Nghiên cứu, lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW (năm 2008) và định hướng phát triển tới năm 2030
1.Được hình thành từ những năm 60, tới những năm 70, 80 của thế kỷ trước - với những cây bút “lão thành” như: Nông Quốc Chấn, Triều Ân, Vi Hồng, Bùi Nhị Lê, Lâm Quí, Y Điêng… cùng những cuốn sách, những bài viết mang tính nghiên cứu, lý luận phê bình in đăng trên các Tạp chí, các Báo văn hóa, văn nghệ trung ương, khu vực (Việt Bắc, Tây Bắc,…) và các địa phương - nghiên cứu, lý luận phê bình (NC, LLPB) văn học dân tộc thiểu số (DTTS) đã khẳng định được sự có mặt của mình, cũng như đã phát huy những ảnh hưởng của mình trong đời sống văn học các DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Đặc biệt, đến những năm 90 và những năm đầu thế kỷ XXI, hoạt động NC, LLPB văn học DTTS đã trở nên khá sôi nổi với sự xuất hiện của một loạt các nhà NC, LLPB, các nhà văn, nhà thơ DTTS cùng một số các nhà NC, LLPB dân tộc Kinh (yêu thích, trân trọng bộ phận văn học giàu bản sắc này) với nhiều tác phẩm, nhiều bài viết, bài nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS Việt Nam hiện đại (như: Lâm Tiến, Hoàng An, Vương Anh, Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Mai Liễu, Inrasara, Hoàng Vĩnh Cư, Hà Lý, Dương Thuấn, Triệu Lam Châu, Chẩm Hương Việt, Yang Danh, Hlinh Niê,…; Phong Lê, Phạm Quang Trung, Đinh Văn Định, Nguyễn Duy Bắc…).
Ngoài những nội dung nghiên cứu, phê bình về các sáng tác của các nhà văn nhà thơ DTTS nhằm chỉ ra những cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc cũng như những hạn chế của các tác phẩm văn chương do các tác giả người DTTS sáng tạo nên - vấn đề lý luận về văn học DTTS cũng đã được một số nhà NC, PB DTTS đề cập, bàn luận và đưa ra những quan điểm có tình chất lý thuyết, lý luận mang tính định hướng cho văn học DTTS thời kỳ hiện đại. Đáng chú ý nhất là các cuốn sách nghiên cứu, tiểu luận, phê bình của nhà thơ, nhà văn hóa, nhà quản lý văn học nghệ thuật DTTS - Nông Quốc Chấn, và nhà NCPB văn học DTTS Lâm Tiến (ví dụ như các cuốn: Đường chúng ta đi (1972), Một vườn hoa nhiều hương sắc (1977), Chặng đường mới (1985), Hành trang sang thế kỷ XXI của Nông Quốc Chấn; Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (1995), Về một mảng văn học dân tộc thiểu số (1999), Văn học và Miền núi (2002) và Tiếp cận văn học dân tộc thiểu số (2011)… của Lâm Tiến).
Trong các cuốn sách này, ngoài phần giới thiệu, nghiên cứu về văn học DTTS, phê bình các sáng tác cụ thể của các cây bút DTTS, tác giả (Nông Quốc Chấn và Lâm Tiến) đã dần thiết lập một hệ thống lý thuyết, lý luận về văn học DTTS thời kỳ hiện đại. Các vấn đề lý thuyết, lý luận này đã được các ông đúc kết từ thực tiễn sáng tác, từ nhu cầu về đời sống văn học của cộng đồng các DTTS, từ yêu cầu của cách mạng Việt Nam đối với đời sống văn học nghệ thuật; và xuất phát từ đòi hỏi cùng yêu cầu của quá trình hiện đại hóa, tiến tới hội nhập quốc tế của đất nước. Và quan trọng nhất là: các vấn đề lý thuyết, lý luận đó lại được bắt nguồn, được soi sáng bởi quan điểm, tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin về văn học nghệ thuật nói chung, về văn học nghệ thuật các DTTS nói riêng. Chính vì thế hệ thống lý thuyết, lý luận với những vấn đề cụ thể đã được các ông trình bày trong các bài viết, trong các cuốn sách của mình thường dễ hiểu, có tính thuyết phục - bởi sự chặt chẽ, tính logic, rất thực tế và cũng rất sắc bén. Nó đã trở thành những bài học, những định hướng sáng tác cho các cây bút DTTS nói riêng, cho văn học DTTS nói chung trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đó là các vấn đề: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa tính truyền thống và tính hiện đại trong quá trình sáng tác, sáng tạo của nhà văn DTTS; vấn đề tiếng nói và chữ viết (sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc hay ngôn ngữ phổ thông (tiếng Việt); hay sáng tác song ngữ?); vấn đề xây dựng đội ngũ các nhà văn DTTS có năng lực sáng tác, có khả năng sưu tầm, nghiên cứu, lý luận phê bình và giảng dạy văn học…
Thực sự, những vấn đề vừa mang tính lý thuyết, lý luận, vừa mang tính thực tiễn trên đã góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng nên các tiêu chí để phân tích, đánh giá và ghi nhận những thành tựu (cũng như những hạn chế) các sáng tác của các tác giả văn học DTTS trong suốt hơn nửa thế kỷ qua (tính từ năm 1957, năm xuất hiện bài NC, PB về văn học DTTS đầu tiên của nhà thơ Tày - Nông Quốc Chấn - tới những năm đầu thế kỷ XXI), cũng như định hướng phát triển cho văn học DTTS thời kỳ hiện đại - của các nhà NC, LLPB về văn học DTTS (bao gồm cả các nhà NC, LLPB người dân tộc Kinh).
Tuy nhiên, vào cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, càng rộng (trong đó có lĩnh vực LLPB văn học) thì đòi hỏi càng cần phải có sự đổi mới quyết liệt hơn trong nhận thức, trong quan điểm và trong phương pháp NC, LLPB văn học. Chính vì vậy, công tác NC, LLPB văn học nói chung, NC, LLPB văn học DTTS nói riêng cần phải được nhìn nhận, xem xét lại một cách nghiêm túc; cần phải chỉ ra được những giới hạn phải vượt qua; phải đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn để có thể thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình - nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn học nghệ thuật ngày càng cao, càng phong phú, càng hiện đại của nhân dân (trong đó có đồng bào các DTTS Việt Nam) trong giai đoạn mới của đất nước.
Đứng trước thực tiễn đó, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW (ngày 16 tháng 6 năm 2008) của Bộ Chính trị “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, “nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quí của văn học, nghệ thuật và của đội ngũ văn nghệ sỹ”. Nghị quyết số 23 đã khẳng định những thành tựu đáng ghi nhận và chỉ ra những hạn chế, yếu kém của văn học nghệ thuật nước ta trong thời gian qua (1998 đến 2008).
Riêng trong hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật - những hạn chế, yếu kém đó đã được chỉ ra một cách cụ thể là: “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác…” và: “Hoạt động phê bình văn học nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác…”; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả, tác phẩm…
Để khắc phục tình trạng vừa yếu vừa thiếu đó của LLPB văn học - Đảng ta đã chỉ rõ mục tiêu phấn đấu và quan điểm chỉ đạo cùng hệ thống giải pháp khắc phục tình trạng trên. Đó là: “Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận văn học, nghệ thuật. Kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ…”; và “Tiếp thu có chọn lọc những thành quả lý luận văn học của cha ông và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại…, phát triển, khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về lý luận và phê bình văn nghệ vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của văn nghệ”.
2.Trong suốt quá trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (từ 2008 đến 2022), hoạt động LL, PB văn học (trong đó có bộ phận LL, PB văn học DTTS) đã có sự chuyển biến, đổi mới khá rõ rệt, đã đạt được một số những mục tiêu, những thành tựu đáng được ghi nhận.
* Về mặt đội ngũ
Đã có một sự bổ sung khá kịp thời, khá phong phú về đội ngũ những người làm NC, LLPB văn học DTTS. Ngoài những cây bút (bao gồm các nhà NC, LLPB, các nhà thơ, nhà văn DTTS (vừa sáng tác, vừa viết NC, PB)) đã xuất hiện từ giai đoạn trước năm 2008, nay vẫn tiếp tục tích cực tham gia viết bài, xuất bản sách NC, tiểu luận, PB văn học (như: Nhà NC PB Hoàng An, Lâm Tiến…, các nhà thơ: Mai Liễu, Mã A Lềnh, Ma Trường Nguyên, Inrasara, Triệu Lam Châu, Nông Thị Ngọc Hòa, Dương Thuấn, Hoàng Quảng Uyên, Y Phương, Hlinh Nieesk Đam…); là một loạt các cây bút mới xuất hiện với lòng nhiệt thành, sự năng nổ cùng với những năng lực phân tích, thẩm bình, đánh giá văn chương khá chắc chắn và bài bản. Họ là những cán bộ giảng dạy trong các trường đại học, các cán bộ khoa học trong các viện nghiên cứu, các giáo viên dạy văn các trường phổ thông trung học.
Có thể kể tên một số nhà NC, LLPB văn học DTTS có nhiều đóng góp trong giai đoạn này như: PGS.TS Phạm Quang Trung, PGS.TS Trần Thị Việt Trung, PGS. TS Lê Thị Bích Hồng, PGS.TS Đào Thủy Nguyên, Nhà NC, PB Chử Lương Đào, TS Đỗ Thị Thu Huyền, TS Nguyễn Kiến Thọ, PGS.TS Cao Thị Hảo, TS Nguyễn Thị Thu Hoài, ThS Lộc Bích Kiệm,… Những nhà NC, PB văn học DTTS trong giai đoạn này có “tính chuyên nghiệp” rõ rệt. Họ là những nhà khoa học xã hội và nhân văn, vừa làm công tác nghiên cứu, vừa giảng dạy; có khả năng tiếp cận và đam mê với những tác phẩm văn học DTTS, với những nhà văn, nhà thơ người DTTS, với nền văn hóa của cộng đồng các DTTS.
Chính vì vậy, với những “vốn” về lý thuyết, lý luận và thực tiễn, với niềm đam mê và trân trọng những sáng tác của những nhà văn DTTS thời kỳ hiện đại - họ đã viết, đã đăng tải khá nhiều bài trên các tạp chí, các báo về văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương; đã xuất bản hàng trăm cuốn sách (in riêng và in chung) viết về mảng văn học DTTS và miền núi; đã có nhiều bài tham luận về vấn đề văn học DTTS trong các Hội thảo khoa học trong và ngoài nước…
* Về mặt quy mô và nội dung
Đã có khá nhiều cuốn sách NC, PB về văn học DTTS (thời kỳ hiện đại) dày từ 500 trang đến 1000 trang in - nghiên cứu về quá trình vận động và phát triển, chỉ ra những quy luật vận động, những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật, những sáng tạo, những đóng góp mới, những nét đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa các DTTS trong các sáng tác của các nhà văn người DTTS. Đồng thời, cũng chỉ ra những giới hạn, những nhược điểm của bộ phận văn học này - đòi hỏi cần phải khắc phục để có thể đưa bộ phận văn học này đủ sức hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học Việt Nam đương đại hôm nay.
* Về mặt phương pháp nghiên cứu, phê bình
Trong giai đoạn này, các cây bút NC, PB đã có sự cập nhật sâu hơn về lý thuyết, lý luận NC, PB của thế giới (hiện đại và hậu hiện đại) với nhiều phương pháp, nhiều góc độ tiếp cận các sáng tác của các nhà văn DTTS. Để từ đó, có thể giải mã những tín hiệu thẩm mỹ, những giá trị ẩn sâu trong tác phẩm qua việc phân tích sâu sắc hơn, tinh tế hơn, mang tính khoa học hơn những sáng tạo, những vẻ đẹp, những ý nghĩa nhân văn của các tác phẩm văn chương do các nhà văn DTTS sáng tạo nên.
Với phương pháp nghiên cứu, phương pháp tiếp cận mới này (cởi mở hơn, mang mầu sắc hiện đại và dân chủ hơn), các nhà NC, PB văn học DTTS đã “phát hiện” ra nhiều giá trị mới, khẳng định nhiều đóng góp, chỉ ra những sáng tạo độc đáo, đáng trân trọng của các cây bút người DTTS trong giai đoạn văn học đặc biệt này. Ví dụ như: vẻ đẹp văn hóa, giá trị nhân văn, vấn đề môi trường tự nhiên và xã hội, phê phán sự tha hóa trong lối sống, trong nhân cách, trong tâm hồn; sự tha hóa quyền lực… của con người miền núi trước tác động (mặt trái) của cơ chế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế nhanh, mạnh tới cuộc sống và con người miền núi. Dưới nhiều góc nhìn, điểm nhìn khác nhau về hiện thực và con người miền núi; với nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với những tác phẩm văn chương do các tác giả người DTTS sáng tạo nên như: từ góc độ văn hóa, từ góc độ sinh thái, từ điểm nhìn đa chiều về con người và hiện thực, từ quan điểm nữ quyền, từ cái nhìn hiện sinh…; cùng các cách tiếp cận tác phẩm phong phú, đa dạng như: từ nội dung tác phẩm (theo quan điểm truyền thống) đến ngôn ngữ nghệ thuật, thế giới nghệ thuật, hệ thống các biểu tượng nghệ thuật, đến nghệ thuật kết cấu cốt truyện, nghệ thuật cấu trúc thể loại…).
Vì vậy, các bài viết, những công trình nghiên cứu phê bình về văn học DTTS giai đoạn này khá phong phú, sâu sắc, không khô khan, xơ cứng (hoặc giáo điều). Bản thân những bài viết, cuốn sách NC, PB văn học đó cũng trở thành những tác phẩm văn chương có hồn, có sức hấp dẫn người đọc, đặc biệt là những người đọc luôn quan tâm, yêu quý và trân trọng vẻ đẹp riêng bởi sự mộc mạc, chân chất nhưng đặc sắc, mang đậm bản sắc tộc người của các DTTS Việt Nam.
Có thể kể tới một số những công trình nghiên cứu đó như: Hồn cây sắc núi (Phạm Quang Trung); Hương sắc miền rừng (Mai Liễu); Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - một số đặc điểm (Trần Thị Việt Trung - chủ biên); Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số (Trần Thị Việt Trung); Văn học dân tộc thiểu số - truyền thống và hiện đại (Nguyễn Đức Hạnh - Trần Thị Việt Trung); Những người tự đục đá kê cao quê hương, Hoa chuối đỏ từ miền rừng Phia Bjoóc (Lê Thị Bích Hồng); Thơ dân tộc Tày sau năm 1945 (Đỗ Thị Thu Huyền); Y Phương - Sáng tạo văn chương từ nguồn cội (Lê Thị Bích Hồng - Đỗ Thị Thu Huyền - Nguyễn Huy Bình); Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam (Đào Thủy Nguyên - Chủ biên); Thơ ca dân tộc H’mông - từ truyền thống đến hiện đại (Nguyễn Kiến Thọ); Văn học các dân tộc thiểu số - một bộ phận đặc thù của văn học Việt Nam (Lộc Bích Kiệm); Văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (Cao Thị Hảo - Đào Thủy Nguyên); Văn học địa phương miền núi phía Bắc (Nguyễn Đức Hạnh - Chủ biên),…
Bên cạnh đó là hàng trăm bài NC, PB in đăng trên các Tạp chí, báo Văn nghệ, trong các cuộc hội thảo quốc gia, quốc tế, khu vực… như: Hồn Mường trong truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh (Thy Lan), Niê Thanh Mai – thế hệ nhà văn Tây Nguyên thế kỷ XXI (Trần Thị Việt Trung - Chu Thị Quyên); Vấn đề ngôn ngữ, song ngữ trong văn học dân tộc thiểu số (Hà Công Tài); Sáng tác thơ song ngữ trong niềm tự hào, tự tôn văn hóa dân tộc của nhà thơ Tày Y Phương (Hoàng Huệ Dinh); Nét tinh hoa trong văn hóa truyền thống và sự tiếp biến với văn hóa Việt trong thơ Mai Liễu (Nguyễn Đức Hạnh, Nông Lan Hương); Thơ ca hiện đại vùng Việt Bắc - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập (Nguyễn Đức Hạnh); Đội ngũ văn nghệ sỹ Khme với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (Thanh Đờ Ni); Văn học các dân tộc thiểu số trong gia đình văn học Việt - Riêng và chung trong đa dạng và thống nhất (Phong Lê); Mã A Lềnh - người luôn hướng về cội nguồn văn hóa để sáng tạo tác phẩm; Đau đáu nỗi niềm về thân phận người phụ nữ Mường trong truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh, Hình tượng người phụ nữ và người lính dân tộc thiểu số trong sáng tác của Bùi Thị Như Lan, Bữa tiệc tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn,… (Trần Thị Việt Trung); Tiểu thuyết “Đàn trời” của Cao Duy Sơn dưới góc nhìn văn hóa (Cao Thành Dũng - Nguyễn Đức Hạnh); Truyền thống và cách tân trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện văn xuôi hiện đại dân tộc Thái (Nguyễn Thị Hải Anh); Chất tạo hình trong ngôn ngữ thơ Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn (Nguyễn Phương Ly - Đào Thị Lý); Vi Hồng với sự tiếp cận chủ nghĩa huyền ảo (Hồ Thủy Giang); Tâm thức rừng trong văn học trẻ dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên (Đỗ Thị Thu Huyền); Cảm quan sinh thái Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ (Trần Hoài Anh); Thơ Tày hiện đại - Dòng riêng giữa nguồn chung (Nguyễn Thúy Quỳnh); Thổ Phỉ - tiểu thuyết đậm nét đặc trưng thể loại (Lộc Bích Kiệm); Lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng (Nguyễn Thị Thu Hiền); Cảm hứng nhân văn trong tiểu thuyết Vi Hồng (Đào Thủy Nguyên); Tiểu thuyết “Những người mở đường” của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại (Cao Thị Hồng); Khuynh hướng tiểu thuyết - điện ảnh trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hồ Thủy Giang (Vi Thị Phương),…
Thông qua các cuốn sách, các công trình nghiên cứu, các bài viết NC, PB về văn học DTTS của các tác giả trên - rất nhiều người, nhiều độc giả đã quan tâm hơn, hiểu hơn và thêm yêu thích những sáng tác của các nhà văn DTTS. Các nhà NC, PB này đã thực sự là “chiếc cầu nối” cho các tác phẩm văn chương do các nhà văn DTTS sáng tác đến với nhiều đối tượng độc giả khác nhau.
Đồng thời, cũng thông qua các bài viết, các công trình nghiên cứu của họ về văn học DTTS mà nhiều người; nhiều độc giả trong và ngoài nước đã biết tới những tác phẩm văn chương đặc sắc, đậm sắc mầu dân tộc và miền núi… có hứng thú khi tiếp cận với bộ phận văn học đặc biệt này với những cách, những phương thức tiếp cận mới (hiện đại hơn, đa chiều hơn, khách quan hơn…). Từ đó, cũng đã phát hiện ra nhiều giá trị mới, nhiều vẻ đẹp mới và cũng đã đặt ra những yêu cầu mới đối với các cây bút người DTTS (và miền núi) trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Từ việc thưởng thức, phân tích, thẩm định… một cách khách quan, khoa học đó, các nhà NC, PB (trong đó có cả những nhà văn, nhà thơ DTTS tham gia viết NC, PB) đã chỉ ra những thành tựu, những đóng góp có giá trị của bộ phận văn học này đối với đời sống văn học nước nhà (đặc biệt là đối với nhu cầu thưởng thức văn chương của đồng bào các DTTS Việt Nam), bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế về nội dung phản ánh cũng như các phương thức nghệ thuật thể hiện trong các sáng tác của các nhà văn này.
Điều mà các nhà NC, PB thường nhấn mạnh (về hạn chế, nhược điểm) đối với các tác phẩm, tác giả DTTS là: cần phải phản ánh hiện thực cuộc sống đa dạng hơn, nhiều góc cạnh hơn cùng với nhiều điểm nhìn khác nhau hơn; cần phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong nghệ thuật viết (văn xuôi cũng như thơ ca), trên cơ sở cập nhật và ứng dụng các loại lý thuyết, lý luận của thế giới (thời kỳ hậu hiện đại và đương đại) để có thể có nhiều cách thức phản ánh, nhiều giọng điệu khác nhau, mới mẻ và hấp dẫn người đọc hơn.
Về mặt ngôn ngữ sáng tác, các nhà NC, PB có quan điểm: nên sáng tác bằng tiếng Việt để có tính phổ cập tác phẩm cao hơn, rộng hơn nhưng diễn đạt phải thể hiện được đúng, sinh động tâm hồn, tình cảm, cách tư duy, cách ứng xử văn hóa… của con người miền núi. Bên cạnh đó là việc động viên các tác giả có khả năng sáng tác song ngữ - để góp phần bảo tồn vốn ngôn ngữ dân tộc - trên cơ sở có sự “cách tân” về thể thơ, về lối diễn đạt thơ… theo tinh thần: thơ (hoặc văn xuôi) “song ngữ của thế kỷ XXI”.
Các nhà NCPB cũng nhấn mạnh: các tác giả DTTS cần thể hiện rõ hơn thái độ phê phán mạnh mẽ đối với những tiêu cực trong cuộc sống, trong con người, trong xã hội… của cộng đồng các DTTS thời kỳ hiện đại và hội nhập hôm nay. Từ đó, góp phần xây dựng những hình tượng con người mới, xây dựng cuộc sống mới văn minh hơn nhưng vẫn giữ gìn được những nét đẹp, những giá trị vững bền của bản sắc các tộc người miền núi trong thời kỳ hội nhập hôm nay.
Với những quan điểm, những phương pháp NC, PB trên của các nhà NC, LLPB về văn học DTTS trong suốt 15 năm qua - tức trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW (năm 2008) của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” - có thể khẳng định: hoạt động NC, LLPBVH DTTS đã có nhiều khởi sắc, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ và có sự đổi mới rõ rệt trong việc vận dụng các loại lý thuyết, lý luận mới, hiện đại của thế giới vào việc nghiên cứu, phê bình văn học DTTS. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh - đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đồng bào các DTTS nói riêng, của bạn đọc cả nước nói chung trong việc thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật đậm chất dân tộc, miền núi trong thời hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hôm nay.
Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là: NC, LLPB văn học DTTS đã làm tốt tất cả các chức năng, nhiệm vụ của mình, không có những hạn chế, nhược điểm - trước các yêu cầu mới của thời đại về sự phát triển của đời sống văn học nghệ thuật (đa dạng, phong phú, hiện đại… nhưng vẫn giữ gìn, vẫn phát huy được bản sắc văn hóa tộc người…).
3.Để có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của NC, LLPB trong giai đoạn phát triển mới của đời sống văn học các DTTS Việt Nam (từ nay đến năm 2030), chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp và một số kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất: Cần phải củng cố, xây dựng đội ngũ những người làm NCLLPB văn học DTTS ngày càng đông đảo hơn, trẻ hơn, có sự am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa các tộc người DTTS Việt Nam, có sự cập nhật thường xuyên tình hình sáng tác của các nhà văn DTTS (theo sát thực tiễn sáng tác). Đồng thời, phải luôn “tự đổi mới” trong phương pháp NC, PB - trên cơ sở: vận dụng các lý thuyết, lý luận mới của thế giới (một cách phù hợp) trong lĩnh vực LL PB để phát hiện ra các sáng tạo mới, giá trị mới, những đóng góp mới của các cây bút người DTTS trong quá trình sáng tác, sáng tạo của mình; nhằm ghi nhận, động viên kịp thời những nỗ lực đổi mới của các cây bút (đặc biệt là các cây bút trẻ người DTTS) và góp phần định hướng cho văn học DTTS phát triển trong giai đoạn mới.
Để có được một đội ngũ những người làm NC, LLPB như vậy, rất cần thiết phải có một chiến lược, một kế hoạch cụ thể trong việc “xây dựng đội ngũ”.
Trước hết, đây phải là những người có trình độ học vấn (từ Đại học trở lên), có kiến thức cơ bản và sự am hiểu sâu sắc về dân tộc học, về nhân học, về ngôn ngữ, về địa lý, về lịch sử, về các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội… của các vùng, miền người DTTS sinh sống. Từ đó, mới có đủ trình độ, có đủ năng lực để thẩm bình, giải mã các tín hiệu nghệ thuật, các biểu tượng nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật… trong các tác phẩm văn chương của các nhà văn DTTS và miền núi.
Tiếp theo, phải có kiến thức cơ bản về lý luận, lý thuyết văn học nói chung, văn học DTTS nói riêng; phải cập nhật liên tục và kế thừa tinh hoa, ứng dụng phù hợp các loại lý thuyết mới về NC, PB văn học, về các trào lưu văn học mới của thế giới - để đảm bảo không có sự: NC, PB lạc hậu, “chạy theo” sáng tác. Điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề: đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ những người làm công tác NC, LLPB văn học DTTS trong thời gian tới.
Theo chúng tôi, Hội đồng Lý luận phê bình trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc trong việc tổ chức các lớp học bồi dưỡng kiến thức, bồi dưỡng năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… cho đội ngũ những người làm công tác NC, LLPB nói chung, trong đó có NC, LLPB văn học DTTS.
Trước đây (trước năm 2022), vẫn có những lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho văn nghệ sỹ nói chung, cho người làm NC, LLPB nói riêng, nhưng thực sự chưa có những lớp bồi dưỡng riêng hoặc những chuyên đề chuyên sâu về NC, LLPB văn học DTTS dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, đây vẫn là một khoảng trống cần bù lấp trong việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng làm NC LLPB văn học DTTS.
Sự thực là đội ngũ làm công tác NC, LLPB văn học DTTS hiện nay - chủ yếu vẫn là do “tự túc”, “tự phát”, do sự yêu quý, trân trọng và đam mê bộ phận văn học đặc biệt này của những người hoạt động trong lĩnh vực NC, LLPB văn học thực hiện - chứ không phải do được đào tạo, được bồi dưỡng một cách bài bản, có kế hoạch, có chiến lược do các Hội trung ương xây dựng, tổ chức.
Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi đề nghị các cấp lãnh đạo các Hội, Liên hiệp hội và Hội đồng Lý luận phê bình trung ương cần phải hết sức chú ý đến việc xây dựng một đội ngũ những người làm NC, LLPB văn học nghệ thuật DTTS đông và mạnh hơn, mang tính chuyên nghiệp cao hơn. Họ vừa là các nhà văn, vừa là những nhà khoa học, nhà tư tưởng, có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh khoa học vững vàng.
Với một đội ngũ như thế, chúng ta mới có thể đặt niềm tin vững chắc vào việc: NC, LLPB văn học DTTS sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình là thẩm bình, nhận xét, đánh giá, khẳng định hoặc phê phán, phát hiện… những giá trị, những đóng góp cũng như những giới hạn của các tác phẩm văn chương, của các cây bút DTTS đương thời… Từ đó sẽ góp phần quan trọng vào việc định hướng cho văn học DTTS phát triển đúng hướng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn chương ngày càng cao, càng tinh tế, cùng đa dạng… của đông đảo người đọc trong cả nước (trong đó có đồng bào các DTTS Việt Nam).
Thứ hai: Cần phải tổ chức nhiều Hội thảo khoa học hơn trong năm (về các tác giả, tác phẩm văn học cụ thể (được đánh giá cao như: đoạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng ASEAN… hoặc “có vấn đề” cần phải phân tích, đánh giá, thẩm định một cách khách quan, khoa học…); về các trào lưu, khuynh hướng sáng tác mới; về các “hiện tượng” văn học trong đời sống văn học nước nhà…) - để các nhà NC, LLPB văn học được phát biểu, trình bày quan điểm, đưa ra những nhận xét, đánh giá… một cách công khai, dân chủ về các vấn đề văn học đó.
Từ các cuộc Hội thảo khoa học này - LLPB thực sự sẽ thể hiện được vai trò định hướng dư luận (qua việc khẳng định hoặc phê phán một cách khoa học, khách quan các tác phẩm, các hiện tượng văn học, các khuynh hướng sáng tác, sáng tạo văn chương…) đối với độc giả, đối với xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tới việc tạo điều kiện cho các nhà NC, LLPB đi tham dự các Hội thảo khoa học quốc tế, để họ có sự gặp gỡ, sự trao đổi, sự tranh luận… với các nhà NC, LLPB trong khu vực và quốc tế về các vấn đề văn học đương đại hôm nay. Từ đó, có cái nhìn, có quan điểm hiện đại, rộng mở, cập nhật hơn trong lĩnh vực NC, PB tác phẩm văn học trong nước.
Thứ ba: Cần có sự tạo điều kiện, sự đầu tư một cách xứng đáng hơn đối với những người làm công tác NC, LLPB văn học nói chung, văn học DTTS nói riêng - về cả tinh thần và vật chất để họ có thể dồn toàn bộ trí tuệ và tình cảm, sức lực vào công việc rất phức tạp, rất khó và rất công phu nghiêm túc này (ví dụ như: có chế độ đặt bài, đặt viết các công trình NC, LLPB với mức chi nhuận bút xứng đáng; chế độ kinh phí đủ dự Hội thảo khoa học trong và ngoài nước; chế độ khen thưởng các tác phẩm NC, LLPB hàng năm với kinh phí khen thưởng xứng đáng,…).
Có như vậy, họ mới có thể hoàn thành tốt các bài viết, các công trình NC, PB có chất lượng, có “tầm”, có sức thuyết phục người đọc cao - để người đọc “tâm phục, khẩu phục” và thú vị khi đọc những bài, những công trình NC, PB văn học đó. Đồng thời, để các nhà văn thấy rõ được những thành công mà mình đã đạt được cũng như các giới hạn mà mình cần phải vượt qua; thấy những yêu cầu mà mình cần phải vươn tới, phải đạt được trong những sáng tác mới của mình. Và như vậy, NC, LLPB có tác động định hướng rõ rệt đối với sáng tác - thông qua hoạt động lĩnh vực của mình đối với văn chương nói chung; đối với từng nhà văn nói riêng.
Đó là một số ý kiến, một số giải pháp mà chúng tôi đưa ra nhằm mục đích góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động NC, LLPB văn học (trong đó có NC, LLPB văn học DTTS) trong giai đoạn mới của đất nước - giai đoạn từ nay đến năm 2030 - theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...