Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
20:06 (GMT +7)

Ngàn năm câu hát vẫn bay ngang trời

Thái Nguyên có khoảng 5 vạn người Sán Dìu, sinh sống tập trung ở các huyện: Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương và TP. Phổ Yên, TP. Thái Nguyên. Dân tộc Sán Dìu sống ở Thái Nguyên đông nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước (chiếm khoảng 30%). Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều nét đẹp của đồng bào được bảo tồn và phát huy, tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa đa dạng, phong phú trong cộng đồng các dân tộc anh em tại các địa phương.

Hát Soọng cô bên núi
Hát Soọng cô bên núi

Nhận diện và kết nối bảo tồn

Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu như ngôn ngữ, trang phục truyền thống, phong tục tập quán, ẩm thực, nghi lễ cấp sắc, tích truyện Thách nói và làn điệu Soọng cô là di sản vô cùng quý giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Sinh (nghệ danh Thái Sinh), Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Bản tin Văn hóa Sán Dìu Việt Nam cho biết: Dân tộc Sán Dìu có truyền thống văn hóa dân gian đặc sắc từ lâu đời. Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, trong nhịp sống hiện đại, bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu cũng dần mai một. Số người biết hát, biết nói tiếng dân tộc không nhiều. Vì vậy công tác bảo tồn được đặc biệt quan tâm trong cộng đồng Sán Dìu tại tất cả các tỉnh.

Thái Nguyên có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu và là một trong những tỉnh có nhiều cố gắng trong công tác bảo tồn. Trung tâm có các bộ phận nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian… và tập trung vận động thành lập các hội bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, các câu lạc bộ hát Soọng cô, phục dựng một số nghề truyền thống, tập trung viết sách, truyền dạy tiếng nói, chữ viết, các tiết mục dân vũ, làn điệu dân ca trong cộng đồng. Bước đầu Trung tâm cùng với các nhạc sĩ nghiên cứu sử dụng nhạc cụ như sáo, nhị, đàn bầu phục dựng nhạc đệm cho làn điệu dân ca Soọng cô. 

Tới thăm các thôn bản có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu tại xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên), xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình), xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ), xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương)… Chúng tôi nhận thấy bà con có ý thức rất cao trong việc gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc mình. Điển hình là bộ trang phục. Khác với nhiều dân tộc, trang phục của người Sán Dìu không màu sắc rực rỡ và thêu thùa hoa văn cầu kỳ. Quần và áo của đàn ông giản dị màu chàm, hoặc màu gụ, nâu cánh kiến, áo có hai túi bên dưới, quần dài ống rộng, xưa thắt lưng bằng dải rút. Trang phục nữ đa dạng hơn gồm khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng. Váy áo màu chàm, thắt lưng bằng dải lụa xanh, đỏ. Kèm theo trang phục, người phụ nữ dân tộc Sán Dìu còn dùng một số đồ trang sức, như: Vòng cổ, vòng tay, xà tích, nhẫn bạc, túi đựng trầu...

Trò chơi dân gian dân tộc Sán Dìu
Trò chơi dân gian dân tộc Sán Dìu

Một trong những nét văn hóa khá độc đáo là nghi lễ cấp sắc. Nghi lễ này có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của cộng đồng người Sán Dìu và bảo lưu giá trị nghệ thuật như: Nghệ thuật múa, cắt dán giấy, trang trí đàn lễ, hệ thống tranh thờ dân gian, đồng thời thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng qua sự tham gia của mọi người trong nghi lễ. Lễ cấp sắc gồm 15 bước diễn ra một ngày một đêm: Nghi lễ chiêu binh thiên thánh. Nghi lễ dâng sớ tấu trình nội dung cấp sắc với Ngọc hoàng. Nghi lễ trình lệnh bài, ấn của người thụ lễ. Nghi lễ dâng và tấu sớ. Nghi lễ múa cờ. Nghi lễ đại kết giới. Nghi lễ tạo cầu tiếp thánh. Nghi lễ đón bát tiên. Nghi lễ dâng khăn hồng. Nghi lễ lập ngai quy. Nghi lễ truyền tín hiệu của Thánh. Nghi lễ cấp quân lương nuôi âm binh của người thụ lễ. Nghi lễ tạ ơn Thánh đã bảo trợ, chứng giám cho đàn lễ. Lễ vật trong nghi lễ cấp sắc đều được đem chia cho mọi người cùng thụ hưởng.

Nét đặc sắc trong nghi lễ cấp sắc của người Sán Dìu là các tiết mục múa như múa cờ, múa Hành quang (Háng cong). Múa Hàng quang có nhiều động tác mô phỏng lao động sản xuất, tinh thần thượng võ và các hoạt động vui chơi đẹp mắt, vui nhộn.

Văn hóa ẩm thực của dân tộc Sán Dìu cũng khá đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật là các loại bánh truyền thống. Ngoài bánh lẳng, bánh chưng gù quen thuộc, bánh nghé là món ăn không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, lễ Tết. Bánh nghé làm từ bột gạo tẻ pha bột nếp nương, nhân đậu xanh, vừng đen, đường mía. Từng cặp bánh đặt trên lá mít giống như bánh bột lọc và rất thanh mát, hấp dẫn.

Theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu Việt Nam, nét đặc sắc tạo nên hồn cốt văn hóa của dân tộc Sán Dìu là làn điệu điệu Soọng cô. Nói đến dân tộc Sán Dìu phải nói đến Soọng cô.

Hát múa mừng đất nước đổi mới
Hát múa mừng đất nước đổi mới

Nên duyên từ câu hát Soọng cô

Theo tiếng Sán Dìu thì "Soọng" có nghĩa là hát, còn "Cô" là ca. Soọng cô là thể loại dân ca trữ tình được lưu truyền từ nhiều thế hệ truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống thường ngày được thể hiện qua lời ca, tiếng hát.

Người Sán Dìu say mê hát, bởi Soọng cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác. Làn điệu Soọng cô là món ăn tinh thần giản dị, gần gũi, tự nhiên, không thể thiếu trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Hát Soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh, cũng như môi trường diễn xướng, có thể hát một đêm hay nhiều đêm, hát trong nhà, bên ngoài, khi đi làm nương, khi ru con, đi làng khác hát giao lưu và trong các lễ hội.

Làm lễ xin Soọng cô vào buổi hát
Làm lễ xin Soọng cô vào buổi hát

Lời ca và giai điệu của Soọng cô mềm mại, trữ tình sâu lắng diễn tả tâm tư tình cảm của người hát. Hát Soọng cô chủ yếu là đối đáp giao duyên nam, nữ và được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát, họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố, người đáp cũng trích ra những câu hợp cảnh hợp tình để hát đáp câu hỏi. Hiện các nghệ nhân sưu tầm bảo tồn được trên 1000 bài hát cổ. Ngày nay, dựa vào giai điệu của những câu hát cổ, người Sán Dìu đã sáng tác thêm những bài hát Soọng cô mới ca ngợi Đảng, Hác Hồ và quê hương đất nước.

Hát Soọng cô mời trầu
Hát Soọng cô mời trầu

Sự tích câu hát Soọng cô có khá nhiều dị bản, ngoài truyền thuyết “chuyện quả bầu” lưu truyền trong dân gian, bà con dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên có chuyện: Ngày xưa, ở một làng nọ có cô gái xinh đẹp và có tài hát đối đáp. Cô và chàng trai làng bên yêu nhau thắm thiết. Nước có giặc, chàng trai tuân lệnh nhà vua lên đường đánh giặc giữ nước. Nhiều đêm trong nỗi nhớ thương, da diết, cô gái ngồi bên thềm cất tiếng hát giãi bày tâm tư. Giặc tan, chàng trai của cô trở về. Dân làng mở hội mừng nước non thái bình thịnh trị. Biết đôi trai gái phải lòng nhau, hai họ tác thành cho hai người nên vợ nên chồng và nhảy múa hát ca chúc phúc. Điệu hát Soọng cô ra đời từ đó…

Soọng cô được chia làm 4 loại: Hát giao duyên, hát đồng dao, hát tòng binh và hát ru con. Các bài hát thường có 4 câu 7 chữ, gọi là thất ngôn tứ tuyệt, hoặc 24 hay 28 chữ. Những bài hát chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Hán Nôm.

Nghi thức hát Soọng cô mang tính văn hóa rất cao. Thanh niên nam nữ trước khi hát phải chào hỏi bằng các bài hát đối đáp, nếu đến nhà hát phải chào hỏi và xin phép gia chủ: “Xin phép chủ nhà/ Xin phép chàng trai (cô gái)/ Xin phép gia đình yên tâm ngủ/ Để con trai con gái giao duyên với nhau”. Gia chủ đồng ý mới được hát.

Khách đến chơi nhà, Soọng cô có các bài chào đón khách. Bên thềm nhà gia chủ thắp hương, bái lạy xin thần cửa cho phép lời Soọng cô bầu bạn. Vào đến nhà gia chủ có bài hỏi thăm, mời khách dùng trà, ăn trầu. Nam một bên, nữ một bên không đứng ngồi xen lẫn. Những giai điệu mềm mại, dặt dìu cất lên. Bên kia, người nữ cất tiếng hát: "Xuân đến trăm hoa nở trên cành/ Chim rừng nhảy nhót hót véo von/ Người người chăm chỉ ruộng nương rẫy/ Sao anh nhàn rỗi thế anh ơi…". Bên này, người nam đáp lại: "Xuân đến anh đi tìm bạn đời/ Cùng anh lo việc ruộng nương đây/ Hoàng anh ríu rít cùng làm tổ/ Ong lượn trong vườn tìm hoa tươi".

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Dân tộc Việt Nam liên tục chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Người Sán Dìu cùng các dân tộc anh em cầm cung nỏ, gươm đao, một lòng trung quân báo quốc. Vì vậy, hát tòng binh cũng là một làn điệu có rất nhiều bài với lời hát trong sáng, lạc quan tiễn đưa con em bản làng mình lên đường đánh giặc: “Tháng Giêng tòng binh hoa đua nở/ Bình minh hoa nở cao sơn đồi/ Trong bước trảy binh có thế núi…”.

Biểu diễn văn nghệ hát Soọng cô
Biểu diễn văn nghệ hát Soọng cô

Trong các lễ cưới, làn điệu Soọng cô là nghi thức bắt buộc. Người Sán Dìu quan niệm đám cưới có thể thiếu thịt, thiếu rượu, nhưng không thể thiếu tiếng hát. Theo phong tục khi nhà trai đến rước dâu, bên nhà gái mang những chiếc ghế để ở cửa ra vào cùng một ấm trà pha sẵn và đĩa trầu đã têm, ngụ ý nhà trai phải hát đúng những câu hát của nhà gái đưa ra thì mới được mời vào nhà. Sau khi hát đối được câu hát nhà gái đưa ra, nhà trai mới được mời vào trong nhà. Soọng cô trong đám cưới phần nghi lễ thường do các cặp nam giới đối đáp nhau, nhà trai cử hai người hát, nhà gái cũng cử hai người. Sau khi đại diện họ nhà trai xin phép họ nhà gái làm lễ cúng tổ tiên và đón cô dâu, lễ Khai Hoa Tửu bên nhà gái diễn ra với những lời Soọng cô hát mừng. Cô dâu về đến nhà chú rể, nam nữ kết thành từng bên cất tiếng hát. Các bài hát nối tiếp nhau cho đến khi tan tiệc cưới.

Ông Trương Văn Nguyệt, Chủ nhiệm câu lạc bộ Soọng cô xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên cho biết: Bà con dân tộc Sán Dìu rất tự hào, yêu quý làm điệu Soọng cô. Từ câu hát, mọi người thêm gần gũi, gắn bó với nhau trong tình làng nghĩa xóm. Cũng từ câu hát, nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng. Ngoài sưu tầm các bài hát cổ, chúng tôi còn dịch từ tiếng Sán Dìu ra tiếng phổ thông, đặt một số lời hát mới. Bên cạnh duy trì sinh hoạt, tham gia giao lưu, câu lạc bộ tổ chức truyền dạy hát Soọng cô cho học viên là thanh thiếu nhi để gìn giữ hồn cốt của cha ông.

Soọng cô là một làn điệu dân ca mang đậm bản sắc của người dân tộc Sán Dìu. Bảo tồn và phát huy giá trị của làn điệu hát Soọng cô bằng nhiều hình thức là việc làm cần thiết. Việc lựa chọn một số trích đoạn dàn dựng, biểu diễn trong các chương trình văn hóa nghệ thuật, bước đầu đã tạo ấn tượng mạnh với với đông đảo công chủng.

Ông Trần Bình Dưỡng, Chủ tịch Hội Bảo tồn và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, hội luôn chủ động định hướng, vận động bà con gìn giữ, trao truyền và lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng. Tuy nhiên sự quan tâm của một số địa phương còn ở mức độ khác nhau, bởi cùng là văn hóa dân tộc Sán Dìu, việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lại ghi theo địa danh từng địa phương: Cấp sắc của dân tộc Sán Dìu xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ), xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình). Soọng cô cũng của dân tộc Sán Dìu xã Nam Hòa. Vì lẽ đó những nơi khác bà con dân tộc Sán Dìu không có cơ sở để đặt vấn đề với các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện. Chúng tôi đã làm việc với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận chung cho bà con dân tộc Sán Dìu và đang chờ hồi âm…

Bản sắc dân tộc Sán Dìu được hình thành, vun đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với những giá trị đặc sắc. Bảo tồn, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa, đặt trong tổng thể sự phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần đồng bào là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Không chờ những giải pháp tổng thể để phục hồi phát triển, những câu hát của bà con vẫn bay lên ngang trời.

Hy vọng với sự chung tay của cả cộng đồng, nét đẹp văn hóa của bà con dân tộc Sán Dìu sẽ lan tỏa hòa cùng những giai điệu, thanh âm nhiều màu sắc tỉnh Thái Nguyên.

Hoàng Thị Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy