Nếu trở về qua cây cầu cũ
1. Không từ biệt, không hứa hẹn, những cây cầu cũ hay là cuộc chia tay của Robert và Francesca(1), trọn ánh nhìn trong cơn mưa khi hai chiếc xe chờ đèn đỏ, cảnh kết phim “Những cây cầu ở quận Madison” chỉ đầy thêm cớ thúc gã phải trở lại Tây Bắc.
Trở về trước cây cầu cũ, trở về ngôi nhà tuổi trẻ xưa.
2. Dúi gã vào tấm bản đồ, ông giám đốc lệnh lên Mường So khảo sát và thiết kế cầu vượt chi lưu ngòi Thia. Gã có quyền mang theo hai trợ lý, rốt lại chỉ cậu trung cấp vác mia và đeo máy kinh vĩ đi cùng. Vừa ra trường, đang cơn cuồng thể hiện, gã sốt sắng chấp hành.
Nhóm tiền trạm đặt nhờ nhà trưởng bản kiêm thầy mo độc thân. Ngôi nhà như chuồng trâu hoang, lửng mùi khói lẫn hương “lảu kép”(2) nơi đống vò sành rỗng và mấy pho sách chữ Thái giấy bản thâm đen trên bàn thờ.
Buổi sáng đến, buổi chiều gã xách máy vào việc, ông thầy mo đôi mày chổi xể bạc phếch, mũ nồi bết dính mật phết, bật ngược:
-Vừa hết 10 ngày lịch thiên can của người Thái ta rồi, cán bộ phải đợi trong 10 ngày tới, ngày đẹp khởi sự thì ông bà tổ tiên mới phù hộ xây cầu.
Đành. Cậu trợ lý buồn tay mở máy kinh vĩ lau ống kính bên cửa sổ, kiểm tra độ nét xa gần, chĩa ống kính qua cánh đồng ra dòng suối. Xoay qua xoay lại núm tiêu cự, cậu bỗng đờ đẫn, xoa xuýt a cha… a cha…
Thấy lạ, gã dành ống kính. Lòa lòa nhức mắt một bầy tiên nữ té nước trêu nhau. Những bờ vai tròn, những bầu ngực vổng căng ướt ròng. Gã hút vào chấm nốt ruồi son nơi hõm vai ngà ngọc. Dịch tìm gương mặt. Sống mũi thanh tú, mày cong dài, phụ họa đôi mắt to, nâu trong, phảng phất nét của người Âu. Nàng dìm mình xuống dòng nước cũng là lúc chiếc váy được cuốn cao lên đầu ôm gọn lấy mái tóc mây búi cao khoe chiếc gáy trắng ngần lóa nắng.
Ông lão lên tiếng.
- Hai thằng thèm gái tắm à?
Gã ậm ừ không ra tiếng.
- Gái đẹp thì phải thích chứ. Vú đàn bà quà đàn ông mà.
Sửa chiếc mũ nồi, trưởng bản vặn người, kêu.
- Hầy, sắp mưa rào rồi, tối phải “lảu kép” giải khí độc.
3. Không ngờ “lảu kép” lăm răm vỏ trấu hăng cay đắng ngọt say êm như sau một ngày đi tuyến nằm nệm bông lau. Thêm nữa là cơn mưa đêm ru rín. Và món vịt thui rơm, chặt miếng ướp hạt dổi lá mắc mật nhồi ống nứa bánh tẻ lam bếp củi ngon hơn cả “pa pỉnh tộp”(3).
Chưa lam xong, thày mo ỉu xìu than nhà cạn “lảu kép”, cán bộ lớn phải đi mua nhỉ.
Gã bám theo dòng mương, đủng đỉnh chiếc cọn se nước lên triền ruộng nếp, rẽ bờ hoa ngũ sắc leo rào nứa. Ngôi nhà sàn đẹp như vẽ, nổi hai bên nóc kết cấu “khau cút”(4) chéo nhau như sừng hươu nghênh trời. Vòi nước ro re xuống máng gỗ nguyên khối rờn rêu xanh, cái gáo tre múc nước úp trên cây cọc gỗ, lối lên cầu thang bảy bậc cũng xếp bảy hòn đá cuội dẫn bước.
Bà bán rượu gần bốn mươi vẫn óng á, tuy dấu vết lam lũ, chịu đựng hiện rõ trong cái nhìn, thờ ơ lẫn xuyên thấu đập vào gã. Phong thái đài các tự thân, người đàn bà ôm hũ sứ vàng nhợ đựng năm lít “lảu kép” ra đầu sàn, kèm theo nắm ống trúc.
Đôi trẻ, vợ chưa đầy hai mươi, chồng khoảng hai lăm hai sáu, ríu rít chụm xem tờ báo ảnh. Quanh vách gỗ, chỗ nào cũng dán báo ảnh xanh đỏ, lẫn báo chữ đen. Gã giật mình khi cô vợ ngẩng lên: nốt ruồi son lấp ló hõm vai.
Suốt bữa rượu, gã bị gương mặt và nốt ruồi son ám. Ông lão ực rượu, lải nhải to nhỏ, gã hết gật lại vâng. Trợ lý chưa kết bữa đã lăn co góc sàn.
Gã hỏi vu vơ. Bà bán “lảu kép” từng là diễn viên đội xòe thiếu niên của Đèo Văn Long(5) say “lảu kép” líu xíu hát tiếng Pháp. Anh trai trẻ không phải là vợ chồng mà là bố dượng của cô Lam Sương. Nhà khó nên anh ta phải đi ở rể, bám vào bà vợ già giỏi nếp tục người Thái lẫn giao thương người Kinh.
Nghe vậy, gã thở phào, mừng, nhưng vẫn dấp dính, khó chịu điều gì đó.
- Cô Lam Sương sao có nét lai lai người Tây nhỉ?
Trưởng bản lè nhè.
- Núc rượu nhiều đi, kể sau… Bữa nay làm lý(6) cúng cầu luôn đấy.
4. Đúng ngày đẹp khởi sự trợ lý phải ra thị trấn đón người, gùi gạo muối và ứng tiền sinh hoạt. Thầy mo đã cúng, gã không thể lùi ngày. Cơn mưa đêm cho rừng dổi xanh thêm mấy lớp. Và dòng Nậm So ánh tràn bờ cỏ.
Việc trắc đạc chưa thể, nhưng gã cần ngay người dẫn đi thực địa. Trưởng bản vuốt vuốt bên lông mày bạc, ngẫm nghĩ.
Họ đến nhà sàn bảy bậc cầu thang.
Hương lá sả, hương nhu thơm nống ngoài bờ rào, Lam Sương gội đầu dưới sàn. Chiếc áo cóm nền trắng bó sát, cổ đen càng tôn thêm khoảng cổ trắng. Trên sàn bà mẹ ngồi ngả rượu với một thứ bột trắng trong vại, trộn với lá cây đu đủ, lá quế, lá dổi, lá đào và những thứ lá bí mật nào đấy.
Ông trưởng bản với điếu ục to như chiếc phích, rôm chuyện. Người đàn bà lắng nghe rồi, thở dài nói tiếng Kinh.
- Lấy phải thằng chồng trẻ, suốt ngày nó đi uống rượu, lượn lờ các nhà đám thôi. Chẳng nhờ nó giã nổi cối trấu làm rượu, nữa là bảo nó đi làm chung với cán bộ…
- Đi làm cán bộ trả tiền công. Tôi cúng rồi, không lừa dối tổ tiên được. Dẫn nó vào rừng một hai buổi rồi nghỉ chơi thôi.
Ông thầy mo linh tinh, gã đâu có quyền chi tiền cho lao động vãng lai, thời vụ. Người đàn bà sáng lên.
- Làm chung được trả tiền à? Vậy thì cho con Lam Sương nhà này nó theo kiếm tiền mua áo đẹp.
Tim gã rộn lên. Ừ Lam Sương, Lam Sương đi vác mia thì sẻ bao tiền lương gã cũng ừ. Lão thầy mo cao hứng.
- Bà bỏ thằng trẻ ranh đi, lấy tôi có hơn không.
Người đàn bà lúng liếng.
- Lấy ông thì tôi lấy hũ “lảu kép” còn hơn. Đã việc xã xượi lại cúng đông cúng tây, ai đấm lưng, nhóm lửa cho tôi.
Gã bật cười. Chủ nhà nhìn gã lúc lắc máy ảnh, giày cao cổ, giắt dao phát ra dáng phong trần với ít nhiều thiện cảm.
- Rượu hôm qua ta ủ hơn năm đấy. Ta giao Lam Sương cho cán bộ, đừng bắt nạt nó nhé.
Bà quay sang con gái.
- Đừng ham dẫn cán bộ đi xa. Mưa lũ là phiền đấy, con gái.
Nàng lượt thượt quanh sân, váy bén gót, bước từng bước ngắn, yểu điệu khăn piêu, áo cóm, lệt bệt giày vải, lại còn thắt “xài yêu” xanh, ngang thắt lưng để khoe thân hình “eo kíu manh po” - thắt đáy lưng ong. Lệch vai túi thổ cẩm lá dong gói xôi ngũ sắc với cá nướng mà mẹ nàng chuẩn bị cho hai người.
5. Rừng già, thân dổi óng suông đuột, trắng mốc vươn cao hai ba mươi mét nên tầng thực bì thông thoáng như rừng trồng. Tiếng ve lúc ran hối, lúc rụt rè xa lắc lòng rừng, khe sâu.
Xế trưa, gã xong phần khảo sát ven bờ thượng nguồn. Buổi chiều làm nốt phía hạ lưu nếu không phát sinh, chắc xong sớm. Mải việc, quên bẵng người dẫn đường, gã leo lên hết điểm cao này đến lũng kia, bấm máy chụp. Giờ trở về điểm tập kết, ghi chép, vẽ sơ đồ vào cuốn sổ bọc nilon bằng bút chì.
Cô nàng đâu. Túi cơm nếp ngũ sắc treo vấu hườm đá chìa mái che, phản ghép những tấm ván bìa, vốn là chỗ nghỉ của người đi rừng vừa được trải lá dương xỉ mới êm dày, kiềng bếp kê đá ôm than củi khói lăn phăn; hai mẩu gỗ làm ghế ngồi. Mấy ống nứa tươi vạt miệng đợi làm món lam. Ống nước chè rừng tươi vẫn nóng…
Gã đâu biết, khuất sau mấy lùm hoa bướm, Lam Sương chân trần, vén tay áo lội suối mò ốc, những con ốc dài thuôn như cây kem xoắn nhỏ màu rêu. Lại thêm gói lá chuối rau dớn, rau bướm và nấm sò trắng nuốt. Nàng nhủ, liệu cán bộ thích món lam này không nhỉ?
Gã định hú gọi, thì nàng xách ống lam về, gò má cứ phớt hồng một màu lơ mơ lan xuống cổ.
- Gái Mường So đảm quá. Anh nhóm bếp hay kiếm củi đây?
Bẽn lẽn lúm đồng tiền xoáy duyên bên má nàng.
- Củi lửa là của đàn bà con gái, anh cán bộ lo việc nhà nước đi ạ.
Ngọn lửa bùng cháy nùi lá dổi khô và cả những hạt dổi rơi vãi như đang xông hương cho hai người. Ống lam, sôi lục ục, nổi bọt trắng, nàng nêm muối trắng, hạt dổi. Gã ngồi kéo vạt khăn piêu lau ống kính, thi thoảng lại đưa góc khăn lên hít hà. Ánh mắt gã chợt dừng lại chỗ hai chiếc cúc bạc hình con bướm đực và bướm cái bên dưới cằm đã buột ra từ lúc nào bởi sự căng tròn phập phồng của bầu ngực bị kìm giữ, bó chặt…
- Cái máy ảnh này chụp nhiều người chưa?
- Rồi. Lam Sương chụp ảnh không? Lát nữa ăn xong, đợi nắng nhiều hơn, chụp mới đẹp.
- Em xấu thì chụp ảnh cũng xấu.
Dang rộng hai tay, gã đứng dậy bất ngờ hét lớn.
- Lam Sương, đẹp nhất Tây Bắc…
Tiếng gã truyền âm rền cánh rừng đến vách núi.
Nàng lắc.
- Em không biết đâu.
Nét đẹp châu Âu của nàng liên quan đến người đàn ông Tiệp Khắc. Tìm kiếm đất hiếm, đoàn chuyên gia ghé Mường So. Người ta điều mẹ nàng đến phục vụ ông trưởng đoàn, vì cả hai biết tiếng Pháp. Đến ngày di chuyển, thì ông trưởng đoàn lăn ra ốm. Sốt rét lên cơn, ông ta trợn ngược, răng nghiến kèn kẹt. Sợ ông ta cắn lưỡi, cô gái phục vụ phải đưa cả bàn tay mình vào miệng người đàn ông ngoại quốc chịu đau. Dứt cơn, ông ta ghì bàn tay bầm vết răng của cô lên gương mặt đẫm nước mắt. Khỏe lại vị chuyên gia lần khân nghỉ dưỡng hơn một tháng sau mới rời đi.
Khi biết có Lam Sương, chuyên gia đã li dị vợ xin cưới mẹ nàng. Nhưng bà không tin tưởng những người đàn ông ngoại quốc. Bà sợ những chân trời quá xa. Một mùa mưa, ông tách đoàn vượt rừng cây lớn băng suối Nậm So đến thăm con gái thì gặp cơn lũ quét.
6. Gã lội ra giữa dòng, loạng choạng, hò hét Lâm Sương thể hiện lại các động tác bắt ốc, hái hoa, quay phải, nghiêng trái, ý tứ kéo váy cứ như mình nhiếp ảnh gia, còn nàng là người mẫu chuyên.
Cơn mưa chiều sũng đen phía rừng cao, xoay vần một hồi vụt đến trút cơn hờn giận, đay nghiến mặt đất, tiếng động ầm ầm, lộc cộc của tảng đá cuốn trôi dòng xiết nghe như lở đất, động rừng. Lam Sương giật mình, hét lên tuyệt vọng.
-“Phạ ởi”(7) lũ quét.
Nàng nhào gần đến bờ, gã vẫn loay hoay giơ chiếc máy ảnh, bàn chân kẹt vào khe đá ngầm. Cuồng như con thú sập bẫy, gã tuyệt vọng nhìn dòng nước tích tắc sẽ dìm chết mình. Thoắt như con hươu, nàng quay lại, nắm cẳng chân bị kẹt của gã ấn sâu vào thêm rồi mới giật ra. Phực. Theo quán tính, gã ríu vào nàng, nhao lên bờ. Nhưng máy ảnh thì ướt sũng. Vừa lúc dòng nước hung hãn lao đến, mang rác rến ngập ngụa tận chân rừng cây lớn.
Trên bộ phản gỗ bìa trải lá dương xỉ, nghe mưa gã không biết nên vui hay buồn. Giật mình gã nhớ tới ống kính. Mở bao da gã xoay vội ống kính chúc xuống. Trước hết phải lau khô, hút ẩm rồi mới tính hong lửa bếp.
- Lam Sương cho anh mượn khăn piêu được không?
- Được mà, nhưng đàn ông ai đội khăn piêu - Nói vậy, nhưng nàng cúi nghiêng đầu để cho gã nhấc chiếc khăn sặc sỡ dễ dàng hơn.
Như sốc nhiệt, gã như bị luồng nhân điện từ da thịt người con gái phóng trúng tâm. Mặt bệch, mồ hôi sủi sống mũi.
Ngắm hình zích zắc, hình xương cá, hình răng cưa, quên béng phải thấm khô ống kính, gã lại vấn nàng ý nghĩa mỗi chi tiết hoa văn. Rụt rè, nàng thổ lộ, đây là chiếc khăn thứ chín nàng dệt vải, se lanh, nhuộm, thêu. Hoa văn “tà leo” là để trừ tà, bảo vệ thần hồn người đội khăn, “cút piêu” là phẩm vật cao quý của người bề trên và “sai peng” là dây tình của đôi lứa…
Gã bất an, dùng khăn piêu thấm khô ống kính, khác gì mạ lị một tác phẩm nghệ thuật. Thở dài, gã trả khăn cho nàng.
- Cán bộ mượn khăn chỉ để hỏi thế thôi à?
Gã cười trừ, nhăn nhó vì bàn chân trái bầm tím, tượt da, rớm máu. Không nguy hiểm nhưng đau. Khẽ khàng, Lam Sương đặt bàn chân gã lên đùi mình, chườm nắm lá thuốc vò nát trong chiếc khăn piêu xung quanh bàn chân bị thương với sự dịu dàng nhất có thể. Bàn tay thiếu nữ có thuốc mê. Chiếc nốt ruồi son nơi hõm vai tinh nghịch nháy nhủ như con mắt.
Nàng vơ củi vụn, giữ ngọn lửa luôn cháy. Chỉ cần mưa ngớt thì lũ cũng ngớt. Nhưng ông trời oái oăm, mưa rỉ rả dài cơn. Lũ không những chẳng rút mà còn ứ nước thêm. Bóng tối lan man chiếm hữu từng hốc đá tàng cây chậm rãi mà đắc thắng. Lập lòe đom đóm chớp bay.
- Mưa lũ không về bản được, anh có sợ không?
Đáng lẽ gã đặt câu hỏi ấy mới phải.
- Anh lo cho em, về mẹ sẽ mắng.
Cười. Nụ cười hiền, tỏa sáng gương mặt. Có lẽ anh ấy chưa biết rằng nàng và chúng bạn đi nhặt hạt dổi, từng ngủ qua đêm ở lán rừng.
- Không, mẹ không mắng. Em sẽ báo tin cho mẹ bây giờ.
Nàng chặt lá cây tươi, ủ trên ngọn lửa. Khói lam cuộn dòng lên ngọn rừng. Trong rừng trời tối mau hơn, nhưng ở bản thì trời vẫn sáng, thấy khói bốc lên trên núi, ở nhà sẽ biết người thân an yên.
- Anh đói không? Lát nữa em đi bắt cua đá nướng… thơm lắm.
- Vẫn no từ trưa. Lam Sương nấu ngon. Tha hồ kén chồng.
- Em không biết đâu.
Bữa ăn. Lặng lẽ gắp cho mình sau, nói sau. Thi thoảng mới ngước lên nhìn gã đón ý, đỡ lời. Người ta bảo phụ nữ Thái là những người yêu chồng chăm chồng nhất thế gian. Giờ thì gã tin điều ấy.
Ngọn lửa bùng cao, tàn củi tung sao.
Nàng học hết cấp ba ngoài thị trấn, đã lắm trai theo. Mẹ bảo nàng học thế thôi. Đọc báo nghe đài hiểu chuyện là không ai dám bắt nạt. Ở nhà giúp mẹ ủ rượu, gom nhặt hạt dổi, thảo quả, sa nhân giao mối ngoài thị trấn chẳng bao giờ lo đói, rồi chờ kiếm một thằng rể ngoan nữa.
- Bao giờ anh cho em ảnh? Nàng hỏi nũng. Và ngân ngẩn khoe, hồi học trường nội trú, đi chụp ảnh thẻ, anh chủ hiệu ảnh đẹp trai khư khư xin giữ chiếc khăn piêu.
Như có ngọn đuốc táp qua mặt, gã cộc lốc.
- Giỏi nhỉ, các người đã làm gì… làm… gì...
- Mới chỉ là cầm tay - Nàng vội đáp lí nhí.
7. Ngớt mưa, tiếng nai tác gọi nhau đi ăn trái rụng, quanh hườm đá, tiếng cua núi bò rậm rạo trên lá khô dội lên những bí hiểm, nồng và hoang của đại ngàn. Bịa ra còn chút số liệu phải suy tính, gã giục nàng lên giường nằm trước cho đỡ mỏi. Thực ra thì gã cũng buồn ngủ nhức trĩu. Ôi, sẽ bao nhiêu rắc rối khi chuyện ấy gây hậu quả và câu chuyện còn bùa ngải loang đồn. Cô gái càng đẹp, càng tinh thông phép bùa. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu gã bị trói chân mãi một miền rừng. Chưa kể tương lai gã dở điên dở dại vì tình. Còn quá trẻ, để nói đến cam kết cá nhân, gã đương bừng cống hiến, còn bao nhiêu sông suối Tây Bắc chưa nối cầu. Gã cần phải dọc ngang hết bổn phận mình.
Gã bệt ngồi, tựa lưng mép bộ ván khơi lửa. Lớp lá dương xỉ liên tục rột rạo bởi nàng trở mình. Nàng vọng xuống.
- Anh kể chuyện dưới xuôi cho em nghe đi.
Nàng trở dậy, xuống ngồi bẻ quì bên gã. Cầm que củi cháy dở vẽ nhì nhằng nét than dưới đất. Mềm lòng, gã rủ rỉ rằng thất tình vì không xe máy đẹp, nhịn ăn sáng ba tháng dành tiền mua hoa tặng cô gái tình đầu. Và bây giờ chỉ mơ xây những cây cầu vượt từ đỉnh núi này sang núi kia, khoan đường hầm xuyên dãy Hoàng Liên và dựng cầu để nàng Lam Sương vào rừng kiếm hạt dổi, hái măng.
- Nếu mà sau này, tự dưng anh biến đi vì lý do nào đó. Lúc về già em còn nhớ anh không?
- Sao anh hỏi gở thế. Ngọn lửa tàn dần. Chẳng ai nhớ tiếp thêm củi. Đôi cúc bướm trên cổ áo nàng vẫn còn mở khóa. Một lát sau que củi buột khỏi bàn tay, nhẹ nhàng nàng tin tưởng ngả đầu xuống vai gã. Thiếp ngủ.
8. Nhưng rồi xung đột biên giới, lệnh trên dừng cầu vĩnh cửu, chuyển sang cầu treo. May vừa xong khảo sát, gã thiết kế chiếc cầu treo tối giản, dựng tháp cầu beton cốt thép phía bên tả, phía bờ hữu thì dựng hai thân cây dổi cổ thụ làm tháp níu đỡ cáp chủ. Ngoài ra tính dư các dây neo chống dao động thẳng đứng và dao động ngang cho hệ dầm mặt cầu, bảo đảm an toàn vượt chuẩn. Cát sỏi sẵn dưới suối Nậm So. Ván lát cầu xẻ gỗ táu mật cánh rừng sau bản. Xi măng, sắt, cáp chủ, đai ốc chuyển từ thị trấn vào cũng nhẹ nhàng.
Công trường xây cầu, ồn náo một vùng. Mẹ con Lam Sương hợp đồng tiếp phẩm cho công trường. Điện máy nổ xình xịch trắng đêm. Thứ Bảy dân bản và công nhân tí tửng “lảu kép” múa xòe. Mọi người còn đương dậm chân lượn vòng, thì nàng đã dắt gã ẩn sau mố tháp cầu hôn nhau thun thút. Kéo tay gã đặt lên ngực mình, nàng hào hển.
- Chàng Kinh ngốc của noọng, quà của anh đây… quà tình của anh đây… Đã đậu nụ thì sẽ nở hoa, suối ra nguồn thì suối phải chảy… Mình yêu nhau thôi mà, đừng ngại anh ơi.
Tổng động viên. Cầu chưa hợp long thì gã nhập binh chủng công binh. Rạng sáng không thể gọi cửa, tần ngần gã đặt máy ảnh và cuộn phim chưa tráng trên bậc cầu thang nhà nàng. Vòng cọn òa òa đổ nước. Tiện máy kéo xuống thị trấn chở vật liệu, cậu trợ lý ngồi trên thùng tiễn gã, nhắc tài xế rẽ nhánh đường mở nối tuyến cầu treo. Xe khách xuống đèo, gã bặm môi rớm máu thì cũng là lúc nàng nhảy xuống từ lưng ngựa thầy mo dừng cương. Gã không hề biết phía sau Lam Sương cuống cuồng vẫy tấm khăn piêu trong quầng bụi xám khi bình minh chưa kịp.
9. Ba mươi năm sau, hướng dẫn luận văn cho sinh viên gã lên mạng tìm về những cây cầu cũ mình từng xây dựng. Chẳng hiểu sao, gã bấm vào link: “Những cây cầu ở quận Madison” mê mải xem đến sáng. Thì ra gã cũng có một cây cầu cũ và mối tình chưa bao giờ kết. Và giờ đứng bên cây cầu treo vượt Nậm So trước hai hàng sợi cáp chủ gỉ như phết bột café, chờ ngày tái chế, ván sàn tấm rơi tấm mục. Dòng xưa tơ hơ sỏi đá. Rừng cây lớn bờ bên phơ phất cỏ lau. Hai gốc cây làm trụ tháp đã thế bằng kết cấu beton. Tháp trụ bờ cao bờ thấp.
Tiếng hát xa vọng: “Em se sợi thành vóc hoa dâu. Em dệt cửi thành gấm vân hoa chéo. Em dệt tơ thành đóa hoa vàng. Người các bản các phường muốn khóc. Đều ao ước được em thêu khăn” (8).
Thiếu phụ áo xanh dừng bước sau lưng gã với chiếc Praktica quấn trong khăn piêu. - Ông chờ noọng lâu chưa? Noọng bận thay tã cho thằng cháu ngoại.
Gã từ từ xoay người, nụ cười khô vỡ rạn, nắm bàn tay thương khó của nàng.
- Sao ngày xưa em không tìm cách giữ anh ở lại.
Anh trách em là sao? Nàng ẩn ức, lần ấy qua suối, nàng cố ý để gã đi trước, cúi nhặt một hòn sỏi bỏ vào lòng bàn tay, nín thở niệm chú ba lần để cầu người yêu mà mẹ đã dạy. Hòn sỏi đen rơi suối nhỏ
Viên sỏi nhỏ, rơi suối bằng
Thương nhau, nhìn đến tối không chán
Hoa sung cuốn lông mày
Hoa riềng, bám bờ vai
Ùm khớt!
Dứt lời, nàng ném viên sỏi vào lưng áo gã. Nghe tiếng động, gã quay lại mỉm cười, ôi bùa chú đã có tác dụng. Nàng thảng thốt… Không lẽ... Hình như nàng bỏ bớt một chữ không đọc lượt cuối. Thì dù anh ấy có quay lại cười hay đi thẳng bùa chú cũng chẳng còn ứng nghiệm.
- Anh là vật thể phóng sinh rồi. Người đàn bà năm mươi tuổi giơ chiếc máy ảnh lên ngắm cây cầu treo long nhịp. - Em chụp anh nhé.
Có người trẻ không thích chụp ảnh, nhưng khi về già thì ngày nào cũng chụp nuôi facebook. Không ý niệm đẹp xấu. Không thích chụp cả lúc trẻ lẫn lúc già, ấy là gã. Robert và Francesca gặp nhau khi không còn trẻ, nhưng là những “vật thể mới”. Gã và Lam Sương có nhau ngày trẻ, nhưng bây giờ cả hai đều là “vật thể cũ”. Ngày xưa, gã ngây thơ nghĩ rằng gã có thể dạo bước qua bất cứ lúc nào những cây cầu mình bắc. Và giờ đã trở lại bên cây cầu cũ.
Nàng buột nói.
- Người ta sắp xây cầu mới rồi. Cầu treo này, liệu có sửa chữa lại được không anh? Ừ, cây cầu họ cùng xây mà không cùng nhau qua một lần.
Im lặng, gã ngắm đôi sợi cáp chủ chỉ chờ bán phế liệu và những thanh ván cũ, ráp nối thế nào thì cũng chẳng tránh được sự rỗng mục. Gã phải làm thế nào đây, để cả nàng và gã đi trên cây cầu cũ mà không rơi xuống… Hoàng Liên phiêu phiêu cơn mưa xuân.
-------
(1) Robert và Francesca - hai nhân vật chính trong phim “Những cây cầu ở quận Madison”.
(2) Rượu cần của dân tộc Thái ủ bằng men lá, gạo nếp và trấu giã.
(3) Món cá nướng truyền thống của dân tộc Thái.
(4) Chi tiết kiến trúc trang trí có tác dụng chống tốc mái.
(5) Đèo Văn Long (15/3/1887 - 20/11/1975) là một thủ lĩnh người Thái và là lãnh chúa của Khu Tự trị Thái.
(6) Làm lễ.
(7)Trời ơi.
(8) Dân ca Thái.
Truyện ngắn. Nguyễn Tham Thiện Kế
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...