- Chẳng giấu gì chú, đúng như vậy! Cũng giống như nhân vật, cái gốc cây này anh thường xuyên phải ra ngồi để... cắn răng ngẫm nghĩ sự đời. Có khi trắng đêm. Mà đời anh thì chú biết đấy, cứ hết sám hối này đến sám hối khác. Khổ vậy!

Tôi bật cười:

- Anh vừa khoe hạnh phúc của anh là “một mái lều tranh ba trái tim vàng”, sao giờ lại kêu khổ?

Lão ật cổ, cười như mếu, vẫn ra giọng triết lí;

- Cái hạnh phúc của anh là có thật, nhưng là cái hạnh phúc trong nước mắt. Thì chú bảo, có hạnh phúc nào ở đời này mà không pha nước mắt?

Lão vớ chai rượu ngửa cổ tu ừng ực. Giọng lão run run, nửa tự hào lại nửa như thảm thiết:

- Đa mang thì phải đèo bòng là chuyện đâu tránh được chú ơi? Nhưng vậy là sướng hay khổ hả chú?

Trông dáng tiều tụy của lão, tôi thấy cần có lời an ủi:

- Sướng hay khổ là do cái tâm của mình thôi. Mình nghĩ khổ là khổ, nghĩ sướng là sướng.

Lão nhăn nhó cười:

- Vớ vẩn!… Nhưng mà chí lí. Cuộc đời anh đúng là trải qua nhiều nỗi oái oăm bởi các cuộc tình ngang trái. Nhưng trời vẫn cứ “bắt tội”. Hình như vì thế mà anh mới viết nổi cuốn “Kiếp trời đầy” vang lừng thiên hạ. Vậy là sướng phải không.

Lão lại cười khơ khớ.

***

Bỗng một thời gian dài, Sơn Lâm biệt tăm. Không ai rõ lão bạt xứ phương nào. Với cánh văn nghệ, tôi là người gần gũi nhưng lão cũng không hé răng một lời. Tôi nghe đồn là đã vào tuổi bảy tám, bảy chín lão lại bỏ nhà sống với một người đàn bà ở tận một huyện miền núi ở tận cuối tỉnh. Làn sóng lên án lão lại rộ lên. Tuy tôi có đôi chút ngờ vực nhưng tận thẳm sâu trong lòng vẫn luôn tin rằng một người đã từng có những trang viết đầy nước mắt nhân văn như lão sẽ không thể làm điều gì xấu xa.

Năm nay, uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập một giải thưởng lớn cho văn học ở địa phương. Ban giám khảo đã trao giải nhì cho cuốn tiểu thuyết “Kiếp trời đày”. Nhưng khi ban tổ chức họp chuẩn y thì nhiều ý kiến đòi truất giải thưởng của Sơn Lâm. Lý do vì tác giả sống bừa bãi trong quan hệ, thiếu đạo đức. Có người còn ác khẩu nói “Văn chương chính là lí lịch tác giả. Sống và viết văng mạng như thế thì giáo dục nổi ai”.

Đúng dịp đó Sơn Lâm xuất hiện ở tòa soạn. Râu ria tua tủa. Mặt mũi bơ phờ. Tôi vội hỏi về những tin đồn không hay về lão và nói cho lão biết về tình hình giải thưởng cuốn tiểu thuyết “Kiếp trời đầy”. Sơn Lâm ngồi lặng đi một lúc rồi nói bằng giọng yếu ớt:

- Quả là có chuyện ấy chú ạ. Nhưng chú tính, tôi gần tám mươi rồi, bồ bịch nỗi gì nữa.

Ngẫm nghĩ một lúc, lão nói tiếp:

- Anh cũng có nghe “Kiếp trời đày” được giải nhì. Đã mừng. Vậy mà lại gặp rắc rối. Nhưng mà thôi. Chú đi với anh một chuyến được không?

Tất nhiên tôi thu xếp cùng đi với lão.

Ngôi nhà lão đang sống cách thành phố gần trăm cây số. Căn nhà lợp lá cọ xiêu vẹo. Cuối gian kê một chiếc giường cũ. Nằm trên giường là người đàn bà khoảng ngoài bảy mươi, gầy trơ xương, nước da đen sạm.

 

Qua lời kể của Sơn Lâm tôi mới biết người đàn bà là một cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ cùng đơn vị với lão. Khi ở chiến trường anh chị đã có tình cảm nhưng do hoàn cảnh không đến với nhau được. Tận đầu năm ngoái lão gặp lại và biết bà đang bị nhiễm chất độc da cam, lại sống đơn độc. Vậy là Sơn Lâm quyết định lên đây ở với bà.

Giọng Sơn Lâm buồn buồn:

- Bệnh tình cô ấy đang xấu đi chú ạ. Tôi đã hi vọng cái giải thưởng để đưa cô ấy đi bệnh viện…nhưng…

Lão nghẹn ngào không nói hết câu.

Tôi hỏi theo nghĩa lí đời thường:

- Thế còn bác gái… chẳng lẽ…

Sơn Lâm khẽ nói:

- Tôi và bà ấy đã thỏa thuận với nhau đường ai nấy đi. Tôi ở lại gian nhà rách mà chú đã từng đến thăm ấy. Còn bà ấy vào Sài Gòn với thằng con duy nhất của chúng tôi. Kinh tế nó rất khá. Cũng phải chú ạ. Sống với tôi bà ấy khổ đủ đường. Những năm cuối đời cũng nên để bà ấy sung sướng một tẹo. Hơn một năm sau thì tôi gặp cô ấy.

Tôi giấu tiếng thở dài.

Sơn Lâm cười buồn:

- Chú thấy đấy. Đã bảo cái kiếp tôi là kiếp trời đày mà. Nhưng mà tôi không oán thán gì đâu. Điều tôi mong nhất bây giờ là có thể làm bớt đi một chút đau đớn cho cô ấy. Tôi đã hi vọng về số tiền giải thưởng… Nhưng bây giờ…

Hôm ra về, tôi nén lòng nói với lão:

- Bác yên tâm. Với tư cách là phó ban tổ chức, em sẽ không để ai truất giải thưởng rất xứng đáng này của bác!

Tôi trở về thành phố trong nỗi buồn day dứt nhưng lòng cũng nhẹ nhõm đôi phần.

Truyện ngắn. Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chiếc khuyên bạc của mẹ

Văn xuôi 6 ngày trước

Đêm huyền minh

Văn xuôi 1 tuần trước

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 tuần trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 2 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 3 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 3 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 3 tuần trước