Nắng qua phận người
Thế rồi những ngày hè cuối cùng ở trường cũng khép lại bằng một bài thi môn văn của nó. Phượng thắp lửa lộng lẫy một góc trời, vài cánh như giọt máu tươi la đà rắc lên gò đất sát dãy nhà dành cho học sinh nội trú như nó. Hoàn thành bài thi, bụng đói meo, cả bọn ùa xuống nhà ăn. Nhớ mãi những bữa cơm nội trú xa nhà, vui và kỉ luật. Sau giấc ngủ trưa, dãy nhà vắng hoe, các gia đình đã kịp lên đón con về. Chỉ còn trơ lại nó giữa những dãy giường tầng hoen gỉ. Một sự trống trải không hình hài đã len nhè nhẹ vào trái tim học trò non nớt của nó. Buổi chiều rộng hơn, sân trường chơ vơ những quả bàng lăn lóc, phượng từng chùm, từng chùm cần mẫn thắp lửa, chẳng ai để mắt đến nó.
Chợt cánh cửa phòng mở ra, một khoảng nắng chiều xói thẳng khiến nó nheo mắt. Cô Hà - cô giáo dạy văn tận tụy của nó đứng đó:
- Sắp đồ đạc rồi về nhà cô đi con.
Chỉ nghe vậy, đang nằm mà nó bật dậy, nước mắt giàn giụa. Cô ân cần:
- Chắc chỉ nay mai, bố con sẽ lên đón, mẹ con còn bận em bé mà.
Chưa bao giờ nó thấy tủi thân như thế, ngồi trên giường, mặt nghệt ra. Cô Hà xếp mấy bộ quần áo và sách vở vào chiếc ba lô ở cuối chân giường, rồi nắm chặt tay nó, dịu dàng:
- Nào, ngoan, theo cô.
***
“Nguyên Nguyên, Nga hôm nay mới rảnh để biên thư cho bạn. Nga học ở một trường thành phố, bố chuyển công tác vào sở địa chính, mẹ vẫn bán hàng như hồi ở ngoài Bắc. Hẹn gặp bạn ở Sài Gòn nhé. Địa chỉ của nhà mình đây…”.
Vào một ngày nắng tháng Sáu chói chang của mùa hè năm lớp 6, nó nhận được thư của Nga - người bạn mà nó kịp thân thiết trong 3 tháng ôn thi tại trường năng khiếu. Nga trắng trẻo, cao ráo kiểu tiểu thư đài các, con nhà giàu. Còn nó lúc ấy vẫn xốc xếch như cái mạ tụt, trong chiếc ba lô của bố chỉ có hai bộ quần áo thay đổi. Khi nhận tin con gái đi học xa nhà 3 tháng, mẹ càu nhàu:
- Mày đi ai bế em đỡ mẹ. Mà thi gì chẳng thi, lại thi văn.
Nga yêu nó lắm, có hôm còn giấu bố mẹ mang cả hộp ruốc vào kí túc xá cho nó. Dù nó béo phúng phính, Nga vẫn bảo:
- Chịu khó ăn nhé, mẹ tớ bảo xa nhà khổ lắm. Mai tớ mang cho ít sữa bột.
Nó tròn mắt:
- Thôi, làm thế nhỡ mẹ biết, bị đánh đấy.
- Mẹ tớ bảo mang cho bạn đấy. Chị em tớ, ai cũng sợ sữa bột.
Nó chợt nhớ có lần mẹ đi trực đêm ở bệnh viện. Nó mở hộp sữa bột xúc lấy xúc để, vừa lúc mẹ về qua nhà, gọi mở cửa, nó “dạ, dạ”. Sữa bột ngậm trong miệng phun ra trắng xóa mặt. Hôm sau, nó bị mẹ cho ăn no đòn. Mẹ quy định, sữa bột bố mang về, chị em nó chỉ được dùng mỗi khi ốm. Nó chỉ mong ốm.
***
Nhà cô Hà ở phường Trần Nguyên Hãn, trong một ngõ nhỏ. Đường vào quanh co, một bên là những dãy nhà lúp xúp, bên kia là con sông nước trắng bong. Ngồi sau xe cô, gió từ mặt sông thổi ào ạt, lất phất mưa, chiếc nón cô đội lật ra phía sau, đựng cả buổi chiều, lưng áo cô phồng lên như cánh buồm, chạm nhè nhẹ vào má nó. Đứa trẻ lớp 5 bỗng thấy nhớ mẹ ghê gớm, nó đưa bàn tay, rụt rè nắm lấy vạt áo cô. Bất giác cô quay lại, quờ tay, nắm se sẽ lấy tay đứa học trò đang níu vạt áo mình. Nó vừa ngường ngượng lại vừa muốn giữ mãi khoảnh khắc này. Xe dừng lại trước cửa ngôi nhà cấp bốn, con chó nhỏ thấy bóng chủ, đang nằm phủ phục bỗng vùng dậy, chạy ra mừng quẩng. Nhưng khi thấy nó, mắt chó nhướn lên nghi ngại, cánh mũi khịt khịt.
- Hư nào, vào nhà ngay Mic, khách quý của nhà mình đấy.
Mãi đến hai ngày sau, bố mới lên đón nó. Khi thấy bóng dáng quen thuộc của bố trong bộ quân phục, nó bật dậy, quên cả xỏ dép:
- Bố, bố, con ở đây này.
Cô Hà đang lúi húi dọn nhà, thấy vậy niềm nở:
- Chào anh, mời anh vào trong nhà xơi nước.
Thì ra, em nó ốm, mãi hôm qua bố mới nhận được thông tin của nhà trường, bèn bắt xe từ đơn vị về thẳng đây. Cuộc chia tay bịn rịn, nó nắm tay cô Hà thật lâu và lí nhí hứa sẽ trở lại thăm cô. Vậy mà lời hứa từ năm 1986 của thế kỉ trước mãi đến sau này, có dịp trở lại thăm cô, thì cô đã lâm bệnh hiểm nghèo.
***
Khu phố cạnh sân bay không đem đến cho Nguyên cảm giác khác biệt. Vẫn là Hà Nội đấy thôi. Những con phố vừa đủ để không xảy ra cảnh tắc đường kinh niên. Những ngôi nhà sơn tường màu vàng, cánh cửa xanh, giữa hai con phố là bồn cỏ, đều đặn những bóng cây xòe tán rộng. Chỉ một điều khác biệt, cái hoang dại ùa vào bằng những trảng cỏ mặc sức mọc, có những lá cỏ sắc như kiếm, chọc thủng cả màu xanh dìu dịu của những tàng cây. Đã 1 giờ sáng mà đường phố vẫn sáng trưng và đông như ban ngày. Như thể người tràn hết ra hè phố, kiểu sống lệch múi giờ. Sài Gòn chẳng có gì lạ, có chăng khác biệt lớn nhất là cái nắng. Tháng Sáu, từ rất sớm, các con phố đã ngập nắng. Nó không phô phang, bẳn gắt như ngoài Bắc mà tựa hồ được tráng một lớp nước mỏng nhẹ, bay la đà, trượt trôi qua dòng người, rồi bất chợt dâng lên cao trong khoảnh khắc tan nhè nhẹ, ban cho tất cả sắc vàng tinh khôi. Cuối cùng, lượn vòng, giấu trong từng nếp áo váy cái mong manh, mơ hồ dìu dịu. Đi giữa nắng mà không chói gắt, không cáu bẳn, đó là cảm giác của Nguyên về nắng Sài Gòn.
Nguyên bấm chuông, cánh cổng bật mở, người phụ nữ cao ráo, thanh mảnh trong chiếc váy lụa vàng bước ra. Mái tóc uốn nhẹ, vài lọn vương trên cái cổ mịn màng, kiêu hãnh. Cô đứng dưới mái cổng nhìn chăm chăm vào Nguyên, rồi mừng rỡ reo lên:
- Nguyên phải không? Sao không báo trước cho Nga ra đón.
- Muốn dành tặng bạn sự bất ngờ thôi.
- Ở đây chơi ít bữa nhé, Nga sẽ xin nghỉ để đưa Nguyên đi một số địa điểm rất thú vị.
Nga tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân nhưng lại đi làm cho một công ty chuyên về thiết bị y tế. Ngày đầu tiên làm việc, cũng là ngày cuối cùng của cô ở công ty này. Hôm đó, cũng vào đầu tháng Sáu, công ty vừa nhận một lô hàng, công việc của Nga là kế toán nhưng vốn là nhân viên mới lại nhanh nhẹn, Nga xăng xái ra bê hàng cùng mọi người. Không may, cô bị vấp, ngã xuống sàn nhà kho, thùng hàng trượt từ tay Nga xuống nền, axit từ trong chiếc lọ chứa bị vỡ bắn tung tóe lên đùi cô. Chưa bao giờ Nga bị cảm giác bỏng rát, đau đớn như thế. Cô ngất đi. Khi tỉnh dậy, Nga thấy mình nằm giữa căn phòng trắng toát, nồng nặc mùi sát trùng, hai đùi quấn kín băng. Điều đầu tiên cô làm là nhỏm dậy để nhìn vào vết thương ở hai đùi.
Nguyên chợt nhớ lại. Khi Nguyên được gọi là Nguyên Đen vì nước da bánh mật không trộn lẫn với bất cứ ai, thì Nga có nước da trắng như mỡ đông, cặp chân dài mướt mát mà bạn bè thường trêu đùa là cô nên mua bảo hiểm cho nó. Mỗi khi hai đứa đi với nhau, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Nga, Nguyên không vì thế mà buồn. Trái lại, cô rất tự hào về bạn. Tạo hóa không cho ai cả và chẳng lấy của ai hết. Nguyên tin vậy và luôn tận tụy với tình bạn của mình.
Giám đốc công ty rất ân hận, ông đã đứng ra chi trả viện phí cho Nga và giúp đỡ cô rất nhiều sau ca mổ. Vết bỏng sâu, bệnh viện phải tiến hành cấy ghép da cho Nga. Một phần da dưới cánh tay cô được lấy để can thiệp vào phần tổn thương ở hai đùi. Vết thương lành, nhưng vĩnh viễn từ đó, Nga phải giấu đi cặp đùi thon thả - niềm kiêu hãnh của cô - sau lần vải, chẳng còn cơ hội để diện váy ngắn. Vết thương đầu đời ghi dấu bằng hai vết sẹo lớn trên đôi chân cô, nhưng lại hằn vào ánh mắt Nga một nỗi buồn tiếc thăm thẳm. Khiến cho đôi mắt của cô càng trở nên vời vợi sau làn mi đen rợp. Đôi mắt ấy đã chôn vùi ông giám đốc kia. Ông ta yêu Nga bằng sự sám hối và say mê. Điều ấy là lẽ thường tình nếu như ông chưa vướng vào cuộc hôn nhân với người vợ hiền và hai đứa con ở quê nhà. Đàn bà lửa ghen kinh hoàng. Được tin, người vợ đã đến tận nơi Nga ở để làm cho ra nhẽ. Khi ấy Nga đã kịp có một đứa con với ông. Để giữ an toàn, ông đã xin cho Nga chuyển sang một cơ quan mới và về thu xếp chuyện gia đình.
Con người thường mượn thời gian làm liều thuốc chữa lành vết thương trong trái tim. Nhưng thời gian chỉ là cái cớ để người ta giả vờ quên. Song lẽ, chẳng có ai lành lặn sau mỗi nhát đâm chí mạng của số phận. Cái mà chúng ta đang thấy chỉ là tấm áo giáp, còn bên trong lại là một tâm hồn dễ tổn thương kinh khủng. Trải qua một cuộc đau thương, con người sẽ càng trở nên cứng cỏi và lãnh đạm với giông bão. Nhưng sâu bên trong lại là một trái tim bé nhỏ mỏng manh âm thầm rỉ máu, dù cố cười nhưng thi thoảng nỗi trống rỗng lại ùa về chôn cất sự mạnh mẽ, lúc ấy họ như một loài nhuyễn thể, chỉ một chiếc lá rơi cũng đủ giật mình. Nga hay Nguyên cũng vậy thôi.
Khoảng xa cách của hai người bạn sau 23 năm, đã được Nga mã hóa bằng câu chuyện ngắn ngọn như thế. Nguyên khẽ thở dài, trân trân nhìn vào mắt bạn:
- Sao Nga nỡ giấu mình ngần ấy năm trời?
- Thì kể cho Nguyên cũng có mất đi vết sẹo và nỗi nghiệt ngã ấy đâu. Mình chọn cách im lặng.
Nguyên khẽ đặt tay lên đùi bạn, ba tháng ngắn ngủi dưới mái trường năng khiếu lại ùa về. Đầy ắp trong khứu giác Nguyên là mùi ruốc mằn mặn quyến rũ và mùi sữa bột ngầy ngậy. Bất giác Nga xoay người, đôi tay đặt lên hai vai Nguyên, lay mạnh:
- Nguyên có biết người đàn bà đến đánh ghen mình là ai không?
- Mình làm sao biết được.
- Chính là cô Hà đấy.
- Nga nói sao? Ôi, trái đất quá nhỏ bé. Cô Hà mất rồi Nga ạ.
Nga sững người, đôi vai so lại. Mắt cô đầy bóng tối…
***
Nguyên tìm đến nhà cô Hà, một người hàng xóm chép miệng:
- Khổ, người tốt thường thiệt thòi. Sau khi li dị một thời gian, chị ấy đổ bệnh, bị suy thận em ạ. Giờ chị ấy đang điều trị trên bệnh viện tỉnh.
Người ta chỉ cho Nguyên giường của cô Hà. Giữa ga đệm trắng toát, cô nằm nhỏ thó, người mỏng dính. Nguyên vẫn còn nhận ra những đường nét nhân hậu, hiền từ trên khuôn mặt cô ngày nào. Mái tóc lòa xòa đã bạc quá nửa, đôi mắt mệt mỏi nhưng vẫn ánh lên ấm áp khi nghe tiếng Nguyên chào, bàn tay cô, những ngón tay thon dài nắm chặt tay Nguyên buổi chiều hôm ấy, như vẫn đóng đinh trong kí ức Nguyên. Nguyên ngồi sụp xuống đầu giường, ôm lấy thân hình mỏng manh của cô. Lúc sau, Nguyên kéo ghế, ngồi cạnh cô, hai tay vẫn nắm lấy cổ tay lỏng lẻo rặt xương của cô. Nguyên chẳng biết nói gì, cứ nhìn cô rồi ngó lơ ra cửa sổ. Qua ô kính, ngày đi rất chậm, ráng chiều đỏ rực rồi từ từ lẫn vào từng cụm mây trắng, ửng lên những chùm nắng cuối cùng và rơi tõm vào không trung. Tiếng ếch nhái kêu ran. Tối ấy, Nguyên gọi về cho bọn trẻ, dặn khóa cổng, khóa cửa cẩn thận.
Lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng Nguyên đến với cô Hà. Hôm đó trời mưa tầm tã, rét thấu xương. Xe đến nghĩa trang thưa thớt. Nguyên đi cùng người bạn từ hồi cấp một. Mắt cô dõi theo ánh đèn xe. Luồng sáng đến đâu, những hàng mộ chí lọt vào tầm ngắm của Nguyên đến đấy. Đó đây, ven đường những vòng hoa to, cầu kì bị vứt bỏ, nằm vật vờ trong gió táp. Hoa tang là thứ hoa lạnh lẽo và cô quạnh nhất. Tất cả im lìm, im như một trong thế giới đã chết khiến người ta thèm được giật mình bởi âm thanh của sự sống. Khi những lời khấn rì rầm khép lại trên khóe miệng mỏng của thầy cúng trẻ, thì Nguyên biết, vĩnh viễn từ nay, Nguyên không bao giờ được gặp cô Hà nữa, có chăng chỉ là những nỗi nhớ về một quá khứ đã in đậm trong trí nhớ đứa học trò tộc tệch lớp 5 mà thôi. Những tháng năm cho thêm và lấy đi. Những trận mưa xói vào cuộc đời để lộ ra những trần trụi, tái ngắt về một cuộc sống đầy nghiệt ngã. Nhưng có ai không hạnh phúc khi được đón nhận sinh mệnh cũng như mấy người đủ dũng cảm để đi vào cõi chết, dù biết đó là điểm đến tất yếu của cuộc đời? Trở về nhà hôm ấy, với Nguyên là cả một đêm dài. Cô thao thức và trò chuyện với cái bóng của mình.
***
Khi hai bố con về nhà, đã 21 giờ, mẹ ôm em đi ngủ, mâm cơm lạnh tanh, đĩa rau muống luộc cứng quèo, vài miếng đậu rán và ít lạc rang nước mắm. Giọng mẹ ngái ngủ:
- Học văn làm gì cho khổ, xa nhà tốn kém đủ thứ.
Bố chỉ im lặng không nói. Nguyên và vội bát cơm, vặn to ngọn đèn dầu, rửa bát rồi đi tắm. Khi chui vào màn, Nguyên chẳng kịp nghĩ gì, cái ngủ rơi xuống mí mắt. Nguyên thở đều đều và chìm sâu vào đêm.
Hè với Nguyên và lũ trẻ ở khu tập thể là khoảng thời gian kì diệu của bầu trời tuổi thơ trong veo. Chẳng bao giờ ngủ trưa, cả lũ rủ nhau chuyền, chắt, chơi ô ăn quan, hay đi hái trộm sen. Sau dãy nhà ở là vườn mía cao lênh khênh, lá sắc như dao nhọn. Nhà nào cũng trồng mía, đó là thức quà dân dã đến mức, chán mía nhà, có đứa vác dao chặt mía hàng xóm, nếu bị người lớn bắt gặp, còn bị khuyến mại thêm cây nữa, nhai sái quai hàm. Sau mía là ao sen. Mùa hạ nào, sen cũng nở hồng rực, ngát hương, dẫn dụ bọn trẻ. Khi sen vào hạt, ấy là lúc thú vị nhất, Nguyên vốn phổng phao nhưng dốt đặc các kĩ năng bơi lội, cứ ra ao là bám chặt lấy cái săm ô tô đã cũ. Nhưng cái gì khó thường lại hấp dẫn, chỉ cần bạn hô một tiếng, nó sẽ cởi trần, quần đùi lội xuống ao sen ngay tắp lự. Mải sen, mất cả cái áo phông đỏ (vốn là quà của bố trong chuyến đi công tác ở Lào), khi ôm sen lên bờ, sờ lên cổ không thấy áo đâu, mang đống chiến lợi phẩm về nhưng niềm vui không trọn vẹn vì chỉ e mẹ phát hiện ra mất áo, sẽ no đòn.
Hôm nào không cất vó tôm hay móc cua, bẻ trộm sen thì nó xách dao đi chặt bàng. Trái bàng khô tom, rơi lăn lóc dưới gốc cây mốc thếch, nó chặt rất khéo, lấy được cả nhân lành nguyên. Ăn rất bùi và béo. Có hôm được đầy một chén, mang về hai chị em vừa ăn vừa chơi đồ hàng. Mẹ về thấy vậy, không mắng một tiếng. Nhưng hiếm hoi lắm mới có bữa như thế. Tuổi thơ nó cứ thế trôi đi giữa cái nắng chang chang của khu tập thể bệnh viện, những trò chơi con trẻ và những lời mắng mỏ, trận đòn roi của mẹ. Trái với mẹ, bố chẳng bao giờ mắng hay đánh nó, có lẽ bởi tuổi thơ của nó là những chuyến công tác xa nhà biền biệt của bố.
Tuổi ngây ngô từ xa ngái, rơi vào hồn người như những giọt mật ngọt ngào nhất. Để mãi sau này, đi qua đắng cay, vẫn là thứ dư ba êm dịu, tinh khôi. Bốn năm đại học trôi vèo như một cái chớp mắt. Nguyên thường xuyên lang thang một mình trên chiếc xe đạp, mà chẳng chủ định điểm đến. Hôm đó, lang thang sang trường đại học Kinh tế quốc dân, bỗng trước mũi xe xồ ra một con bé dong dỏng, tóc dài đen nhức, nhìn điệu bộ ra dáng tiểu thư con nhà người ta. Vội dừng lại, chưa kịp mắng té tát thì con bé quay ra, bốn mắt nhìn nhau:
- Nguyên?
- Nga phải không?
Chúng nhảy lon xon giữa cổng trường đông đúc như hai con dở. Rồi lôi tuột nhau vào quán nước, bao nhiêu kỉ niệm ùa về bồi hồi.
***
- Đàn ông là loài trí trá Nguyên ạ, chỉ có thêm, không bớt. Lão ấy cách đây mấy năm lại giấu mình, lập phòng nhì.
- Vậy giờ Nga tính sao?
- Ở vậy thôi, hôn nhân như cái WC, người bên trong muốn ra, kẻ bên ngoài muốn vào.
Nguyên chẳng ngạc nhiên hay cho Nga là cực đoan, vì cô cũng là kẻ thất bát trong hôn nhân. Một chặng đường dài duyên nợ có quá nhiều cơn bão quét qua, với người chồng quá cố, đủ để Nguyên hiểu tâm sự của Nga. Cuộc hôn nhân của cô vừa đầy sáu năm viên mãn, sau đó là những nghiệt ngã của số phận trút tới. Mọi bất hạnh khi đã vượt qua, đến giờ với Nguyên chỉ còn là một câu chuyện kể. Với cô, hôn nhân là một sự sợ hãi và chịu đựng. Đến nỗi, cách đây mấy hôm, trong giấc mơ, Nguyên mơ thấy chồng, khi anh còn sống. Cô thấy chồng mình cười cười, lấy một tập tiền bảo để đi tiêu. Nguyên sợ toát mồ hôi. Đến khi tỉnh giấc rồi, vẫn ngỡ như không phải. Ngót gần 20 năm cặm cụi vá víu cuộc hôn nhân bất hạnh với người chồng cờ bạc, cứ mỗi lần nhắc đến tiền, cô lại bị ám ảnh. Những cơn sợ hãi chạy suốt cuộc hôn nhân ấy, cho đến giờ mỗi khi hồi ức trở về, đôi khi cô tưởng ra mình ngấp lút giữa đầm lầy. Thật chới với.
Nỗi sợ khiến cho con người ta không dám tin và không dám dấn thân. Nên cứ nấp trong cái vỏ ốc của đời mình, như con chim trúng đạn, không dám cất cánh hay chẳng đủ can đảm tìm đến một vùng trời mới.
Nga đưa Nguyên đi bar. Vốn là đứa dị ứng với âm thanh chát chúa, nên trước khi vào cửa, Nguyên đã cẩn thận nhét bông đầy hai lỗ tai. Âm thanh qua thiết bị khuếch đại thật kinh khủng, khiến cô cảm giác như lồng ngực mình bị ép xẹp lép, tới mức xương sườn như thể dính vào cột sống. Những đôi trai gái ngất ngư thổi bóng cười, cô gái múa cột, thân hình dẻo quánh, ánh đèn chấp chới mờ ảo khiến da thịt như nồng lên, đẹp và gợi cảm đến từng cen ti mét. Đến khi Nguyên cảm thấy thú vị, thì Nga kéo tay cô giục:
- Về đi.
Nguyên rời khỏi mà trong lòng vẫn chút tiếc nuối. Nhà Nga có một bar nhỏ. Cô bắt Nguyên đi thay váy ngủ. Nga vứt cho bạn chiếc satin màu đỏ chát. Khoác nó, Nguyên thấy mình như là người khác. Chiếc váy cổ V, trần đến 2/3 lưng, hai sợi dây mảnh vắt ra phía bầu ngực, gấu váy còn cách gối đến 5 phân. Nga xoay bạn mấy vòng:
- Ồ, không tệ, rồi mai mình lựa cho mấy chiếc, phải biết nuông chiều bản thân chút chứ. Mình giờ không mặc được váy ngắn.
Nga nói xong, mắt cụp xuống, buồn rũ. Nguyên siết nhẹ tay bạn, thấy mắt Nga như loáng ướt.
Nga rót đầy rượu vang vào 2 chiếc ly kiêu hãnh. Đôi bạn xoay xoay trong lòng tay, ly vang sóng sánh. Nguyên chầm chậm nhấp. Cô thích vang. Chút men thơm chát khiến môi cô như mềm ra, người nôn nao một cảm giác khó tả. Chưa bao giờ Nguyên thấy mình yếu đuối thế, cũng chưa bao giờ thấy mình cương cường thế. Những cảm xúc hỗn độn chạy qua tim cô loang loáng, hình như lâu lắm rồi Nguyên không có cảm giác về một bờ vai vuông vức ghé xuống đời cô. Nỗi cô đơn hoang vu tràn ngập, nước mắt bỗng từ đâu loang tràn trong cô. Nguyên quay mặt đi vì sợ Nga nhìn thấy sự yếu đuối của mình. Cô biết lúc này cô thật đàn bà, mong manh và sợ hãi, bất cần hơn bao giờ hết.
- Khóc à? Đừng cố gồng lên, những lúc như thế này hãy thả lỏng, say đi, mình muốn thật say đêm nay.
Giọng Nga đã hơi ríu ở âm cuối, đôi tay ngà thon thả của cô kéo tung vạt váy lụa, lộ ra hai mảng sẹo chằng chịt, sần sùi. Tay Nga rối rít xoa trên đùi mình, bất giác từ đôi mắt buồn thăm thẳm ứa ra những giọt lệ, lấp lánh trên hai vết sẹo đầu đời.
Hôm sau, khi Nguyên tỉnh giấc, thấy qua ô cửa kính vòm lá xanh mướt mát, nắng sớm chiếu chan hòa trong căn phòng nhỏ, ôm lấy hai thân hình phụ nữ. Bờ vai mảnh, mái tóc rối bời, và trong lồng ngực, dường như trái tim đêm qua nức nở vẫn chưa thôi cơn thổn thức.
***
Nghĩa trang thành phố buổi sáng mùa hè mà đã chói chang. Mặc cái oi gắt của tiết chính hạ, những vòm cây vẫn cần mẫn tỏa bóng mát. Những vầng xúm xít, u sầm làm dịu đi bầu khí quyển nơi đây. Ngôi mộ của cô Hà nằm khiêm nhường dưới tán cây xà cừ. Nguyên lấy trong túi xách một chiếc khăn mặt trắng tinh lau tấm bia mộ. Khăn lau đến đâu, gương mặt người đã khuất hiện rõ nét đến đó. Nga lúi húi sắp lễ vào cái đĩa sứ. Vốn là người rất chu đáo trong việc thờ phụng nhưng hôm nay cô trở nên lúng túng, vụng về. Cúi mặt xuống đĩa đồ lễ, Nga bỗng thấy một luồng lạnh rân rân ở ngực, hai má cô đỏ lên, ngước nhìn vào di ảnh, Nga chạm phải ánh mắt nghiêm nghị của cô Hà. Tia nhìn ban đầu như xộc thẳng vào tim Nga, len lỏi khắp ý nghĩ, lục tung kí ức, soi từng tận tế bào, khiến khoảnh khắc kinh hoàng của cơn bỏng axit hiển hiện trọn vẹn trong cô. Nhưng cuối cùng, cái nhìn ấy tỏa ra nét dửng dưng, an nhiên.
Chợt đứa bé níu áo Nga, trên môi non líu lo:
- Mẹ ơi, người trong ảnh cười với con kìa.
- Cô giáo của mẹ đấy, con lạy bà đi.
Đứa bé cúi xuống, đôi bàn tay chắp trước ngực như một búp sen. Hương trầm phảng phất, nắng sớm vắt qua bờ vai 3 dáng người đứng nghiêm trang trước mộ chí. Bất chợt có tiếng lảnh lót của loài chim gì lạ lắm, xé tan sự yên tĩnh của nghĩa trang, Nguyên và Nga nhìn theo, hút vào vòm xà cừ hai đôi cánh giang rộng, xanh biếc. Bình minh đã chan đầy, những ngọn nắng nhảy nhót.
Truyện ngắn. Nguyên Tô
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...