Ngọn nến sáng trong đêm giao thừa...
Cổng to. Hàng rào xây cao tầm 2 mét. Cánh cổng kéo trượt làm bằng inox có một ổ khoá đặc biệt chưa gặp ở đâu bao giờ. Anh con trai loay hoay đến nửa tiếng mà không sao kéo nổi vòng tròn sắt nặng tầm nửa cân. Kéo cao lên là mở. Thả xuống ngập vào khoen sắt khổng lồ là đóng. Cô con dâu xinh đẹp, đài các, có ánh mắt lạnh, giọng nói cũng lạnh như nước đá làm người nghe rùng mình, quai mồm nhọn hoắt:
- Để em. Anh khỏe mà vụng. Có nhiều việc không cần sức mà chỉ cần mưu…
Loay hoay mãi. Bất lực. Tay chảy máu. Cô rít:
- Cổng mới chả cửa. Như cổng địa ngục. Chưa gặp ở đâu trên thế giới này…
Người đàn ông cũ kĩ, nhàu nát, ôm khư khư một túi xách nhỏ, cái đài radio, đưa mắt thờ ơ nhìn khắp lượt: - Hai toà nhà ba tầng, sân rộng, sau nhà là bãi trồng rau xanh um. Ban Giám đốc Trại Dưỡng lão cho các cụ đại tiểu tiện trực tiếp vào thùng inox - ở đây rất thích inox, cứ bền đẹp sáng choang, tuy hơi lạnh một tí. Chất thải ấy trực tiếp bón rau. Cứ gọi là xanh um. Gã khoèo bảo vệ cười khà khà:
- Quá tiện. Phân các cụ thải. Rau các cụ trồng. Mồm các cụ nhai. Hí hí …
Chỉ có con chó Mực to đùng lặng lẽ ngắm ông lão, sau khi ác cảm lườm anh con trai và cô con dâu mồm nhọn hoắt.
Điện thoại réo rắt. Quản lí trưởng cười toe toét chạy ra:
- Hai em đưa cụ lên đấy à. Sớm thế. Chả báo trước cho chị…
- Khiếp. Khóa cổng kinh. Chỉ cài thôi mà không sao mở được…
- Chứ còn gì nữa. Đề phòng cao độ. Trước có ba cụ đêm trốn ra, hỏi đường về nhà, rồi lạc rồi tai nạn, một cụ chết, hai cụ bị thương, giờ có mà trốn đằng giời. Vào đây vào đây…
Ông lão chợt rùng mình. Cố đi chậm lại, ngoái nhìn sau lưng. Chỉ có con đường vắng, hai hàng phượng đỏ rực. Anh con trai sốt ruột: - Đi bố… Tay đẩy khẽ. Chợt hơi giật mình. Bố gầy quá. Toàn xương là xương, lưng lạnh ướt dâm dấp mồ hôi. Cô con dâu mồm nhọn kéo quản lí trưởng ra góc sân, thì thào, dúi một phong bì. Quản lí trưởng cầm nhanh, giấu vào trong cạp quần lụa còn nhanh hơn, cười hé hé:
- Hai em cứ yên tâm. Giao bác vào đây là nhất đấy. Chắc hơn cua gạch nhé…
Ông lão rùng mình thêm lần nữa, cố đi chậm lại, anh con trai ẩy khẽ, loạng choạng thân già chúi về phía trước. Quản lí trưởng luôn giữ mốt quần lụa, áo đen khoét cổ hình trái tim, nặng hơn 70kg, mắc bệnh hay cười ngặt nghẽo rồi khóc một mình. Nghe nói hai lần lấy chồng, hai ông chồng đều bị tai nạn chết đau chết đớn. Sau hai lần ôm hai cái xác nát bét kia, sinh ra cười khóc bất thường. Ừ thì đã vào làm ở đây, trừ Ban Giám đốc luôn tỉnh táo để có kế hoạch kinh doanh kết hợp từ thiện, ai chẳng có những nỗi đau cất làm của riêng, đêm mưa dầm mang ra ngắm rồi gặm nhấm một mình?!
- Nào hai em với cụ ngồi đây. Uống nước vối nhá, vừa bổ vừa mát. Trại có cây vối nếp nước ngon lắm…
Kia rồi. Cây vối to, cao gần chục mét, mọc sát hàng rào, có một đoạn thân cong nom vừa đẹp vừa nũng nịu.
- Thế này nhá. Hôm trước nói rồi. Nay tua lại cho nét. Mỗi tháng 5 triệu cho cả ăn ở chăm sóc. Ngày ba bữa, ăn nhẹ nhàng thôi, già ăn nhiều là gay. Mỗi tuần bác sĩ khám bệnh một lần. Nhưng ở đây không có dịch vụ chữa bệnh. Cần thì mời bác sĩ vào, gia đình tự thanh toán. Có nghĩa địa ngay sau Trại. Nếu cụ nào đi, có nhu cầu, Trại đặt vào đấy cho, tiền thỏa thuận…
- Vâng. Chúng em gửi gắm chị và Trại…
- Cụ ơi. Sao cứ ngẩn ngơ thế. Nhớ cụ bà à. Hé hé. Ở đây ối cụ cô đơn. Rồi lại tình yêu tình báo chứ chả chơi…
- Mẹ em mất lâu rồi. Mà bố em đã ngoài 70, chị đừng đùa thế…
- Ối giời. Nói vui cho đời đỡ tối thui. Hé hé…
Ông lão ôm chặt túi và cái radio vào lòng, mắt đăm đắm nhìn cây vối.
- À chị quên chưa bảo hai em. 5 triệu/tháng là phòng không điều hoà nhé. Có điều hoà là 6 triệu…
Dâu mồm nhọn thẽ thọt:
- Thôi bố em nằm phòng quạt thôi. Say điều hoà rồi khổ…
- Em buồn cười nhỉ. Nóng thế này. Cho bố nằm phòng điều hoà đi. Không phải tội chết…
- Không là không. 5 triệu của tôi không phải là vỏ hến nhá. Thôi chị ơi. Cứ thế nhá. Chúng em về đây. Có gì đột biến chị a lô...
- Cứ về đi. Cách có vài cây số. Cụ mà làm sao chị gọi.
Ông lão run run cầm tà áo con trai không muốn rời. Đôi mắt u sầu như cầu cứu như van nài. Anh con trai khẽ giằng, tay người già yếu lắm. Tranh thủ vợ ra hành lang điện thoại, anh dúi mấy triệu cho Quản lí trưởng, giọng nghèn nghẹn:
- Chị đừng cho vợ em biết. Cứ để bố em nằm phòng điều hoà. Em lo. Có gì tế nhị gọi riêng cho em. Thế nhé. Vợ em vào rồi. Cất tiền ngay…
Rất nhanh, mấy triệu vút qua cạp quần chun, để lại một âm thanh rất tượng hình: - Phựt!
Quản lí cười phe phé:
- Yên tâm nhé. Hai em về nhé. Có gì chị a lô ngay. Cụ ở đây có bạn già, vui hơn nhiều chứ… Mấy hôm nữa có đón cụ cũng chẳng thèm về…
Ra cổng, nàng dâu mồm nhọn vui sướng bảo anh con trai mặt chuột kẹp:
- Anh và nhà anh còn phong kiến lắm. Cứ làm như Trại Dưỡng lão là phòng tra tấn. Vào đây ăn ngủ đúng giờ. Tắm táp thay bỉm chuyên nghiệp. Lại còn bạn già rinh rích với nhau chả sướng. Tuổi già cần nhất là vui. Ở nhà đi hết. Tối mới gặp trong bữa cơm. Ăn ào ào cho xong còn xem phim. Mỗi đứa cái điện thoại, ăn xong rồi, đang lên phòng, quay lại, cụ mới lẩy bẩy xúc được mấy thìa, khổ…
Đi qua sân, mấy bác còn khoẻ chơi cầu lông. Ba bà tầm ngoài 60 đánh bài tú lơ khơ cười ròn phết. Mấy cây phượng đỏ gì mà đỏ thế? Cứ như trêu ngươi vậy…
Ông lão ra hành lang nhìn theo xe ô tô của con trai lao nhanh ra cổng, mất hút sau khúc quanh. Cái thằng tốt bụng nhưng sợ vợ quá. Hồi ông bán nhà dưới quê đưa tiền cho con xây nhà trên phố, nó giấu vợ làm cho ông cái sổ tiết kiệm 50 triệu. Thế nào mà cái con mồm nhọn ngửi thấy, làm tam bành lên. Ông đưa trả ngay, nó cười tươi mà con ông lén lau nước mắt. Cũng chả trách chúng nó được, ông ăn chậm, hay làm vỡ bát. Chúng nó cho ông ăn riêng bằng bát nhựa. Thế cũng phải chứ sao? Bát sứ mà vỡ thì có khi đổ máu chứ chả chơi! Nhưng con trai ông đi vội quá. Giá nó ôm lấy mình một cái. Ôm nhẹ thôi cũng được. Sao nước mắt ở đâu cứ đùn ra thế này? Người ta bảo già rồi là hay khóc cũng phải…
- Cụ ơi. Cụ ở phòng này sạch đẹp nhất đấy. Con trai cụ đưa tiền, bật điều hoà cho mát nhé. Mát chưa? Hị hị. Cơm thì khoẻ xuống ăn cùng cho vui. Yếu thì bón tận giường. À cụ có đóng bỉm không? Không à? Nếu có thì gia đình phải mang vào, chúng cháu đóng hộ thôi. Cụ nằm nghỉ nhé. Ăn trưa 11 giờ. Ăn chiều 17 giờ nhé...
Quản lí trưởng lạch bạch ra khỏi phòng, tay lần vào trong quần lụa, vân vê ba lượt biết ngay dày mỏng, chẵn lẻ thế nào: - Cô con dâu mồm nhọn đưa riêng ba triệu để mình làm mật thám cho nó. Cậu con trai đưa năm triệu để bố nằm phòng điều hoà. Đàn ông thế là hèn, được cái tốt bụng kéo lại, tạm…
Ông lão ngồi xuống giường, túi hành lí cũng chả có gì ngoài mấy bộ quần áo, cuốn sách “Không gia đình” của Héc To Ma Lô. Giờ cũng chả đọc được nữa, mang theo vì yêu sách quá, đọc mãi gần như thuộc lòng. Giờ tri kỉ là cái rađio, sạc điện hay dùng pin đều tốt. Sao dạo này con cái đánh đập bố mẹ nhiều thế? Lại có ba chị em đốt chết mẹ! Khủng khiếp. Văn hoá xuống cấp hay sao? Con ông chưa tệ đến thế. Chỉ có mỗi một điều ông mong ước thì chúng nó không hiểu. Chao ôi. Từ ngày bà bỏ ông mà đi, ở đâu cũng lạnh. Ăn gì cũng như bò già nhai rơm. Chỉ còn mỗi một niềm vui mà chúng nó vô tình tước đi mất. Biết làm sao? Chúng nó còn trẻ nên vô tâm đến vô tình, vô tình chuyển thành ác lúc nào không biết. Người già có cần ăn ngon mặc đẹp đâu. Mỗi ngày họ gần nghĩa địa thêm vài mét, cần cái khác… Nhìn xuống sân, một ông tầm 80 tuổi ra sau vườn hái hoa cứt lợn tặng bà cụ 70 tuổi. Bà dỗi quay mặt đi: - Ai mà thèm? Cụ ông khập khiễng vòng quanh đọc thơ tình, ga lăng lắm!
Hai ông lão chơi cờ Tướng cãi nhau ỏm tỏi. Gần chục ông hí hoáy làm thơ, hỉ hả đọc cho nhau nghe, vui đáo để:
“Bảo già nhưng đâu đã già
Sau làn da cóc vẫn là thanh niên
Nhìn em vẫn muốn cười duyên
Này cành hoa phượng tặng miền yêu thương”. . .
Thơ đại loại thế. Viết rồi đọc, rồi tặng mấy bà cụ đang tập múa quạt. Bà nhận bà không, cứ tíu tít cả lên…
- Cơm chiều thôi các cụ ơi. Chuông reo ba lần nhé. Hôm nay có cá trắm hồ Núi Cốc, ngon đáo để…
Ông lão vuốt ve rồi cất kĩ cuốn “Không gia đình”. Chỉ có nó không phản bội, không bỏ ông mà đi, chịu nằm yên nghe ông tâm sự ngày này qua đêm khác. Trước còn có bà nghe, giờ chỉ còn ông với nó! Đêm nào ông chẳng thì thầm trò chuyện với nó, ôm ấp, vuốt ve rồi những giọt lệ đùng đục rỏ vào những trang sách cũ…
Cơm khá ngon. Đậu sốt mềm vừa răng. Canh rau cải có tí gừng ấm lắm. Cá trắm đen kho khéo quá. Con cá này to dễ đến hơn chục cân. Nhìn vẩy phải biết chứ. Mấy ông cãi nhau làm gì? Khổ. Bà cụ răng khấp khểnh so le, ăn chậm hay nghẹn, bón khéo vào, sao cô thúc mạnh thế, chảy máu lợi ra thì sao? Ô hay. Việc của ông à? Bà nhai hay ông nhai mà biết? Thôi chán chả buồn nói nữa. Ra gốc vối mà ngồi cho mát.
Ngoài hàng rào, con đường lượn cong như một chữ S, hai bên đường là hai hàng cây phượng đỏ rực như lửa cháy. Hoa phượng cứ gợi nhớ thời trẻ trung cũng cháy như một ngọn lửa? Cháy mãi thì lửa cũng phải tắt. Chỉ còn lại mấy viên than hồng le lói. Nhìn than hồng rồi lại nhớ một thời hoa đỏ đã xa. Biết là quy luật sao vẫn buồn?
- A lô. Em à. Chị quản lí đây. Cụ ăn tốt ngủ kém nhé. Hay ra sân ngồi nhìn ra đường. Không cho ngồi à? Ngồi thì làm sao? Kệ ông chứ. Không chị chỉ làm nhiệm vụ báo tin cho em thôi. Ba triệu mà to à? Có nhà còn trả chị năm triệu cơ… À ông cụ còn bí mật nhờ cháu Mơ mua hộ giấy xanh đỏ và một số vật liệu gì đấy. Mơ tiếp phẩm ý. Mua giấy làm gì á? Chịu. Bố ai mà biết được. Thôi thế nhá… Vào mà hỏi ông ý…
Ngày lại ngủ nhiều hơn, đêm ông thức hì hục làm gì đấy trong phòng. Với người già thời gian trôi nhanh lắm. Nhoáng một cái hoa phượng đã tàn. Mướp cũng tàn. Ổi bắt đầu ngọt thơm. Dạo này ông khó ngủ, kêu hay gặp ma về đứng đầu giường.
- Ông ơi. Ông gặp ma như thế nào? Mặt mũi nó ra sao? Nó có làm gì ông không?
- Nó là đàn bà, mặc đồ trắng toát tóc rủ che không nhìn rõ mặt. Không làm gì tôi cả. Chỉ quỳ bên giường nhìn tôi rồi khóc thôi…
- Lạ nhỉ. Ma ấy ở đâu ra nhỉ? Để cháu báo cáo Giám đốc xem sao…
Đợi Quản lí chuyên mặc quần lụa núng nính lên phòng Giám đốc, cháu Mơ, mới thì thào đầy sợ hãi:
- Ông ơi. Cháu nói ông phải thề không được nói với ai nhé. Cách đây hơn ba năm, tầng này có bà Thu ngã chết đấy. Mấy năm con cháu không đến thăm. Buồn quá xin ra ngoài không được. Xin về con cái không nghe. Đêm ấy bà trèo hàng rào rồi ngã chết chỗ cây vối kia kìa. Từ đấy hồn bà cứ hợp ai là về thăm, rồi người ấy ngã không chết cũng què. Ông cẩn thận nhé…
Quản lí quần lụa lạch bạch trở lại:
- Ông ơi. Giám đốc tặng ông con dao nhỏ này. Ông để dưới gối là OK. Người còn sợ mất vía nữa là ma. Này Mơ, cô cấm mày nói linh tinh làm cụ sợ nghe chửa. Con bé này có bệnh hoang tưởng đấy cụ ạ. Cụ mà nghe nó có mà đổ thóc giống ra mà ăn…
Đợi chị ta đi khuất, Mơ phụng phịu:
- Cháu thề với ông đấy. Không bịa tí nào. Cháu còn gặp đây này. Chiều hôm ấy ông X tát bà Y chả biết vì chuyện gì. Đêm ấy ma nhập dẫn ra sau vườn, tát đôm đốp nhá, chảy máu răng nhá. Chả biết ma nói gì, hôm sau ông X phải quỳ xin lỗi bà Y. Ma thiêng lắm ý… Cháu tình cờ chứng kiến hết. Sợ đến mức tiểu cả ra quần. Chắc là khai quá nên ma tha cho cháu…
- Không sao đâu cháu. Chắc ma nó cũng ghét người xấu thương người tốt. Mình không xấu thì sợ gì. Ma hay nhìn ông lúc nửa đêm. Ông bảo: - Nhìn thì cứ nhìn rồi để yên cho tôi ngủ. Cả đời tôi chưa làm hại ai. Chỉ có bị người làm hại thôi…
- Thế ạ? Thế nó có đi không ạ? Cháu thì cháu vẫn sợ lắm.
Đêm mưa làm ông thao thức nhiều. Tiếng mưa cứ nhắc chuyện ngày xửa ngày xưa. Ngày ông còn trẻ, đi dạy học cách nhà mấy chục cây, lớp trống huếch trống hoác, gió mưa ào ạt vào thăm. Các cháu bé áo quần mỏng, chân đất, rét lẩy bẩy không viết, không đọc được. Ông kiếm củi về đốt ở góc lớp, thầy trò cùng sưởi qua mùa đông giá. Hôm ấy sợ thót tim khi có con rắn xanh lét từ ống tre bò ra. Ông vẫn sợ rắn từ bé, sao hôm ấy dũng cảm lạ lùng, xông vào đập chết con rắn dài hơn một mét ngùng ngoằng bò trên nền lớp. Lũ trẻ con co rúm, hét thất thanh, ôm lấy nhau líu ríu như bầy gà con, còn ông là gà bố?!
Bà còn nhớ không? Hồi hai đứa mình còn trẻ ấy, sông Cầu mùa đông trong và lạnh lắm. Tôi và bà lại hẹn hò ở vườn hoa cải vàng rực ấy. Ngồi một lúc thì cả hai ho như cuốc kêu. Ho chảy nước mắt nước mũi. Mà hồi ấy làm gì có khăn tay hay giấy lau. Tôi phải xé tờ giấy báo cũ, vò nhàu đưa cho bà. Bà còn nhớ không bà? Ừ ngủ đi bà nhé. Kệ mưa bà nhé. Ở dưới ấy chắc ấm hơn trên này?.
Cháu Duy ơi. Hôm ông lên đây cháu khóc nhiều lắm. Ông biết mà. Ông cũng không muốn đi đâu. Nhớ cháu lắm. Nhưng mẹ cháu bảo ông nhiều bệnh, cứ ôm ấp rồi lây sang cháu với em Bi. Ừ thôi thế ông lên đây cũng tốt. Chỉ nhớ hai thằng chó con của ông thôi. Ông hứa có quà cho cháu, chả biết có kịp không?!
Cũng đêm mưa ấy, trong căn phòng sang trọng, Duy khóc thầm vì nhớ ông. Cái hôm bố mẹ đưa ông đi ấy, lúc bước lên xe, ông cười với nó nhưng mắt lại có nước mắt. Thằng Bi bé quá. Chả biết gì cứ ngủ tít. Mày không nhớ ông à?
- Sao con cứ lục đục mãi thế, ngủ đi…
- Mẹ ơi. Con không buồn ngủ…
- Trẻ con là phải ngủ sớm. Con làm sao vậy?
- Con thương đôi giầy bỏ quên ngoài cửa. Mưa rét thế này nó bị ốm mất…
- Giời ơi. Giầy thì ốm làm sao được. Mày có ngủ đi không? Mai tao còn phải đi làm… tao ốm thì có…
- Con nhớ ông hu hu… Mẹ ơi. Đau…
- Thôi em. Đừng có đánh con. Nó nhớ ông là tốt đấy. Sang đây với bố…
- Bố đón ông về đi… hu hu hu…
Mai là chiều 30 Tết rồi. Ông lão xuống gặp Quản lí trưởng nói khẽ khàng:
- Tôi mong chị giúp cho một việc nhỏ thôi. Mai là Giao thừa rồi, chị cho tôi về thăm nhà một đêm thôi. Sáng hôm sau tôi sẽ trở lại Trại vào tầm 8 giờ sáng…
- Ông để cháu điện hỏi chị ấy đã. Chị ấy dặn mọi việc phải báo cáo, nếu không sẽ đưa ông đi Trại khác. Ông chờ cháu tí tẹo nhé. A lô. Em à…
Ông lão thẫn thờ nhìn ra ngoài cổng. Thiết kế vòng sắt khổng lồ kia, chưa nói đến khoá cổng rồi, chỉ thế ông đã không ra nổi …
- Ông ơi. Chị bảo mai cả nhà về quê ngoại, không ai ở nhà. Mấy hôm nữa ông về nhé…
Nó nói dối rồi. Quê ngoại cách đây hơn 500 cây số, làm sao cho bọn trẻ về mà lên kịp được? Nó nói dối như thế để làm gì? Duy ơi. Thế là ông thất hứa với cháu rồi…
Đêm 30 Tết có mưa nhỏ. Tầm 8 giờ tối, một dáng hình gầy gò lén lút đến bên gốc vối. Tay cầm một bao tải dứa đựng thứ gì lồng phồng lắm. Ánh điện bảo vệ soi sáng lờ mờ mảnh sân nhỏ, thì ra ông cụ xin về nhà hôm qua mà không được. Nhìn trước nhìn sau, ông lẩy bẩy gắng sức trèo lên chạc ba cây vối, rồi lần sờ bò sang bờ tường. Nước mưa làm cây và tường trơn lạnh. Tay run, thở hồng hộc, thêm cái bao tải dứa cồng kềnh… Chao ôi. Xưa trèo bao núi đá biên giới đánh giặc như không, giờ một bức tường 2 mét mà khó khăn trùng điệp? Bỗng ông tuột tay ngã từ gờ tường xuống, miệng chỉ kịp kêu to: - Cháu ơi…
Có ai đỡ ông vậy? Bóng trắng lướt thướt, tóc dài xõa xượi, hai tay lạnh hơn nước đá… Lạnh còn hơn không có! Suýt chết còn gì? Cảm ơn Ma nhiều lắm. Tôi về thăm cháu, mai lại vào thôi mà. Đa tạ…! Sao mặt ma lại giống mặt chị quản lí trưởng đang khóc thế này?
Trong căn nhà sang trọng mâm cỗ đón Giao thừa sum suê đã được bày ra, đèn nến thơm tho. Cả nhà quây quần vui vẻ cười hát tưng bừng. Chỉ có cháu Duy ngơ ngác, lúc vui lúc buồn, bất ngờ mếu máo:
- Bố ơi. Mẹ ơi. Ông đâu rồi? Sao ông không về? Ông đã hứa làm quà tặng con cơ mà…
Người chồng bỗng đứng phắt dậy nói với vợ:
- Anh đi đón bố về ăn Tết cùng cả nhà. Duy ơi, đi cùng bố…
Không ai biết ở ngoài cánh cửa có đôi mắt cố nhìn qua khe cửa, một giọt lệ chậm rãi lăn xuống chòm râu bạc trắng. Trong chiếc bao dứa kia có một ngôi nhà nhỏ xinh làm bằng giấy và gỗ. Có một ngọn nến nhỏ cắm sẵn trong đó, do tự làm nên còn vài chỗ vụng về, nhưng ngọn nến vừa thắp lên sáng lấp lánh, đẹp như nụ cười hội ngộ sau bao cách xa.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...