Nghề trồng lúa nước trong hát Then của người Tày
VNTN - Trong lễ Hát Then Khửn tỉnh (cấp sắc) của người Tày có mục dâng lễ vật bánh trái và rượu cho thần, thánh và vị Tổ Sư Phi Ham, mục này lời ca Then kể lại quá trình tạo ra các loại lễ vật để dâng cúng này được tiến hành từng bước ra sao… từ đó thấy được giá trị của lời ca hát Then này đối với cuộc sống con người.
Trồng lúa nước là nghề truyền thống gắn với người nông dân miền núi từ bao đời nay, cây lúa, hạt gạo đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của con người. Điều này được thể hiện qua những truyền thuyết, sự tích về hạt gạo trong hát Then và những câu thành ngữ, tục ngữ của tộc người Tày.
Đoàn slay ra ngoài đồng đi lấy kinh thư trong lễ “ Khửn tỉnh”
Nói về nguồn gốc hạt gạo ở trần gian, người Tày ở vùng Hòa An, Cao Bằng có truyền thuyết Thằng Pjạ lấy nàng tiên. Truyền thuyết này lý giải người trần gian có được hạt gạo là do nàng tiên thấy Pjạ nghèo đói không có cái ăn nên nàng dạy Pjạ đắp bờ giữ nước để tạo ruộng. Khi Pjạ tạo ruộng xong nàng tiên khều lấy ráy tai đem rắc xuống đất tạo thành lúa nước, ba ngày lúa nảy mầm, bảy ngày lúa đâm bông, chín ngày lúa chín, hạt lúa to như quả bưởi tự chạy từ ruộng về nhà… Nhưng do hai chị em nhà nọ bận làm dáng không đón những hạt thóc lên cầu thang nên thóc bị gà mổ tung tóe mà tan nhỏ ra như ngày nay.
Lúa nếp và các công cụ lao động được dâng trong nghi lễ. Ảnh: Q.K
Thóc gạo là vật quí do nàng tiên trên trời ban cho con người nên người Tày ví hạt thóc như hạt vàng hạt ngọc quí giá nuôi sống con người. Họ có câu thành ngữ: “Muối khẩu muối ngọc, kin dá tẻ dọc dọc” (Hạt gạo hạt ngọc, ăn rồi chạy dọc dọc), hoặc “Muối khẩu chắp thang ma, au gàn gà pây thẻp” (Hạt gạo dính đuôi chó, lấy đòn xóc đi đuổi để nhặt).
Là loại lương thực xếp ở vị trí hàng đầu nên trong lễ cúng của người Tày (cầu mùa, cầu yên, cấp sắc). Cũng như Lễ Cấp sắc của người Dao… lễ vật thanh tịnh dâng lên các vị tiên thánh thường là các sản phẩm chế từ lúa gạo. Ở các lễ cúng này các đạo sư, pháp sư ngoài việc giáo dục người thụ lễ theo tiêu chí lấy trung, hiếu, lễ, nghĩa của Đạo giáo làm tiêu chuẩn, người ta còn truyền dạy một số tri thức, kinh nghiệm nghề nghiệp khác trong cuộc sống trong đó có nghề trồng lúa nước tạo ra thóc gạo bảo đảm cho việc sinh tồn của con người. Tùy nội dung của cuộc lễ mà mục truyền dạy nghề trồng lúa nước được thể hiện dưới các dạng vũ đạo, thi ca hoặc truyện kể… Riêng trong lễ Hát Then Khửn tỉnh của người Tày phần nghệ thuật về nghề trồng lúa nước được thể hiện cả hai phần gồm vũ đạo và thi ca.
Trong lễ Hát Then Khửn tỉnh, công việc trồng lúa thông qua hình thức biểu diễn, mô phỏng quá trình tạo ra hạt gạo. Những kinh nghiệm của con người trong việc trồng lúa nước từ khâu đào đất san phẳng, đắp bờ tạo ruộng rồi cày bừa làm đất đến khâu gieo mạ cấy lúa, làm cỏ, chăm sóc, thu hoạch lúa, quá trình chế biến gạo thành các sản phẩm dâng các vị bề trên ra sao…
Mục vũ đạo được thể hiện như sau: Các vũ công gồm các vị Then tham gia lễ, họ buộc dây ngang thắt lưng tượng trưng là đeo mõ dao ngang lưng, đây là thói quen đồng thời cũng là việc cần thiết của người nông dân miền núi khi ra đồng cần mang theo dao là công cụ lao động cũng là để phòng hộ thân. Họ xắn quần, xắn tay áo, với các động tác mô phỏng quá trình trồng lúa ví như cày, bừa, phát cỏ, đắp bờ ruộng, người thì giả cầm cày, người đóng vai làm con trâu kéo cày, người cầm cày biểu diễn việc cày ruộng, thỉnh thoảng, lại làm động tác thúc trâu miệng thì hô “Ôi vvoài… ô vvoài…” giục trâu gắng bước. Hoặc khâu làm mặt ruộng cho phẳng để cấy lúa người Tày gọi là “loảt nà”, mục này người ta dùng cây gậy bằng trúc buộc sợi dây vào giữa rồi kéo lê trên sàn nhà. Trong thực tế thì người ta cũng dùng đoạn cây gỗ thẳng dài chừng hai mét, hai đầu buộc dây thừng như vòng cung rồi móc vào để trâu kéo lê tạo mặt phẳng cân bằng cho mặt ruộng thuận lợi cho việc cấy lúa và lưu thông nước.
Còn trong phần thi ca kể về việc làm đất tạo ruộng được thể hiện cụ thể trong bài Mo Dâng rượu như sau: “Bươn chiêng báo ooc tổng thây nà. Bươn nhỉ slao khửn phja phát rẩy. Slao phát rẩy gặm phja. Báo thây nà gặm đán. Mì slim sày vặn nặm khửn phja. Tào đin sle sảo nà đăm khẩu…” (Tháng giêng trai thanh ra đồng cày ruộng. Tháng hai gái xoan lên rừng phát rẫy. Gái phát rẫy chạm chân núi. Trai cày ruộng chạm vách đá. Có tâm cùng chuyển nước lên núi. Đào đất để tạo ruộng cấy lúa…).
Đoạn lời ca này nói về quá trình tạo đất của tộc người miền núi, nơi đá nhiều hơn đất việc tạo đám ruộng để cấy lúa nước rất gian nan, người ta cày sát chân núi tận dụng từng hủm đất để khoảnh ruộng rộng ra có thể cấy thêm được nhánh mạ. Công việc chuẩn bị đất này được tiến hành vào thời kỳ từ tháng chạp đến tháng Giêng. Ở miền núi tháng này là mùa nông nhàn, khí hậu lạnh việc trồng lúa thường vào tháng Ba tháng Tư mới vào vụ chính. Cày ruộng tháng Chạp, tháng Giêng đất được cày để ải cấy lúa sẽ tốt, kinh nghiệm đó được đúc kết lại trong bài ca như sau: “Bươn slam, slí lồng phẻ ván phằn. Nà đây lẻ pắc nêu lồng chả… Bươn slí hả chính mủa đăm chay. Nà đảy bươn liện bjai. Mừ căm bjai quá cốc. Nà nọi thư khẩu lài. Nà lai thư khẩu pét…” (Tháng Ba, Tư, gieo giống má. Ruộng tốt thì cắm nêu gieo mạ… Tháng Tư, tháng Năm chính mùa trồng cấy. Ruộng ít thì cấy lúa vằn. Ruộng nhiều thì cấy lúa tám…).
Ở miền núi trước đây có hai loại giống gồm giống lúa tẻ và lúa nếp, giống lúa tẻ thì có giống ngắn ngày, giống dài ngày, tùy thuộc ruộng đất nhiều hay ít, tốt hay xấu người ta cấy các giống lúa cho phù hợp, nên người Tày có câu “Khẩu lài đăm thua, khẩu nua đăm cón” (Lúa vằn cấy trước, lúa nếp cấy đầu), nhà nào có ruộng nhiều thì cấy lúa “khẩu pét” (lúa tám) loại gạo này thơm, dài ngày hơn.
Trong phần vũ đạo thể hiện mục cấy lúa và làm cỏ lúa, các vũ công khom lưng cúi mặt, tay trái tư thế cong lên trước bụng tượng trưng là giữ bó mạ, tay phải nhặt từng dẻ lúa trên tay trái cắm xuống đất, chân đi lùi dần về phía sau. Đến mục làm cỏ lúa thì mỗi người tay cầm gậy trúc chống xuống đất, chân thao tác các động tác làm cỏ lúa… Đây là cách làm cỏ chăm sóc lúa bằng phương pháp thủ công của người miền núi. Trong quá trình mô phỏng này còn diễn ra một số trò mô tả về những cảnh sinh hoạt của người nông dân ở ngoài đồng trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn như bắt ếch, bắt cua, bắt cá, nhặt ốc… Người ta vui cười hò hét khi bắt được những chú cá rô hay con ếch to, cho vào giỏ, nhiều khi ngẫu hứng họ ca lên những câu hát trêu đùa chọc hoặc mời bạn lượn hát đối… Nhờ công chăm sóc cùng với mưa thuận gió hòa, tháng sáu lúa cao vổng, tháng bảy lúa trổ bông, tháng Tám cánh đồng ngả vàng. Rồi đến vụ thu hoạch lúa là những ngày vui vẻ, nhộn nhịp của làng bản miền núi, để đón mùa thu hoạch các cô gái chàng trai đã chuẩn bị các phương tiện đó là liềm và thép, đòn để gánh lúa, quang dậu để đựng thóc… Các dụng cụ để thu hoạch thóc lúa được các cô gái chàng trai chuẩn bị chu đáo. Người ta còn trang trí khắc hình chim, hình rồng để tặng nhau. Người già thì quét dọn bồ, dọn hộc đựng thóc…
Ở miền núi, lúa nếp thường được gặt đầu tiên, nên khi mô phỏng mục thu hoạch này trên tay các vũ công cầm mỗi người chiếc hái nhỏ gọi là chiếc “thép thua luốm” (lưỡi hái đầu muỗm) nhỏ nhắn xinh xinh dùng để hái lấy từng bông lúa. Cách hái lúa này rất nhẹ nhàng, người hái chỉ cắt lấy đúng phần ngọn lúa có bông bó lại từng nắm rồi dùng đòn xóc chọc qua các nắm lúa gánh về. Trong Then có đoạn: “Slao nàng au thép thua Luốm pây tan. Báo ón au gàn thua luồng pây tháp…” (Gái tân lấy lưỡi hái đầu Muỗm đi thu. Trai thanh lấy đòn đầu rồng đi gánh…).
Thóc nếp lấy về thường đưa lên gác xếp từng nắm một để hong khói bảo quản. Đây là cách chế biến bảo quản thóc nếp độc đáo chỉ có một số nơi miền núi mới có. Thóc nếp dùng để gói bánh chưng. Khi mới hái thóc ở ruộng về, người ta đun một chảo nước to nóng già rồi nhúng từng nắm thóc nếp vào chảo mang tính chất chần qua nước sôi rồi đem hong khô để riêng cho việc gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán. Cách bảo quản này hạt gạo khi xay xát không vỡ, bánh ăn dẻo, có vị ngọt thơm dịu như cốm. Đây là một trong những kinh nghiệm truyền thống của người Tày tạo ra bánh chưng ngon. Còn lúa nếp thường có mấy loại giống lúa như lúa nếp pì pết nghĩa là nếp (mỡ vịt). Sở dĩ gọi như vậy vì nếp loại này rất thơm, đồ chín hạt bóng, nhà nào nấu loại này hương thơm bay xa, loại xôi này dẫu để lâu vẫn dẻo thơm. Hiện nay giống nếp này được xem là đặc sản của Cao Bằng. Ngoài ra còn nếp nương, lúa nếp râu hạt tròn hạt to gọi là “khẩu mủm” (nếp râu). Gọi vậy bởi hạt thóc nếp này đuôi có sợi râu dài nhọn tựa râu, loại này người ta thường gói bánh chưng hay làm bột bánh khảo bởi gạo nở hạt gạo chắc, bột nhiều, gói bánh khi bóc ăn bên ngoài không bị dính.
Sau thu hoạch lúa nếp rồi đến thu hoạch lúa tẻ, mục này các vũ công mô phỏng việc gặt lúa tẻ bằng liềm, các động tác tượng trưng như cúi gặt lúa, đập, quạt thóc… Có sản phẩm từ lúa, người ta tạo ra các sản phẩm từ gạo như bánh gai, bỏng gạo, bánh chưng… Đặc biệt là việc tạo ra rượu ngọt, rượu thơm để dâng lên các vị thần thánh bề trên… Tượng trưng cho việc cất rượu người ta dùng hai chiếc bát to, một chiếc úp, một chiếc ngửa tạo thành chõ cất rượu, chiếc bát ngửa phía trên người ta đổ lưng bát nước để ngưng rượu, đồng thời lấy một đoạn cuống lá đu đủ dùng dây buộc ngang chõ chéo xuống dưới tượng trưng là ống dẫn rượu phía dưới ống đặt chiếc cốc để hứng rượu.
Cũng như phần vũ đạo mô phỏng về việc trồng lúa nước, phần thi ca trong Then cũng kể việc quá trình làm ruộng tạo ra hạt thóc rồi từ hạt thóc xay giã dần sàng tạo ra hạt gạo để chế biến các loại bánh trái và các loại rượu ngon dâng lên các vị thần thánh ra sao… Phần thi ca được thể hiện cụ thể ở mục nộp lễ, trong đó có bài Mo Dâng rượu cho thánh. Phần này hũ rượu ngọt đặt trên ban thờ được chuyển xuống dưới mâm Then, Then cầm cây mía tượng trưng là gậy thần, đồng thời cũng là cây trường sinh dâng rượu lên các vị tiên, thánh. Bài Mo Dâng rượu kể về việc gieo trồng, chăm sóc lúa đến thu hoạch và bảo quản thóc, ngày nắng thì đem ra sàn phơi, ngày mưa thì đưa lên gác bếp… Thóc phơi độ nào cho vừa, xay giã dần sàng ra sao, nấu ủ rượu thế nào, việc ủ rượu phải chọn gái thanh tân… Rượu chưng cất được mô tả như sau: “Slam giờ dẳng đảy dẳc. Sốc giờ dẳng đảy chẻn. Van dì dẳc nặm ỏi. Van dì dọi nặm thương. Hồng pền lưởt tua luồng…” (Ba giờ mới được một giọt. Sáu giờ mới được một chén. Ngọt ngào tựa nước mía. Ngọt ngào tựa nước đường. Hồng tựa tiết con rồng…).
Các sản phẩm từ lúa gạo luôn được dâng cúng trong các nghi lễ của người Tày. Ảnh: Q.K
Các sản phẩm từ thóc gạo gồm các loại bánh trái và rượu được dâng lên các ban thờ các vị bề trên, đây là mục đích của cuộc lễ dâng lễ vật lên các vị bề trên để các vị đáp ứng nguyện vọng của tín chủ. Sau mục dâng rượu Then, ban bánh cho mọi người xung quanh, mọi người hồ hởi nhận bánh để lấy khước.
Như vậy, riêng mục dâng lễ vật cho các vị bề trên trong Hát Then Khửn tỉnh diễn ra chi tiết, chiếm thời gian khá dài, tập trung trọng điểm vào việc thể hiện quá trình con người trồng lúa nước… Việc mô tả tỉ mỉ nghề nông này thể hiện nhân sinh quan của người Tày về vạn vật trong vũ trụ hữu linh, thóc lúa được tiên thánh ban cho con người cần trân quí nâng niu, nghề nông cần được mọi người hiểu biết để duy trì cuộc sống… Sự ưu ái của thiên nhiên đối với con người là quí giá nên khi có các sản phẩm của nghề nông người ta dâng lên các vị bề trên thể hiện sự trân trọng của con người đối với vạn vật.
Qua phần dâng lễ vật trong Hát Then Khửn tỉnh và một số loại Then khác có giá trị truyền dạy kinh nghiệm trồng lúa nước, nhắc nhở con người phải chăm chỉ làm ăn, trân quí vạn vật trong vũ trụ, trân quí các giá trị truyền thống văn hóa tinh thần của con người.
Triệu Thị Mai
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...