Ngày xuân cô đơn
VNTN - Giọng nói là lạ, quen quen đánh thức Hoàng ra khỏi cơn mê. Ngoan thuê nhà ở gần đây hay chỉ vô tình đi ngang qua? Thức rồi thì chẳng thể ngủ lại được. Hoàng nhớ những ngày hai người đầm ấm bên nhau…
Nghỉ tết với Hoàng là những ngày buồn. Anh bảo vệ mở cổng cho Hoàng, tỏ rõ thái độ khó chịu thông qua giọng nói: “Nhà không có mạng hay sao mà phải tới văn phòng?”. Hoàng cũng muốn làm việc tại nhà nhưng thấy mặt trời lên bằng cái nắng nong nóng làn da thì lại gọi xe tới cơ quan. Năm hết tết đến ai cũng bận. Nhưng ở nhà không có khoảng sân rộng để Hoàng đi dạo, không có những cây to để anh nghe tiếng gió động cành, không có chiếc máy tính hiện đại như ở cơ quan. Cây bàng trút hết những chiếc lá cuối cùng bên thềm. Anh đi ra sân gió vẫn lạnh nhưng không còn tê buốt. Những chiếc lá khô chạy xoèn xoẹt trên sân. Nó phát ra những tiếng kêu lách tách khi Hoàng bước lên.
Mùa xuân đến thật rồi. Thoảng trong gió đã có nhiều mùi hương của các loài hoa. Chúng đến từ cánh bãi ngoài sông. Nó gợi cho anh nhớ về người mẹ cả đời lận đận thân cò, người cha long đong thân vạc. Ngày mẹ còn sống, cứ được nghỉ là Hoàng lại về quê vui vầy với gia đình. Những cái tết ấm áp nay chỉ còn trong kí ức. Anh nhớ mùi rơm thơm của ngày mùa, nhớ những hạt thóc lạo xạo trên sân, nhớ tiếng chổi của mẹ quét thóc… Khi mang quà tới tặng những người bạn trong hội khiếm thị, Hoàng lại thèm một mái ấm gia đình như các bạn đồng tật. Nghe những người bạn vất vả lo toan cho con ăn học anh thấy họ thật hạnh phúc. Hoàng lại nhớ những ngày đầm ấm bên Ngoan.
Anh mở cửa sổ, tiếng sóng xô bờ vẫn êm đềm. Hình như nó không biết mùa xuân sắp về, năm mới sắp đến. Ngọn gió qua sông không còn xác khô, nó có thêm hơi nước mềm mại. Mặt trời lên, nắng qua lớp kính mỏng làm căn phòng ấm lại. Gió lùa qua. Mùi bùn tanh ngai ngái theo gió vào phòng. Bãi sông vẫn có người cày cấy. Hoàng như nhìn thấy mẹ mình trong chiếc áo tơi. Bàn tay bà đang nhịp nhàng ra mạ cấy lúa. Cha Hoàng đang còng lưng bẩy nước gầu sòng. Mặc dù không thấy mặt trời nhưng cha anh vẫn ra đồng nhổ mạ tát nước. Hướng dẫn Hoàng làm việc nhà ông thường nói: “Người phụ nữ nào làm vợ kẻ hỏng mắt cũng rất khổ. Họ phải được chồng trân trọng”. Nhưng khi có vợ, Hoàng đã không nhớ lời cha. Hỏng mắt Hoàng cũng nói thạo tới hai ngoại ngữ, còn Ngoan chưa hết tiểu học. Quá tự hào về bản thân anh đã coi thường vợ. Ngày đó, Hoàng chưa hiểu dù mình có giỏi giang đến đâu thì vẫn là một người khiếm khuyết, luôn phải cần sự cảm thông chia sẻ của mọi người. Ở công ty này, anh chỉ làm được một việc là dịch tài liệu, còn những người mắt sáng, chuyên môn có thể kém Hoàng nhưng họ làm được rất nhiều việc.
Điện thoại reo. Phòng kinh doanh nhắc thời gian phải trả tài liệu cho khách. Mở file văn bản, lắng nghe trình đọc màn hình nói, nghe đi nghe lại mà Hoàng không hiểu được nội dung. Mùa xuân đang rộn ràng ngoài phố, nó làm anh không thể ngồi yên. Nắng trở về đàn chim lại hót ríu ran trên cành. Anh lại đi ra sân, nắng đã lên trên đỉnh đầu, không gian thoáng mát không khỏa lấp được nỗi cô đơn. Hoàng thèm được ra quán trà vỉa hè nói chuyện nhưng anh bảo vệ đã khóa cổng. Tiếng rao hàng lại vọng về từ đường phố. Ngày thường cũng có nhưng Hoàng không để ý thôi. Gần mười năm Ngoan ở nhà trọ nuôi con bằng gánh hàng rong. Gia đình ở quê không chấp nhận đứa con gái bỏ chồng theo trai. Kẻ hư đốn không được bước chân về nhà. Nếu giờ Hoàng đi được ra đường gọi mua chiếc bánh sẽ biết kẻ bán bánh mì có phải là người xưa hay không. Giọng nói Ngoan có thể đổi thay nhưng mùi mồ hôi thì chắc vẫn thế. Cha Hoàng đi bộ đội nhiều năm trở về trong đêm mẹ vẫn nhận ra. Nhưng nếu Ngoan dùng mĩ phẩm thì sao?
Mùi thơm của nếp cái hoa vàng tràn ngập không gian. Hoàng nhớ tiếng mẹ rửa lá gói bánh. Anh nhớ tiếng cha chẻ lạt, thân tre bánh tẻ tanh tanh. Hoàng nhớ nồi bánh chưng sôi lục ục. Mùi củi tre thơm giòn. Mùi bánh chưng thơm ngọt. Mùi hương bài ấm cả căn nhà… Phía bên kia sông vẫn là làng. Xuôi gió Hoàng nghe thấy cả tiếng máy xát gạo kêu xình xịch. Nhà nhà đang hối hả chuẩn bị cho cái tết ấm cúng sum vầy. Những người đi xa đang vội vã trở về. Những người ở nhà đang khắc khoải chờ mong. Hoàng cũng khát khao được trở về gia đình. Nhưng chẳng có ai đang chờ đợi anh. Nhiều năm, Hoàng đã phải đón mùa xuân chỉ có một mình. Giao thừa anh cũng ra đường đón năm mới. Chống gậy đi trong dòng người đổ về về trung tâm thành phố, Hoàng vẫn cảm thấy cô đơn. Có năm Hoàng cài cửa nằm trong phòng nhưng vẫn bị tiếng pháo hoa kéo lên sân thượng. Anh tưởng tượng ra những chùm pháo hoa đa sắc màu bay lên bầu trời. Khi tiếng nổ kết thúc cảm giác trống rỗng lại trở về, Hoàng đi chuệnh choạng như một kẻ say. Anh không có ý thức về bước chân của mình.
Cơ quan nghỉ tết sớm hơn quy định của nhà nước hai ngày. Để nhân viên về quê cho thoáng xe. Công việc của cả phòng dồn lên vai Hoàng. Nếu là ngày thường số tài liệu đó anh chỉ dịch một buổi là xong. Vắng người, căn phòng yên tĩnh nhưng không thể tập trung vào công việc. Dịp Tết, nhiều Việt kiều về nước và gửi thư về, những thế hệ thứ hai và thứ ba không biết tiếng Việt. Đọc những lá thư nồng nàn nhớ quê nhà Hoàng lại cảm thấy buồn. Chiếc máy tính hôm nay cũng trở lên vô hồn, đọc rời rạc. Nghe xong Hoàng chẳng biết là mình vừa nghe gì. Không hiểu nội dung chi tiết của văn bản thì bản dịch sẽ không đi vào lòng người. Dịch không sát nghĩa, văn phong không mượt mà thì trưởng phòng sẽ không chấp nhận. Thời gian dịch lại thì anh không thiếu nhưng uy tín với khách hàng mới là điều đáng quan tâm. Mùi bánh chưng đang chín ngọt ngào theo gió bay về.
Hoàng cố gắng tập trung vào công việc để quên đi nỗi cô đơn đang cào xé. Hỏng mắt kiếm được việc làm như anh không phải là dễ. Với vị trí như của Hoàng hiện nay nhiều người mắt sáng cũng phải thèm muốn. Anh bị khiếm thị nên nghe, dịch và viết chậm hơn người thường rất nhiều, nhưng tính cần cù không tiếc thời gian đã bù lại khối lượng. Cửa hàng mang cơm hộp tới, Hoàng nhận qua khe cổng. Nhân viên giao hàng hỏi thăm về gia đình. Họ tò mò muốn biết tại sao anh không về nhà ăn tết. Người bán hàng khuyên Hoàng nên tìm đến một ngôi chùa nào đó để nương nhờ. Anh cảm ơn mang hộp cơm về phòng. Một mình ăn cũng chẳng thấy ngon, Hoàng lên face không có bạn online.
Mở email Hoàng lại thấy có thêm nhiều người hảo tâm mời anh về gia đình mình ăn tết. Hoàng chỉ cảm thấy thoải mái khi ở nhà mình và cơ quan. Vậy nên anh chẳng khi nào về đón xuân ở nhà ai. Tới gia đình người khác có kẻ trò chuyện, được ăn những bữa cơm ngon, được sống trong không khí ấm cúng của tình người nhưng chẳng thể có tự do thoải mái. Bạn hàng của công ty luôn có những món quà cho Hoàng mỗi độ mùa xuân trở về, chọn ra một số thứ đặt lên ban thờ. Phần còn lại anh thường mang chia cho người nghèo trong khu phố. Những thứ thắp hương qua tết Hoàng lại mang tới văn phòng mời đồng nghiệp. Ngày tết, nhà Hoàng chỉ có bánh kẹo và nước ngọt. Bản thân anh cũng thường xuyên phải ăn mì gói thì sắp sao được cơm cúng tổ tiên. Tiền nhân chắc cũng thông cảm với đứa con tật nguyền. Nghĩ vậy nhưng khi hương thơm của những món ăn từ hàng xóm bay sang Hoàng lại cảm thấy buồn, ruột gan cồn cào. Từ khi mẹ về với tiên tổ có ai nấu cho Hoàng ăn đâu. Hương bài thơm trong nhà anh lại chạnh lòng nhớ đến mâm cơm tất niên vui vầy đầm ấm. Món thịt đông của mẹ Hoàng ngon biết chừng nào. Thịt đông đêm phải để ra ngoài sân cho thấm cái tinh hoa của đất trời. Sợ con đá đổ mẹ Hoàng thường để nồi thịt trong chiếc chảo gang. Những ngày êm đềm đó nay anh chỉ thấy trong mơ. Người chết rồi thì chẳng bao giờ sống lại được. Cha mẹ đã nghĩ đến ngày này nên lo trước cho con. Ngoan nấu ăn cũng rất ngon nhưng cô giờ đã không còn là của Hoàng.
Nghe theo lời khuyên của đồng nghiệp Hoàng đã treo biển cho thuê hai gian nhà dưới nhưng mãi không chọn được ai vừa ý. Anh chỉ cho thuê khi họ ở lại thành phố ăn tết để có người bầu bạn. Ngày xuân xe ôm không làm việc Hoàng bị giam lỏng trong nhà. Xóm phố cũng có người mời mọc nhưng ngại anh cũng chẳng sang. Nếu Hoàng có một người vợ và những đứa con thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Địa vị xã hội và thu nhập Hoàng hơn hẳn nhiều người đồng tật. Tại sao họ có gia đình mà Hoàng vẫn cô đơn? Nhiều người khiếm thị là nạn nhân da cam thế hệ thứ hai như anh họ vẫn sinh ra đứa con bình thường. Tại sao Hoàng không thể có vợ và có con. Hoàng tự đẩy mình vào bể khổ vì tính lo xa. Gió lạnh tràn qua ô cửa, anh bấm điều khiển những tấm kính từ từ khép lại. Không gian yên vắng Hoàng nghe cả thấy hơi thở của mình. Hình như có tiếng trẻ nhỏ khóc trong phòng. Đứa bé bước lên bàn sờ tay lên trán Hoàng, nó nhảy lên vai và bước lên đầu: “Tại sao ông lại cướp mạng sống của tôi?”. Đứa bé gào lên. Hoàng sợ hãi mở hết cửa ra. Mặt trời ngả về tây, ánh nắng làm tan hết tà khí. Chậu hoa cúc tỏa hương dìu dịu. Lá khô giòn thơm phủ kín khoảng sân. Hoàng tắm mình trong nắng để đuổi đi cái lạnh. Hơi lạnh đi ra từ trái tim, nắng làm anh vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy gai người. Giờ chỉ có hơi ấm của một người phụ nữ mới làm Hoàng bớt lạnh.
Ngoan cũng vẫn cô đơn. Thiếu thốn tình cảm thôi chứ cô không phải sống một mình lạnh lẽo như Hoàng. Đứa con gái là ngọn lửa sưởi ấm trái tim người mẹ. Mặc dù xa mặt cách lòng nhưng Hoàng vẫn lắng nghe những thông tin về người đã từng đầu gối tay ấp. Kẻ kia đã cao chạy xa bay khi biết Ngoan có thai. Cô đã trở về hối lỗi nhưng không được Hoàng chấp nhận. Giờ Hoàng vẫn chưa hiểu sao lúc đó mình lại cạn tình đến thế. Sai một li đi một dặm, giờ Hoàng muốn thì cũng chẳng được nữa rồi. Tình cũ chẳng thể nối lại nhưng Hoàng vẫn có thể cho Ngoan ở nhờ trong căn nhà của mình. Vì ở thành phố này cô không có người thân thích. Nhiều lần anh muốn gọi điện cho Ngoan nhưng bấm số xong một sức mạnh vô hình giữ những ngón tay dừng lại. Hoàng xấu hổ phải gặp cô hay là sợ Ngoan ngại khi đối diện với mình? Chuyện cũ rồi có nên giận nhau lâu như thế không? Nếu giờ Ngoan tìm đến anh, thì sẽ được đón nhận ngay. Hai người sẽ đoàn tụ, Hoàng sẽ coi con Ngoan như là giọt máu của mình. Những gì của anh hôm nay sẽ là của nó ngày mai. Một thời gian dài sống với Ngoan, Hoàng đã có những chuỗi ngày hạnh phúc. Anh cũng được hưởng cuộc sống gia đình êm đềm. Hoàng thích ăn rau tươi. Ngoan chiều chồng mùa đông gió lạnh đến mấy cô cũng dậy sớm hái rau rồi về đun nước pha mì cho anh. Lâu lắm rồi Hoàng không được ăn bát mì ngon như thế. Cô đơn mới biết gia đình là đáng quý. Nếu ngày xưa Hoàng khéo léo hơn một chút, tâm lý hơn một tí, chiều chuộng Ngoan thì cô cũng chẳng ngã vào vòng tay kẻ khác. Nếu Hoàng có lòng độ lượng bao dung khi Ngoan tự nhận ra lỗi lầm thì giờ anh cũng có vợ và có con. Không phải vò võ một mình qua những tháng năm dài dằng dặc, không phải thui thủi âm thầm giữa ngày xuân vui tươi, tràn đầy sức sống. Bàn thờ mẹ cha ngày Tết có những món ăn mà thuở sinh thời người vẫn thích. Số phận ông trời sắp đặt hay là do Hoàng quá hẹp hòi ích kỉ. Ngoan hư hỏng hay là Hoàng suy nghĩ quá nông cạn và bảo thủ. Tự nhận thức được về bản thân mình là rất khó. Ngoan lấy anh không phải vì tình yêu mà vì khối tài sản bà mối tưởng tượng ra. Gạo nấu thành cơm biết gia đình chồng chẳng giàu như hi vọng Ngoan vẫn không nửa lời trách móc: “Vợ chồng mình là do ông trời sắp đặt, chúng mình yêu thương nhau là đủ”. Chính Hoàng chứ không phải ai khác đã đẩy Ngoan sa ngã. Nhưng đời này cô sẽ không bao giờ hiểu được thủ phạm đưa mình đi lầm đường. Hoàng lấy Ngoan theo sự sắp đặt của gia đình. Nhiều người đồng tật trong hội khiếm thị cũng thế nhưng họ vẫn giữ được người phụ nữ của mình. Cha mẹ khuất núi rồi họ vẫn có nơi nương tựa.
Hoàng để mất Ngoan là do tính ích kỉ của bản thân. Gái lấy chồng có con làm lãi. Anh không có tình cảm với Ngoan và cũng chẳng cho cô có một đứa con. Cha Hoàng là thương binh chống Mỹ hỏng cả hai mắt. Hoàng có hai người anh sinh trước ngày cha đi miền Nam là khỏe mạnh. Nhưng giờ chắc họ không còn nhớ có đứa em mù lòa trên cõi đời này. Chia tài sản của cha mẹ xong, Hoàng bị triệt đường về quê. Mặc dù ngôi nhà xưa vẫn còn nhưng ở đó không có ai mong đợi Hoàng về. Hỏng mắt từ nhỏ Hoàng hiểu nỗi khổ của kẻ mù lòa, nên chẳng muốn có thêm người như mình. Nếu anh cứ nói thật với cô vợ chồng tìm phương án giải quyết thì đâu ra nông nỗi này. Biết nghề xoa bóp Hoàng thường cho Ngoan những giây phút thăng hoa nhưng lại dùng những thủ thuật do bác sĩ tư vấn để cô chẳng thể có thai. Mẹ anh lo lắng cho con dâu đi cắt thuốc nhưng cũng không có kết quả. Thấy mẹ và vợ mong mỏi Hoàng rất khổ tâm nhưng khuyến cáo của các nhà khoa học: “chất da cam làm đột biến gen di truyền tới năm đời” luôn vang vọng bên tai. Nó đi vào cả miếng ăn giấc ngủ. Lâu ngày hiểu rõ tâm tính của anh và được các chị hàng xóm tư vấn, cô thường ôm chặt lưng chồng. Viên đạn sót đáy ba lô đã mang lại hạnh phúc cho Ngoan. Nếu đứa trẻ đó mà còn thì nay nó đã hơn mười tuổi rồi. Hoàng có con giúp được nhiều việc lặt vặt như những người khiếm thị cùng tuổi trong hội. Nhưng nếu nó cũng hỏng mắt thì sao? Hoàng đã từng phải sống trong cảnh cha mù con khiếm thị khổ biết nhường nào.
Trong khi cả gia đình mừng vui vì sắp có thêm thành viên thì Hoàng lại buồn. Tự giấu nỗi buồn anh vẫn tươi cười cho cả nhà vui. Hoàng luôn bị ám ảnh từ những gia đình sinh ra con khiếm thị như cha trong hội người mù. Nhiều lúc anh muốn động viên vợ đi phá thai nhưng không dám mở miệng. Nhiều đêm Hoàng thức trắng. Mỗi lần vập đầu hay vấp ngã, anh lại nghĩ đến đứa trẻ ngày mai. Phần nhiều nó sẽ là một người khiếm thị, bạn cùng đơn vị với cha ai là người không có con cháu khuyết tật. Thế hệ thứ ba nhiều người chẳng khác thế hệ thứ hai. Hiểu rõ là phải chăm sóc vợ thế nào nhưng Hoàng không thực hiện. Những ngày lẽ ra phải kiêng cữ anh lại bắt vợ chiều nhiều hơn. Mặc dù không phải luôn ghi nhớ các biện pháp tránh thai, khó thực hiện nhưng ít hiệu quả. Hoàng vẫn không cảm thấy thoải mái khi ở bên người tình. Bàn tay khéo léo của anh cho cô những phút mặn nồng nhưng đã làm Ngoan sảy thai khi được tám tuần. Thấy vợ vật vã trong cơn đau Hoàng lại rơi nước mắt. Anh ân hận thì đã muộn. Bao năm Hoàng luôn tự nguyền rủa mình là kẻ nhẫn tâm. Đứa trẻ đó nay vẫn trở về trách móc Hoàng: “Tôi không phải là người hỏng mắt. Tôi đã chết oan.” Hoàng tới chùa quỳ trước bàn thờ Phật sám hối. Bẵng đi một thời gian dài hôm nay nó lại hiện về giày vò kẻ cô đơn. Nếu Hoàng là một người khiếm thị bình thường chỉ biết ăn và ngủ với vợ, nhất nhất làm theo chỉ đạo của gia đình thì chuyện đã đi theo hướng khác. Trong hội người mù có nhiều gia đình cả hai anh em đều là người hỏng mắt nhưng đến các con lại lành lặn. Vốn là dân quê thật thà Ngoan luôn nghe theo chồng. Hoàng bảo phải sáu tháng mới được mang thai lại cô cũng nghe, đồng ý cho chồng dùng biện pháp kế hoạch. Lúc nào Hoàng cũng sợ vợ sinh ra đứa trẻ khiếm thị. Cả nhà không ai biết nỗi lo của Hoàng. Một mình anh luôn phải sống trong dằn vặt và lo âu. Người mẹ cho con trai ăn những món bổ dưỡng. Nhưng Hoàng vẫn hờ hững việc chăn gối với Ngoan. Bản năng không thắng nổi lý trí, Hoàng đã mê muội. Anh không nghĩ được hậu quả của ngày hôm nay, anh không biết rằng sức chịu đựng của người phụ nữ cũng chỉ có hạn. Hoàng thường tìm cách vắng nhà trong những ngày dễ đậu quả. Thiếu tình yêu Hoàng không có những tình cảm vốn có của người chồng dành cho vợ. Ngoan cũng là con người đâu phải là gỗ đá. Đêm dài ôm gối nhớ chồng nhưng khi anh về cô lại nhận được sự hờ hững. Cách lạnh nhạt của kẻ có giáo dục, người ngoài khó nhận ra. Không chịu được thiếu thốn tình cảm, cô đã xiêu lòng với kẻ ở trọ nhà mình và gánh trọn tiếng xấu về mình. Hoàng đồng ý cho vợ ra đi theo người tình không lời trách móc. Nếu Hoàng không cho kẻ đó thuê hai gian nhà ngang thì anh đã không mất vợ. Nếu Hoàng biết ghen thì Ngoan chẳng chìm sâu trong lầm lỗi. Nếu hai vợ chồng cùng nhau đi khám sức khỏe làm theo tư vấn của bác sĩ thì hôn nhân chẳng tan vỡ. Kẻ kia không làm Ngoan sảy thai là tử tế hơn Hoàng rất nhiều rồi. Tội lỗi do anh gây ra không thể tha thứ được, Hoàng luôn dằn vặt mình về những chuyện thầm kín chẳng có ai biết. Nếu hiểu được việc sảy thai là do chồng, Ngoan sẽ oán hận Hoàng. Nếu biết anh là người gián tiếp đẩy mình vào sa ngã thì Ngoan sẽ khinh bỉ kẻ tật nguyền. Nếu còn tình cảm với anh thì cô đã tìm về. Ngoan vẫn giữ quan hệ với những người bạn thân của Hoàng. Cô hiểu rõ hoàn cảnh của anh lúc này. Một ngày nên nghĩa, trong suốt khoảng thời gian dài chung sống Hoàng chưa một lần nặng lời với vợ. Anh chỉ lặng im trong những lúc Ngoan không kiềm chế được mình. Thiếu sự quan tâm của chồng Ngoan trở lên cục cằn khó tính, Hoàng vẫn nhường nhịn. Anh hiểu mối tơ vò trong lòng vợ nhưng không giúp cô gỡ rối. Nếu Ngoan có hạnh phúc với người mới thì Hoàng cũng đỡ khổ tâm. Nhiều lần Hoàng bảo người chở xe đi qua ngõ nhà Ngoan. Nhiều hôm anh ngồi uống nước ngay cổng nhà cô. Hoàng chờ được nghe giọng nói thân quen nhưng không có một lời chào hỏi. Anh muốn nói với cô một lời xin lỗi. Nhưng bát nước đổ xuống đất rồi có vớt lên được nữa không? Bình vỡ gắn lại khéo đến mấy cũng còn dấu vết. Tỉnh ngộ, nhiều năm Hoàng đã kiếm tìm nhưng chẳng có người phụ nữ nào thông cảm với kẻ tật nguyền. Anh là kẻ có tội nên bị ông trời trừng phạt bằng sự cô đơn…
Mặc dù muốn hay không thì Hoàng vẫn phải về khi ông trời tắt nắng. Trái tim Ngoan bị hai kẻ vô lương tâm làm nguội lạnh thì chẳng bao giờ nóng lại được nữa rồi. Nay Hoàng mới hiểu gia đình quan trọng với mỗi cá nhân đến mức nào. Một mình anh chẳng thổi cơm. Sẵn có chiếc bánh chưng cơ quan cho, Hoàng dùng làm bữa tối. Sờ thấy đất khô trong mảnh vườn nhỏ anh vội lấy nước tưới. Hoàng chỉ còn có cây làm bầu bạn. Nếu không có hương thơm và tiếng gió rung cành thì căn nhà buồn tẻ đến mức nào. Hoàng bọc xốp lên các hộp nhựa buộc lên sân thượng để chim về làm tổ. Nắng ấm là thời gian đàn sẻ xây tổ để mùa hè ấp trứng nuôi con. Có chúng ríu rít, căn nhà cũng đỡ quạnh quẽ hơn. Anh tự cảm thấy mình hạnh phúc hơn nhiều người vô gia cư là có ngôi nhà che nắng, tránh mưa. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, anh lại thấy nhiều người ở nhà thuê, ăn bữa trước không biết bữa sau, họ vẫn sưởi ấm nhau bằng ngọn lửa trái tim mình…
Ngày mới lại bắt đầu, đánh thức Hoàng dậy bằng tia nắng ran rát. Xóm vắng teo. Không có mùi xào nấu các món ăn. Con đường không còn chật chội tiếng động cơ xe. Đường phố thoáng đãng không còn đặc mùi xăng cháy, không còn nghe thấy tiếng rú ga rít trên đường. Để mau hết thời gian, Hoàng lại ra vườn nhặt cỏ. Bàn tay Hoàng phải cẩn thận sờ từng đám đất nhỏ. Gió khô đã lấy hết số nước Hoàng mới tưới chiều qua. Anh xe ôm tới, dẫn theo người phụ nữ muốn thuê nhà. Nhận ra mùi mồ hôi quen thuộc, Hoàng đồng ý ngay.
Mưa bụi xen trong những tia nắng nhẹ. Nghe trong khu vườn có tiếng chồi non cựa mình tỉnh giấc.
Truyện ngắn. Lê Trung Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...