Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:01 (GMT +7)

Người bị truy đuổi

VNTN - Cách đây đúng một năm, vào dịp gần tết như thế này, có ông dắt xe đạp, bán vé số dạo vào xưởng sắt mời anh em mua. Anh em thợ cũng gọi là nghỉ tay, giải lao nên kẻ xin dò số, người mua. Đột nhiên ông ngã lăn quay ra, bất tỉnh. Báo hại, tôi phải giật tóc, xoa dầu hồi lâu ông mới tỉnh lại. Và rồi như thường, kiểm lại vé số và… hút thuốc tỉnh bơ. Ông cho biết mình thỉnh thoảng bị như vậy, nhưng rồi không sao cả. Sợ rằng già yếu, lại tiếp tục đi bán ngay sẽ nguy hiểm nên tôi mời ông qua văn phòng ngồi nghỉ một lát và tôi sẽ mua cho mươi tờ. Ông nghe mừng lắm.

Qua chuyện trò trong lúc ngồi nghỉ đó, tôi biết ông tên Nhiêu quê tít ngoài miền Trung. Năm nay ông sáu tám tuổi, tứ cố vô thân lưu lạc đến đây, sống chủ yếu bằng bán vé số dạo. Già mà thế, nghe cũng cám cảnh… Xưởng sắt của tôi lại đang cần một người trông coi, bảo vệ. Cũng chỉ cần trông chừng cho có “tiếng tăm” thôi, chứ máy móc của xưởng cái nào cái nấy nặng hàng mấy tấn, xê dịch phải xe cẩu, trộm làm sao khuân được.

Và thế là ông Nhiêu ở với xưởng tôi. Cũng trong cái tết thân tình, mà chắc no đủ, ấm cúng đó, ông Nhiêu đề nghị với tôi rằng, ông trông coi xưởng chẳng lấy tiền công chi cả, chỉ cần cơm ăn và đến cuối đời xin tôi lo giùm cho… hậu sự là đủ! Một người già bằng ba lần cửa. Tôi hứa sẽ lo lắng cho ông chu đáo lúc sống cũng như khi qua đời. Do làm ăn đàng hoàng, nhất là qua công tác từ thiện, tôi quan hệ với chính quyền sở tại rất tốt, việc nuôi một ông già tứ cố vô thân cũng không gặp rắc rối gì.

Ông Nhiêu ít khi rượu chè say sưa và nếu uống, chỉ uống với tôi thôi. Có điều khiến tôi thắc mắc xen lẫn chút bực mình là mỗi khi ngà ngà, ông thường nói “Đời tui khổ vì vàng, chú à” và bóng gió rằng khi chết đi “tui sẽ không để cho chú thiệt đâu!”. Có lẽ nào người như ông trước đây chủ tiệm vàng hay có sổ gửi tiết kiệm đâu đó? Chủ tiệm vàng chưa biết thế nào, chứ sổ tiết kiệm chắc chắn là không, bởi ngoài chứng minh nhân dân ra, ông chẳng có lấy một tờ giấy lộn nào khác. Nghĩ rằng già, rượu vào sinh tật nên tôi không chấp. Tuy thế, qua câu than thở đó và ông ăn ở trong xưởng cả năm như người nhà, tôi cũng muốn có dịp tìm hiểu quá khứ của ông.

Hôm cúng tất niên, tôi xách chai Whisky và ít mồi, lên xưởng nhậu và ngủ lại với ông cho vui. Khi vài ly ngà ngà, ông lại điệp khúc “Đời tui khổ vì vàng, chú à!”. Tôi nửa đùa nửa thật: “Cứ kiểu nói thế, trước đây ông là chủ tiệm vàng chắc?”. “Làm còn không đủ ăn thì chủ tiệm vàng gì tui!”, ông thở ra. Tôi cười “Vậy sao lại hay than đời khổ vì vàng, nghe sang thế???”.

Khi hai ông cháu “cưa” đến nửa chai Whisky, hóa ra ông khổ vì vàng là như thế này…

***

Hồi còn chiến tranh, cuối những năm sáu mươi thế kỷ trước. Cũng như miền Bắc, chế độ Sài Gòn ở miền Nam ráo riết động viên, tuyển quân để bổ sung lực lượng đang ngày một hao hụt ngoài chiến trường. Tui may mắn được miễn quân dịch vì trước kia ngón trỏ phải (ngón bóp cò súng) bị tháo khớp trong một lần bị rắn độc cắn. Những năm ấy tui sống bằng nghề vô rừng đào dông (1) về bán. Nghề ấy cũng sống được nhờ chiến tranh ít ai dám vào rừng.

Những tưởng vậy là mình sống yên ổn, thoát khỏi vòng lửa đạn của chiến tranh. Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Trong một lần đi đào dông trong rừng, tui bị kẹt giữa trận đánh lớn của hai bên. Đạn pháo nổ ầm ầm, khói bụi mịt mù trong tiếng la hét xung phong chói lói. Tui chưa kịp thoát thân thì bị thương nặng vào đùi rồi không biết trời trăng gì nữa. Hồi ấy bên phía lính Cộng hòa, chú biết, đơn vị chủ lực nào có cố vấn Mỹ theo hành quân, khi đụng trận cần tản thương, họ có thể liên lạc nhờ bất cứ trực thăng nào ngang qua vùng trời. Sau khi nhận thương binh, trực thăng đó sẽ đưa đến bất kỳ quân y viện hay nơi cấp cứu nào mà nó thuận đường bay.

Lần bị thương đó, tui được đưa tuốt ra Đệ thất hạm đội của hải quân Mỹ ngoài Thái Bình Dương, do chiếc trực thăng đang trên đường đến đấy. Cùng chuyến với tui có hai lính Cộng hòa và một bộ đội miền Bắc. Ở các quân y viện Mỹ, gặp người bị thương họ tích cực cứu chữa, điều trị bất luận dân quân, bên này hay bên kia. Khi lành họ bàn giao rồi chính quyền Sài Gòn sàng lọc sau. Đận “lâm trận” ấy, tui bị thương tứ tung nhưng nặng nhất là ở đùi trái. Xương đùi phải đục gắn thanh gì đó vào mới đi đứng được. Do bệnh viện hiện đại nhất của hải quân Mỹ, nên chúng tôi dù bị thương khá nặng nhưng cũng sớm bình phục. Bốn chúng tui là mấy người Việt Nam duy nhất trên hạm tàu Mỹ giữa biển khơi. Vì vậy trong thời gian điều trị, chúng tui dù khác chiến tuyến, dân quân nhưng khá là thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Cũng may trong bọn có anh sĩ quan Cộng hòa biết khá rành tiếng Anh, nên mọi giao tiếp với Mỹ trên tàu cũng không khó khăn lắm.

Hơn bốn tháng sau, khi lành thương, bình phục, trực thăng đưa chúng tui về đất liền. Ba người lính thì không biết ra sao với chính quyền Sài Gòn. Còn tui, tập tễnh về lại làng với bên đùi thương tật. Không còn lao động nặng ở quê được và cũng để tránh lại “lâm trận bất đắc dĩ” lần nữa, tui chuyển về sống nơi vùng Sài Gòn tạm chiếm. Tui sống lây lất lần hồi nơi phố chợ mấy năm sau thì giải phóng. Giờ thì khỏi nói chú cũng biết, những năm sau giải phóng đời sống cơ cực đến mức nào. Rồi tui lấy vợ. Hai vợ chồng đều nghèo và cũng may cô ấy chẳng có con.

Một hôm nơi bến xe ôm góc phố, tui tình cờ gặp lại Quầy, người khá tiếng Anh - trong bốn đứa ngoài Đệ thất hạm đội. Thật là mừng vui khôn xiết! Hiếm khi những người có hoàn cảnh đặc biệt như thế lại gặp nhau. Thấy cách ăn mặc, biết hoàn cảnh không khá của tui, Quầy lôi ngay vào quán, đãi rượu. Hồi ấy chắc chú cũng biết rồi, cuộc nhậu với cóc, ổi và rượu mía công-xy thì mấy đồng xu. Tuy vậy cũng là quý!

 

Khi rượu đã ngà ngà, Quầy hỏi từ khi ở Hạm đội về, chân đùi tui có mổ đi mổ lại gì không. Tui nói nhờ trời cũng bình thường. Nghe vậy mắt hắn sáng lên và gọi thêm rượu để mừng cho tui. Đùi cẳng mình không trở trời giở chứng, hắn lại mừng, tốn thêm tiền rượu thì đúng là bạn tốt. Tui say luôn với hắn. Đột nhiên hắn xích lại gần, tay bóp bóp vào đùi tui, nói nhỏ “Ông sống trên đống vàng mà quên à?”. Tui ngạc nhiên, nghĩ rằng hắn cho mình không biết lợi dụng thương tật, không nhân cái đùi “xí cà que” để đi ăn xin, hành khất gì đó. Hắn nghĩ vậy là đánh giá mình thấp quá. Đời tui, đói cạp đất ăn, chứ không đời nào lại xin xỏ, đi ăn mày lòng thương hại của người khác. Tui long mắt lên nhìn hắn. Thấy tui giận dữ Quầy vội chuyển đề tài. Rồi lan man thế nào hắn lại nhắc đến giá vàng. Nhưng thà nói chuyện vậy. Nhậu cóc ổi, nói về vàng nó cũng sang cái miệng. Mà hình như vàng lúc ấy cũng đang sốt giá thật! Đang trăm mốt trăm hai bỗng vọt lên trăm rưỡi nghìn một chỉ. “Giá mình có chừng một khâu chỉ để hộ thân” tui buột miệng. Hắn lại vỗ vỗ vào đùi tui “Ông có tài sản trị giá bằng hai mươi cây trong bắp vế này”. Tui sững sờ, ngạc nhiên. Hắn kể. Khi bị thương, xương đùi tui dập nát, ê-kíp mổ ngoài Đệ thất hạm đội phải lồng vào đùi thanh bạch kim thì mới vững xương được. Thanh bạch kim ấy nặng hơn hai ao-xơ. Bạch kim là thứ đắt gấp mười lần vàng vì có rất nhiều đặc tính. Trụ cánh quạt trực thăng quay mấy ngàn vòng một phút là làm bằng bạch kim đấy. Tui toát mồ hôi hỏi sao anh biết. “Thì chính thằng bác sĩ trong ê-kíp phẫu thuật đã kể cho tôi”. Phải rồi, hồi ngoài đó, muốn giao dịch gì với Mỹ, chúng tui đều thông qua hắn. Ngoài khơi, do rảnh rỗi và muốn biết về Việt Nam, về chiến tranh, nhiều hôm các bác sĩ Mỹ đã nói chuyện với hắn hàng giờ. Vậy điều hắn nói là thật rồi! Mình đang có tài sản lớn trong người mà lâu nay không biết. “Vì trong đùi anh, tưởng anh biết rồi. Còn chúng tôi ai cũng rõ điều này cả”. Tui run khan. “Một ao-xơ bằng mười lượng, mà thanh bạch kim ấy những hơn hai ao-xơ! - Hắn lại thì thào - Từ sau khi học tập cải tạo về, tôi tìm ông khắp nơi, bây giờ mới gặp”. Tui nghe mà hồn phi phách tán. Hắn tìm tui chỉ vì… cái đùi! Tui giả vờ đi giải, lẻn cửa sau dông tuốt về nhà. Ngay chiều đó, tui vội trả nhà mướn. Hai vợ chồng tức tốc rời thị xã ngay trong đêm. Vợ tui cũng ngạc nhiên không hiểu vì lý do gì. Để vợ mừng không hỏi lôi thôi, tui bảo chuyển về quê cô ấy ở.

Chỗ tui trốn thằng đó là Vũng Tàu, quê vợ. Mấy hôm sau, khi đã ổn định chỗ ăn ở xong, trong một lần vui vẻ, vợ hỏi. Tui đã kể đầu đuôi “vụ bạch kim” cho cô ấy nghe. Nghe xong, vợ ôm lấy tui và cứ hỏi đi hỏi lại mãi là… có thật không? Tui phải vén đùi nơi còn vết sẹo lờ mờ cho cô ấy nắn, giờ mới tin. “Không ngờ chồng em lại có cả gia tài trong đùi!” cô ấy mừng rỡ, nhảy reo lên làm tui bịt miệng không kịp. Từ đó, tối nào cô ấy cũng chuyển nằm qua phía trái tôi như giữ của. Có dịp lại áp cái “gò rơm” vào đùi tui và âu yếm ra mặt. Phía vợ tui nghèo. Nghèo thì thường thất học nên mấy em vợ thằng nào cũng mất dạy, bặm trợn vào loại đâm cha, chém chú.

Một hôm thằng em vợ thứ tư đến chơi. Nó là dân xích lô nhưng không hiểu sao giờ lại nói với vợ chồng tui toàn những việc làm ăn lớn lao, cần vốn đến cả mấy mươi cây vàng. Đôi lúc hắn lại liếc vào đùi tui. Tuy lén nhìn nhưng vì mắt nó xếch nên không giấu được. Tui biết vụ “bạch kim” cô ấy đã nói cả bên vợ rồi. Đùi tui nóng lên. Không khéo sẽ mất mạng bởi cái đùi của mình với phía bên vợ chớ chẳng chơi! Ông bà xưa từng nói “…phu thê như y phục. Y phục phá thời canh đắc tân, thủ túc đoạn thời nan tái tục”(2). Mình với cô ấy chẳng con cái, nếu bỏ nhau cũng chẳng vướng bận gì. Mạng sống bao giờ cũng là trên hết. Nghĩ vậy nên ngày hôm sau, tui bí mật ra đi. Phen này thì phải đi thật xa.

Sau mấy lần chuyển đường, đổi bến, lần này tui vào tận Hà Tiên. Đấy là nơi cuối phía Tây đất nước, phong cảnh đẹp nhưng hẻo lánh, mong rằng khó gặp người quen. Nơi xứ xa làng lạ, không vốn liếng, ấy là nói tiền mặt, ngoài người, lại có tuổi nên việc thích hợp với tui là bán vé số dạo. Lúc này cái đùi, nơi có thanh bạch kim quý giá thi thoảng lại rêm lên. Tui phải cố dành dụm mua chiếc xe đạp để đỡ chân…

Một sáng, lúc tui ngồi trên yên xe, tay cầm vé số là rà chân tìm người mua thì có ông áng gần tuổi tui, đầu đội nón cối chận lại. Ông ta không nhìn vé số mà ngó trân trân vào mặt tui. Trông ông ta tui cũng ngờ ngợ rằng không biết đã gặp ở đâu. Rồi anh ta đưa mắt nhìn xuống đùi tui. Thế thì chết rồi! Tui lạnh sống lưng, lách xe qua, đạp tới. “Anh… anh … có phải là Bay Hạm đội đó không. Anh Bay ơi… !”. Vậy đúng rồi, hồi bị thương tui khai tên là Bảy, nhưng Mỹ nó ghi không dấu là Bay. Giọng Bắc, lại gọi đúng phóc vào tên cái Hạm đội thì chẳng ai khác hơn Rư, anh bộ đội cùng điều trị với mình ngoài biển. Có tiếng chạy rượt theo và tiếp tục gọi “Anh ơi… Có phải là Bay Đệ thất hạm đội đó không, anh ơi…!”. Không sai một li là Rư. Văn Đình Rư! Tui hồn phi phách tán, đạp xe bán sống bán chết. Không dám ngược về nơi trọ nữa, tui dông tuốt lên bến xe. Sang lỗ lại mấy tập vé cho bạn bán. Giờ biết đi đâu? Chẳng lẽ ra Phú Quốc. Ở đảo nếu vụ bạch kim lộ ra, cái đùi tập tễnh như tui có mà chạy đằng trời. Thật là khổ! Giá mà xưa kia, tụi Mỹ cưa phéng đùi mình hay đừng để thanh bạch kim vào, tui sẽ không đến nỗi phải khổ sở vì truy lùng đến như vậy. Sau một lúc lưỡng lự, suy tính, cuối cùng chỉ có Sài Gòn là bảo đảm nhất. Nơi đó cư dân xô bồ, ngút ngàn, ít ai để ý ai sẽ dễ trốn hơn. Tui bèn đón xe đi ngay Sài Gòn.

Ở Sài Gòn từ đó, tui sống tạm gọi là yên ổn. Ban ngày lang thang đi bán vé số, ăn vạ uống vật đâu đó; đêm về làm vài ly rượu và sống với những cơn mơ, khi giàu có, lúc vàng bạc đầy người. Đôi lần có kẻ nhang nhác như mấy người “Hạm đội” nhưng ánh nhìn vào đùi tui không có vẻ gì là “bạch kim” cả. Tuy vậy, mỗi khi giá vàng lên là mỗi lần tui nơm nớp, đi đứng phải dè trước ngó sau. Tui khổ vì vàng cũng vì vậy, chú à. Cũng muốn tìm việc làm gì đó, đỡ chường mặt ra đường nhưng lão lai tài tận rồi.

Mấy năm đổ lại đây, tháng vài lần đùi tui lại đau dộng lên óc. Mỗi lần vậy, tui thường sùi bọt mép, bất tỉnh đi một lúc, rồi lại bình thường. Làm cứ như người động kinh. Cũng dăm ba lần đau quá, định đi khám. Song nghĩ, nhỡ ra họ quyết định mình phải mổ xẻ gì đó thì nguy. Thanh bạch kim để vậy là của mình. Nhưng lấy ra về lý có thể là tài sản của bệnh viện, có khi của Nhà nước vì là di sản chiến tranh. Thà để vậy dù ăn đói mặc rách, mình cũng vui vì được làm chủ mấy chục cây vàng. Tài sản mà cả đời có nằm mơ cũng chẳng thấy. Nó là lẽ sống của tui. Dù tháng vài ba lần phải “bất tỉnh nhân sự” vì lẽ sống đó.

Hôm đến xưởng chú, tui trúng vào cái lúc ấy đấy.

Từ ngày gặp chú thương và đùm bọc, tui sống được yên ổn, đỡ phải gặp ai. Không lo lang thang, vạ vật sẽ có ngày bị cắt đùi. Tui cám ơn chú vô cùng. Và nhất định khi chết, tui sẽ không để cho chú thiệt…

***

Tối hôm sau, tôi lên xưởng để đưa ông Nhiêu về ăn tết một hôm với gia đình. Xưởng bỗng vắng ngơ, vắng ngắt. Không thấy ông đâu. Tôi thất kinh vào nơi ngủ của ông, thấy trên giường để lại tờ giấy với mấy giòng viết nguệch ngoạc: “Có người Hạm đội biết tui ở đây! Tui phải đi. Yên ổn sẽ tin sau cho chú. Nhất định tui sẽ không để cho chú thiệt đâu”. Trong phòng còn vương mùi thuốc lá, chứng tỏ ông rời đây chưa lâu.

Ông Nhiêu gặp lại người “Hạm đội” thật, hay vì say lỡ nói ra bí mật mình nên vội bỏ đi? Tôi nào có quan tâm tới cái đùi mà ông luôn cứ bóng gió rằng “sẽ không để cho tôi thiệt đâu” cơ chứ ?

(1)Dông: Một loài bò sát, thịt rất thơm ngon ở trung bộ Việt Nam.

(2)“Huynh đệ như thủ túc, Phu thê như y phục. Y phục phá thời canh đắc tân, thủ túc đoạn thời nan tái tục. (Anh em như tay chân, vợ chồng như quần áo. Quần áo cũ hư sắm lại cái mới, tay chân cắt rồi khó nối lại).

Truyện ngắn. Lê Nguyên Ngữ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước