“Ngạ quỷ” hàm chứa triết lý nhân sinh đạo Phật
“Ngạ quỷ” đưa người xem về bối cảnh lịch sử thế kỷ XIV triều vua Trần Dụ Tông. Lưu Thị - một đào hát nhan sắc đã kết duyên với chủ gánh hát là kép hát Dương Khương. Vì mê đắm nhan sắc của Lưu Thị mà anh trai nhà vua là Cung tức vương Trần Nguyên Dực cho đòi nàng vào vương phủ phục vụ riêng. Không dám trái lệnh, Dương Khương đành ngậm ngùi chia tay vợ, động viên nàng vào phủ, giữ gìn bào thai vừa mới hình thành của hai người. Dù đau khổ tột cùng, nhưng hy vọng về đứa con được sinh ra và mang thân phận cao quý, có thể một ngày lên tột bậc vinh hoa khiến Dương Khương được an ủi và chấp nhận. Sau tám tháng Lưu Thị hạ sinh Nhật Lễ - đứa con nghiễm nhiên thuộc dòng dõi nhà Trần. Khi Trần Dụ Tông thác, Nhật Lễ 19 tuổi được trao ngôi báu, trở thành một ông Vua bạo ngược, ham mê tửu sắc, bỏ bê chính sự. Khi biết nguồn gốc máu mủ, Nhật Lễ đau đớn và bất lực, gây nên biến loạn, định dứt thống họ Trần lập triều họ Dương, suýt làm nhà Trần sụp đổ.
Một cảnh trong vở diễn “ Ngạ quỷ”
Vở diễn có sự kết hợp giữa lịch sử và hư cấu giả tưởng, được thể hiện với hai hình thức biểu diễn sân khấu cải lương và múa rối khá nhuần nhuyễn, đầy kịch tính. Mỗi loại hình đảm nhiệm một nội dung sự kiện lịch sử thuộc hai nền văn hóa và cách nhau hàng nghìn năm. Các con rối và nhân vật con rối trung tâm, hiện thân cho cái ác, cho ngạ quỷ - một trong 6 cõi luân hồi (Cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục) là Đồ Ngạn Giả, nhân vật trong tích “Triệu thị cô nhi báo đại cừu” - vở bi kịch nổi tiếng viết về vụ án tru di tam tộc nhà họ Triệu thế kỷ thứ V, trước Công nguyên ở Trung Quốc, sự kiện lịch sử có thật xảy ra thời Xuân Thu được ghi lại trong Sử ký Tư Mã Thiên. Và câu chuyện về thân phận vua Nhật Lễ thời nhà Trần, vào nửa cuối thế kỷ XIV của Việt Nam.
Sợi dây liên kết hai khối sự kiện trên chính là yếu tố hư cấu, giả tưởng. Theo quan điểm nhà Phật “Ngạ quỷ là nơi mà những kẻ khi sống ở dương gian từng gieo nhiều nhân dữ. Chết đi rồi vẫn chấp nê, nặng lòng sân hận, không chịu buông xả, linh hồn vất vưởng không thể siêu thoát, cố bám víu lấy dương gian, tiếp tục gây họa cho con người”... Sự kết hợp giữa yếu tố giả tưởng cùng những sự thật lịch sử nhằm đưa ra quan điểm của đạo Phật, lý giải bản chất của cái ác trong con người, đồng thời kêu gọi người xem hãy sống một cách nhân ái, nhân từ, hướng thiện: “Ngày và đêm, thau và vàng, thiên thần hay quỷ dữ chỉ cách nhau một lằn giới mong manh. Nếu ngộ ra chân lý, thau có thể thành vàng, quỷ dữ có thể hiển thánh”. Phật giáo cho rằng, tất cả chúng sinh chưa được giải thoát, dưới sự thúc đẩy của nghiệp lực đều phải lưu chuyển sinh tử trong Lục đạo. Chúng sinh luân hồi đều ở trong biển khổ vô biên.
Tác giả kịch bản là một người tu hành, Đại đức Thích Nguyên Thanh, hiện trụ trì chùa Hang (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Đây là kịch bản thứ ba ông viết cho sân khấu cải lương, và cũng là vở thứ ba được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng. Bên cạnh đó, ông còn viết nhiều tiểu phẩm sân khấu, các tiểu phẩm này đều đã được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng biểu diễn. Như một mối duyên nợ với sân khấu cải lương và tâm huyết với loại hình nghệ thuật này, Đại đức Thích Nguyên Thanh là người am hiểu lịch sử, các kịch bản sân khấu của ông đều có nội dung viết về các triều đại phong kiến, đặc biệt là thời nhà Trần, triều đại gắn bó với Phật giáo trong lịch sử.
“Ngạ quỷ” là tác phẩm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng và Nhà hát Cải lương Việt Nam thử nghiệm để tìm hướng đi mới cho sân khấu nước nhà. Ngoài những yếu tố nghệ thuật truyền thống của sân khấu cải lương, vở diễn còn thể hiện nhiều yếu tố sáng tạo mang tính thử nghiệm trong dàn dựng: sân khấu sử dụng hình ảnh cách điệu bánh xe luân hồi có thể xoay trục để thể hiện sự thay đổi về không gian, thời gian, những sự đối lập; đa dạng về màu sắc, hình khối. Sự kết hợp các loại hình nghệ thuật, nhân vật huyền bí và khó tưởng tượng đã bước vào sân khấu cải lương thật khéo qua hình thức con rối. Đây được xem là lần kết hợp đầu tiên giữa nghệ thuật cải lương và múa rối. Phần dàn dựng múa rối do Nghệ sĩ Nhân dân Tiến Dũng thực hiện, với rối tay, rối que, rối dây, rối người xuất hiện trong các lớp kịch. Múa rối ở đây không chỉ là góp trò vui, mà trở thành một phần cốt yếu của vở diễn, tạo nên những tình huống, nút thắt và mở cho tác phẩm. Cùng với cấu tứ chặt chẽ về nội dung, hình thức, âm nhạc…, “Ngạ quỷ” đã đem đến góc nhìn mới đầy cuốn hút của nghệ thuật cải lương hôm nay.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ, ông lựa chọn kịch bản “Ngạ quỷ” vì sự kiện lịch sử trong đó dù trải qua nhiều thế kỷ vẫn mang tính thời sự và giá trị nhân văn. Sự đấu tranh giữa cái thiện và ác luôn là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, khi cái ác còn thì cái thiện càng thể hiện giá trị của nó. Vở diễn cũng để lại cho khán giả những trăn trở về thời thế và suy tư về lựa chọn cách ứng xử cho riêng mình.
Lê Nhung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...