Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ
Nét đẹp trong trang phục của người Dao Đỏ đã trở thành một nguồn cảm hứng cho những người yêu mỹ thuật, yêu văn hóa, các nhà thiết kế thời trang. Trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống người Dao Đỏ ở tỉnh Yên Bái là một nghệ thuật tạo hình rất đặc sắc, đậm cá tính tộc người. Đây là sản phẩm mang tính nghệ thuật và kỹ thuật được thể hiện qua những yếu tố cấu thành nên bộ trang phục; mang sắc thái từng giới tính (nam, nữ), theo lớp tuổi (trẻ em, người lớn); mang tính chất nghề nghiệp, sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng.
Trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở tỉnh Yên Bái, hầu như không có sự biến đổi về hoa văn và bố cục và là hồi âm của nhiều đời người, tập trung chủ yếu ở y phục nữ, y phục nam giới, y phục của thầy cúng.
Trang trí hoa văn trên trang phục nam giới
Nếu bộ y phục nữ giới Dao Đỏ được trang trí hoa văn trên các bộ phận với nhiều loại hoa văn khác nhau, thì bộ y phục của nam giới hoa văn chỉ tập trung ở chiếc khăn quấn đầu. Hoa văn trang trí trên khăn được bố cục thành dải ngang và được phân bổ hài hòa đều khắp mặt khăn. Các họa tiết thêu hoa văn chủ yếu là hình: dấu chân hổ, hình trám, chữ thập ngoặc thêu màu đỏ, trắng.
Áo nam Dao đỏ cũng chú ý nhiều đến các họa tiết hoa văn ở tay áo và trước ngực áo. Nẹp ngực phía bên trái ngực áo lai thêm mảnh vải hình chữ nhật được thêu kín các hoạ tiết trang trí, gồm các mô típ như hoa chéo, chữ thập, dấu nhân, hình cây cỏ, quả thông, dấu chân hổ, hoa cây bông, hình răng cưa... và các đường chỉ thêu nằm ngang, dọc bằng màu đỏ, trắng... Phần trang trí trên ống tay áo là những đường viền bằng vải màu đỏ hoặc ghép vải hoa đỏ các hoa văn được kết hợp rất hài hòa, đẹp mắt. Phía sau giữa lưng áo thêu trang trí bằng chỉ đỏ, trắng hình chữ nhật gọi là “dấu ấn của Bàn Vương”.
Mũ thầy cúng, gồm hai loại: Mũ trước (sờ nghẹ), được làm bằng giấy bồi hoặc vải, mũ được thêu là mũ vải), mũ vẽ là mũ giấy với nhiều họa tiết hoa văn bằng sơn màu về các vị thần mà người Dao Đỏ cho rằng đó là những người ở “thiên đình”. Nửa trước được thêu (vẽ) hai con rồng chầu hoa mặt trời, nửa sau thêu (vẽ) hai con phượng chầu mặt trăng, hoa mặt trời. Mũ sau (paà chùa), làm bằng vải sợi bông, thêu tay, có cấu tạo như một hình tam giác cân, hai cạnh bên, mỗi cạnh đính một hàng tua màu đỏ. Trên nền đỏ của mũ còn có các đoạn thẳng thêu màu trắng, xanh, vàng. Các hoa văn trên nửa sau là các hình (sôm) màu trắng, hình dấu chân hổ, hình răng cưa, hình móc câu.
Trang trí hoa văn trên trang phục nữ giới
Khăn đội đầu nữ gồm có khăn trong (gòng paá) và khăn ngoài (gòng paá lây). Khăn trong trang trí nhiều họa tiết hoa văn chủ đạo là hình những ngôi sao nhỏ, hoa cây bông, cây vạn hoa, hình người, hình tam giác cách đoạn, hình vết chân hổ bằng chỉ màu trắng, đỏ, xanh. Khăn ngoài là một dải vải màu đỏ, mỗi đầu khăn có tua len (chầu chuối), dài khoảng 8cm, mỗi dây tua là những chuỗi hạt bằng nhựa màu xanh, đỏ, vàng, nối với nhau bằng một sợi chỉ nhỏ. Tua (chuối) được làm bằng nhiều sợi len màu xanh, đỏ, vàng.
Áo nữ giới là kiểu áo dài may kiểu xẻ ngực (áo hở ngực), không có khuy. Hai bên nẹp áo từ cổ xuống được may đáp mảng hoa văn, phía trong nẹp áo này là chỉ thêu màu đỏ, trắng. Tiếp đến là hoa văn hình học, hình chữ thập, hình dấu chân hổ, xen kẽ đường chỉ thêu hình xương rắn, xương cá, ngoài cùng là hình vây rồng, xung quanh đính túm len màu hồng.
Xung quanh tà áo thân trước được sử dung kỹ thuật ghép vải màu đỏ, trắng. Lưng áo thân sau được may đáp mảng hoa văn “dấu ấn Bàn Vương” thêu hoa văn hình cây cỏ, cùng các đường chỉ thêu màu cam, trắng. Tà áo thân sau may can mảng hoa văn xung quanh tà và gấu áo bằng kỹ thuật ghép vải màu đỏ, trắng, thêu hình cây cỏ cùng đường thêu màu trắng, vàng, xen kẽ nhau tạo thành mảng hoa văn hình chữ U. Bên trong là mảng hoa văn hình cây thông, hình cây cỏ, hình cây tam thanh cùng các đường chỉ thêu màu trắng, xen kẽ nhau theo chiều ngang, trên cùng là hoa văn hình người.
Yếm (lui ton), được trang trí thành 2 phần rõ rệt cả ở thân trước và thân sau bằng kỹ thuật thêu chỉ màu đỏ, vàng, trắng, xanh hết sức cầu kỳ, điểm nhấn chủ yếu ở phần ngực, cổ và lưng. Các hoa văn trang trí trên ngực yếm là dải cúc hoa văn hình chữ nhật bằng bạc hoặc bằng nhôm, theo chiều dọc ở giữa yếm, trên bề mặt mỗi chiếc cúc là hình sao tám cánh. Các hoa văn phía thân sau yếm được thêu theo chiều dọc của áo là các họa tiết chỉ màu bao quanh hình chữ nhật, trên nền là họa tiết hình cây thông.
Quần nữ giới được trang trí các họa tiết chủ yếu ở hai ống quần rất tỷ mỷ là những hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng. Bên trong các hình đó là các hoa văn hình cây thông, hình quả trám, hình sóng nước, dấu chân hổ, con hến, dấu nhân, ông sấm to. Phân cách giữa các hình là các đường chỉ thêu màu đỏ, trắng tạo nên sự cân đối hài hòa.
Mũ cô dâu (sèng buổng páng). Mũ sừng hay còn gọi là khăn trùm đầu được làm bằng tấm vải phủ lên một cái khung làm bằng tre mà người Dao Đỏ gọi là “Thả”, được trang trí hết sức cầu kỳ với các hình thêu cây cỏ, cây thông, dấu chân hổ, hình hoa bông, hình chim, cây vạn hoa, hình cách đoạn… tính từ ngoài vào phần tạo hoa văn là 5 lớp viền chỉ màu vàng, trắng, đỏ. Ở giữa tâm khăn là ô vuông “tâm điểm hay còn gọi là dấu ấn Bàn Vương” thêu hình ngôi sao tám cánh.
Khăn dắt cô dâu, được làm bằng vải sợi bông màu trắng. Ở giữa mặt khăn thêu hoa văn ngôi sao tám cánh, bên trong ngôi sao thêu hoa văn hình vuông “dấu ấn Bàn Vương”. Đầu các cánh của ngôi sao trang trí hoa văn cây thông. Lui dần về phía giữa sang hai bên đầu khăn thêu 2 hoa văn cây thông hình dấu cộng đối xứng nhau. Cuối hai đầu khăn, mỗi bên thêu hai con chim cõng hình người, đầu hai con chim ngoảnh vào nhau, trên mặt khăn điểm các chỉ màu cách điệu.
Váy cô dâu, phù dâu hay còn gọi là tạp dề được dệt bằng vải sợi bông nhuộm chàm. Trên mặt váy thêu các bố cục hoa văn so le đối xứng thành hàng ngang gồm: Hình cây cỏ, hình chữ thập ngoặc, hoa văn hình cây bông, dấu chân hổ, văn hình cây thông, hoa cây thông, hoa văn hình con ngựa, hình người mặc váy.
Một số họa tiết hoa văn tiêu biểu trong nghệ thuật trang trí
Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ gồm: Hoa văn hình học và hoa văn tả thực. Đó là những hình ảnh thiên nhiên, của cuộc sống của con người được đưa vào để trang trí, là những hình ảnh cách điệu mô phỏng khái quát nhưng vẫn mang tinh thần của tự nhiên.
+ Hoa văn hình cây cỏ, hoa lá: Người Dao Đỏ bao đời gắn bó với núi rừng, họ trân trọng, tôn thờ cây cỏ, hoa lá như cây cỏ, quả thông, cây thông, hoa cây bông, hoa bạc, hoa bầu bí… họ tìm thấy sự chở che, bao bọc và gửi gắm vào đó niềm tin, sức sống mãnh liệt, trường tồn. Vì vậy, các hoa văn biểu hiện cây cỏ, hoa lá luôn chiếm diện tích trang trí lớn trên trang phục của họ.
+ Hoa văn hình chim thú: Hoa văn hình chim thú được thể hiện thông qua các mô típ, như dấu chân hổ, dấu chân mèo, ngựa, chim, chó… là biểu tượng cho khát vọng tự do, đồng thời thể hiện sự kết nối bền vững trong đời sống cộng sinh, giao hòa với thiên nhiên núi rừng.
+ Hoa văn biểu hiện con người: Hoa văn hình người đại diện cho cách cảm, cách nghĩ, nói lên đời sống nội tâm và đời sống tâm linh cho một cộng đồng, xuất hiện chủ yếu trên áo dài nữ giới. Hoa văn hình người còn được thêu trên mũ trẻ nhỏ, đây là biểu tượng cho sự bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.
+ Hoa văn biểu tượng mặt trời: Theo quan niệm của người Dao Đỏ, mặt trời là đấng thần linh tối cao luôn mang lại ánh sáng, sự may mắn, mùa màng bội thu, cho họ cuộc sống ấm no hạnh phúc. Người Dao Đỏ sử dụng mô típ hoa văn này chủ yếu trang trí trên các thành tố của trang phục nhất là trên mũ, áo thầy cúng, khăn hoặc yếm nữ.
+ Hoa văn biểu hiện nguồn nước (hình sóng nước): Hoa văn hình sóng nước xuất hiện dày đặc nhờ cách tạo hình của các đường thẳng đa màu kéo dài và liên tục kế tiếp được thêu ở gấu quần, gấu áo, các đường bao quanh, làm nhiệm vụ khung bo viền cho tổng thể trang trí.
+ Hoa văn biểu hiện tín ngưỡng: Trong tín ngưỡng của người Dao Đỏ luôn tồn tại yếu tố Phật giáo, thông qua biểu tượng dấu thập ngoặc (chữ Vạn). Chữ Vạn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật, biểu thị công đức vô lượng của Phật. Vì vậy, khi thêu cũng như khi cảm thụ mô típ hoa văn hình chữ Vạn, người Dao Đỏ như hóa thân cùng những ước vọng, những tư tưởng cao cả mà bản thân mô típ hoa văn này đã ẩn chứa và chuyển tải.
+ Hoa văn hình học: Đây là loại hoa văn tập trung nhiều ở trang phục nữ và nam truyền thống. Cách tạo hoa văn trên trang phục theo các dạng hình cơ bản như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, thể hiện cách cảm thụ, cách tư duy rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát của người Dao Đỏ.
+ Hoa văn hình dấu chân hổ: Thể hiện uy quyền, sự thịnh vượng, sung túc cho gia đình dòng họ, hoa văn hình mũi dao nhọn thể hiện sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn.
+ Hoa văn hình sao tám cánh: Hoa văn hình sao tám cánh biểu tượng của “bát tinh cát tường” số tám trong tiếng Hán Việt là “Bát”, với ý nghĩa ngôi sao tám cánh mang lại những điều may mắn hạnh phúc cho chủ nhân.
+ Hoa văn hình sóng nước: Biểu hiện không gian và thời gian mong ước trời đất an hòa, mùa màng bội thu.
+ Hoa văn hình con chó: Truyền thuyết xưa kể lại rằng: Xưa kia có ông vua của người Dao không có con trai mà chỉ sinh được 12 người con gái. Một ngày kia giặc sang xâm lược, vua liền truyền rằng ai đánh thắng giặc vua sẽ gả cả cho 12 cô con gái. Một buổi chiều xuất hiện một con Long khuyển ngũ sắc, là con chó mình rồng, chạy đến xin vua cho đánh giặc. Khi giặc đến thấy con chó lạ mắt liền bắt về nuôi, nó ngoan ngoãn theo về, đợi khi giặc ngủ say liền cắn cổ cho bọn giặc chết hết. Con chó trở về, vua liền gả các con gái cho con chó và con chó được vua truyền ngôi báu”. Để nhớ ơn chú chó đã có công dẹp giặc cứu dân tộc nên đồng bào đã thêu hình con chó và 4 chiếc chân chó ở sau áo.
+ Hoa văn hình vuông: Biểu tượng dấu ấn Bàn Vương được trang trí nhiều ở hai đầu khăn đội đầu màu đen và ở sau lưng áo. Hoa văn hình vuông thể hiện sự tưởng nhớ, cung kính và để tang Bàn Hồ, nguồn gốc sinh ra người Dao.
+ Hoa văn hình cây thông: Theo quan niệm của người Dao Đỏ, cây thông là loại cây có sức sống mãnh liệt, chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt, cây thông có thể tồn tại trên cả vách đá, đồi núi khô cằn, nó được thể hiện nhiều trên áo nam, nữ, trên váy trùm, mũ đội đầu cô dâu.
+ Hoa văn chữ thập ngoặc đơn, kép: Biểu tượng hình chữ Vạn trong phật giáo. Nó được biến hình thành nhiều kiểu khác nhau như họa tiết hoa văn hình chân con hổ, thể hiện rất nhiều trên áo thầy cúng, trên áo, khăn, yếm của phụ nữ.
+ Hoa văn hình con nhện: Khi thêu hoa văn hình con nhện, đồng bào Dao Đỏ còn có một thuyết về hình con nhện: “Xưa kia khi người Dao mới biết mặc quần áo thì cả đồng tộc bị đại dịch, do ăn phải phấn của con bướm trắng bị chết rất nhiều, sau đó có người lấy con nhện đem nướng cháy hòa nước uống và khỏi bệnh, từ đó để nhớ ơn con nhện đã có công cứu tộc người nên họ thêu hình con nhện lên áo”.
+ Hoa văn biểu tượng hình xương cá: Truyền thuyết của người Dao cho rằng: Địa bàn sinh tụ, cư ngụ ban đầu của người Dao là vùng sông nước chứ không phải là vùng núi như hiện nay. Điều này có liên quan từ truyền thuyết vượt biển của người Dao khi chuyển cư đến Việt Nam, chính vì thế trong tang ma của người Dao Đỏ không thể thiếu hình ảnh của con cá nhất là trên áo của thầy cúng biểu hiện rất rõ nét, bởi, cá có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết về với tổ tiên.
Có thể nói, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở tỉnh Yên Bái, từ tổng thể đến chi tiết vừa thể hiện tính thẩm mỹ và toát lên cách nhìn, lối tư duy độc đáo của sự sáng tạo cá nhân trong mối quan hệ cộng đồng. Bên cạnh yếu tố làm đẹp, nó còn là mối giao cảm giữa con người với thiên nhiên, với cộng đồng. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục, từ thực tiễn sinh động cũng như hiện thực phong phú, đã được bàn tay và khối óc của con người sáng tạo ra, đã trở thành phương tiện để biểu hiện nội tâm, biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người sáng tạo và sử dụng, kể cả ở góc độ cá nhân hay cao hơn là tập quán của cộng đồng.
Việt Anh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...