Ngôi nhà có tiếng chó sủa
Tiếng chó tru lạc giọng tắt hẳn, chắc nó đã chết.
Lưng lửng buổi sáng, người khách cuối ra về ông Lực mới ngơi tay. Với chiếc điếu cày đã óng lên màu nâu bóng, ông bần thần nhìn sang ngôi nhà đối diện, lặng lẽ vê thuốc lào nhét vào nõ điếu, châm lửa rít một hơi dài và nhả khói thật mạnh. Mấy ngày nay, hút thuốc lào với ông chỉ còn là một thói quen, không cần thong thả chậm rãi để cảm nhận hơi thuốc cuộn lên rân rân trong người như mọi bận. Bên kia đường, ngôi nhà kín cổng cao tường nằm sâu sau những bồn cây cảnh khóa trái im ỉm, lá khô rụng đầy bên cánh cổng sắt đồ sộ. Ông Lực gọi là nhà, nhưng thực ra đó là tòa lâu đài kiểu dáng kiến trúc châu Âu với năm tầng lầu nguy nga tráng lệ bên những cây cổ thụ, áng chừng vài trăm năm tuổi được chủ nhân đưa về từ khu rừng nào đó bắt đầu trổ lá xum xuê. Ông chưa nghe ai nói loài chó có thể nhịn ăn uống được bao lâu. Dễ đến hơn hai chục ngày nó bị bỏ đói. Đành rằng, gia chủ có thể bận việc đi đâu đó. Nhưng chẳng lẽ vợ con, anh em và cả bà giúp việc nữa, tất cả đều vô cảm không ai ngó ngàng, để mặc con chó chết đói trong chính ngôi nhà nó canh giữ sao?
* * *
Đó là con chó lai, to cao lừng lững. Ông Lực nhìn thấy nó qua cánh cổng mỗi lần đi qua. Hồi đầu nó bị xích đằng trước cửa, chắc để thị uy. Một dạo, có lẽ thấy bất tiện, nó được xích cạnh ga ra ô tô, nơi chiếc xe bóng loáng thi thoảng đỗ. Chủ nhân ngôi nhà nghe nói là tổng giám đốc một công ty lớn. Ông chỉ biết vậy chứ thực ra từ lúc căn nhà xây xong, ông chưa hề nhìn thấy mặt ông ta và vợ con. Toàn bộ việc mua bán đất đai, chỉ đạo xây dựng đều do một tay đệ tử có cái miệng dẻo quẹo và khuôn mặt lưỡi cày thực hiện. Nhiều lần gã đỗ nhờ xe bên đường xem xét tốp thợ, ông ướm lời bắt chuyện, song gã liến láu lảng sang chuyện khác, tuyệt nhiên không đả động gì đến ông chủ. Biết ý, ông cũng không hỏi thêm. Ngôi nhà tọa lạc trên khu đất hàng ngàn mét vuông, phía sau là bãi đỗ xe rộng. Điều ông lấy làm lạ là từ khi về ở, chủ nhà không hề có giao tiếp với hàng xóm. Tuần đôi ba lần, hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật, cánh cổng mở vội cho những chiếc xe dán kính đen kịt chui tọt vào rồi lại đóng kín. Có những buổi tối khoảng mươi chiếc xe lũ lượt ra vào. Ông đoán chủ nhà tổ chức cuộc tiệc nào đó dành riêng cho những người thân thiết. Nhưng tiệc tùng thâu đêm suốt sáng là một sự lạ. Mỗi lần có chiếc xe nào đó lượn vào, con chó lại sủa ầm ĩ. Cũng có khi chẳng có ai, chỉ chiếc lá rơi hoặc con chim nào đó sà xuống nó cũng sủa.
Tiếng sủa của con chó gây cho ông cảm giác khó chịu. Không hẳn ông không thích chó. Ngần này tuổi, ông đã nuôi nhiều con chó, nhưng chỉ là giống chó ta thuần chủng, suốt ngày lăng xăng quấn quýt bên chủ, không hề bị xích để canh nhà như con chó lai ấy. Con chó nào ông nuôi cũng khôn. Ông chưa từng bán hoặc giết thịt mà chúng đều ốm chết vì già yếu. Mỗi khi gặp người lạ, tiếng sủa của chúng cất lên trong và ấm, khác hẳn tiếng sủa đanh chắc ồm ồm của loại to xác lai tạp kia. Bất kể ngày hay đêm, trong cánh cổng đóng kín, thi thoảng tiếng chó sủa vọng ra như thốc vào ông nỗi vui buồn đan xen lẫn lộn. Nhiều lúc ông cũng chẳng biết mình vui buồn chuyện gì. Tuổi già cả nghĩ, sự úa héo một đời người hiện hữu qua mái tóc bạc thật khó níu kéo.
Nhiều bận tiếng con chó làm ông bất đắc dĩ ngước nhìn sang phía ngôi nhà. Ngày trước đó là khu đất liền thửa vườn tạp của mấy hộ dân. Tự dưng, có nhiều người nhao đến ngã giá mua với giá cao ngất ngưởng. Không thiết bám mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, thấy được giá mấy gia đình hò nhau bán. Lúc “tiền trao cháo múc”, cũng là lúc dự án con đường được phê duyệt và triển khai thi công. Ông Lực cũng hưởng lợi bởi nhà đang cạnh ao chuôm, nghiễm nhiên bám hẳn mặt đường lớn. Dồn hết số tiền bồi thường của một thẻo đất nhỏ, ông mở quán bán lòng lợn, cháo lòng. Vốn khéo tay, quán của ông ngày nào cũng đông khách và chưa từng bị ế hàng. Khách của ông hầu hết là dân lao động. Buổi sáng, họ vội vã ăn bát cháo rồi tất tả đi làm. Một vài tốp rủ nhau nhâm nhi vài chén rượu cùng đĩa lòng trước khi ăn cháo. Hôm nào mưa gió, quán của ông thành nơi tụ tập “đưa cay”. Dạo ngôi nhà đối diện hoàn thành, rất nhiều lời đồn đoán to nhỏ về chủ nhân của nó, song không ai biết đích xác. Họ cũng không biết ngôi nhà chẳng khác tòa lâu đài ấy xây để làm gì. Nếu để ở thì phải dành cho nhiều người lắm, còn nếu làm trụ sở cơ quan nào đó thì không thấy ở đâu có kiểu nhà lạ mắt thế. Bấy lâu nay ai từ nơi khác tới mua đất xây nhà đều sang chào hỏi hàng xóm. Gia chủ kia tránh mặt, ông cũng không quá bận tâm. Dù gì người bề trên hẳn là ở đẳng cấp khác, đâu có thể hạ mình với lớp người mướt mồ hôi lo cái ăn cái mặc như ông.
Dẫu răn mình thây kệ với muôn sự, tối kỵ nhòm mâm cơm nhà người khác, ông vẫn không khỏi tò mò. Bao giờ cánh cổng hé mở cho chiếc xe lượn vào và ngay lập tức đóng lại, cũng là lúc tiếng tiếng chó sủa gầm gừ ấm ách, không ra mừng, không ra tức giận. Nếu là chủ về, nó phải rít lên mừng quỳnh quáng, không thể có cái giọng sủa đầy nghi hoặc như thế. Con chó có lai giống gì đi nữa, bản năng loài chó đều giống nhau. Hễ trông thấy người lạ đến nhà là sủa. Bức tường cao và những chậu cây cảnh, cây cổ thụ che khuất không cho ông nhìn thấy người bước ra khỏi xe, nhưng chiếc xe có tên Tây, trị giá cả chục tỷ đồng như mấy cậu ăn cháo lòng phán thì đích thực của ông chủ ngôi nhà, bởi chỉ chiếc xe ấy mới thường xuyên vào ra. Ông Lực không hiểu làm thế nào ông ta lại có nhiều tiền đến thế. Nếu lương tháng cỡ vài chục triệu, nhịn ăn cả đời chắc gì đã xây nổi cái cổng và hàng rào bao quanh, nói gì đến căn nhà. Nhiều cô cậu trong làng đi làm công nhân, chắt bóp hàng năm giời, bố mẹ vẫn phải “viện trợ” mới mua nổi xe máy. Ông cũng vậy, mấy mươi năm cầm súng và làm thợ, đến lúc nghỉ hưu, vợ chồng ông mới có số tiền tằn tiệm vừa đủ xây căn nhà mái bằng trên mảnh đất hương hỏa. Lương ba cọc ba đồng lại trang trải trăm thứ bà rằn, nếu không có mảnh vườn, thửa ruộng, ông không biết sẽ phải làm gì có thêm thu nhập để nuôi đàn con ăn học. Nhiều tiền nhờ tài năng kinh doanh thiên bẩm là cái phúc của gia đình, dòng họ. Nhưng nhiều tiền bằng con đường không minh bạch âu cũng là cái họa.
Những buổi tối thơ thẩn đi dạo dọc bức tường xây kiên cố làm hàng rào, ông Lực luôn có cảm giác mình quá hèn kém. Cả đời đầu tắt mặt tối, căn nhà vợ con ông ở chưa đáng giá bằng cánh cổng ngôi nhà kia. Người làng này cũng vậy, ngoại trừ số ít gia đình làm ăn buôn bán trên huyện, hoặc con cái đi xuất khẩu lao động khá giả đôi chút, còn phần lớn phải tính toán, chắt bóp từng đồng cho việc chi tiêu. Nói gì đến chuyện tơ tưởng ngôi nhà, con xe như ông ấy. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cũng là con người, liệu có chỗ lệch nào để kê? Một sớm ông bất giác nhận ra từ bên trong, giàn dây leo đã bám tường phủ kín nóc hàng rào trổ hoa tím biếc. Hoa gì ông cũng chẳng rõ. Những ngọn dây đua hết ra ngoài khoe muôn cánh hoa mỏng manh huyền diệu. Dường như hoa lá cũng muốn vươn ra ngoài đón hương đồng gió nội. Bên trong hàng rào, ngôi nhà ấy bí ẩn như thể một thế giới khác.
Thực ra từ ngày có ngôi nhà bên kia đường, ông mới có ý nghĩ lẩn thẩn ấy. Nhiều đời nay, các thế hệ dân làng ăn ở tiền kiếp với đồng ruộng và làm đủ nghề những lúc nông nhàn. Không hiếm nhiều bậc ông bà để lại gia sản cho con cháu, nhưng các gia đình sung túc hơn nhau cũng chả bao nhiêu. Trông vào cây lúa, con lợn, đàn gà… nuôi giấc mộng nhà lầu xe hơi xem ra khó. Ông nghĩ: Giá người làng ông có được cơ ngơi như vậy thì quý hóa biết bao!
Ngôi nhà làm cho làng quê ông đẹp thêm, như bông hoa khoe sắc trên thảm xanh bốn mùa. Không ít người ngưỡng mộ, nể phục, dù chưa hề biết mặt chủ nhân của nó. Nhiều người không tin ông chưa hề bước chân vào ngôi nhà ấy, bởi ông là hàng xóm gần gặn nhất. Quán lòng lợn, cháo lòng lại xế ngay bên cổng. Loại như ông dạng phàm phu tục tử nào cũng để mắt tới, huống hồ ông chủ giầu có kia. Mỗi lần như thế, ông cười trừ, giả lảng. Hơi sức đâu để tranh luận chày cối với những người buôn chuyện. Bất quá, ông huỵnh toẹt: “Tôi như chó ngồi xem tát ao. Biết quái gì…!”. Mình không là gì với họ, mình không được mời vào thế thôi. Duy nhất một lần hiếm hoi, ông được mục sở thị ngôi nhà từ cánh cổng. Hôm đó bà giúp việc khệ nệ tay nải, túi xách từ xe khách bước xuống. Ông nhanh nhảu đỡ giúp bà khuân đồ vào cổng. Vừa mở khóa, bà vừa ngập ngừng kể mình về quê thăm cô con dâu sinh cháu. Bà có nhiệm vụ lau dọn vệ sinh ngôi nhà và chăm sóc vườn cây cho ông chủ… Khi ông ngỏ ý giúp bà đưa các túi đồ vào nhà, bà hốt hoảng như gặp cướp: “Ấy chết, ông chủ dặn: Không cho bất kỳ ai vào nhà… Máy ghi hình chỗ nào cũng có…”. Biết ý ông lùi khỏi cổng, tránh cho bà phiền toái. Gì chứ cỡ ông chủ ấy, việc gắn ca mê ra kiểm soát an ninh và người làm là chuyện nhỏ. Tuy vậy, ông vẫn băn khoăn, chẳng rõ bà ấy nấu nướng và ăn uống ra sao, không chỉ riêng bà mà còn con chó nữa…
Những ngày đầu, con chó đói sủa loạn xạ và tru lên từng hồi. Ông mấy bận bước sang đường ngó qua sen hoa sắt. Phía ga ra để ô tô trống trơn. Con chó bị xích thấy người nhảy lên rít từng chặp cầu cứu. Ông ước lượng khoảng cách để có thể ném cho nó chút gì ăn nhưng bất lực. Những ngày sau nữa, chừng đói lắm, nó chỉ có thể ngước cặp mắt nhìn ông, sủa nhẹ bằng cái giọng yếu ớt như báo sắp phải chết.
Nghe ông Lực trình bày, ông trưởng thôn trầm tư: “Tôi đã báo cáo tình hình lên xã... Tự tiện vào nhà người khác là vi phạm pháp luật. Mọi việc hãy để cơ quan chức năng”. Ông lay mạnh cánh cổng, giận mình không thể làm gì hơn để cứu một con vật đang trong cơn hấp hối vì đói khát…
* * *
Tiếng con chó ngưng hẳn, chắc nó đã chết. Không thiết giúp vợ dọn dẹp đống bát đĩa, ông Lực hoang hoải ngồi hút thuốc vặt. Bất chợt chiếc xe ôm đỗ xịch trước cửa, sau xe là bà giúp việc cho ngôi nhà đối diện. Khác hẳn lần gặp trước, bà bước vội sang gặp ông, hỏi như mếu: “Ông có thấy ai mở cổng ngôi nhà này không?”. Ông Lực vô cớ trừng mắt như muốn trút cơn thịnh nộ: “Bà trông nhà bỏ đi thế hả? Con chó chắc nó đã chết đói vì bà…”. “Rõ khổ, con xin ông chủ về một hai ngày, biết đâu cơ sự như thế!”. “Cơ sự gì?...” Ông đang định tuôn một thôi một hồi để hả giận thì bà đã móc túi chùm chìa khóa: “Ông sang giúp... Biết đâu con chó còn sống”. Thấy ông lừng chừng, bà gằn giọng: “Ông chủ đeo gông rồi…!”. “Hả. Bà nói gì?”. Bà giúp việc quay người, không trả lời ông chạy về bên ngôi nhà, lập cập mở cổng.
Ông Lực sang đến nơi, bà giúp việc đã tháo xích, lôi con chó đã mềm oặt ra bãi cỏ. Ông thở dài ngao ngán, lặng lẽ đưa tay lên mũi và sờ ngực con chó. Bất chợt ông reo khẽ: “Nó còn thoi thóp!”. Không cần suy nghĩ, ông chạy về nhà lấy mấy hộp sữa của đứa cháu mang tới. Cẩn thận từng chút một, ông cạy miệng con chó đổ sữa vào. Hồi lâu, con chó thở hắt ra, từ từ mở mắt. Ông thở phào nhẹ nhõm: “Nó sống rồi!”. Ông nâng đầu con chó tiếp tục cho uống sữa. Hồi trong chiến trường, ông cũng đã trải qua những ngày tháng bị địch bao vây, cắt đường tiếp viện và chịu đói khát hành hạ đến quay quắt, rã rời, nhiều lúc phát rồ phải vặt lá cây rừng nhai ngấu nghiến…
Con chó đói khát kiệt cùng dần tỉnh táo, khẽ nhỏm đầu. Ông vuốt ve, đổ sữa ra bát nâng cho nó liếm nhẹ. Được một lát, nó vục mặt uống tòng tọc liền một mạch như chưa từng được uống. Ông Lực cười sảng khoái lại bươn bả về lấy bát cháo lòng mang sang. Con chó đã ngồi hẳn dậy, ngửi mùi cháo, nó rít lên hào sảng. Ông Lực chưa kịp đặt bát xuống đất, nó đã chúi mõm xốc như lợn. Loáng cái bát cháo hết sạch, ông vỗ lưng nó ân cần: “Ăn thế đã, tý nữa tiếp. Tham quá… bội thực thì toi”. Nhìn cặp mắt rỉ ngoèn, chiếc mõm lem luốc sữa và cháo, liếc bên vòi nước tưới cây có chiếc khăn, ông giặt sạch mang tới lau mặt cho con chó, nó ngoan ngoãn ngồi im, đầy vẻ tin cậy. Bất chợt, ông sực nhớ đến thân phận của mình, ngỏ ý ra về. Bà giúp việc rơm rớm: “Con xin về chăm cháu một hai hôm, cháu bé nặng quá phải cấp cứu. Con gọi điện xin nghỉ thêm, máy không lạc được. Cứ ngỡ… Ngờ đâu… Ông chủ bị công an bắt”. “Bị công an bắt?”. Ông Lực sửng sốt. “Vâng! Hôm qua, anh trợ lý về tìm, con mới biết. Nghĩ đến con chó, con lên ngay”. Sững người nhìn bà giúp việc, áng chừng cũng chả thua kém tuổi mình là bao, ông cau mày: “Bà cũng nhang nhác tuổi tôi, thời buổi nào rồi mà cứ con… con… Nghe não bỏ mẹ!”. “Thì…em vẫn xưng hô với ông chủ như thế!”.
Bóc tiếp hộp sữa đổ ra bát, con chó lại hấp tấp liếm sạch bách. Bà giúp việc thấy con chó chừng đã khỏe, lấy chiếc xích định mắc vào vòng cổ. Nhanh như cắt, con chó nhào tới bên ông Lực, ngoảnh nhìn bà gầm gừ nhe nanh đầy căm hận. Ông Lực ôm chó vào lòng, xua tay: “Nó lại sợ bị bỏ đói. Thôi bà… từ từ tính”. Một chiếc xe con lượn vào cổng. Người thanh niên từng mua đất và xây dựng nhà cho ông chủ bước xuống xe, mau mắn chào hỏi. Biết chuyện nhà để hoang, con chó vừa được cứu, gã tưng tửng: “Tay ấy vào lò, chắc “chăn kiến” mục xương. Ngôi nhà này hắn giấu vợ con, chỉ dành “chăn” gái gú. Ngoài em, không ai biết. Em phục dịch hắn nhục như chó, vậy mà hắn coi em không ra gì… Ăn bẩn, ắt phải nôn. Em đã khai báo với công an…!”. Ông Lực ngạc nhiên: “Anh là trợ lý của ông ấy?”. “Trợ lý gì cái chân bưng bê. Vụ hắn bị tóm, đành rằng em cũng sai, nhưng không ký cót, chả vướng. Mà trong guồng, không làm nó cho bán xới. Ngôi nhà này họ sẽ tới kê biên. Con chó… kiếm cho nó củ riềng”. Ông Lực hiểu ra mọi nhẽ, không muốn tiếp tục câu chuyện, ý tứ chào ra về. Vừa đứng lên, con chó đã tru miệng ư ử, cố hết sức chệnh choạng theo ông ra cổng. Ông Lực dứ dứ, bắt con chó trở lại, nó liền nhào tới, hai chân trước quắp chặt ông dụi mõm như van vỉ. Ông Lực cúi xuống xoa đầu nó, nhẹ nhàng: “Thôi vào nhà đi”. Gã thanh niên lặng người, phảy tay: “Từ giờ, ông là chủ nó…!”.
* * *
Về sống với vợ chồng ông Lực, những lúc không đùa nghịch với chú mèo tam thể, con chó thường phủ phục bên thềm nhà, chăm chú nhìn ông hoặc bà vợ bán hàng hệt như canh chừng. Thương nó trải qua nỗi sợ hãi tột cùng trong những ngày đói khát, ông không nỡ nhốt vào cũi phía sau mà xích ngay bên cửa. Hằng đêm, thi thoảng sân nhà của ông vang lên tiếng chó sủa. Nhiều thực khách đến ăn ở quán biết chuyện, sẻ cho nó chút lòng lợn và cháo, lần nào nó cũng ngước nhìn ông chờ đợi…
Những lúc được thả, con chó không mấy khi đảo ra đường. Có bận vừa tới cửa, thoáng nhìn thấy ngôi nhà đối diện, nó vội cụp mắt quay ngoắt vào trong. Dường như ngôi nhà ấy không phải nơi nó ở, mà là nơi nó bị giam cầm...
Truyện ngắn. Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...