Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:02 (GMT +7)

Ngày xưa cỏ chóc

Truyện ngắn. Đào Nguyên Hải

Chuyện tôi sắp kể dưới đây là chuyện về cái Nguyệt, em gái tôi. Nhưng cũng có thể nói đó là câu chuyện về bà tôi. Ngày bà còn sống, bà và hai anh em tôi là một gia đình đầm ấm, vui vẻ. Chẳng mấy sung túc nhưng hai suất lương của tôi và Nguyệt cũng đủ để cuộc sống gia đình mãn nguyện. Nhưng rồi câu chuyện không dừng lại như vậy…

Ảnh minh họa

Ngày ấy, cái Nguyệt đã tốt nghiệp đại học nông nghiệp khoa trồng trọt. Với tấm bằng loại giỏi, nó vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng đến đâu cũng nhận được câu trả lời “chúng tôi hiện chưa có chỉ tiêu tuyển dụng” hoặc “cô cứ để hồ sơ lại có gì chúng tôi sẽ thông báo sau”. Nguyệt khắc khoải chờ đợi, mong tin hàng ngày nhưng tất cả chỉ là sự mong đợi vô vọng. Những ngày tháng thấp thỏm ngóng chờ ấy tối nào nó cũng ngồi cùng bà ở đầu hè trò chuyện. Ngày nó mới vào học đại học nông nghiệp bà tôi mừng lắm, đi đâu hay ngồi trò chuyện với các bà trong làng cũng khoe “Nay mai cháu tôi học xong cái đại học trồng lúa về thì làng ta lo gì mất mùa, mỗi sào được nhăm ba tạ thóc chứ chẳng chơi”. Bà tôi vui lắm, tự hào lắm, có lần hai bà cháu ngồi trò chuyện tôi nghe thấy bà bảo cái Nguyệt:

- Cháu học cái đại học trồng lúa mà sao bà chẳng thấy mày thuộc câu ca dao tục ngữ nào về mùa vụ cả, sau này biết đằng nào mà gieo cấy.

Rồi vỗ cái quạt mo cau đuổi mấy con muỗi đang vo ve dưới chân, bà ngân nga: “Dưa gang một chạp thì trồng/ Chiêm cấy trước tết thì lòng bớt lo”; “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”.

Cái Nguyệt cười ngặt nghẽo, ôm lấy ngang lưng bà vui vẻ:

- Bà ơi! Đấy là thời của bà thôi còn bây giờ chúng cháu muốn làm gì cứ hỏi ông “Gu gồ”, phút mốt là biết hết bà ạ.

Mặt bà thoáng buồn, quay sang cái Nguyệt:

- Ông Gu… Gu… gồ cháu vừa nói là ông Thần Nông à?

- Vâng! Ông ấy không những là Thần Nông mà còn là thần của mọi thứ nữa bà ạ.

Bà tôi vẻ hoang mang:

- Ông ấy tài thế cơ à!

Cái Nguyệt rút điện thoại trong túi ra giơ lên:

- Đây, bà xem nhé - Nó vừa bấm máy vừa nói - Kỹ thuật trồng dưa chuột vụ xuân từ tháng Một đến tháng Tư dương lịch còn vụ đông từ tháng Bảy đến tháng Mười. Đúng thế không bà?

Bà tôi gật gù:

- Ừ! Đúng vậy, tài thật!

Nguyệt cười ôm lấy bà:

- Bà ơi! Cháu đùa bà đấy. Gu - gồ không phải ông thần ông thánh nào đâu mà là kho kiến thức trên mạng Internet giúp cho con người tìm kiếm những điều mình cần.

Tôi biết cái Nguyệt không phải là đứa không yêu nghề nông, nhưng sự chờ đợi vô vọng trong chuyện xin việc đã làm nó nản lòng. Tối hôm ấy đứa bạn hàng xóm chạy sang nhà bảo Nguyệt:

- Nguyệt này mày có đi làm công ty không? Tao thấy ở đầu làng có dán tờ tuyển dụng lao động của công ty điện thoại SamSung đấy.

Nó quay sang đứa bạn ngơ ngác:

- Công ty điện thoại thì người ta cần gì cái bằng đại học sư phạm, bằng đại học nông nghiệp của tao với mày.

- Không! Tao hỏi mấy đứa đi trước rồi, chúng nó bảo trong hồ sơ đừng khai có bằng đại học, người ta không nhận đâu, chỉ khai học hết lớp 12 thôi.

Thế rồi hai đứa cất bằng đại học vào tủ, làm lại hồ sơ xin vào công ty. Những ngày đầu phải đi ca, do chưa quen nên tôi thấy cái Nguyệt có vẻ mệt mỏi. Nhưng với sức trẻ, chẳng mấy lúc nó cũng hòa vào nhịp sống công việc. Hôm nhận được tháng lương đầu tiên nó mua chiếc khăn nhung tặng bà. Món quà tuy nhỏ nhưng bà tôi rất vui. Hai tay bà run run đội chiếc khăn lên đầu. Bà cười rất tươi nhưng sao cứ như nghẹn lại. Từ trong sâu thẳm, mắt bà thoảng nét buồn bơ vơ. Tôi lấy làm lạ nhưng không sao giải thích được.

Từ ngày có công ty điện tử về tỉnh đã giúp bao nhiêu thanh niên có công ăn việc làm. Cái làng nhỏ thuần nông của tôi cũng không ngoại lệ. Bao nam thanh nữ tú trong làng đều xin đi làm công ty, mức thu nhập cũng được bẩy, tám triệu một tháng. Với mức thu ấy cũng là điều mơ ước của những người làm nông làng tôi. Cái Nguyệt hình như cảm thấy hài lòng với công việc. Có lẽ nó đã dần quên cái bằng đại học nông nghiệp loại giỏi trong ngăn tủ. Nhưng thi thoảng tôi thấy nó ngồi lặng nhìn cái bằng tốt nghiệp, khẽ thở dài rồi lại lặng lẽ cất vào ngăn tủ. Tôi hiểu nó vẫn yêu cái nghề trồng trọt lắm.

Nhờ việc đi làm cho công ty mà làng tôi có nhiều thay đổi: Nhà xây cao hơn, xe máy đẹp hơn. Nhưng có một điều khiến cho những ai đã gắn với cánh đồng làng, gắn với cây lúa thì lại khó tránh khỏi nỗi buồn. Ngày xưa, mỗi khi cánh đồng trải màu xanh dập dìu như sóng mỗi khi gió về, đồng lại thơm ngào ngạt mùa hương lúa trổ đòng. Rồi mùa gặt, những gánh lúa chín vàng nối đuôi nhau, cả làng hối hả như đang quẩy nắng về nhà. Những thứ ấy, cánh đồng ấy như đang mờ dần trong ký ức mọi người. Bây giờ cánh đồng chỉ còn lại những bãi cỏ năn, cỏ rôm, cỏ bợ bạt ngàn. Những đám ruộng thấp có nước thì còn màu xanh của cây cỏ, còn những đám ruộng khô thì vàng úa, nứt nẻ. Chẳng ai còn muốn cấy lúa. Cũng đúng thôi. Vất vả cả mấy tháng trời, phân gio, thuốc trừ sâu, tiền thuê cày bừa để mỗi vụ nếu mưa thuận gió hòa cũng chỉ thu được vài tạ thóc. Trừ mọi chi phí thì hầu như chẳng còn được mấy đồng.

* * *

Trăng mười sáu nghiêng nghiêng sáng, trong văn vắt, nhìn thấy cả đám kiến vàng đứng múa râu trên những chiếc lá bưởi. Nguyệt hôm nay không phải làm ca đêm, nó ngồi cùng bà bên hè nhà ngắm trăng. Cứ vào tuần trăng là bà tôi lại tắt bóng đèn ngoài hè ngồi lặng lẽ hết ngước nhìn vầng trăng trên trời rồi lại nhìn ra phía cánh đồng. Lâu lâu lại nghe tiếng quạt mo cau đập muỗi bồm bộp. Sau mấy tiếng đập muỗi tôi nghe thấy bà hỏi cái Nguyệt:

- Thế cháu định bỏ cái nghề sau bao năm đèn sách à?

Tiếng cái Nguyệt buồn buồn:

- Bà ơi! Cháu cũng tiếc lắm. Lúc còn đang học cháu cứ tưởng sau này sẽ xin được việc làm theo đúng chuyên môn và sở thích của mình, nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu hay những lời từ chối khéo. Cánh đồng làng mình bây giờ chỉ để thả trâu, thả vịt, mặc sức cho đám cỏ năn, cỏ rôm chen nhau mọc.

Tiếng bà tôi thở dài nghe héo buồn như tiếng trái cây rụng. Cái Nguyệt vội ôm lấy bà vừa cười vừa nói:

- Nhưng mà bà ơi! Bây giờ cháu đi làm công ty lương một tháng đủ tiền mua được cả tấn thóc đấy bà ạ.

Bà như giật mình quay nhìn cái Nguyệt rồi khẽ gật đầu:

- Ừ! Thu nhập thế thì đến địa chủ ngày xưa cũng không bằng. Nhưng nhìn cánh đồng bỏ hoang bà thấy trong lòng có cái gì day dứt lắm.

Lặng đi một hồi, bà quay nhìn về phía cánh đồng, thủ thỉ:

- Nhớ cái ngày cải cách ruộng đất khi được chia ruộng ai cũng ngỡ là đang mơ. Đứng trước mảnh ruộng đề tên mình bà đã nằm xuống đất dang hai tay muốn ôm cả mảnh ruộng vào lòng. Cháu có biết không, cho đến tận bây giờ bà vẫn không quên được cái cảm giác ấy. Bà vẫn như còn nghe thấy tiếng thở và tiếng trái tim của đất đang đập bên tai.

Tôi không thể ngờ bà tôi lại nặng lòng với đất đến vậy. Đến lúc này tôi mới phần nào hiểu được vì sao tiếng cười và ánh mắt thẳm sâu của bà cứ luôn nghẹn lại mỗi khi đứng trước cánh đồng làng.

Càng về khuya trăng càng sáng hơn, hai bà cháu vẫn ngồi bên nhau lặng lẽ. Chắc bà lại đang nghĩ về những tháng ngày vất vả xưa kia. Còn cái Nguyệt thì tôi chịu không sao đoán được nó đang nghĩ gì.

Chợt bà tôi quay sang nói với cái Nguyệt:

- Bà nghĩ, với một bằng cấp như cháu tại sao không tìm một công việc mà mình có thể làm chủ thay vì công việc luôn phải phụ thuộc vào người khác như hiện giờ.

Nghe bà nói, Nguyệt cười ngặt nghẽo:

- Bà ơi! Làm ông chủ, bà chủ khó lắm. Phải có tố chất, có tiền, có quan hệ… Cháu sinh ra ở làng quê nghèo, tiền chẳng có, còn mối quan hệ thì cháu chỉ thân thiết nhất với bà và anh cả. Thôi, cứ đi làm thuê cho nó lành bà ạ.

Nghe cái Nguyệt nói, bà tôi cười bảo:

- Cháu hiểu sai ý bà rồi, bà không bảo cháu làm ông chủ, bà chủ mà chỉ muốn cháu làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình, tự tạo ra con đường đi của mình, nghĩa là làm chủ chính cánh đồng làng mình. Bà thấy trên ti vi vẫn nói thế mà. Bà tin cháu sẽ làm được.

Cái Nguyệt hơi ngơ ngác rồi ngồi lặng đi.

Sau cái đêm trăng hai bà cháu ngồi trò chuyện ấy tôi thấy cái Nguyệt có vẻ trầm tư, mỗi buổi đi làm về nó ngồi đọc sách đến khuya.

Sáng nay bà bảo tôi sang làng bên ăn đám cưới.

Đang chạy xe máy trên con đường bê tông mới mở cắt qua cánh đồng làng, bà bỗng vỗ mạnh vào vai tôi:

- Dừng… dừng lại đây một lát, cháu.

Tôi tắt máy, cẩn thận đỡ bà xuống. Chưa biết bà dừng lại để làm gì thì đã thấy bà cúi xuống xắn quần, không hề ngần ngại lội xuống ruộng vạch đám cỏ năn, cỏ rôm rồi thọc tay sâu xuống bùn cẩn thận nhổ lên một cây cỏ chóc vàng vọt khẳng khiu. Nhìn cây cỏ chóc bà thở dài. Bà khẽ nói chuyện với cây cỏ chóc mà thủ thỉ như đang nói chuyện với người bạn lâu ngày mới gặp:

- Khổ thân mày! Bây giờ không cấy lúa nữa thì mày làm sao sống được với đám cỏ năn, cỏ rôm này.

Vừa nói, bà vừa lội ra gần giữa ruộng nhẹ nhàng đặt cây cỏ chóc xuống đám đất còn trống chưa bị đám cỏ năn, cỏ rôm tràn đến. Tôi không hiểu tại sao bà làm như vậy nhưng không dám hỏi, vội giục:

- Bà ơi! Bà lên xe đi kẻo muộn đám cưới.

Bà khỏa chân xuống ruộng, xỏ chân vào dép, chậm rãi thả từng nếp quần, nói với tôi:

- Cái giống cỏ chóc này được sống chung với lúa thì cứ xanh mướt, mỡ màng, nhưng ruộng bỏ hoang thế này thì lại không sống nổi với đám cỏ năn, cỏ rôm. Rồi bà lại thở dài đánh thượt.

Suốt đám cưới, tôi cứ suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu vì sao lúc nãy bà lại lội xuống ruộng để “cứu” cây cỏ chóc khỏi đám cỏ dại. Rồi không kìm nổi thắc mắc, tôi buộc phải hỏi bà:

- Bà ơi! Sao sáng nay bà lại lội xuống để mang cây cỏ chóc ra khỏi đám cỏ năn, cỏ rôm. Chúng đều là cỏ chứ có đáng gì đâu. Mà sao mắt bà tinh thế, ngồi trên xe mà vẫn nhìn thấy cây cỏ chóc dưới ruộng?

- Ừ! Khi cấy lúa, cây gì mọc chung với lúa thì đều gọi là cỏ. Nhưng khi cỏ chung sống với nhau trên cánh đồng hoang thì nó lại có những thân phận riêng.

Tôi chưa thật hiểu ý tứ của bà mà chỉ thắc mắc sao bà lại có tình cảm riêng sâu nặng với cây cỏ chóc đến vậy. Chừng như đoán được những suy nghĩ trong đầu tôi, bà khẽ cười:

- Chắc cháu thấy lạ khi bà mang cây cỏ chóc ra khỏi đám cỏ năn, cỏ rôm phải không?

Hôm ấy, với hai hàng nước mắt, bà đã kể cho tôi nghe mọi chuyện:

- Hồi mười mấy tuổi, bà thường cùng cụ ngoại đi làm thuê cho địa chủ. Công việc đồng áng quanh năm vất vả, đầu tắt mặt tối mà chẳng đủ ăn. Năm ấy trời bỗng nổi bão lớn cuốn trôi hết lúa trên đồng đang thì chắc hạt, mùa mất trắng. Đói! Đói không còn kiếm được cái gì ăn. Ngoài đồng lúc ấy chỉ còn sót lại những cây rau chóc. Ngày ấy dân làng ta gọi là cây rau chóc chứ không gọi là cây cỏ chóc như bây giờ. Cả làng ra đồng nhổ rau chóc về nấu cháo. Nồi cháo rau chóc đen xì loáng thoáng hạt hoa gạo chát đắng trong miệng, tanh nồng trong mũi. Nhưng rồi rau chóc cũng chẳng còn được bao nhiêu. Cụ ngoại của các cháu lúc ấy tuổi đã cao lại ốm yếu nên không ra đồng được nữa. Hàng ngày bà một mình đi làm. Ngoài công việc còn phải bòn tìm cây rau chóc về cứu đói. Mỗi buổi đi làm về mắt cứ hoa lên, hai chân run rảy vì đói. Mỗi buổi trưa từ ngoài đồng về, bao giờ bà cũng thấy một bát cháo rau chóc úp trên bàn. Bà hỏi mẹ ăn chưa thì lần nào cũng nghe thấy tiếng cụ trong giường vọng ra: “Mẹ ăn rồi. Con ăn đi, chiều còn ra đồng”. Rồi tới một buổi, vẫn như mọi lần, nhìn bát cháo úp trên bàn, bà lại hỏi: “Mẹ ăn chưa mẹ?”. Nhưng hỏi đến câu thứ hai, thứ ba, vẫn không thấy tiếng mẹ trả lời. Bà vội chạy vào giường, thì nhìn thấy người mẹ gầy đét như cái lá lúa khô nằm dán xuống chiếu, hai tay buông xuôi… Lúc ấy, bà chỉ còn biết hét to và ôm lấy thi thể mẹ gầy đét, lạnh toát mà gào khóc.

Sau tang lễ cụ ngoại các cháu, dù có đau buồn đến mấy nhưng rồi bà vẫn phải sống, vẫn ra đồng và mỗi khi về phải cố tìm được nắm rau chóc. Đến khi tự phải nấu cháo bà mới thất kinh nhận ra rằng số rau chóc bà kiếm về hàng ngày chỉ đủ nấu một bát. Như thế có nghĩa là hàng ngày cụ ngoại đã nhịn để dành bát cháo cho bà. Nói đến đây hai vai bà tôi run lên, tiếng thở nghẹn lại. Bà lặng lẽ nâng vạt áo lau dòng nước mắt chan hòa.

Nhìn bà nghẹn ngào đau khổ tôi vội an ủi:

- Thôi bà ơi! Chuyện đã qua lâu lắm rồi, bà đừng buồn nhiều nữa.

- Ừ! Bà biết, nhưng mỗi lần nghĩ đến cụ ngoại, bà thấy rất ân hận vì sự sống của bà đã được đổi bằng chính tính mạng của mẹ mình. Từ ngày ấy, mỗi lần nhìn thấy cây cỏ chóc bà lại không cầm được nước mắt, bà như thấy bóng mẹ thấp thoáng qua từng dọc lá. Tuy nó chỉ là cỏ nhưng đã một thời có tình cảm máu thịt, sinh tử với người nông dân.

Cũng là một nông dân chính hiệu, nhưng chỉ đến khi nghe câu chuyện sâu thẳm đầy đớn đau của bà, tôi mới biết “chất nhà nông” của mình và cả của cái Nguyệt nữa còn hao khuyết quá nhiều. Tình yêu đất đai, yêu cây lúa, thậm chí là sự yêu, ghét loài cỏ hoang của mình cũng còn quá ư hời hợt, nông cạn.

Tôi kể lại toàn bộ câu chuyện của bà cho cái Nguyệt. Nghe xong nó chạy lao vào ôm lấy bà mà khóc nức nở....Từ đấy, cái Nguyệt tuy vẫn ngày ngày đi làm ở công ty, nhưng vào những lúc rảnh rỗi, nó lại đọc sách đến tận khuya.

Một ngày Chủ nhật, nó kéo tôi ra góc sân, vẻ mặt rất nghiêm túc:

- Em nghĩ kỹ rồi anh ạ. Em nghe lời bà, sẽ làm chủ công việc của mình, sẽ lập nghiệp trên chính cánh đồng làng mình.

Nghe nó nói tôi giật mình hỏi lại:

- Em nói sao? Bỏ công việc đang có thu nhập tốt để quay về làng làm ruộng? Anh có nghe nhầm không?

- Anh không nhầm đâu. Từ lúc nghe câu chuyện cây cỏ chóc của bà bỗng em thấy yêu cánh đồng làng hơn. Một tình yêu bắt đầu bằng nỗi đau anh ạ. Bà nói đúng. Em được học hành, có kiến thức, có sức trẻ. Mấy tháng qua, em đã nghiên cứu rất nhiều về nông nghiệp của Nhật Bản, của Mỹ, của Úc qua mạng Internet. Không nhất thiết cứ phải trồng lúa mà nên trồng cây gì con người đang cần thì sẽ cho ta thu nhập cao.

Nghe nó nói tôi thấy mừng về những ý tưởng mới mẻ đó, nhưng cũng rất lo đó là điều không hề đơn giản, chắc chắn vốn đầu tư ban đầu không phải nhỏ. Nhưng hôm ấy, tôi hứa sẽ cùng nó thực hiện ước mơ chinh phục cánh đồng làng.

Hai anh em tôi đem ý tưởng ấy nói với bà, bà mừng lắm, giọng nghèn nghẹn:

- Thế hai cháu định bắt đầu từ đâu?

- Trước mắt cháu sẽ thuê toàn bộ số ruộng của làng đang bị bỏ hoang, phân loại để phù hợp cho từng loại cây trồng, khu trồng lúa, khu trồng rau, khu trồng cây ăn quả như dưa lưới, dâu tây… Bà biết không, một quả dưa lưới có giá bằng cả một gia sản đấy bà ạ.

Bà ngỡ ngàng một lúc rồi vừa cười vừa nói:

- Bà biết chứ, đấy là quả dưa ông bụt hiện lên ban cho cô gái nghèo chăm ngoan. Ở ngoài đồng nó là quả dưa nhưng khi đem về nhà nó bỗng hóa thành cục vàng chứ gì.

- Không! Cháu không kể chuyện cổ tích mà nói thật - Nguyệt rút điện thoại, tra Google - Đây, bà nghe nhé - Đó là cặp dưa lưới thương hiệu Yubari bán đấu giá tại chợ đầu mối Sapporo Nhật Bản. Chỉ đúng thời gian 10 giây với giá 300.000 USD. Bà có biết 300.000 đô la bằng bao nhiêu tiền mình không? Tương đương 7 tỷ đấy bà ạ.

Bà tròn mắt:

- Thật thế ư? Tài thật, bà nghĩ chuyện chỉ có trong cổ tích.

Thế rồi ba bà cháu tôi bắt đầu khởi sự từ câu chuyện nghe như cổ tích ấy.

Cái Nguyệt nghỉ làm ở công ty, đến từng nhà hỏi thuê những cánh đồng đang bỏ hoang. Bước đầu rất thuận lợi. Mọi người đều đồng ý, có nhiều người không lấy tiền thuê hoặc chỉ lấy gọi là. Xong xuôi, Nguyệt lại thuê chính những người có ruộng ấy làm theo cách của mình. Bà con rất phấn khởi. Phần lớn số đất đai có trong tay Nguyệt cho trồng rau và quả. Toàn bộ được chăm sóc theo tiêu chuẩn bón phân hữu cơ, phun thuốc sinh học theo qui trình, để ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhằm phục vụ tốt cho con người.

Cánh đồng làng như được hồi sinh. Người vui nhất có lẽ là bà. Nhìn những luống rau xanh tốt, những luống dưa trĩu quả ai cũng thấy vui. Nhưng để có được niềm vui ấy Nguyệt đã phải dốc toàn bộ số tiền dành dụm được trong những năm đi làm công ty và phải thế chấp ngôi nhà bà cháu tôi đang ở cho ngân hàng để lấy tiền đầu tư trong một hi vọng ngập tràn. Nhưng mọi thứ trên đời không như tưởng tượng. Tới mùa thu hoạch, nhìn vườn rau rộng mênh mông, rau ngon đẹp, xanh mơn mởn các thương lái thay nhau kéo đến. Nhưng khi nghe đến giá bán thì ai cũng lắc đầu nguây nguẩy. Nguyệt cố giải thích nhưng không ai chịu hiểu, họ đều có chung một câu trả lời thật có lí:

- Cô biết, chúng tôi cũng biết, trời đất cũng biết đây là rau sạch, rau hữu cơ, rau đảm bảo, nhưng khách mua thì sẽ chẳng ai tin. Nói hàng sạch phải bán giá cao thì chắc chắn họ sẽ bảo “Sạch ở cái mồm ông thôi. Đắt gấp đôi mà có khi vẫn bị lừa”. Ai cấm được mồm và sự nghi ngờ của thiên hạ hả cô?

Chẳng còn cách nào khác, đành phải bán tống bán tháo, nếu không chỉ có nước đánh đống làm phân. Năm đầu tiên lỗ nặng. Anh em tôi nhìn nhau lòng buồn không tả xiết. Mải đầu tư vào kĩ thuật, chúng tôi đã không lường được một việc không kém quan trọng là sự am hiểu về tâm lí người mua hàng. Tiền Nguyệt dành dụm được mất thì không sao nhưng còn căn nhà thế chấp ở ngân hàng không trả được thì bà cháu biết ở đâu. Bà thì đã già yếu rồi. Cái Nguyệt vì quá lo lắng, mất ngủ hai mắt thâm quầng.

Biết những khó khăn đang đè lên vai hai anh em tôi, bà rất buồn. Sau bữa cơm tối, đợi cái Nguyệt rửa xong bát đũa, bà gọi hai anh em đến hỏi:

- Giờ hai đứa định tính thế nào? Có lẽ vì bà quá nặng lòng với đất mà đã đưa các cháu vào khó khăn. Bà già rồi, mọi suy nghĩ chắc không còn phù hợp nữa chăng?

- Không phải thế đâu bà ơi! Những suy nghĩ của bà mới là thức thời. Thất bại là do cháu chưa làm đúng cách. Nhưng cháu sẽ không chịu thua đâu.

Nghe Nguyệt nói, bà đứng dậy đi vào buồng rồi quay ra tiến đến trước mặt hai anh em đặt cuốn sổ tiết kiệm lên bàn:

- Đây là số tiền hai trăm triệu bà đã tích cóp một đời định bụng khi nào anh cả lấy vợ và gả chồng cho cháu bà sẽ cho mỗi đứa 100 triệu để xây dựng cuộc sống. Nhưng bà thấy lúc này đưa cho hai cháu là đúng lúc nhất.

Cả hai anh em ngỡ ngàng, cùng lên tiếng:

- Không! Chúng cháu không thể cầm tiền của bà được, cả một đời vất vả bà phải có đồng tiền để an hưởng tuổi già chứ ạ.

Bà cười:

- Hai đứa “dốt” lắm. Hai đứa bây giờ mới chính là tài sản lớn nhất của bà. Rồi bà nói như ra lệnh:

- Cầm lấy tiền và làm lại đi!

* * *

Sau thất bại ấy cái Nguyệt như lớn lên. Nó nói với tôi:

- Các ông bà buôn rau ngoài chợ nói đúng. Mình làm rau quả sạch, đúng quy trình, các thương lái nhìn rõ cả. Nhưng vào thời điểm người dân đang mất niềm tin vào mọi thứ giá trị thường bị đảo lộn. Làm ăn bây giờ cái gì cũng phải có nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, và phải có đầy đủ các chứng chỉ chứng minh hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì mới thành công. Tới đây, anh em mình quyết thực hiện đầy đủ các công đoạn và phải đưa hàng vào các siêu thị anh ạ.

Nói say sưa một hồi rồi quay sang tôi, giọng quyết đoán như một giám đốc thời Đổi mới:

- Ngày mai anh đi thăm dò một số siêu thị. Em tin họ rất cần các sản phẩm nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng. Họ không thiếu tiền nhưng thiếu những người sản xuất có trách nhiệm, lòng trung thực và điều kiện canh tác như chúng mình. Nếu có được lòng tin của họ thì vốn liếng không phải là chuyện khó. Mai em cũng sẽ đi gặp liên minh hợp tác xã của tỉnh xin tư vấn để thành lập hợp tác xã. Đây là một kênh giới thiệu sản phẩm rất tốt và cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp và các đầu mối tiêu thụ. Khi sản xuất bước vào ổn định, em sẽ lập một trang giới thiệu, quảng cáo sản phẩm trên mạng Internet.

Anh em tôi bắt tay vào kế hoạch đã định. Mọi việc đã dần hiện ra. Nguyệt đã thành lập hợp tác xã kiểu mới, được đại hội bầu làm giám đốc, được đưa đi tập huấn sản xuất công nghệ cao sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Mọi sản phẩm đều được làm theo một qui trình nghiêm ngặt có sự giám sát của cơ quan chuyên môn. Mỗi sản phẩm đều có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Do có hướng đi hợp nhu cầu của xã hội, nên liên minh hợp tác xã đã tạo điều kiện cho hợp tác xã của Nguyệt vay một nguồn vốn khá lớn.

Cánh đồng làng tôi lại xanh mướt. Ngày ngày mọi người đổ ra đồng với vẻ mặt rạng ngời. Cánh đồng làng sống lại. Vui vì lần đầu tiên trong đời, người nông dân đi làm mà có lương tháng. Rồi lại được trả tiền thuê những mảnh ruộng xưa quanh năm bỏ hoang. Nhưng có lẽ cái vui nhất của họ là được nhìn thấy những giọt mồ hôi của mình rơi xuống chính mảnh đất quê hương mình.

Quả thật, chỉ chưa đầy một năm sau, đã có mấy siêu thị và nhà trường tìm đến đặt hàng, ký hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã. Hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi.

Người ta bảo đời không như mơ nhưng có lẽ cũng không đúng hoàn toàn. Công việc của hợp tác xã rất suôn sẻ, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường. Nguyệt quyết định mở rộng qui mô sản xuất. Và vui nhất là sáng nay, Nguyệt có hẹn với một đối tác Nhật Bản đến hợp tác để đầu tư một dự án xây dựng hệ thống nhà kính sản xuất loại hoa quả cao cấp với qui mô công nghệ cao.

Mọi giao dịch đã thành công tốt đẹp.

* * *

Một năm nữa trôi qua. Bà tôi đã khuất núi. Ra khỏi văn phòng, Nguyệt mở cửa xe ô tô, nói với tôi:

- Anh đánh xe ra chợ em mua bó hoa cúc anh em mình ra thăm bà.

Hai anh em ngồi lặng bên mộ. Tôi còn nhớ cái giây phút sắp ra đi, bà không hề buồn. Đôi mắt bà cứ sáng bừng nhìn tôi và Nguyệt, thì thầm:

- Giỏi lắm! Bà biết các cháu sẽ thành công. Là bởi các cháu thực sự có tình cảm với đất.

Ngồi bên mộ bà hồi lâu, Nguyệt tủm tỉm nói với bà:

- Thưa bà! Tất cả mới chỉ là bước đầu thôi bà ạ. Chúng cháu chẳng tài giỏi gì đâu. Tất cả là nhờ những giọt nước mắt của bà trước cây cỏ chóc đấy. À, mà cháu báo cho bà biết là đầu năm tới ông Nhật Bản trong Google ngày trước bà đã biết sẽ sang đây cùng cháu lập một dự án lớn về trồng dưa lưới cho hợp tác xã ta đấy. Bà thường bảo, sẽ có một ngày ông bụt hiện lên tặng cô gái hiền lành chăm chỉ quả dưa bằng vàng. Nhưng đấy chỉ là chuyện cổ tích, còn ông Nhật Bản này sẽ cho quê hương mình quả vàng công nghệ đấy bà ạ.

Anh em tôi nhìn ảnh bà cười. Đôi mắt bà như cũng cười theo.

* * *

Dãy nhà kính rộng mênh mông, xây lắp hiện đại sáng lấp lánh giữa cánh đồng làng. Hôm nay là ngày nghiệm thu dự án. Khi mọi người bước vào bên trong, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt họ, ở ngay nơi cửa ra vào của mỗi căn nhà kính đều có một chiếc bể thủy tinh đổ đầy bùn, bên trong là một cây cỏ chóc xanh tươi đang xòe lá.

Ông giám đốc Nhật Bản đứng khựng lại rồi nói gì đó với người phiên dịch. Nguyệt được nghe dịch lại:

- Ông ấy bảo cái bể này không có trong thiết kế.

Nguyệt nói:

- Tôi thực sự xin lỗi vì đã tự ý thêm chi tiết này. Giới thiệu với các ngài, đây là cây cỏ chóc, một loại cây cỏ sống trên mảnh đất này và đã từng cứu sống bà tôi cùng rất nhiều người nông dân trong làng vào nạn đói. Mỗi khi nhìn thấy cây cỏ chóc, tôi lại thấy hình bóng bà tôi. Đó cũng chính là động lực thôi thúc chúng tôi luôn vượt lên, không bao giờ khuất phục. Nếu như được sự đồng tình của bên đối tác, chúng tôi sẽ dùng cây cỏ chóc làm logo của hợp tác xã.

Sau một hồi nghe người phiên dịch nói, ông Nhật Bản mắt bỗng đỏ hoe. Qua phiên dịch, Nguyệt được nghe lại lời đối thoại:

- Ông ấy hoàn toàn nhất trí và còn nói rằng: Đất nước của chúng tôi cũng gần giống như các bạn, đều biết tôn trọng quá khứ. Nhưng đã đi nhiều nước trên thế giới tôi chưa từng được chứng kiến nơi nào lại biết yêu cả loài cỏ dại như các bạn.

Nguyệt mỉm cười, cũng rưng rưng nước mắt:

- Không hẳn như vậy đâu, thưa ngài. Cỏ chóc không hoàn toàn là loài cỏ dại. Người quê tôi, có thể do yêu quí cỏ chóc mà đã từng đổi tên nó thành cây rau chóc, nghĩa là một thực phẩm nuôi sống con người. Nó là loài cây đồng hành cùng cây lúa. Nhưng trên mỗi cánh đồng của đất nước chúng tôi, bao giờ cỏ chóc cũng biết lùi lại, nhường đường cho cây lúa vượt lên. Hơn nữa, cỏ chóc còn là ân nhân của người nông dân trong những ngày tăm tối nhất.

Qua người phiên dịch, ông Nhật Bản tiếp tục nói một cách say sưa:

- Tôi hiểu, tôi hiểu. Nhiều nơi người ta thường bắt đầu khởi nghiệp bằng kĩ thuật, công nghệ tiên tiến và vốn đầu tư, nhưng giám đốc Nguyệt lại khởi nghiệp từ một kí ức đau thương. Thật tuyệt vời!

- Vâng! Nhưng kí ức ấy lại chính là trái tim - Nguyệt khẽ cười thầm không hiểu sao hôm nay mình lại trở nên văn vẻ thế.

Ông Nhật Bản bất ngờ dùng cả hai tay vuốt vuốt lên những chiếc lá cỏ chóc xanh mướt trong cái bồn thủy tinh rồi nhẹ nhàng ấp cả hai tay lên ngực trái của mình. Lần này thì ông không cần nhờ đến người phiên dịch mà quay sang Nguyệt, nói bằng mấy lời hơi ngọng nghịu:

- Việt Nam!.. Trái tim!.. Việt Nam!..Trái tim!

Rồi ông siết chặt bàn tay Nguyệt.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước