Ngọc trong lòng giếng
Cái giếng của làng Gạo tròn không thể tròn hơn, nước trong tựa ngọc, có vị mát lành và mùi hương thanh nhẹ. Các cụ bảo nước trong mát là nước từ mắt rồng chảy ra, còn mùi hương chính là hương đất, tinh túy của phù sa sông Hồng. Nghe kể mấy lần làng đào giếng mới được cái giếng bây giờ thế nên hội đồng bô lão đưa ra những quy định nghiêm ngặt lắm. Thứ nhất, nước giếng chỉ được dùng cho việc cúng tế ngoài đình, cúng lễ, sinh hoạt của các gia đình, tuyệt đối không được lấy nước để tưới tắm cho hoa màu. Thứ hai, những người phạm vào các tội trộm cắp, hủ hóa,... hoặc đàn bà, con gái vào những ngày không sạch mình tuyệt không được lại gần giếng nước. Thứ ba, không được vứt rều rác hoặc những thứ uế tạp khác vào giếng v.v.. Ai phạm phải những điều cấm tùy mức độ nặng nhẹ đều bị phạt trước làng. Những quy định này được truyền hai trăm năm cho đến giờ.
Giếng nước hình bán nguyệt ở Đình làng Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đào Tuấn
Các cụ cao niên trong vùng còn quả quyết rằng, nhờ cái giếng nước trong mát không bao giờ cạn mà làng Gạo ngày càng trở nên phong túc, đồng ruộng thêm trù mật. Lại nữa, con gái làng Gạo cứ lớp sau sinh ra càng đẹp hơn lớp trước, cô nào cô ấy dong dỏng cao, mặt trái xoan, mắt hồ thu thăm thẳm, tóc mây tha thướt và làn da mướt mượt tựa ngó sen. Trai làng nhiều người cao lớn, vạm vỡ, tuấn tú hơn hẳn trai tráng các làng khác trong vùng. Cũng từ ngày đào được giếng, tuổi thọ của các bậc cao niên ngày một cao, làng nhỏ nhất trong xã nhưng năm nào số người được mừng thọ cũng nhiều nhất. Những điều này, đến bây giờ thì tôi cho đó là sản phẩm từ sự yêu mến mà kì bí, lạ hóa cái giếng làng của các cụ. Lớp người sau sinh ra đẹp đẽ hơn, sáng láng, giỏi giang hơn thế hệ trước, tuổi thọ của người làng ngày một cao hơn đấy là điều đương nhiên, quy luật của sự phát triển. Và cũng có thể, các cụ ngày xưa đã tìm được một nguồn nước có nhiều khoáng chất chăng?
Thế nhưng cách đây chừng bốn mươi, năm mươi năm, thì vẫn còn nhiều người tin vào những điều kì bí ở giếng làng, mà ông bác họ tôi là một ví dụ. Nhà đông anh em, bác lấy vợ làng dưới và được ở rể vì bên ngoại chỉ có bác dâu. Khi bác dâu có mang anh con trai đầu thì bác nhất quyết xin nhà ngoại cho vợ về làng Gạo. Ai hỏi tại sao, bác đều tủm tỉm cười bảo: “Cho vợ con về để lấy cái thông minh của làng Gạo”. Hàng ngày, bác gánh nước cho cả nhà ăn uống, cho bác gái tắm. Con trai bác ra đời bụ bẫm, khôi ngô và có đôi mắt rất sáng. Cho đến năm anh được hai tuổi thì bác mới đưa vợ con về bên ngoại, hai bác còn sinh thêm ba người con nữa. Nhưng từ ngày bé, anh con đầu đã thông minh, học giỏi có tiếng, giờ có học vị tiến sĩ, hàm phó giáo sư, giữ chức phó tổng biên tập một nhà xuất bản lớn nhất nước. Người làng Gạo bảo anh hơn người là bởi bố anh đã đưa anh về làng từ khi còn là một hài nhi.
Năm tháng cứ qua đi, đời bao kiếp người cứ qua đi, chỉ giếng làng vẫn ở đấy, tiếp tục nối dài những câu chuyện. Tôi có một người bà họ, bà đẹp nổi tiếng trong vùng, người làng còn truyền miệng rằng bà đẹp mê hồn, đẹp đến độ người ta ngỡ thần tiên giáng hạ hay hồ ly hiện hình. Vì bà đẹp nên bị một sĩ quan Pháp ở bốt Hoàn Dương bắt, cưới làm vợ. Rồi khi phá tề, hòa bình lập lại, bà phải theo chồng con về nước Lang - sa. Mãi đến năm 1995 gì đấy bà mới được về thăm quê. Nhưng lúc này, không người già nào còn nhận ra giai nhân thuộc hàng quốc sắc thiên hương nức tiếng trong hình hài một bà già nhăn nheo, béo mập, đi lại khệnh khạng nữa.
Bà ở nhà bác H, cháu ruột bà, mấy ngày thì phải trận ốm. Trước lúc mất, bà chỉ có hai mong ước là được rửa mặt bằng nước giếng làng thêm một lần và được nằm trong nghĩa địa làng. Bố tôi bảo, chính bố tôi chứng kiến lúc chị con gái cả của bác H rửa mặt cho bà, gương mặt bà bỗng giãn nở, hồng hào. Rồi thật kinh ngạc, trong một tích tắc mọi người cùng à lên khi thấy trước mắt là một người phụ nữ nhan sắc tuyệt trần với gương mặt tròn đầy, sáng bừng như trăng rằm. Những năm gần đây, mấy người con Tây của bà vẫn thi thoảng về làng, họ xì xà xì xồ, chả nói được mấy câu tiếng Việt. Bây giờ thì bà họ tôi nằm trong một ngôi mộ đá xanh to nhất nghĩa địa làng, bên dưới hàng phi lao rì rào gió thổi.
Tôi cũng từng may mắn được nghe chuyện này, do chính nhân vật của câu chuyện kể lại. Mấy chục năm về trước, có cô gái đẹp trong làng vì nhẹ dạ mà bị gã trai phương xa phụ tình. Hằng đêm, cô ra bờ giếng khóc cho thân phận bẽ bàng. Nước mắt cô thấm ướt vạt cỏ bên bờ giếng. Rồi một đêm trăng nọ, khi thấy cuộc đời hoàn toàn bế tắc, cô toan gieo mình xuống giếng thì bỗng đáy giếng có vật gì động đậy, lấp lánh như một ngôi sao lớn. Từ đáy giếng dội lên những âm thanh hết sức lạ lùng và một lực đẩy khủng khiếp, làm cô không thể tiến thêm được bước chân nào nữa. Sau đêm ấy, cô thấy mình như một cái cây vừa được cơn mưa tắm gội. Cô thực sự không còn nhớ gì về mối tình cay đắng và gã trai kia nữa. Sau này, cô lấy chồng làng bên, sinh con đàn cháu đống, cuộc đời viên mãn và giờ đã lên chức cụ. Khi khép lại câu chuyện của mình, bà bảo với tôi bà tin trong lòng giếng làng có một viên ngọc, nhưng phải có duyên mới nhìn thấy được. Và đêm ấy là một cơ duyên với bà...
Thuở hoa niên, cái thời thừa mộng mơ và liều lĩnh với văn chương, tôi đã từng làm một bài thơ có tên “Giếng làng”. Bài thơ này được đăng trên một tờ báo chuyên ngành hẳn hoi, nguyên văn thế này: “Nửa đời ngụp lặn đục trong/ Lời thề bỏ lại giữa lòng giếng quê/ Ta đi với những đam mê/ Đêm em còn gánh trăng về đổ chum?”. Tình thực là tôi học mót ca dao của ông bà, ông vải ta xưa rồi ghép vần vè thôi. Ấy thế mà cứ mỗi khi nhớ về cái giếng làng là tôi lại nhẩm từng chữ của bài thơ này, như gã trai thất tình thầm gọi tên người yêu cũ…
Nguyễn Phú
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...