Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:18 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Nghị lực của một cựu thanh niên xung phong

Chị ngồi trước mặt tôi, một điều tôi tin là, bất kể ai khi nhìn dáng vẻ và nghe giọng nói của chị, đều có chung nhận xét: đây là một người có nghị lực và đã phải trải qua biết bao vất vả lo toan trong đời. Người phụ nữa đó tên là Ngô Thị Tâm, cựu thanh niêm xung phong (TNXP) đại đội 915 Bắc Thái, hiện đang cư trú tại tổ dân phố Quán Vã II, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên.

Cựu TNXP Ngô Thanh Tâm (áo tím) đang cho con gái uống thuốc
Cựu TNXP Ngô Thanh Tâm (áo tím) đang cho con gái uống thuốc

Ngôi nhà cấp 4 của chị được làm từ năm 1987, qua thời gian, giờ đây đã xuống cấp trầm trọng. Tường vôi bong tróc, trên mái đã có nhiều chỗ xô lệch, chắc chắn những hôm mưa gió, vợ chồng chị phải đem thùng xô để hứng nước. Tôi chợt ái ngại, chả biết mùa mưa bão tới, vợ chồng chị sẽ tính làm sao?

Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ những năm tuổi thơ của chị. Chị kể, giọng buồn rầu: Quê tôi ở xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, bố mẹ tôi làm nông nghiệp. Tôi không biết mặt bố, năm 1953 khi mẹ tôi còn đang mang tôi trong bụng thì trong một lần bom của địch dội vào làng, bà nội và bố tôi đã bất thình lình ra đi mãi mãi. 10 ngày sau, mẹ mới sinh ra tôi. Khi tôi được 4 tuổi, mẹ tôi đi bước nữa với một người mãi tỉnh Hà Giang. Tôi sang ở với bà ngoại, được vài năm bà ngoại cũng mất. Tôi được dì ruột đón về nuôi, thời gian sau dì tôi ốm đau, bệnh tật, tôi lại được ông bác họ với anh họ đem về nuôi. Tuy được mọi người yêu thương, nhưng do kinh tế khi đó rất khó khăn, mỗi người cũng có hoàn cảnh riêng, nên tuổi thơ của tôi là chuỗi năm tháng vô cùng vất vả.

Năm 1969, tôi lại được chuyển lên ở với bà cô ruột ở Phố Cò, Sông Công (Bắc Thái). Lúc ấy, tôi đã 16 tuổi nhưng người tôi thấp, nhỏ tẹo nên bà cô động viên tôi đi học tiếp. Nghe cô, tôi đi học đến hết lớp 5 hệ 10 năm. Thời ấy cũng có nhiều người đi học muộn như tôi.

Tháng 6 - 1972 có đợt trên về tuyển thanh niên xung phong. Tôi muốn tự lập, không muốn cô vất vả thêm về mình nên xin cô cho đi tuyển. Bà cô thương tôi, muốn tôi học tiếp, nhưng khi ấy cả nước cùng hướng ra tuyền tuyến, nhất là đối với lứa tuổi thanh niên. Tôi không có tâm trí nào để đi học. Thấy tôi một mực xin đi bà cô cũng chấp thuận.

Tôi được biên chế vào C915, đội TNXP 91 Bắc Thái, đơn vị được tổ chức theo tiểu đội, đại đội. Lúc đầu - chúng tôi ở Đán, sau đó được chuyển sang xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, Bắc Thái, ở nhờ nhà dân. Đơn vị tôi chọn một nhà dân tương đối rộng để làm nơi hội họp, sinh hoạt. Công việc san đường của chúng tôi chủ yếu là làm về ban đêm. Tuy vất vả nhưng không ai kêu ca phàn nàn, vẫn ca hát, vui lắm.

Chị ngừng kể, ngước nhìn ra khoảng trời ngoài sân, nét mặt thay đổi. Chắc kí ức đau thương đang hiện về trong tâm trí chị. Tôi hỏi: “Đêm 24 tháng 12 năm ấy chị đang ở đâu?”. Chị quay lại nhìn tôi, ánh mắt thảng thốt, lát sau chị nói: “Hôm đó tôi ở đơn vị. Biết nhiệm vụ vận chuyển hàng ở ga Lưu Xá nhiều anh chị em trong đó có tôi xung phong đi, nhưng cấp trên bảo “Việc giải phóng đường cũng rất quan trọng, cấp trên chỉ cử một số người đi bốc hàng, đã có danh sách rồi”, nên tôi không được đi đợt đó.

Tôi còn nhớ khi đó khoảng gần 8 giờ tối, tôi và một số anh chị em đang ở đơn vị bên Linh Sơn, Đồng Hỷ thì nghe tiếng bom bên Thái Nguyên, nhiều loạt bom liên tiếp nổ rền, đất đai rung chuyển, nhưng chúng tôi không biết là bom đánh vào đơn vị của mình. Khoảng 3 - 4 giờ sáng một số chị em quần áo tơi tả có người máu chảy loang lổ trên đầu, trên mặt chạy về đơn vị (trong số đó, tôi nhớ có Loan, Nhung, Lan… người Bắc Kạn), có người nói đơn vị nhiều người chết lắm.

Chúng tôi vội đưa chị em lên bệnh viện sơ tán trong Chùa Hang… Chị bỗng ngừng lời, ngồi lặng im, hai vai rung lên từng hồi, vài phút sau nén xúc động chị nghẹn ngào: “Trong số 60 người chết hôm đó có Sáu, người xã Tiên Phong và Thao người xã Tân Phú, là người cùng huyện, cùng đi TNXP và cùng ở tiểu đội với tôi. Chúng tôi đã có bao nhiêu kỷ niệm với nhau. Tôi khóc mấy ngày trời vì thương các bạn.

Những ngày sau đấy, mỗi khi dọn cơm ra, thấy vắng đồng đội, nhiều người lại nghẹn ngào không ăn nổi. Trong đơn vị, cũng có một vài ý kiến xì xào, bàn tán biểu hiện nao núng mất tinh thần về sự khốc liệt, mất mát của chiến tranh. Nhưng rồi được cán bộ động viên, mọi chuyện lại vào nếp cũ. Tôi lúc đó xác định rất vững, đã là TNXP thì không sợ khó khăn, gian khổ thà chết chứ không bỏ về nhà, mình phải thực hiện như lời hứa trong lá đơn tình nguyện khi xin đi.

"Nghe đâu khi đó cũng có ý kiến giải thể C915 vì quân số mất mát quá nhiều. Nhưng chị em chúng tôi thiết tha đề nghị vẫn để đơn vị và bổ sung người nơi khác về. Nguyện vọng đó của chúng tôi đã được cấp trên chấp thuận, C915 được bổ sung quân số. Sau đó đơn vị chúng tôi được chuyển đi vài nơi và đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Cuối năm 1974, chị Tâm được trở về địa phương sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Được người nhà mối lái, giới thiệu cho anh bộ đội phục viên tên là Phạm Văn Việt, người cùng xóm. Anh hơn chị một tuổi, có hoàn cảnh cũng giống chị. Nhà có hai chị em, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa chị em Việt về ở với chú dượng. Hoàn cảnh của chú dượng cũng vô vàn khó khăn, nên Việt phải sớm khuya lao động cùng gia đình. Tháng 7 - 1968, Việt khai tăng tuổi để xin nhập ngũ vào đoàn 959 quân tình nguyện giúp bạn Lào. Anh đã cùng đơn vị hành quân qua đường 9 Nam Lào, đến cả Sầm Nưa, Xiêng Khoảng. Phục vụ trong quân đội được gần 7 năm, tháng 2 năm 1975 anh phục viên về quê. Cũng giống chị Tâm, anh Việt không được hưởng một chế độ gì.

Thông cảm thương yêu nhau ngay từ buổi đầu gặp gỡ, đầu năm 1976 anh chị nên duyên vợ chồng. Ngôi nhà hạnh phúc của anh chị một gian hai chái tường bằng đất, vách trát bùn rơm, dựng trên mảnh đất ven đồi hợp tác xã cắm cho. Toàn bộ nguyên vật liệu và nhân công là do anh em, bà con chòm xóm giúp đỡ. Cũng nhờ tấm lòng của bà con, anh em, người nửa cân thịt, người chiếc bánh chưng, người cân gạo… mà anh chị đã có cái Tết âm lịch đầu tiên đầm ấm trong ngôi nhà hạnh phúc ấy.

Cuối năm 1977, con gái đầu tiên của anh chị ra đời, đem lại niềm vui trong gian nhà nhỏ. Tiếp đó, anh chị sinh thêm ba người con gái nữa. Ba người con đều đã có gia đình, riêng người con thứ hai Phạm Thị Chinh sinh năm 1979, khi 7 tuổi bị phát bệnh tâm thần nói năng lảm nhảm, không phân biệt được người lạ, người quen thậm chí còn đập phá. Gia đình đưa cháu đi bệnh viện, bác sĩ kết luận mắc chứng thần kinh phân liệt. Năm đó cháu phải nằm viện 3 tháng liền, gia đình vốn khó khăn, anh chị phải đi vay tiền lãi để chữa bệnh cho con. Tiếp đó hàng năm cháu vẫn phải đi viện 1 2 tháng. Mấy năm gần đây bệnh tâm thần của cháu đã tạm ổn định nhưng hàng ngày anh hoặc chị vẫn phải ở nhà với cháu, hàng tháng anh chị vẫn phải đến cơ quan y tế lấy thuốc và mua thêm thuốc cho cháu uống hàng ngày.

Từ ngày Hợp tác xã thực hiện khoán sản, anh chị cấy trên 4 sào ruộng, đồng ruộng không được màu mỡ, năm nào lúa tốt một vụ thu được 7, 8 tạ thóc trừ các khoản chi phí. Thuê máy cày, bừa, gặt, mua giống, phân bón, còn lại không đủ ăn từ vụ này sang vụ kia. Có thời gian chị đi chạy chợ nhưng do vốn ít, sức khoẻ yếu, lãi lờ không đáng là bao, chị lại quay về với ruộng đồng.

Do vất vả trong chiến tranh, vất vả lo toan trong cuộc sống, cộng với tuổi tác ngày càng cao, anh chị phải mang trong mình nhiều bệnh tật. Chứng viêm khớp, viêm dạ dày, đau đầu thường xuyên hành hạ chị. Anh thì bị bệnh tim mạch, khớp… không để cho yên. Hàng tháng, anh chị có thẻ bảo hiểm y tế nhưng lượng thuốc không đủ uống, vẫn phải mua thêm thuốc bên ngoài. Ăn còn không đủ, lại thêm tiền thuốc thang, khó khăn chồng chất nhưng anh chị vẫn luôn động viên nhau gắng gượng từng bước vượt qua.

Anh Nguyễn Văn Huấn, Tổ trưởng dân phố Quán Vã II (phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên) cho biết: “Gia đình cựu thanh niên xung phong Ngô Thị Tâm thuộc hộ cận nghèo, tuy hai ông bà sức khoẻ đều yếu, lại có con bị bệnh tật, nhưng luôn có ý chí, nghị lực vươn lên, đoàn kết với mọi người, sống có trách nhiệm nên được mọi người yêu mến”.

Chia tay chị ra về, tôi cứ miên man nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của chị và lời chị nói: “Đã là thanh niên xung phong thì không sợ khó khăn, gian khổ”. Tôi hiểu và hoàn toàn tin tưởng, bản lĩnh của người TNXP năm xưa đã tạo nên nghị lực để chị vượt qua những thử thách của cuộc đời này.

Phan Thức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước