Ngủ yên…
Bệnh viện đông người. Bệnh nhân ở cái bệnh viện này đều hiểu rằng sự sống của họ chỉ đếm bằng năm bằng tháng. Cũng có những người không muốn tin những điều bác sỹ nói, không hẳn vì không tin khoa học. Khỏi bệnh lúc này đối với họ là đức tin, là phép màu.
Hai vị giáo sư đến bệnh viện. Họ đi cùng. Một già, một trẻ. Gọi là trẻ là để phân biệt với người đi cùng chứ cái người gọi là trẻ kia cũng qua rồi cái tuổi tri thiên mệnh. Vị giáo sư già tóc bạc trắng, bước đi run nhẹ. Học trò làm đại thượng thọ cho ông từ hai năm trước. Ở tuổi ông những bước đi như thế là khỏe rồi. Hơn nữa, hôm nay ông muốn bước nhanh hơn.
Lối vào bệnh viện thật chật. Chật không phải vì lối hẹp mà vì hành lang lúc nào cũng đông người. Phía dưới người ta đang phát chẩn. Gọi là phát chẩn không biết có đúng không? Ở nhà thương này người ta phát khẩu phần ăn cho người nhà nuôi bệnh. Chẳng biết là sáng kiến của ai? Vị giáo sư già lẩm bẩm “nhưng mà được”.
Lại những bước chân chậm chạp. Vị Giáo sư già trở nên chậm chạp từ vài năm nay rồi. Nhưng ông chỉ chậm về thân xác, ý nghĩ thì không! Những người ý thức được việc chậm chạp về thân xác như ông thường không cho người khác giúp đỡ mình. Là tôi nghĩ vậy, vì có lần tôi đưa tay đỡ ông ngồi vào bàn tiệc ở một đám cưới, ông đã tỏ ý không bằng lòng. Đành rằng, người như ông chẳng ai nghĩ đến chuyện ăn uống, sự có mặt của ông cũng làm sang cho đám cưới rồi. Nhưng ông vẫn muốn người ta thấy mình khỏe mạnh. Đám cưới, chúc phúc, người ta cần người khỏe mạnh, người già càng tốt, nhưng già mà khỏe thì tốt hơn. Thế là đành bỏ ngay ý định đỡ ông, dù tôi biết rằng hành động của tôi sẽ an toàn cho ông hơn.
Hôm nay, ông để cho vị Giáo sư trẻ dìu. Hình như ông muốn đi nhanh hơn, nhanh hơn một chút… Chuyện nhanh chậm lúc này không ảnh hưởng gì tới ông, nhưng mà ông không muốn chậm. Ông sợ chậm thì muộn. Mà sự muộn thì biết đâu…
Đoạn hành lang rồi cũng đến điểm cuối. Vị Giáo sư viết không thừa một chữ này không muốn thấy sự kết thúc, dù ông hiểu rằng mọi sự đều đến hồi kết. Nhưng hôm nay, ông đang mong không có sự kết thúc. Như một phép màu, nó sẽ không đến, không vội vã như ông lúc này…
Cách đây vài tháng, học trò nói với ông là cô ốm. Ông tới thăm. Lần ấy ông đã đọc cho cô nghe bài thơ ông mới làm. Ông tặng cô bài thơ với lời chúc mong cô vượt qua bạo bệnh. Ông đọc. Giọng sang sảng:
Tên bài thơ là Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
“Xuân này xem mai nở
Xuân sau biết có ta
Năm sau mùa xuân đến
Có lẽ mình đi xa…”
Chỉ là “có lẽ” thôi, đến thì đến, không đến thì là chưa đến. Ông tự bảo mình như thế. Chín mươi rồi còn gì? Cái người ngồi trước mặt ông đang đối diện với bạo bệnh đây kém ông hơn ba con giáp. Ông còn khỏe. Cứ theo cái logic thông thường ấy, cô cũng sẽ chín mươi. Cô có quyền hy vọng, và chiến đấu cho niềm hy vọng ấy. Sống chết là lẽ Giời. Là quyền năng của Giời. Nhưng Giời có mắt, Giời thương người hiền. Cô còn hy vọng. Ông muốn nói như vậy.
Vị Giáo sư già ngâm tiếp:
“Rõ ràng cuối năm cũ
Xác mai héo tơi bời
Rõ ràng đầu xuân mới
Đầy cành hoa mai tươi
Thì ra thế ra thế
đã hiểu rồi, hiểu rồi!
Sự sống là muôn thuở
ta là hoa một thời”
Ông cười. Tiếng cười sảng khoái, lan tỏa. Cảm giác bệnh tật như đang tan đi sau tiếng cười. Ông cũng đoán điều gì đó sẽ xảy ra. Nhưng nếu là với ông thì là chuyện bình thường. Giời cho ông sức khỏe. Ông khỏe mạnh cho đến tận bây giờ một phần do ông tự biết mình phải làm gì. Nhưng kinh nghiệm, sự từng trải của ông trở nên vô nghĩa trong trường hợp này. Có chăng, chỉ là một câu thăm hỏi, một cử chỉ thân thiện.
Hôm nay ông lại đến thăm cô. Dù vui vì thầy tới thăm nhưng cô cũng không nỡ nói dối ông. Học trò báo tin cho ông: cô có thể đi xa. Căn bệnh đã trở nên quái ác hơn.
Trước mặt ông là người học trò ông quý mến. Xanh xao hơn nhưng đôi mắt thì vẫn trong trẻo như ngày nào. Đôi mắt ấy như nhìn xuyên mọi vật. Đôi mắt ấy có thể soi gương. Đen và trong vắt.
Cô không nói được. Tiếng nói phát ra từ vòm họng như bị chặn lại. Cô cúi đầu chào ông và ra hiệu xin được nói chuyện với ông bằng cây viết.
“Thầy khỏe ạ!” - Cô viết.
Giời ạ. Câu hỏi ấy lẽ ra phải được phát ra từ ông. Ông tới thăm người ốm cơ mà.
Nheo đôi mắt sau cặp kính dầy. Rồi ông trả lời “khỏe” và đùa “cô nhìn tôi thì biết. Mà cũng là khỏe của cái anh chín mươi thôi”.
Ông không hỏi thêm gì về sức khỏe của cô. Ông đã biết tất cả qua vị Giáo sư trẻ. Với lại, ông là một người tế nhị. Ông không thể hỏi thêm về cô lúc này, nhất là hỏi thăm sức khỏe một người đang đấu tranh để giành giật sự sống.
Ông hiểu rất rõ mục đích của chuyến thăm này. Ông muốn đọc cho cô những vần thơ ông viết về chuyến đi xa, chuyến đi không trở lại. Ông nhớ bài thơ ông đọc cho cô nghe vào lần đến thăm trước. Ông đọc tới những hai bài. Cái việc ít khi ông làm. Ông ghét nhất là khoe, nhất là khoe thơ. Thơ chỉ dành cho người biết thưởng thức, dành cho bạn bè. Với ông thơ là cao sang lắm lắm.
Nhớ lại đợt thăm cô lần trước, ông đọc bài thơ viết khi ông bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, có tựa đề Tiễn người đi.
“Cứ đi tiễn mãi người đi
bạn bè đi hết … có khi đến mình
Bình thường là sự tử sinh
lìa cành… chiếc lá lặng thinh nói gì!
Những ngày bé dại biết chi!
Mười năm đủ ngán Kinh Kỳ phồn hoa!
Bốn mươi năm cuộc can qua
gió yên sóng lặng… thôi đà chiều hôm
Cuộc đời vinh, nhục, vui, buồn
mộng du hết thảy! há còn vấn vương
Bao giờ đến lượt lên đường
thì như một chiếc lá vàng bay qua…”
Vô thường. Sống chết là vô thường - Ông muốn nói với người học trò nhỏ. Cứ sống tới bảy mươi đi em sẽ thấy. Bài thơ viết khi thầy bảy mươi đấy. Lẽ thường mà.
Có lẽ điều ông muốn nói với cô sống chết là lẽ thường. Người già cả đi trước, trẻ đi sau. Em kém thầy hơn ba con giáp mà. Quỹ thời gian của em còn dài. Hãy gắng lên, chỉ nên nghĩ đến đi xa khi đã ngoài bảy mươi thôi nhé.
Đó là bài thơ ông đọc lần trước. Hôm nay ông mang tới bài thơ khác. Bài thơ ông viết cho ông vào lúc sáu mươi. Ông muốn đọc cho cô nghe, ngay tại giường bệnh.
Bài thơ có tên Ru mình.
“Rồi đây mình cũng đi xa
Năm, ba năm nữa biết là bao nhiêu?”
Giọng vị Giáo sư già ấm, rất ấm. Cả không gian tĩnh lặng. Các bệnh nhân giường bên cũng như người nhà đều hướng về phía giường nơi có cô và hai vị giáo sư. Lạ! Thật lạ. Vị Giáo sư trẻ như bị thôi miên. Chỗ bệnh tật. Sao thầy lại nói chuyện đi xa. Người ta đang sợ cái chết và đang phải chống chọi với nó hàng giây, hàng phút sao thầy lại đọc những dòng tiễn biệt?!
“…Chừng như chiều đã quá chiều
Chừng như sương đã xuống nhiều ướt vai…
… Ngủ đi một giấc … Ngày mai
luân hồi kiếp khác đầu thai cửa nào?
chưa mơ ai biết chiêm bao
sẽ sa địa ngục hay vào động tiên
Tiễn thân quãng nhớ quãng quên
hận thân dằng dặc triền miên biết gì!
Ngủ yên đi… ngủ yên đi
Cũng như giấc ngủ mọi khi bình thường
… Giờ đây cuối một chặng đường
mai dày khởi thủy một chương mới đời
Vòng đi, vòng lại luân hồi
Vẫn là mình đó… mình thời đã quên!
Ngủ bình yên... chết bình yên
Cũng như giấc ngủ hằng đêm mọi lần…
Thiu thiu… mi mắt lặng dần…
-Xin chào hết thảy người thân… Giã từ!”.
Ông muốn nhắn gửi cô trước lúc đi xa. Không biết cha xứ nói gì trước khi con chiên về với Chúa Trời. Có khác nhiều không nhỉ? Vị Giáo sư trẻ tự hỏi. Ông đã có câu trả lời khi quan sát vẻ mặt của cô, của những bệnh nhân trong phòng: bình thản đợi.
Tôi đến sau cái ngày hai vị giáo sư tới thăm cô. Cô khỏe hơn bữa trước. Với tay lấy bút, tập, cô khoe bài thơ thầy tặng. Những ba bài. Rồi cô hào hứng “kể”.
Ý định xin cô bài thơ của vị Giáo sư theo tôi từ hôm đến thăm cô. Biết cô mệt, tôi gửi mail cho con gái cô để nói rõ ý định xin ba bài thơ ấy: tôi định viết một viết ngắn về cô với mong muốn tiếp thêm niềm hy vọng cho cô... Rồi tôi nhận được thư cháu. Cháu bảo đã hỏi mẹ rồi, mẹ đồng ý, cháu sẽ gửi cho bác ngay khi có người của Trường tới thăm mẹ.
Tôi đi công tác ít ngày, vẫn chưa nhận được bản photocopy cháu gửi, song có cảm giác như có điều gì đó sắp xảy ra. Chuyến đi của tôi ngắn hơn một ngày vì công việc hoàn thành gấp rút. Không ngờ cảm nhận của tôi là đúng.
Cái chiều được tin báo cô mất, tôi chơi vơi hụt hẫng, thẫn thờ.
Buổi tiễn đưa cô có mặt đông đủ gia đình, bạn bè thân hữu và sinh viên. Vị giáo sư trưởng khoa đang đọc lời ai điếu tiễn biệt. Hóa ra cô mới về trường tôi tròn một con giáp. Tình người đâu có đợi thời gian.
Sáng nay, nhận được bản photo ba bài thơ của vị giáo sư do con gái cô chuyển tới. Ý định viết cái gì đó cho cô trước khi cô đi xa đã muộn rồi nhưng tôi vẫn muốn chép lại câu chuyện này thay nén nhang tiễn biệt.
Ngọc Thuận
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...