Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
16:47 (GMT +7)

Nghi lễ độc đáo của người Sán Chay xóm Làng Pháng

Trong ngôi nhà chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, mặc dù có sự hội tụ, hòa quyện về nhiều mặt trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng mỗi dân tộc vẫn mang một nét văn hóa với bản sắc riêng truyền từ đời này sang đời khác. Tìm hiểu và gìn giữ bảo tồn vốn quí của từng dân tộc trong xã hội hiện đại, hẳn không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Một trong những nét đẹp chúng tôi ghi nhận là lễ tạ của đồng bào Sán Chay xóm Làng Pháng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương.

Tận thấy ngôi đình thiêng và phong tục “lạ”

Cũng  như các dân tộc khác, tục thờ cúng của người Sán Chay thể hiện ý thức cội nguồn và nhân văn sâu sắc, ngoài ý nghĩa tâm linh còn là nét văn hóa truyền từ đời này sang đời khác. Người Sán Chay quan niệm có sự tồn tại của thế giới tâm linh, con người và siêu nhiên có mối giao hòa, vạn vật đều do các vị thần linh cai quản. Chính vì vậy, “Lễ tạ thần linh” của cộng đồng người Sán Chay xóm Làng Pháng 1 và 2 với trên 300 hộ gia đình được bà con coi là một nghi lễ linh liêng trong đời sống tinh thần.

                                    1-1690962846.jpg
Đình Làng Pháng

 Từ xa xưa bà con 2 xóm chung ngôi đình Làng Pháng và ngôi nhà thờ Thổ kỳ. Theo tục lệ trong năm dân làng có ba ngày lễ tại đình đó là các ngày 2/1 - Lễ mừng năm mới, 2/2 - Lễ hội Cầu mùa, 2/6 - Lễ tạ thần linh. Duy nhất lễ hội Cầu mùa có múa Tắc Xình và hát Sấng Cọ cùng các trò chơi dân gian.

Lễ tạ thần linh diễn ra vào ngày 2/6 chỉ có đàn ông, hoặc con trai đã trưởng thành mới được tham dự, nữ giới tối kỵ (kể cả khách). Theo tín ngưỡng của người Sán Chay, đình là nơi thực hành nghi lễ cúng bái, cầu mong các vị thánh thần phù hộ che chở. Nghi lễ được xem như một phương tiện để dân làng giao tiếp, truyền tải mong muốn, ước nguyện của con người đến các vị thần.

Đình Làng Pháng tọa lạc trên dải đất hình đầu rồng giữa một khu rừng rộng, rợp bóng cây cổ thụ nhìn ra cánh đồng. Phía trái đình có viên đá hình đầu rồng (đã bị người Pháp phá hủy một phần) bên cạnh giếng ngọc. 

                                    2-1690962846.jpg
Bữa cơm sau lễ tạ

Đình đã qua sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. Ngôi đình hiện nay kiểu một gian, hai chái trông khá đơn giản và không có những hình chạm khắc cầu kỳ. Gian giữa bày một án gian bằng gỗ làm ban thờ chạm khắc tứ linh (long, ly, quy, phượng). Đình Làng Pháng từng nhận được 2 sắc phong đời vua Duy Tân và 1 sắc phong của vua Khải Định. Đình thờ Cao Sơn Quý Minh, tức vị thủ lĩnh người Tày Dương Tự Minh, người có công cai quản các tỉnh biên giới phía Bắc, thần thổ địa cai quản đất đai long mạch của làng và các vị thần linh. Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định xếp hạng đình Làng Pháng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Theo lịch hẹn chúng tôi đến khá sớm để chứng kiến nghi lễ. Từ sáng, tiếng chiêng, trống thỉnh các vị thần linh đã ngân vang. Đúng 7 giờ, mâm lễ vật được sửa soạn chu tất bày trên ban thờ. Ông Vi Tư Lệ, còn gọi là Lệ Quyên năm nay 85 tuổi, Chủ Tén của đình (tức chủ hương, chủ trì lễ) thắp hương vào các bát nhang và dâng sớ xin thần linh nghi lễ được bắt đầu. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên rộn rã xen lẫn từng đoạn lời tế. Năm nay vị Chủ Tén tuổi cao sức yếu, ông báo cáo xin phép thần linh được nghỉ và nhường Chủ Tén cho người khác nên đứng trên vị trí tế lễ có thêm người kế nhiệm. Sau khoảng 45 phút, buổi lễ kết thúc bằng việc xin thẻ âm dương trong hồi chiêng, trống dài.

Ông Vi Tư Lệ chia cho chúng tôi những thẻ hương, hướng dẫn cắm trên các bát nhang và chia sẻ: Ngôi đình Làng Pháng được dựng từ khi người Sán Chay về đây sinh sống, khoảng cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19. Các cụ truyền lại, khi đó đình khá rộng làm bằng gỗ, có sàn cho mọi người đến làm lễ. Sau này đình xuống cấp nên bà con xây lại bằng gạch.

Khi tôi hỏi về nội dung bài cúng, ông Vi Tư Lệ vui vẻ đáp: Nghi lễ là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Sán Chay, song bài cúng ở đình lại không cầu kỳ mà hết sức đơn giản như một cuộc trò chuyện với thánh thần. Mong muốn của con người thế nào, xin các vị thần linh phù hộ che chở như vậy. Bài cúng không nhất thiết nói bằng tiếng Sán Chay, có thể nói bằng tiếng phổ thông, bởi đất nước ta nhiều dân tộc anh em, mình cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu không chỉ cho riêng dân tộc mình…

Khói nhang thơm thảo tình làng

Sau phần nghi lễ tại đình, chúng tôi được mời sang khu rừng có ngôi nhà thờ Thổ kỳ đối diện với khu rừng của đình Làng Pháng. Người Sán Chay không có tục lệ thờ Thổ công, Thổ địa trong nhà, nên đây là nơi thờ chung. Khu rừng cũng khá rộng, nhiều cây cổ thụ và có hai ngôi nhà. Ngôi nhà lớn đặt ban thờ Thổ kỳ tại trung tâm và treo hai lá cờ đại, bên trái có 9 bát nhang, mỗi bát nhang cắm một lá cờ nhỏ.

Tại đây, nghi lễ do ông Trần Văn Thành, 83 tuổi Chủ Làng (người quản phần âm, còn gọi là người coi giữ gốc cây) làm chủ tế. Bài văn tế khá dài được ông đọc từ cuốn sách viết bằng chữ cổ và không có trống, chiêng phụ họa như bên đình.

                                    3-1690962847.jpg
Ông La Thanh Tảng thắp hương mâm lễ thần rừng

Chờ tuần nhang cạn, ông Trần Văn Thành giải thích: Lễ tạ 2/6 có từ xưa do ông Thổ quyết định. Bên ban thờ Thổ kỳ, có ban thờ các vị thần cai quản chín ngọn núi là Núi Phật, Ba Quân, Tần Mần, Đèo Cao, Mó Son, Quận Công… Bài cúng của ông do người xưa truyền lại là lời báo ơn, cầu mong các vị thần ban cho mọi gia đình nhiều sức khỏe, yên ấm, đi lại bình an, xóm làng đoàn kết, trên dưới thuận hòa. Sau lễ Cầu mùa, buổi lễ này là dịp trình lên các vị thần linh những việc dân làng đã gặt hái được thành quả. Người Sán Chay ở đây đến gia chủ ăn giỗ gọi những người đã mất là tiền nhân (tức người đi trước). Tổ tiên và bậc hào kiệt như Cao Sơn Quý Minh cùng các đấng anh minh trong cõi siêu nhiên được dân làng tôn kính như thánh thần nên nghi lễ này mang tâm nguyện “Lễ tạ thần linh”. Ông cũng khẳng định không có người nữ tham dự, không phải do phân biệt, mà xuất phát từ tích xưa. Thời ấy, có cô “đến tháng” vô tình phạm nên bị quở phạt. Không ông thầy cao tay nào có thể hóa giải được, vì thế thành tục kiêng kị.

Trong khi ông Chủ Làng làm lễ tế, 40 người được cắt cử từ buổi lễ trước làm cơm rượu cho bữa cơm lễ tạ. Theo tục lệ mỗi gia đình trong làng góp 3 lạng thịt chín (gà, lợn) mang làm lễ và uống rượu, khách tham dự thì tuỳ tâm. Nhà ai không có đàn ông thì góp 1/2 và không được dự bữa cơm đó.

Khoảng 10 giờ 30 phút, toàn bộ đàn ông trong làng ngồi ngay ngắn bên các mâm cơm nghe công khai tài chính, phân công 40 người lo biện lễ và làm cơm cho buổi lễ sau. Chờ hết các ý kiến góp ý, ông Chủ Làng hóa vàng, châm nhang và xin phép các vị thần được rót rượu, cầm đũa. Mâm cơm nào cũng chỉ có hai món thịt lợn và gà luộc. Thấy tôi ngạc nhiên vì phần thịt lợn không hề có thịt mỡ, già làng cho biết lệ góp là thịt nạc, không được góp thịt mỡ, gà nếu con to thì mọi người chung nhau và chỉ là thịt gà ta. Rượu và gạo lấy từ quỹ của làng.

Bữa cơm diễn ra vui vẻ, mọi người chạm chén nhưng rất nhẹ nhàng, ý tứ. Tôi để ý mỗi mâm chỉ có một chai rượu, hết không tiếp thêm. Mâm cơm cuối xong xuôi, mọi người tự động thu dọn mâm bát và tập trung về ban thờ Thổ kỳ nghe ông Chủ Làng làm lễ xin phép cáo từ. Những người có mặt đều được trao một lá bùa từ ban thờ Thổ kỳ. Chủ Làng cho rằng lá bùa ấy thần linh đã chứng giám lòng thành và ban điều may mắn, tốt lành. Lễ dứt, tất cả đồng loạt chắp tay bái lạy cung kính trước khi ra về.

Ông La Thanh Tảng, bậc cao niên người Sán Chay, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Bà con dân tộc Sán Chay coi khu đất đình Làng Pháng và Thổ kỳ là nơi linh thiêng. Sau các dịp lễ không có bất kỳ ai ra vào. Các buổi họp khác có thể vắng, nhưng ngày lễ tạ đều đông đủ, không thiếu một ai. Nghi lễ tôn nghiêm và bữa cơm thân mật giúp tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, ý thức đối với cộng đồng luôn được duy trì. Đình hiện xuống cấp khá nghiêm trọng và đã có thiết kế tôn tạo. Nếu để bà con đóng góp xây dựng thì không đủ sức. Rất mong các cấp có thẩm quyền phê duyệt và hỗ trợ kinh phí để công trình sớm được triển khai thi công…

“Lễ tạ thần linh” là một nghi lễ trong sinh hoạt tín ngưỡng và có giá trị nhân văn sâu sắc của bà con dân tộc Sán Chay. Hy vọng nét đẹp văn hóa trong nghi lễ này được bảo tồn, phát huy làm phong phú thêm kho tàng văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy