Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:15 (GMT +7)

Người Cao Lan ăn tết

VNTN - Cao Lan là một là một nhánh của tộc Sán Chay bao gồm Cao Lan và Sán Chí sống ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Trên bản đồ cư trú của các dân tộc Việt Nam, người Cao Lan sống tập trung ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến cuối năm 2013, người Cao Lan ở Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người, có mặt tại 58 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Cao Lan cư trú tập trung nhiều nhất tại tỉnh Tuyên Quang với 66.805 người, chiếm gần 40% tổng số người Cao Lan trên cả nước. Ở Tuyên Quang, địa bàn cư trú chủ yếu của người Cao Lan tập trung ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Là dân tộc thiểu số đông thứ 3 trong tỉnh, chỉ sau dân tộc Tày, Dao. Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, người Cao Lan luôn gìn giữ nét bản sắc độc đáo của dân tộc mình giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cái tết Cao Lan là một trong những biểu hiện rất rõ đời sống văn hóa tinh thần độc đáo ấy.

Tết đến xuân về đó là dịp trọng đại nhất trong một năm đối với người Cao Lan nói riêng và tất cả các dân tộc nói chung; là dịp tiễn năm cũ, tạ ơn trời đất và tổ tiên linh thiêng đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc lúa ngô khoai được mùa, người người mạnh khỏe, nhà nhà ấm no... Người Cao Lan vì thế, thật trịnh trọng khi đón tết. Từ nhà cửa trang phục, món ăn truyền thống đãi khách... đều được kỹ càng chuẩn bị.

Bắt đầu từ việc dọn dẹp cửa nhà, sắp dọn lại nơi ở, bỏ đi những vật dụng cũ hỏng, trang trí ban thờ. Đối với người Cao Lan, việc dọn dẹp và trang trí ngày tết do đàn ông chịu trách nhiệm chính, phụ nữ thì lui lại với quét tước và nấu ăn, làm bún, bánh. Ngày ba mươi tết, đàn ông trong nhà bắt đầu dọn ban thờ ở gian chính giữa, bày lễ vật và sau đó dán giấy đỏ - tín hiệu tiễn đưa năm cũ, đón xuân, đón tết của người Cao Lan - bùa may mắn an lành cho một năm lên các đồ vật trong nhà. Từ cái cột, hòm gỗ, cái giàn bát, chân cầu thang, cái cày, cái cuốc... mỗi vật đều được điểm một mảnh giấy đỏ có chấm vàng, khi trên nhà ngoài ngõ dưới sàn sạch sẽ phong quang, gọn gàng ngăn nắp, mọi vật rực rỡ dưới màu đỏ tươi thì nén nhang đầu được thắp lên mời ông bà tổ tiên về ăn tết.

Bàn thờ ngày tết trong gia đình dân tộc Cao Lan. Nguồn: lehoithanhtuyen.com.vn

Món ăn ngày tết của người Cao Lan có sự dung hòa mọi bản sắc của các cộng đồng dân tộc cùng chung sống nhưng vẫn êm đềm giữ cho dân tộc mình những nét rất riêng. Mâm cỗ cúng của người Cao Lan thường rất ít rau, có lẽ do dấu ấn của một đời sống cha ông để lại chăng? Còn lại thì là các món được chế biến từ thịt lợn, gà, cá, đầy đặn và thơm lành. Trên mâm cỗ cúng có giò chả, chân giò rút xương gói lá dong, thịt ướp thính, cá ướp chua... Những món nướng như cá nướng, thịt nướng của người Cao Lan có cách chế biến gia vị rất riêng, mỗi nhà một cách và thường hay giữ bí kíp để cho hương vị nhà mình không bị lẫn đi giữa muôn vàn món ăn của các dân tộc khác đang dần dần thay đổi khẩu vị Cao Lan. Mỗi nhà, mâm cỗ cúng thần linh thường gắn với một món hèm đặc biệt mà chỉ những người đàn ông Cao Lan làm trưởng tộc mới biết. Và cũng chỉ họ mới thuộc tên và thuộc bài cúng đó, còn không ai biết được gương mặt Cao Lan thành kính, lặng lẽ kia đang nói gì khi thì thầm mời mọc muôn đời cha ông trở về bên cháu con trong khói hương, trong mùi thơm nồng nàn của rượu nếp và của mùi hương tết...

Người Cao Lan ăn tết không thể thiếu bánh vắt vai, bánh chim gâu, bánh chưng, bánh gai, bánh mật, bánh chuối... Đặc sắc nhất trong các loại bánh của người Cao Lan là bánh vắt vai. Đó là loại bánh được dùng để dâng cúng tổ tiên, biếu tặng người thân và khách đến chơi nhà. Bột bánh làm từ nếp trên đồng ruộng do người Cao Lan trồng cấy, lá ngải cứu luộc sơ với nước vôi trong giã nát trộn lẫn bột nếp, nhân đậu xanh ngào đường, gói bằng lá chuối tây bánh tẻ hơ trên lửa cho mềm dẻo, hấp cách thủy sau hai ba giờ trên chõ, bánh có màu sậm và thơm ngon vô cùng, ăn nóng hay nguội đều có vị rất đặc biệt. Mỗi bánh có hai chiếc gói ở hai đầu mảnh lá và có thể cầm ở giữa nên gọi là bánh vắt vai. Đi chơi tết ở nhà người Cao Lan còn giữ nếp xưa, thế nào bạn cũng có mấy cặp vắt vai mang về làm quà. Bánh chim gâu được gói bằng lá dứa rừng, đan hình con chim, con nhện, con ve sầu hay con cóc, nhà nghèo thì chỉ có gạo nếp trộn muối, có điều kiện hơn thì nhân tùy ý thích: đậu đường ngọt ngào hay nhân thịt bùi béo. Những chiếc bánh với hình dáng nhỏ xinh cầm vừa tay trẻ, có sợi lá dài rất dễ cầm, là quà đón tay thể hiện lòng mến khách, yêu trẻ, tình cảm gia đình gắn bó.

Vui xuân. Ảnh: Trần Thái Sinh

Trang phục truyền thống của người Cao Lan thường ngày ít sử dụng thì tết đến, những chàng trai cô gái Cao Lan, những ông bố bà mẹ, những cụ già tóc trắng lại trân trọng bộ trang phục của dân tộc mình trong các nghi thức cúng lễ và đi chơi hội du xuân. Đẹp nhất là cô gái Cao Lan trong bộ áo dài nối thân với những gam màu được phối hợp rất dịu; phần eo lưng và ngực màu đỏ tươi hoặc hồng hoa đào, vạt dưới nâu non tươi tắn như màu của đất đai trù phú. Thắt lưng hai màu hồng và xanh lá buông dài ngang thân áo tôn vòng eo mỏng mảnh. Vòng bạc lóng lánh trên cổ trên tay, xà tích ngang eo rung lên theo từng nhịp bước chân và đung đưa cùng tà áo dài vô cùng duyên dáng. Chàng trai Cao Lan mũ nồi lệch, áo chàm xanh đen, quần nâu xưa đã thành quần tây, guốc gỗ quai da nay là giày dép các loại. Các cụ già đi lễ mặc áo lễ, chủ tế áo dài đỏ, các phụ lễ áo dài xanh đen... Những sắc màu trang phục lễ tết truyền thống đã cho thấy sự cố kết cộng đồng và màu sắc văn hóa linh hoạt mà ổn định của người Cao Lan trong dòng chảy cuộc sống hiện đại hôm nay.

Mùa xuân Mậu Tuất này, bạn hãy đến Tuyên Quang, thăm những làng Cao Lan còn giữ nguyên những nếp xưa, họ vẫn ăn tết bằng những vật phẩm giữ hương vị ngàn đời cha ông để lại. Ngủ một đêm trong nếp nhà sàn bên rừng cọ, rừng xoan, nương chè, nương sắn, vườn cam, vườn quýt dưới chân núi nghe chim kêu và sáng mai tỉnh giấc thấy lòng yên bình nhẹ nhõm, ngó qua cửa sổ thấy đào mơ mận nở, củi xếp bên góc sân, trẻ con người lớn nam thanh nữ tú rủ nhau đi hội Tung còn, đi lễ đình. Bạn ăn một bát bún do bà mẹ Cao Lan tự tay làm, sợi bún to và hơi đục nhưng đảm bảo không hàn the, canh măng ninh sườn con lợn mổ hôm ba mươi, ăn miếng bánh vắt vai, uống chén trà xuân, đảm bảo sẽ chẳng còn mơ màng đến những gì nơi phố thị mời gọi. Rồi ta đi hội đình Giếng Tanh xem người Cao Lan chơi tết...

Dương Thu Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy