Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:36 (GMT +7)

Ngôi nhà văn chương của chúng tôi

VNTN - Ngày đầu đến với CLB Văn học trẻ Thái Nguyên, tôi là một cây bút học trò, viết một cách tự do, đơn thuần, chỉ biết đong đầy những cảm xúc trong lòng mà chưa thể đặt thành tên. Mừng rỡ và hạnh phúc như chú chim non, khi mở mắt gọi người nhìn thấy đầu tiên là mẹ. Và, tôi gọi CLB Văn học trẻ là ngôi nhà văn chương đầu tiên của mình.

Tôi tham dự lớp bồi dưỡng Cộng tác viên trẻ chuyên ngành văn học hồi tháng 07 năm 2014, lớp học do báo Văn nghệ Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên tổ chức. Khi ấy, tôi chỉ có sự đam mê văn chương và ước mong thu nhận được nhiều kiến thức từ lớp học, từ thầy cô và các bạn. Tôi đã nghĩ rằng: lớp học sẽ bắt đầu dạy chúng tôi cách tiếp cận với thế giới văn chương, với các đại thi hào, với những hình tượng nhà văn, nhà thơ lớn và cách sáng tạo ra những tác phẩm văn học đồ sộ. Thế nhưng, bài học đầu tiên nơi này mà nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, trưởng ban tổ chức lớp học mở ra trên bước đường văn chương của các học viên chúng tôi là bài học về sự khiêm tốn, về việc cần phải luôn cảnh giác với sự hài lòng, thỏa mãn trên hành trình sáng tạo mà nhà thơ gọi là “vô tăm tích”. Tưởng như bài đơn giản, đã học từ tấm bé nhưng lại vô cùng quan trọng trong mỗi người, kể cả người trưởng thành tự biết cách đánh giá bản thân mình. Và tôi cũng tin, sự gắn kết vững bền giữa chúng tôi cho đến bây giờ là vì một điểm chung ấy.

Ngày ấy tôi không viết nhiều, lại cũng chưa biết cách viết thế nào cho đúng, cho hợp lí. Tôi ngồi trong lớp và không mạnh dạn lắm. Đến khi nhà thơ Ma Trường Nguyên có những trao đổi hết sức thú vị trong việc làm thế nào để viết cho hay, tôi mới bớt lo lắng. Nhà thơ cho rằng phải đọc nhiều sách, phải hiểu thơ và viết văn theo cách riêng của mình và nhất là: “nhìn khác, nghĩ khác, nói khác thì thơ mới hay”. Tôi hiểu rằng, bấy lâu nay, mình viết và cứ quanh quẩn với những tứ, những câu chữ cũ kĩ và vốn từ nghèo nàn thì không thể khá lên được. Và sau lớp học này, tôi sẽ chịu khó đọc và trau dồi nhiều hơn vốn từ cho mình..

 Mỗi ngày đến lớp, tôi thấy mình thêm hòa đồng hơn, bớt mặc cảm về ngòi bút của mình bởi những lời động viên, khích lệ của các nhà văn, nhà thơ. Các cô chú đã không tiếc khi chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác của mình. Tôi nhớ nhà thơ Y Phương đã nói: “Hãy đặt ra câu hỏi. Lí do tại sao bạn viết? Bạn viết vì cô đơn? Viết vì cần giải tỏa? Cuộc sống nhiều đau thương, chỉ có ngòi bút mới xoa dịu nhanh nhất”. Tôi thấy bao lâu nay, mình đã tìm được mục đích viết cho mình mà không hay.

Nhà thơ Nguyễn Hồng Phượng, một học viên của lớp khi ấy đã có những chia sẻ nghẹn ngào: “Nếu cuộc sống gia đình suôn sẻ, tôi đã không đến với thơ. Trời đày, viết là để giải tỏa. Với tôi, thơ là người bạn, người tình, người tri kỉ”. Tôi bàng hoàng: Thơ là nơi nương tựa cho những tâm hồn bơ vơ. Thì ra, ngoài kia, còn rất nhiều những mảnh đời đau khổ, bể dâu và thơ ca đáng trân trọng biết dường nào.

Chúng tôi được lắng nghe các cô, các chú nhà văn, nhà thơ hướng dẫn cách viết và đánh giá tác phẩm của mỗi học viên. Nhà văn Cao Duy Sơn hướng dẫn cách tổ chức truyện dài, truyện ngắn: “Hãy nhìn xung quanh, có rất nhiều điều nhỏ nhặt cũng có thể làm nên những câu chuyện hay. Viết truyện ngắn cần phải biết mình đang hướng về cái gì? Đặt ngôn ngữ trước, cảm xúc sau, nén cảm xúc lại và cô đọng chúng. Viết phải biết xuất hiện và biến mất, giấu mình để không lộ diện, không can thiệp vào tất cả mọi chuyện, cứ để các nhân vật tự ứng xử với nhau”. Nhà văn đã đưa ra rất nhiều những kinh nghiệm: “hãy gom nhặt và gìn giữ những cảm xúc của ngày đầu tiên, bởi đến một độ tuổi nào đó có thể viết nghệ thuật hơn nhưng cảm xúc không được hồn nhiên như thế. Cũng không nên gò mình, để đầu óc tự do, văn xuôi vừa đi vừa tự mở đường, phát sinh đến đâu, giải quyết đến đó”. Làm thơ khó, viết truyện ngắn khó, tôi chưa nghĩ đến việc viết thật hay, tôi biết mình cần phải đi từ những kiến thức cơ bản trước. Và những kiến thức nhà văn chia sẻ, tôi cần có thời gian rèn luyện, nếu không chăm chỉ, tôi sẽ không vỡ ra được.

Giao lưu với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi không thấy có một giới hạn của khoảng cách hay một sự phân biệt đẳng cấp nào. Những câu chuyện hóm hỉnh, thân thiện cùng với sự nhiệt tình giải đáp khiến tôi thấy không khí lớp học ấm áp giống như một gia đình và các thành viên đang quây quần trò chuyện với nhau. Nhà thơ đã đưa ra rất nhiều những trích dẫn hay: “Có thể không thành nhà thơ, nhà văn lớn thì hãy nuối tiếc những vẻ đẹp đang dần rời xa chúng ta”. “Sứ mệnh là hoa, là phải mọc. Chúng ta phải sống trong một căn phòng không có ai, phải trật tự, không được tùy tiện. Tôi phải tự nở cho tôi, thi ca cũng vậy”.

Sau những buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm trên lớp, chúng tôi được ban tổ chức tạo điều kiện cho đi thực tế sáng tác ở một vài địa điểm trong tỉnh. Lớp học chia làm bốn nhóm để đến với các đồng bào dân tộc bốn xã thuộc hai huyện Võ Nhai và Định Hóa. Nhóm của chúng tôi trải nghiệm ở vùng đất Tân Thịnh, Định Hóa. Chuyến đi này với cá nhân tôi là vô cùng ý nghĩa, bởi chuyến đi đã làm mới lại tất cả cảm xúc trong tôi. Tình yêu văn chương trong lòng tôi trước nay hóa ra chưa từng nguội lạnh. Tình cờ lại đúng vào những ngày mưa lũ, chứng kiến sự nhọc nhằn lam lũ của người dân miền núi. Và tôi hiểu, vì sao Ban tổ chức bố trí trong lịch học của chúng tôi những ngày trực tiếp ăn ở cùng với đồng bào: Để những trang viết của chúng tôi không được phép xa rời cuộc sống của nhân dân mình.

Thành thật với văn chương thì văn chương không phụ mình. Ở bên văn chương tôi không phải đề phòng bất cứ điều gì cả. Văn chương mang cho tôi những niềm vui. Văn chương để những vô cớ của tôi trút lên và dành cho tôi sự bình thản trong tâm hồn. Những con chữ có phép màu như thế, tôi đâu có lí do gì mà từ chối niềm đam mê này.

Và ngay lúc này, tôi đang đứng giữa những ngày tháng bảy của ba năm sau, tôi lại nhớ những ngày tháng bảy của năm cũ đã qua - tháng ngày ấy đã ươm mầm cho tình yêu văn chương của tôi nảy nở; đã giúp tôi biết chia sẻ, biết hòa đồng, biết cố gắng nhiều hơn và biết trân trọng cuộc sống của mình hơn. Tôi vẫn hay trao đổi, truyện trò với các anh chị, các bạn trong lớp học cũ như tác giả Phạm Vũ, Nhật Huy, Doãn Long, Hoàng Hiền, Hoàng Hồng... Có những người vẫn theo đuổi công việc viết lách, họ viết nhiệt huyết hơn, đanh thép hơn; có những người vì lí do cá nhân đã không thể viết liên tục; có những người đã chững lại khá lâu nhưng dường như niềm đam mê vẫn luôn còn đeo đẳng. Sau lớp học, anh Doãn Long tâm sự: “Anh học được sự say mê, anh luôn nghĩ mình phải viết khác, cần nhiều những trải nghiệm hơn nữa. Quan trọng là mình thực sự yêu và luôn tâm niệm trong lòng: sống là viết, viết cho mình lớn lên, viết để mình trưởng thành hơn ngay cả khi mình đã trưởng thành”. Tôi cũng đồng tình như thế.

Với tôi, những tình cảm đối với văn chương từ ngày đầu tiên, không thể thay đổi, cũng như tình cảm đối với ngôi nhà văn chương đầu tiên, luôn bền vững. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - tôi chưa từng quên bài học từ những tháng ngày ấy, chưa từng quên mình đã lớn lên như thế nào từ CLB Văn học trẻ. Tôi cũng không ngại ngần, sẽ viết ra những gì từ tâm khảm mình, để chia sẻ với mọi người.

Chúng tôi còn giữ bài học về sự khiêm tốn trong lòng. Có thể đến một ngày gặp lại nhau, người thành nhà văn, người là nhà thơ, người còn yêu văn thơ thì chúng tôi vẫn ngồi bên nhau, chuyện trò như ngày nào. Chúng tôi may mắn có được CLB Văn học trẻ Thái Nguyên - một ngôi nhà văn chương đầu tiên ấm áp như thế, để chúng tôi được sống, được học tập, được viết, được trải lòng mình. Tôi luôn trân trọng và biết ơn vì điều đó.

Trần Thị Nhung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy