Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:40 (GMT +7)

Nghề dệt mành cọ Đồng Thịnh

VNTN - Từ lâu xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa đã nổi tiếng với nghề dệt mành cọ, những chiếc mành được dệt hoàn toàn thủ công, với chất liệu và chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Người dân trong xã đã gắn bó với nghề hơn 30 năm. Thế nhưng giờ đây do nhiều nguyên nhân, nghề dệt mành cọ nơi đây đang dần mai một.


Độc đáo mành cọ Đồng Thịnh

Đến Làng Bầng vào ngày nắng tháng 7 không khí mát mẻ khiến du khách như quên hết cái nóng, mệt của ngày hè. Những hàng cọ xanh ngút mắt nối nhau trải dọc đường đi, phía sau chiếc cổng “Làng nghề dệt mành cọ thôn Làng Bầng - Co Quân xã Đồng Thịnh” thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Đường làng như được nhuộm kín bởi màu vàng của nan cọ. Tiếng khung cửi lách cách, mùi ngậy thơm của nan cọ đang được nắng… tất cả tạo nên một bức tranh sống động của vùng quê yên bình, tươi đẹp.

Nghề dệt mành cọ Làng Bầng đã có từ những năm 80 và ông Triệu Văn Quản (74 tuổi) là người sáng lập lên làng nghề này. Theo lời ông Quản, ngày đấy, trong một chuyến công tác, ông đã có dịp được tham quan hợp tác xã dệt mành cọ ở huyện Phổ Yên. Thấy nghề này phù hợp với điều kiện vốn có của Định Hóa - quê hương của cây cọ, ông quyết định đem nghề dệt về với Làng Bầng.

Là người tiên phong trong nghề, gia đình ông Quản trở nên nổi tiếng với nghề dệt mành cọ. Thấy nghề dệt vừa có thu nhập, vốn đầu tư ít, kỹ thuật dệt mành cũng khá đơn giản, lại tận dụng được thời gian rảnh rỗi nên người dân trong làng và các thôn lân cận tìm đến ông Quản để học hỏi kinh nghiệm và các kĩ thuật sản xuất. Từ Làng Bầng, nghề dệt mành cọ bắt đầu lan rộng ra các thôn như Co Quân, Ru Nghệ 1 và Ru Nghệ 2…

Một con đường Làng Bầng

Mành cọ Làng Bầng vốn nổi tiếng bền, màu sắc trang nhã và hoàn toàn được làm thủ công từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu thành phẩm. Nhờ bàn tay khéo léo và kỹ thuật điêu luyện, qua năm công đoạn các nghệ nhân nơi đây đã tạo nên được sản phẩm mành cọ đặc biệt, mang nét đẹp riêng của làng Bầng.

Để làm ra chiếc mành cọ, đầu tiên là khâu chặt cọ làm nan. Công đoạn này tốn khá nhiều công sức, bởi đa số cọ ở nơi đây được trồng trên đồi, núi cao, muốn lấy được cọ phải vượt qua những con đường mòn, vừa dốc lại trơn trượt. Mành cọ Đồng Thịnh luôn vàng óng, sử dụng lâu bền và không bị mốc, mối mọt bởi khâu chọn nguyên liệu rất kĩ lưỡng. Vào tháng 8 đến tháng 12 hằng năm, khi lá to cỡ cái nia sảy gạo người dân bắt đầu đi chặt cọ. Chặt cọ phải chọn những lá bánh tẻ cuống dài (lá này đáp ứng được yêu cầu về hình thức cũng như chất lượng) sau đó dùng dao sắc chặt dứt khoát từ trong ra ngoài, một nhát là đứt cuống lá, rồi róc gai, lột mỏng lấy phần cật, chọn ra những nan đẹp nhất đem về sơ chế. Trung bình mỗi cuống lá cọ thu được 9-12 nan và để dệt một chiếc mành chiếu cần khoảng 300 nan.

Sau khi chặt cọ, công đoạn tiếp theo là vót nan. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sản phẩm và là công đoạn yêu cầu sự chau chuốt, tỉ mỉ. Khi vót nan, người thợ dùng một con dao nhỏ bằng 2 đầu ngón tay nhưng lại sắc và bén. Việc sử dụng dao nhỏ cốt yếu để dễ tước sợi, dễ áng chừng độ dầy mỏng, sắc nhọn của nan. Tay phải cầm dao, tay trái cầm nan, đôi bàn tay thoăn thoắt vót vót, gọt gọt, chẳng mấy mà đống nan đã được vót nhẵn các cạnh. Điều thú vị là không cần đo đếm mà chỉ ước lượng nhưng độ dầy nan nào cũng đều tăm tắp khoảng 2 cm. Những nan cọ như vậy sẽ đảm bảo trong khi dệt không làm đứt chỉ, sản phẩm làm ra trơn nhẵn, mềm mại.

Nan vót xong được phơi khô khoảng 3 - 4 nắng, nếu nắng to chỉ 2 nắng là nan đã khô cong. Thường thì cứ 3kg nan tươi sẽ thu được 1kg nan khô. Những nghệ nhân trong làng cho biết, mùa này nắng mưa thất thường, lắm khi đang ngoài đồng, trời đổ mưa, không kịp cất là nan ngấm nước mưa ẩm mốc hết. Những nan này hầu hết phải bỏ đi.

Độc đáo ở khâu này cũng phải kể đến khung dệt, tất cả đều tự chế bằng những sợi dây xích xe đạp, gỗ, nan tre và những sợi thép buộc. Nhìn dáng vẻ thô sơ, không ai nghĩ chúng có thể làm nên được chiếc mành đẹp đến vậy. Dưới mái hiên nhỏ, những người thợ cần mẫn dệt mành. Tay gài nan, tay đẩy xào xuyên qua những đường chỉ trắng tinh bắt chéo nhau, chân dậm bàn đạp. Cứ như vậy, hết nan này đến nan khác liên tục được luồn vào một cách uyển chuyển và nhẹ nhàng. Chỉ khoảng 20 phút một chiếc mành đã được hoàn thành.

Cuối cùng khi dệt xong, mành được cắt chỉ và buộc lại, thế là hoàn thành một sản phẩm để xuất ra thị trường. Mành cọ xuất ra đều, phẳng, kín với lớp vỏ bóng bên ngoài như lớp dầu quang tạo cảm giác nhẵn mịn khi ngả lưng, càng nằm nhiều càng bóng mặt.

Những sản phẩm làm ra tỉ mỉ và đẹp như vậy, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với chiếu trúc, độ bền hơn chiếu cói và một vài loại chiếu thông thường khác trên thị trường, nhưng vì là làng nghề tự phát nên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn là một bài toán khó, hàng sản xuất ra không có người mua.

Khó khăn là thế nhưng các nghệ nhân nơi đây vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Sau 5 năm phát triển, tìm tòi và sáng tạo, các nghệ nhân Đồng Thịnh đã cải tiến được máy dệt với một chân đạp. Chỉ cần một người là có thể dệt được, tuy vẫn còn thô sơ nhưng năng xuất đã tăng gấp đôi so với trước đây. Cùng với đó, mành cọ nơi đây lại được xuất khẩu sang Liên Xô thông qua Bộ Ngoại thương, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Trung bình, mỗi ngày cả làng xuất đi khoảng 800 -1000 chiếc mành, nhiều nhà nhờ thế mà thoát nghèo.

Đến giữa năm 1985, Bộ Ngoại thương không thu mua mành cọ nữa, các nghệ nhân quyết định chuyển từ dệt mành xuất khẩu sang dệt mành chiếu để bán cho tiểu thương và những khu vực lân cận. Với chất lượng và danh tiếng vốn có của mình, mành cọ Làng Bầng nhanh chóng chiếm vị thế trên thị trường, cạnh tranh tốt về mặt giá cả và chất lượng. Tính tổng sản phẩm toàn huyện mỗi năm sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 350 nghìn chiếc, đạt giá trị gần 6 tỷ đồng. Nghề dệt mành cọ nghiễm nhiên trở thành nghề mũi nhọn, tạo việc làm cho hơn 400 lao động, nhiều nhà từ làm nông chuyển hẳn sang kinh doanh và sản xuất mành cọ. Nghề dệt mành cọ tiếp tục mà phát triển mạnh mẽ.

Trăn trở của các nghệ nhân

Sự phát triển đó chỉ là chuyện của năm 2008 trở về trước. Những năm gần đây nghề dệt ở đây không còn sức ảnh hưởng nhiều nữa, số lượng sản phẩm tiêu thụ mỗi năm giảm mạnh, chỉ còn khoảng 200 nghìn chiếc/năm. Số hộ gia đình dệt mành cũng giảm gần 20 hộ (từ 90 hộ xuống còn hơn 70 hộ).

Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng mành, chiếu được sản xuất công nghiệp, nên có sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng. Cùng với đó, diện tích của cây cọ ở Định Hóa cũng không còn nhiều (từ 500ha xuống còn hơn 200ha), do người dân phá bỏ và trồng thay thế bằng các loại cây lấy gỗ khác.

Để đẩy mạnh và phát triển lại nghề dệt, năm 2013 nhờ chính sách nông thôn mới, Làng Bầng được chính thức công nhận là làng nghề. Tuy nhiên, điều này không giúp làng nghề phát triển được như trước. Hiện tại ngoài những nghệ nhân lâu năm còn bám trụ với nghề thì nhiều người dân đã không còn theo nghề này nữa. Đặc biệt, lớp trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghề truyền thống, họ cho rằng nghề này thu nhập thấp, không được lâu bền và chỉ làm theo thời vụ nên hầu hết đều xin đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp nơi khác.

Ông Quản chia sẻ: “Tôi muốn con cháu theo nghề dệt lắm. Bọn trẻ vốn nhanh nhẹn, học một biết mười nhưng tình hình sản xuất buôn bán như hiện nay, chẳng đứa nào dám kiên trì bám trụ với nghề…”.

 Làng nghề truyền thống dệt mành cọ Định Hóa đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Thiết nghĩ điều cần làm ngay là phải xây dựng được kế hoạch phát triển bền vững cho các làng nghề trong địa bàn xã. Làng nghề có thể liên kết với ngành du lịch, các tour ATK, Tân Trào, có thể cho khách ghé tới tham quan. Các làng nghề thành những điểm du lịch hấp dẫn trong lộ trình của du khách, từ đó vừa tạo điều kiện cho ngành du lịch vừa tạo thị trường, nguồn tiêu thụ rộng rãi cho sản phẩm mành cọ thủ công truyền thống.

Cùng với đó, cũng hy vọng chính quyền địa phương và nghệ nhân phối hợp với các doanh nghiệp tìm ra biện pháp cải tiến cách làm và nâng cao chất lượng sản phẩm, sớm có nhiều dự án tích cực để làng nghề truyền thống dệt mành cọ mãi tồn tại và phát triển giữ lại cho thế hệ sau một nghề truyền thống độc đáo.

Huyền Trần

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy