Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
12:39 (GMT +7)

Nghi lễ cúng thần rừng của dân tộc Kháng

Trong sinh hoạt tín ngưỡng, dân tộc Kháng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc tộc người như lễ mừng cơm mới (Ma mía); lễ tra hạt (Le ngua); lễ hội Tạ ơn (Pang Phóong); lễ cảm ơn thầy cúng (Xên Pang A)… Đặc biệt là nghi lễ cúng thần rừng (Tam ma ngặt oom tia), đây là nghi lễ cầu mùa độc đáo, riêng có của họ được lưu giữ và phát triển cho đến ngày nay…

Nghi lễ cúng thần rừng của dân tộc Kháng
Đàn ông trong các hộ gia đình trong bản Nậm Mu chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện nghi lễ cúng thần rừng

Người Kháng là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Họ cư trú ở phía Bắc Việt Nam chủ yếu ở tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Dân tộc Kháng quan niệm mọi sự vật hiện tượng đều có linh hồn (vạn vật hữu linh), vì thế họ luôn tin rằng các cánh rừng, nương rẫy, dòng sông, con suối... đều có các thần linh ngự trị. Bởi vậy, việc mưa thuận, gió hòa hay thiên tai, bão lũ, được mùa hay mất mùa hay sức khỏe của dân bản có được tốt hay không… đều do các vị thần linh định đoạt. Trong các vị thần của họ thì thần rừng “Ma ngặt oom tia” được đề cao hơn cả, mỗi khi trong bản có việc hệ trọng, họ thường cúng thần rừng để cầu xin sự giúp đỡ, che chở, nhất là việc chọn đất dựng bản, làm nhà. Nghi lễ cúng thần rừng gắn liền với tập quán canh tác nông nghiệp của họ, đó là một nghi thức cầu mưa, để sản xuất nông nghiệp, đồng thời cầu xin các thế lực siêu nhiên che chở, bảo vệ cộng đồng làng bản, không ốm đau, bệnh tật, có sức khỏe tốt, cây trồng, vật nuôi ít bị bệnh, mùa màng bội thu.

Nghi lễ cúng thần rừng gồm lễ cúng 3 vị thần cai quản vùng đất và nguồn nước của bản và 12 vị thần linh (khách mời) cai quản ở các vùng đất khác của người Kháng, thường được tổ chức trong một ngày vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, với sự tham gia của của cả cộng đồng, tuy nhiên khi tham gia thực hiện nghi lễ, mỗi gia đình chỉ cử đại diện là nam giới tham gia.

Trước khi tổ chức nghi lễ cúng thần rừng, trưởng bản sẽ mời thầy cúng họp bàn thống nhất với dân bản tìm chọn địa điểm, chuẩn bị vật chất và ngày tốt, tháng tốt để tổ chức nghi lễ. Việc đầu tiên là chọn địa điểm để tổ chức nghi lễ, thầy cúng khấn cầu xin thần cai quản núi rừng cho phép thực hiện tại khoảnh rừng thiêng của bản. Nơi thực hiện nghi lễ được lập dưới gốc cây cổ thụ, gồm có sàn cúng chính (nha chàm) để cúng ba vị thần của bản và sàn cúng phụ (pàn leo), dành cho 12 vị thần khách mời. Lễ vật để dâng cúng bao gồm các vật nuôi như bò, lợn, gà và rượu cần, gạo, hoa quả… Ngoài ra mỗi gia đình còn chuẩn bị một chiếc áo (tam sửa) để dâng trong lễ cúng.

Lễ cúng các vị thần cai quản vùng đất và nguồn nước của bản: Lễ cúng mời ba vị thần cai quản gồm thần Chom Ượt (vị thần cai quản vùng đất của bản) và thần Bỏ Mú, Bỏ Co (hai vị thần cai quản hai đầu nguồn nước của bản), về nhận lễ vật, được thực hiện tại sàn cúng chính. Đồ lễ dâng cúng là những con vật còn sống gồm có: 01 con gà (tam diên); 01 con lợn (tam ẹc) để phía trước sàn cúng. Ngoài ra còn có thêm 01 chum rượu cần (khá xả); hương que (bảnh kéo pe mày); 4 chén rượu, 4 đôi đũa; áo (tam sửa) của thầy cúng, xung quanh đàn lễ được cắm “ta leo” có gắn lông gà và các cọng lạt bện thành mắt xích tượng trưng cho các bậc thang để các vị thần có đường đi xuống dùng lễ.

Khi mâm cúng được chuẩn bị xong, thầy cúng cùng với những người phụ giúp đứng trước sàn cúng thực hiện lễ cúng mời ba vị thần về nhận những đồ lễ mà dân bản dâng cúng. Lời cúng: “…Ơ thần Quan Chom Uợt, thần Bỏ Mú, Bỏ Co ơi, để tỏ lòng biết ơn các vị thần linh đã che chở, phù hộ cho dân bản được được khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Hôm nay, ngày lành dân bản kiếm được con lợn, con gà và những đồ lễ để dâng lên các vị thần linh, mong các vị thần linh hãy về nhận những đồ lễ của bà con dân bản, xin dâng kính....”.

Sau khi thầy cúng khấn mời các vị thần linh xong, lúc này thầy cúng cùng một số người phụ giúp sát sinh lợn, gà, ngay tại sàn cúng, trước sự chứng kiến của thần linh. Thầy cúng dùng thẻ âm dương tung lên để xem các vị thần linh đã về nhận các lễ vật chưa, nếu một thẻ ngửa và một thẻ úp điều đó thể hiện các vị thần linh đã về nhận lễ còn nếu quẻ âm dương cả hai đều ngửa hoặc úp điều đó sẽ thể hiện các vị thần linh chưa về và nhận lễ vật, thầy cúng sẽ lặp lại lời khẩn mời và tung thẻ âm dương lại cho đến khi nào các vị thần về nhận lễ mới thôi.

Khi ba vị thần linh đã nhận lễ vật, những vật dâng cúng được mang đi chế biến thành đồ chín và lại được bày lên sàn cúng chính để dâng lễ cho các vị thần thụ lộc. Thầy cúng khấn mời ba vị thần: “…Ơ thần Quan Chom Ượt, thần Bỏ Mú, Bỏ Co, cùng các con, cháu của các vị thần ơi, hãy về ăn thịt lợn, thịt gà, xôi, hoa quả, uống rượu cần của dân bản đã kính dâng. Ăn uống xong, cầu mong các vị thần linh che chở cho dân bản luôn được khỏe mạnh, phù hộ cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu, cây trồng không bị sâu bệnh, vật nuôi khỏe mạnh lớn nhanh…”.

Lễ cúng 12 vị thần cai quản ở các vùng đất khác: Vật dâng cúng ở mâm chính gồm các bộ phận đầu, đuôi và 4 chân con bò được bày lên mâm cúng để bày tỏ lòng biết ơn, sùng kính trước các vị thần Quan Chom Vệt; thần Quan Ca; thần Quan Bon; thần Quan Phúa Pưng; thần Quan Phúa Trăng; thần Quan Noong O; Noong Hẹt; thần Quan Noong Văn; thần Quan Cha Cà Noong; thần Quan Klô; thần Quan Còn; thần Ảng Tảo về nhận lễ. Khi đồ lễ đã được sắp xong, thầy cúng thực hiện nghi lễ mời 12 vị thần linh theo tên gọi về chứng giám lễ vật của dân bản dâng cúng: “Ơ các vị thần (kể tên 12 vị thần)… hôm nay dân bản có con bò để làm lễ dâng mời các thần linh khách mời của bản, hãy về đây cùng chứng giám lễ vật mà dân bản đã dâng tế… nếu các vị thần đã về nhận lễ thì thẻ âm dương 1 ngửa, 1 úp …”. Dứt lời, thầy cúng tung thẻ âm dương với mục đích để xem các vị thần linh đã về nhận các lễ vật chưa, nếu thẻ âm dương 1 ngửa, 1 úp điều đó sẽ thể hiện các vị thần linh đã về và nhận lễ vật.

Đến lúc này ở sàn cúng phụ, các bộ phận của con bò bị giết thịt đã được luộc chín được bày lên 12 mâm lễ để dâng cúng riêng cho mỗi vị thần khách mời. Mỗi mâm lễ gồm có thịt bò luộc, một con gà luộc, cơm nóng bọc lá chuối, đôi thẻ âm dương và những chiếc áo đại diện của mỗi gia đình trong bản. Đặc biệt trong lễ cúng 12 vị thần này, mỗi mâm cúng chỉ dùng 2 que hương, 2 chén đựng rượu, 2 đôi đũa để mời vợ chồng các vị thần khách mời về thụ lộc. Phía trước mỗi mâm cúng cắm 12 chiếc “ta leo” gắn lông gà, tại chính giữa sàn cúng cắm 1 chiếc “ta leo” lớn, treo các vòng lạt tre được xâu thành chuỗi (pluộc ngân cắm). Những chiếc “ta leo” này tượng trưng vòng bạc, vòng vàng và là các bậc thang để các vị thần linh có đường đi xuống dự lễ và và là đường đi về của thần linh khi kết thúc nghi lễ.

Thầy cúng tiếp tục tiến hành lễ cúng cho các vị thần linh theo thứ tự tên gọi của từng vị thần, đây là một nghi lễ quan trọng nhất trong lễ cúng thần rừng. Nội dung lời khấn với đại ý rằng: “Các vị thần… giờ đây dân bản đã được ấm no, thóc ngô đã đầy bồ, lợn, gà, trâu, bò đã có nhiều rồi, dân bản không bao giờ quên ơn các vị thần đã phù hộ, che chở cho dân bản… mời thần… về thụ lộc chứng giám cho tấm lòng thành của dân bản. Các vị thần… hãy che chở mọi người trong bản luôn khỏe mạnh, không ốm đau, gia đình luôn hạnh phúc, dân bản cầu mong luôn nhận được sự phù hộ của thần làm cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vật nuôi sinh sôi đầy đàn… hẹn mùa này năm sau dân bản lại tổ chức dâng cúng, mời các vị thần về chứng giám… ”.

Sau mỗi lần khấn mời ở từng mâm lễ, thầy cúng đều tung thẻ âm dương để biết được từng vị thần đã hưởng thụ đồ lễ chưa. Khi thầy cúng làm lễ xong, trưởng bản thay mặt cho dân bản đổ từng chén rượu trên mâm lễ ra trước sàn cúng phụ, tiếp đó trưởng bản xé 1 ít lòng gà, lòng bò cùng ít cơm nóng tung theo, với mục đích để cho con cháu của các vị thần cùng được hưởng thụ lễ vật. Trước khi nghi lễ kết thúc, thầy cúng quay lại sàn cúng chính cầu khấn xin phép thần rừng của bản cho kết thúc nghi lễ, đại diện từng gia đình lấy chiếc áo ở sàn cúng phụ đã được thần linh phù phép che chở, mang về bảo hộ cho gia đình.

Nghi lễ cúng kết thúc, cũng là lúc thầy cúng cùng những người tham gia giúp việc và bà con dân bản cùng nhau thụ lộc, uống rượu cần ngay tại nơi thực hiện các nghi lễ. Tất cả đều hân hoan trong niềm vui và hy vọng tới những vụ mùa bội thu, cuộc sống được no đủ, hạnh phúc, họ cùng nhau nâng chén rượu chúc cho nhau luôn mạnh khỏe, gặp mọi điều tốt lành trong cuộc sống.

Sau khi hưởng thụ đồ lễ xong, tại bãi đất trống trước sàn cúng chính và sàn cúng phụ tiếp tục diễn ra phần hội. Ở phần hội diễn ra tưng bừng vui tươi và cuốn hút mọi người dân trong bản cùng tham gia với những bài dân ca, dân vũ truyền thống, làn điệu mộc mạc, gần gũi, thủ thỉ, tâm tình, đã xua tan đi những mệt nhọc trong lao động, và thay vào đó là những nỗi niềm, hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp. Những bài hát thường mang ý tính giáo dục thế hệ trẻ những điều hay, lẽ phải, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước.

Tiếp đến là điệu múa “tăm đao” dành cho nữ giới, đạo cụ sử dụng là cây tăm đao, đây vừa là một loại nhạc cụ dân gian và cũng là đạo cụ được dùng khi múa. Múa tăm đao bắt nguồn từ việc người phụ nữ cầm đao để đánh trong quá trình đi làm nương, rẫy, họ gõ đao tạo ra những âm thanh vui tai để quên đi sự mệt nhọc, hay mỗi tối trăng lên, người con gái ngồi gõ đao để gọi mời gọi người mình thầm thương, trộm nhớ… Những phụ nữ Kháng duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống múa trên nhịp điệu và âm thanh tăm đao, họ đan xen nhau và hoán đổi vị trí thành vòng tròn. Cứ như thế, nhịp đánh mỗi lúc dần nhanh hơn, tốc độ di chuyển đội hình cũng cùng đó mà nhanh hơn, thôi thúc hơn, người xem cũng như các cô gái cùng hòa với nhịp tăm đao trong niềm vui chung như không bao giờ có nhịp kết.

Nghi lễ cúng thần rừng của dân tộc Kháng
Cây cổ thụ ở khu rừng thiêng, được chọn để thực hiện nghi lễ cúng thần rừng của người Kháng ở bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Tiếp đến họ lại chuyển sang múa xòe. Nhịp xòe được diễn ra theo tiếng dẫn nhịp của dàn chiêng và những âm thanh đặc trưng từ những cây tăm đao do chính những người phụ nữ tạo nên. Vòng xòe mỗi lúc lại rộng hơn, nhịp xòe cũng vì thế mà rộn ràng hơn, thôi thúc hơn như muốn giục giã, chào mời mọi người cùng tham gia… Các điệu múa, âm nhạc truyền thống của dân tộc Kháng thể hiện những tâm tư, tình cảm, ước mong về sức khỏe, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, yêu lao động sản xuất, đồng thời cũng thể hiện khát vọng tình yêu đôi lứa, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng dân tộc.

Ngoài các lời ca, điệu múa, trong nghi lễ cúng thần rừng của dân tộc Kháng còn diễn ra các trò chơi dân gian “Tung còn”; “Đánh cầu lông gà”; “Kéo co”, đây là những trò chơi đơn giản, dễ chơi, có thể chơi ở bất cứ địa điểm, thời gian nào, vì vậy trong các ngày hội, ngày lễ của đồng bào thì trò chơi tung còn, đánh cầu lông gà hay kéo co... là những trò chơi thu hút đông đảo các thành phần tham gia. Các trò chơi diễn ra nhận được sự reo hò, cổ vũ, tán thưởng của những người tham dự, trong niềm phấn khích, vui tươi.

Nghi lễ cúng thần rừng là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc Kháng, thể hiện sự ứng xử của con người với thiên nhiên, với thế giới thần linh bằng sự kính trọng với niềm tin, khát vọng cầu mong được sự phù hộ, che chở. Đây cũng là dịp để bà con dân bản được gặp gỡ chia sẽ những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, cùng chung sức xây dựng và phát triển bản làng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Tất cả những gì diễn ra trong nghi lễ cúng thần rừng, đều chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng riêng có của dân tộc Kháng, đã thể hiện được tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa trong nghi lễ tín ngưỡng, góp phần trong sự đa dạng của kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy