VNTN - Xóm Thắng Lợi, làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình có ngôi nhà thờ họ Dương Hữu. Ngôi nhà thờ này đã có cách đây ngót 400 năm và đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh.
Nhà thờ xưa được xây dựng khoảng vào thế kỷ XVI nằm trên diện tích 348m2 đất, nay là xóm Thi Đua cùng làng Phương Độ. Đến đầu thời Nguyễn ngôi nhà thờ được di chuyển về khu đất khá vuông vắn hiện nay.
Xung quanh bốn phía là cư dân bao bọc. Phía trước nhà thờ là khoảng sân rộng được lát bằng gạch vuông Bát Tràng. Sân được bó tường hoa, phía trước được trồng cau, giữa sân đắp hình cuốn thư.
Con cháu dòng họ Dương Ngôi nhà thờ ba gian, có quy mô vừa phải kiến trúc theo lối cổ truyền, cấu trúc nội thất bằng gỗ xoan, tường đầu hồi, bít đốc, mái lợp ngói mũi cổ. Trải qua thời gian và biến cố lịch sử nó đã được bà con dòng họ tu sửa nhiều lần, lần gần nhất là năm 2000. Mặt chính nhà thờ quay về hướng đông - nam, hai bên đắp hai cột đồng trụ. Nội thất, gian chính đặt điện thờ có bắc sàn, bàn thờ, hương án trang nghiêm. Phía trong nội cung đặt bài vị tổ họ và các đồ tế lễ, trên có bức hoành phi khắc chữ: "Dương gia tộc" (nhà thờ họ Dương), dưới treo hai câu đối và có giá chiêng và giá trống. Bên trái nhà thờ có tấm bia đá và treo một số hình ảnh sinh hoạt của dòng họ qua từng năm lễ tổ.
Đây là ngôi từ đường của một dòng họ lớn có tiếng ở tỉnh Thái Nguyên. Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong họ thì trước năm 1964 nhà thờ còn cuốn gia phả dòng họ, Sắc phong của vua nhà Lê phong cho người được thờ, song qua 2 cuộc chiến tranh các tư liệu, hiện vật bị cháy mất. Tuy vậy hiện tại nhà thờ vẫn còn lưu giữ được tấm bia đá cổ 4 mặt, cuốn gia phả ghi tên ngày sinh, mất của một số nhân vật tiêu biểu làm quan dưới thời vua nhà Nguyễn (1802 - 1945). Dòng họ Dương nay ở đây đã chia ra nhiều chi phái. Hiện nay, nhà thờ Dương Hữu do ông Dương Hữu Hùng (61 tuổi) là Trưởng họ, họ gồm có 5 chi sống ở địa phương và những nơi khác như sau: Chi 1, 37 hộ, 100 đinh; Chi 2, 12 hộ, 35 đinh; Chi 3, 39 hộ, 119 đinh; Chi 4, 33 hộ, 70 đinh; Chi 5, 60 hộ, 129 đinh (số liệu do dòng họ Dương cung cấp).
Huyện Phú Bình có nhiều dòng họ nhưng tỷ lệ đông nhất vẫn là họ Dương. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, huyện Phú Bình ngày nay là Tư Nông, từ thời Lý -Trần còn có tên là "Dương Xá"(nơi có nhiều dòng họ Dương). Làng Phương Độ là một trong những làng cổ điển hình của vùng trung du Bắc bộ, còn bảo tồn được một quần thể di tích lịch sử văn hoá như: đình, chùa, nghè, miếu và nhà thờ họ. Theo lời kể của nhân chứng, câu đối và văn bia còn lưu giữ tại nhà thờ thì dòng họ Dương Hữu vốn có nguồn gốc ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, di cư ra đất Phương Độ từ thế kỷ XV. Người đầu tiên ra đây là một vị quan Thái bảo Đô đốc Quận công thuộc hàng quan tứ trụ của triều đình, danh - đức lừng lẫy còn được lưu truyền qua 2 câu đối treo ở tại nhà thờ họ Dương Hữu.
Viên quan này đến Phương Độ cắm đất thấy vùng này thiên thời địa lợi, có thể an cư lạc nghiệp được. Sau đó vào Thanh Hóa vận động 13 cửa họ đến Phương Độ khai khẩn làm ăn. Đầu tiên đến ở xóm Trước, một thời gian sau ông đi thăm và tìm hiểu một số nơi, và chọn khu Bãi Nổi (nơi dựng đình Phương Độ đầu tiên). Nay vẫn còn các địa danh như: Cổng Hồ, Cửa Dinh, Trại Lính… và ông là một trong những người ở địa phương có công xây dựng đình làng Phương Độ, một ngôi đình lớn nhất tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng cấp quốc gia.
Qua bao năm, công tác tìm hiểu, sưu tầm đã phần nào làm sáng rõ tên tuổi hai vị tướng được thờ và khắc vào bia đá tại nhà thờ họ Dương Hữu làng Phương Độ. Nhà thờ họ Dương Hữu hiện đang thờ vị tổ họ có tên là Dương Đình Vạn: “Tổ đức Dương Đình Vạn giáp ứng tác vị an tọa” (nguyên văn dòng chữ Hán khắc trên bài vị nhà thờ họ). Nhiều người chưa biết ông là ai, có công trạng thế nào hiển vinh về thời đại nào?
Bia cổ (1825) của nhà thờ họ Dương)
Tại cuốn Thần tích, có ký hiệu TTTS 4811 - FQ 4.18/V, 52 lưu tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội có hai trang tiếng Việt do Lý trưởng xã Giản Ngoại, tổng Lan Giới, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang kê khai ngày mồng 4 tháng 4 năm 1938, trong đó kê làng thờ ở nghè vị thần tên húy là Dương Đình Vạn, quán ở xã Giản Ngoại, chức Đại tướng quân, Đại tư mã, vua phong làm Quận công phù nhà Lê bình nhà Mạc. Như vậy là đã rõ, ông tổ họ dòng họ Dương Hữu (trước là Dương Đình, sau đổi sang Dương Hữu) là Dương Đình Vạn quê ở xã Giản Ngoại, tổng Lan Giới, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, là quan nhà Hậu Lê, được phong Đại tướng quân, Đại tư mã tước Quận công. Ngoài những thông tin trên, liệu ông này có nằm trong thập bát vị Quận công triều Mạc nổi tiếng đã thác tại vùng đất Thái Nguyên được thờ phổ biến ở đền, chùa vùng núi như chùa Thiên Tây Trúc, xã Quân Chu, chùa Đài, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ còn phải tìm hiểu tiếp.
Văn bia nhà thờ họ Dương Hữu còn cho chúng ta biết về phong tục duy trì dòng họ, giáo dục con cháu, bởi cách khắc bia ghi lại truyền thống tốt đẹp của một dòng họ từ những thế hệ trước và lưu truyền cho các thế hệ sau. Những thông tin trong văn bia trùng khớp với lời kể của hậu duệ dòng họ về: quê quán, người thành đạt, qua các cuộc chiến tranh…
Văn bia nhà thờ họ Dương Hữu có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử và văn học đã được đưa vào cuốn Địa chí Thái Nguyên. Trong nội dung văn bia nhà thờ họ Dương có nhắc một vị là Dương Hồng Lương văn bia khắc là Hùng Lương tướng quân: “Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu đo chỉ huy xứ tư phương nham hầu Hùng Lương tướng quân” giỗ vào ngày 8 tháng 8 âm lịch. Theo cụ Dương Nghĩa Phùng (93 tuổi) ở địa phương thì chữ Hùng Lương là do người đời phiên âm và khắc chệch mà thôi. Cũng trong nội dung văn bia này còn khắc tên vị tướng có tên là Vũ Ngạch tướng quân. Người này đã từng có công với quê hương, đất nước và là niềm tự hào của dòng họ Dương Hữu ở Phú Bình.
Với khoảng 2.500 nhân khẩu, hậu duệ dòng họ Dương Hữu luôn tâm niệm phải bảo tồn di tích lịch sử, hàng năm duy trì lệ “chạp họ” ôn lại truyền thống cha ông vào ngày Giỗ tổ ngày 8/8 âm lịch, con cháu dù ở nơi xa cũng về dự lễ.
Việc duy trì sinh hoạt dòng họ đều đặn có nề nếp, kỷ luật đã nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, ý thức gìn giữ di sản văn hóa, thúc đẩy con cháu càng ngày xây dựng vun đắp truyền thống dòng họ, đó là nếp sống đẹp trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Nguyễn Đình Hưng
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...