Năm canh bên bờ vực
VNTN - Vách đá lạnh quá. Sương hay nước mắt của trời thi thoảng rỏ xuống đầu, xuống mặt. Đợi chờ mãi mà có thấy gì đâu? Chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ. Gió như nỗi buồn chạy qua những hàng cây, làm cành lá kêu lên khe khẽ. Hắn trệu trạo nhai lương khô, nốc một một ngụm nước to, rồi dõi mắt nhìn xuống đáy vực nằm kề bên. Chỉ thấy thăm thẳm tối đen, nhưng hắn biết đã có hơn chục con xe Minsk nằm tan xác dưới đó. Con đường mòn thiêm thiếp ngủ dưới ánh trăng, đợi lúc vắng người như thế này, lá khô mới lang thang đi tìm nhau tình tự. Còn bao lâu nữa thì thằng cha ấy mới xuất hiện? Dĩ vãng như một đoàn tàu chầm chậm đi qua. Mỗi giờ chờ đợi là một sân ga…
1. Canh thứ nhất. Hắn biết lão Khoa ấy sẽ đi qua con đường độc đạo này vào ban đêm để về quê. Cả trực giác và sự tính toán bằng một trí tuệ sắc sảo cho hắn niềm tin ấy. Chọn hốc đá này làm nơi trú ẩn để ngày ngủ đêm thức. Ngay dưới chân hắn là một “Khúc cua tử thần” như cánh xe ôm đã kháo nhau. Thằng cha ấy sẽ phải đi qua đây? Dứt khoát như vậy. Cách đây nửa tháng, hắn đã rình xem lão Khoa và thằng đàn em thân tín chia vàng sau khi trúng “ục”. Đêm ấy, nín thở nằm sau gốc cây sát vách lán nhìn vào, hắn thấy lão Khoa đóng chặt cửa buồng bằng nứa ngộ, đặt khẩu K54 lên bàn, đảo mắt nhìn vòng quanh, rồi bê một bọc vải to đùng đặt lên bàn, nói khẽ:
- 16 năm chú vật vã cùng anh. Chia đôi từng mẩu sắn luộc. Nay chúng ta giàu rồi. Anh định chia theo tỉ lệ sau đây: Anh 7 chú 3. Anh đầu tư toàn bộ, đứng mũi chịu sào, có bản đồ địa chất vùng vàng này. Chú có sức khỏe, võ nghệ để bảo vệ hang vàng. Chú có ý kiến gì không?
Nói xong, lão Khoa cầm khẩu K54 lên, lấy giẻ lau chùi cẩn thận, liếc mắt đầy ý nghĩa về phía ngực đối phương. Thằng đàn em mặt hết đỏ lại tái, mắt nhìn sáng rực, châm thuốc hút mà ngón tay cứ run bần bật, nói khào khào như thằng hết hơi:
- Tất cả là theo ý anh. Chỉ mong anh nghĩ đến những giọt máu mà em đã đổ ra trên hầm vàng này. Anh cho em thêm bao nhiêu thì em cảm ơn bấy nhiêu.
Lão Khoa cười khằng khặc: chú cũng khôn khéo lắm. Thôi được. Cứ chia đã rồi tính…
Lão Khoa đổ vàng ra cái mâm đặt trên mặt bàn, thằng đàn em nhanh nhẩu đặt 2 cái xô mới tinh sang 2 bên. Cứ 7 bát gạt bằng miệng vào cái xô bên anh thì có 3 bát bên em. Chia xong vẫn còn dư hơn nửa bát, lão Khoa cười sằng sặc: Chỗ này còn khoảng 6 - 7 cây. Thôi thế này, chia đôi ra, một nửa hai anh em mình về Hà Nội đập phá ăn chơi cho kỳ hết. Nửa kia cho thêm chú về mua cho thím cái vespa để đi thăm đồng…
Ngắm nhìn cảnh tượng ấy, người hắn lúc nóng rừng rực lúc lạnh ngắt. Sự đố kỵ? Lòng tham vùng vẫy? Nỗi tủi phận cho 2 bàn tay trắng của mình? Còn hơn thế nữa!
Hãy đợi anh nhé, một đôi mắt đen thăm thẳm buồn tủi và mong ước…
2. Canh thứ hai. Hắn ngồi co ro trong hốc đá, mắt đăm đắm nhìn con đường ngoằn ngoèo rắn lượn. Nhanh quá mới hôm nào…
Hắn vào bãi Nhâu đã mấy năm trời. Bãi Nhâu bỗng nổi tiếng trong cả nước vì có trữ lượng vàng rất lớn, tuổi vàng cao, đãi xong cho vào phân kim, rồi đốt dưới ngọn lửa đèn khò, vàng đã có tuổi 9,7/10. Người tứ xứ kéo về như kiến, chặt gỗ, tre, nứa dựng lán ào ào. Chỉ mới hơn 6 tháng, đã có trên 2.000 lán dựng trên các sườn đồi. Tiếng máy nổ đinh tai, tiếng mìn nổ phá đá ầm ào dưới hang sâu, tiếng cười khóc chửi tục, la hét không ngớt suốt ngày đêm. Chiều nay, hắn thẫn thờ ngồi trên mỏm đá nhìn xuống, hai dãy đồi chạy dài như hai con rắn khổng lồ, thân mình lở loét những hầm hố đất sét quật lên đỏ sậm. Dân tìm vàng như đàn kiến hung hãn bám chặt lấy hai thân rắn kia mà đào khoét, lật tìm, bòn đãi không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Dòng suối xanh trong thủa nào nằm giữa hai dãy đồi giờ đỏ lòm, sặc sụa mùi hóa chất xy-a-nua dùng để ngâm tủa vàng, và có thứ mùi khủng khiếp từ chất thải của hàng nghìn con người phóng uế ra rồi chảy xuống theo mưa gió. Hắn dõi nhìn về phía nam, nơi ấy có vợ con hắn xanh xao trong đói nghèo, mòn mỏi chờ hắn mang hạnh phúc no ấm trở về, nhìn mãi chỉ thấy mây trắng bay thẫn thờ, như ước mơ xa vời vợi của kiếp người.
Tiếng thằng Trung gọi giật giọng làm hắn giật mình:
- Anh ơi. Anh về xem thế nào? Chị Sĩ “tắc hàng” đang ngồi đòi nợ ở lán mình. Chiều nay không còn gạo ăn nữa. Gần 2 tháng không có miếng thịt nào, em run tay không đào hầm được nữa rồi. Lán thằng Huy bên cạnh trúng vàng rượu thịt ê hề anh ạ.
Hắn thập thõm đi về lán, vừa đi vừa nhắc Trung:
- Để trời tối hẳn, em đi qua các lán có của ăn của để, nhặt đầu cá khô chúng nó ném xuống gầm lán, mang về ngâm nước gạo cho đỡ thối. Mai còn có cá mà ăn.
Về đến lán, em Sĩ đã ngồi dạng háng, lấy nón quạt lấy quạt để. Trong đám đàn ông toàn gấu chó, gấu mèo ấy, Sĩ quý hắn nhất. Không chỉ vì cái “mác” giáo viên dạy văn của hắn mà còn vì hắn chưa bao giờ cợt nhả, sờ soạng, tục tĩu.
Hắn quát to: - Sao mấy đứa không rót nước cho chị uống? Trèo đèo hơn 3 tiếng mới vào đến đây, khát cháy cổ chứ không à?.
Sĩ liếc hắn sắc lẻm, mắt có đuôi, má bỗng ửng hồng.
- Lán anh làm gì có nước mà rót. Mấy thằng chảy thây ra nằm đấy à. Đi vác nước về mau. Đừng để thầy giáo của chị phải đi mấy cây số, vác can nước mệt thọt dái lên cổ. Ấy chết. Em xin lỗi. Em nói bậy quen mồm, hi hi.
- Sĩ à. Anh còn nợ em kha khá. Dạo này bụi quá. Đào xuống gần 30 mét rồi mà không thấy gì, đá cứ trắng lốp, cho anh cắm thêm một ít. Gạo hết rồi. Dầu chạy máy cũng gần hết. Làm được anh trả em cả gốc lẫn lãi…
- Giời ôi. Được đồng lãi của anh thì em chết xanh cỏ lâu rồi. Nhưng anh nợ nhiều quá. Em cụt cả vốn. Anh xem có đồng nào trả đỡ cho em thì mới lấy tiếp được.
Bốn thằng to như hộ pháp nằm nhịn đói ở góc lán nhìn hắn đầy hy vọng. Hắn cắn môi, lưỡng lự rồi tháo chiếc đồng hồ đưa cho Sĩ.
- Đây là chiếc đồng hồ cũ vợ anh tặng anh ngày lên đường vào bãi vàng với lời dặn: Để nó nhắc anh từng giây từng phút mẹ con em chờ anh về. Đồng hồ nhỏ, loại tốt, dây da thôi, nhưng với anh nó vô giá. Đường cùng rồi. Anh gửi em. Em bán được đồng nào thì trừ nợ cho anh đồng ấy vậy.
Sĩ rơm rớm nước mắt:
- Thôi cất đi. Em chả dám cầm. Bỏng tay mất. Thảo nào, chung tình thế. Gạ mấy lần cho làm một hiệp, đỡ bứt rứt “thằng bé” mà đào vàng, toàn lắc. Em cũng liều tin anh. Vậy có lấy gạo không? Còn một cân thịt lợn đấy.
Bốn thằng kia tung chăn bật dậy, gào vỡ lán:
- Hoan hô chị Sĩ. Chị là cứu tinh của chúng em. Chúng em sắp đói lả đây. Thế thịt lợn nó có hình thù, màu sắc thế nào hả chị? Hơn 3 năm trời, dạo này là bọn em đen và đói nhất đấy. Anh cả em sút gần 5 kí lô rồi.
Cổ hắn bỗng nghẹn lại, cầm tay Sĩ ở cửa lán, hắn cứ lắp bắp không nói nên lời. Sĩ nhìn hắn e ấp, nói nhỏ:
- Hôm nào anh chép tặng em bài thơ anh đọc hôm trước nhé. Đúng cảnh, đúng tâm trạng dân bờ bãi chúng mình. Rồi anh cũng tìm cách trở lại nghề dạy học đi. Cái nơi khủng khiếp này không hợp với anh đâu. Anh tốt quá mà ở đây toàn là lang sói.
Trở về nghề dạy học ư? Đấy là ước mơ cháy bỏng của hắn. Nhưng với tính cách thẳng ruột ngựa, cứ đúng mà làm, không chịu quỳ lạy nịnh nọt ai bao giờ, cấp trên đập bàn quát mà quát sai, hắn cũng đập bàn quát trả. Thế là hắn bị xếp vào diện dôi dư, lại cho nghỉ không lương. Đường cùng, hắn vào đây kiếm gạo nuôi gia đình. Thằng Trung lại nheo nhéo làm hắn giật mình:
- Bỏ mẹ rồi anh ơi. Em lại lấy nhầm dầu madút để rửa thịt. Làm thế nào bây giờ?
Hắn tặc lưỡi: Cứ xào lên. Dầu bay đi hết ăn tốt. Thịt vừa chín tới, thằng Việt bốc một miếng, cho vào mồm nhai ngồm ngoàm rồi hét to: - Lạ quá. Ngon lắm. Có dầu vào ăn lại có mùi thịt hộp…
Đang chuẩn bị ăn cơm, bưởng Huy ở lán bên cạnh sang tận nơi, chắp tay trịnh trọng:
- Thưa Hiền huynh, Đệ được trời thương cho trúng “ục” cũng chỉ được vài ki lô. Tối nay tổ chức tiệc khao quân, kính mời Huynh sang uống chén rượu nhạt để chia sẻ niềm vui cùng đệ…
Thay bộ quần áo mới, hắn cùng Huy sang chiếc lán rộng và dài hơn 100 mét của nó. Huy có hơn 100 cửu vạn làm thuê, quần quật ba ca, đã bay mất của đại gia đình nó 3 cái nhà mặt phố, nợ ngân hàng hơn 2 tỉ, tưởng chỉ còn nước đâm đầu xuống vực cho xong nợ thì trúng lớn. Mấy hôm nay, Huy cho quân về thành phố, càn quét gom được hơn 70 em cave, thuê xe tải chở vào đây để khao quân. Đèn điện hơn chục bóng sáng choang, cỗ bàn trải ràn rạt dọc lán trên chiếu hoa, các bưởng lớn trong vùng đều được mời đứng ngồi lô nhô, khói thuốc lá toàn ba số 5 bay như cháy nhà. Huy trịnh trọng mời hắn ngồi vào vị trí danh dự, hắn dứt khoát chối từ, bưởng Lâm cao lớn, võ nghệ cao cường nhất bãi cầm tay hắn:
- Anh cứ ngồi vào đấy. Thằng nào ho he em đấm gẫy răng. Anh không có sức, không có võ nhưng có học. Nhờ anh mà khi em đói, em có đơn xin miễn giảm thuế. Biên bản ba thằng chết ngạt ở đáy hầm hôm nọ, anh làm hộ cho, công an không thể bắt em về tội giết người. Cái anh có, cả bọn chúng em không có được… Bọn em phục là phục cách sống quân tử của anh…
Bưởng Chiến nghiện đến gầy choắt xà lai, tóc dài chấm vai, mấy tháng nay không tắm, cười hì hì:
- Bác ngồi chỗ đấy là phải nhẽ rồi, hôm bọn thằng Hùng Hải Phòng dẫn theo băng cướp “Đầu lâu” vác súng đến cướp bãi mình. Nhiều thằng to mồm chạy vãi đái. Bác vác AK cùng bọn em chống chọi hai ngày trời. Cái gan góc ấy, em phục. Thấy hắn còn lưỡng lự, mấy thằng gân guốc vốn chỉ quen tay dao, tay búa vồ lấy hắn, bê như bê bao gạo, ấn hắn ngồi xuống vị trí trung tâm của buổi tiệc. Bưởng Huy cầm bát rượu đứng lên, e hèm mãi mới có thể khai mạc:
- Kính thưa các đại ca. Kính thưa anh em cửu vạn. Kính thưa các chị tắc hàng. Kính thưa các em từ thành phố mới vào. Hơn 6 năm trời vật vã, Huy này “tay trắng làm nên nợ nần”. Bố mẹ anh em từ mặt. Bạn bè khinh bỉ. Nghĩ chỉ còn nước ra cầu Gia Bảy đâm đầu xuống sông Cầu cho xong một kiếp. Nhưng trời vẫn thương, thần rừng phù hộ, thần vàng mở kho, Huy tôi có được chút lộc đất. Vậy mời anh em uống cạn bát rượu này, uống như phim Thủy hử, các anh hùng Lương Sơn Bạc đã uống…
Cả bọn gào thét “dô! dô” rồi cạn bát rượu, Huy quát:
- Uống xong không đập bát. Để còn uống tiếp.
Cả bọn gào rú trong cơn say, gọi nhau là Lý Qùy, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm… rồi quay sang gọi hắn là Tống Giang. Rồi chuyện bắn giết, đâm chém, chơi gái kiểu gì cho sành điệu tuôn ra ào ạt cùng rượu trong vò, cùng những bãi nôn òng ọc từ cổ họng, phọt từ tầng 2 của lán xuống đất. Mấy con lợn thả rông được một bữa tiệc toe toét, nhầy nhụa, lát sau lợn cũng say lử lả như người.
Đến nửa đêm, chương trình 2 được chờ đợi nhất bắt đầu. Bưởng Huy mặt tái nhợt, môi run lật bật, tiếng nói cũng méo mó:
- Thưa các đại ca. Đây là các mỹ nhân càn quét được từ 36 động ở khắp thành phố. Tuổi thấp nhất 16,… cao nhất 42,… Hôm nay tôi khao quân, cho anh em sống bầy đàn một đêm. Làm bao nhiêu hiệp tùy sức. Đổi gái cho nhau vô tư. Ngày mai cho nghỉ làm mà ngủ bù. Nhưng trước hết tôi mời Tống Giang của chúng ta chọn trước.
Quay về phía hắn, Huy giục giã: - Đại ca chọn đi. Chọn con nào xinh và trẻ nhất ấy. Chứ bọn em nóng máy lắm rồi.
Hắn xua tay, thẽ thọt: - Cám ơn chú. Nhưng anh liệt dương mấy năm nay rồi. Để anh ngồi uống rượu cổ động cho các chú thôi.
Cả bọn rú lên cười, vừa chỉ hắn vừa ngặt ngẽo:
- Ối trời ơi, Tống Giang liệt dương. Chết mất thôi. Có phí của trời không?
Cuộc làm tình tập thể diễn ra làm rung chuyển cả lán khổng lồ làm bằng gỗ tốt của Huy. Hắn ngồi ngắm nhìn rồi buồn rười rượi: - Cuộc sống của mình rồi đi đến đâu? Đích cuối cùng là được vàng và có rượu thịt, gái như thế này sao?
Tiếng một em cave già lanh lảnh: - Nào, còn chú nào nữa không? Vào nốt đi để chị còn mặc quần…
Hắn bỗng cồn cào nhớ một đôi mắt to tròn, thăm thẳm, nhìn hắn đầy tin yêu và hy vọng…
3. Canh thứ ba. Trước khi vào bãi vàng, hắn cầm tay cha nghẹn ngào không nói được câu nào, cha hắn chỉ còn da bọc xương, nằm thở khò khè trên giường, mẹ hắn khóc nghẹn: - Ông ôi. Thằng cả bị nhà trường cho nghỉ không lương. Mai nó vào bãi đào vàng. Tôi ngăn thế nào cũng không được. Ông bảo nó ở nhà, rau cháo có nhau. Đi có khi chết mất xác con ơi…
Cha hắn cố ngoẹo cổ nhìn hắn, nói thều thào:
- Bố biết nhà mình vận hạn đến đường cùng rồi. Bố ốm nặng 5 năm nay, đã không làm gì được, lại tiêu tốn quá, có cái gì cũng bán hết, vay mượn nhiều. Nhà chỉ còn mấy cái can 20 lít còn phải đem bán cho người ta nấu rượu. Đi hay không tùy thuộc vào con. Bố là lính chống Pháp, được Đảng cho đi học tại khu học xá Quế Lâm, về làm thầy giáo. Bố mẹ nghèo nhưng cả đời trong sạch, làm người tử tế. Con làm gì thì làm nhưng chỉ cần nhớ một điều: - Giấy rách vẫn phải giữ lấy lề. Đừng để bố mẹ hổ thẹn là được…
Thằng Nhật con hắn chạy vào léo nhéo:
- Bà ơi. Cháu đói. Cháu thèm cơm lắm…
Mẹ hắn mang thùng đựng gạo ra, hì hục vét mãi được một nắm mì sợi vụn, hái rau lang nấu mì cho cháu ăn mà nước mắt lã chã.
Đêm ấy hắn đỡ bố dậy, hai bố con ngồi thầm thào tới sáng. Thằng Nhật ôm lấy ông nũng nịu:
- Ông ơi. Sao nhà mình dột nhiều thế? Sao nhà người ta có điện mà nhà mình lại không có?…
Bố hắn quay mặt vào tường ho sù sụ lẩm bẩm: “Ghét con muỗi cứ bay vào mắt ông…”. Mái nhà thủng dột khắp nơi, bê đủ nồi niêu xoong chảo hứng nước mưa. Cả đêm cứ bính bong, lạch tạch, xập xòe, đành che tấm ni lông trên giường của bố. Con phải đi bố ạ, phải đào vàng để đổi đời. Có được vàng, con sẽ sửa mái nhà, kéo điện cho bố mẹ. Mấy tháng trước bố bị xuất huyết dạ dày, cần mổ gấp. Bác sĩ bảo bố yếu lắm, cần truyền một chai đạm, và phải đến nhờ bác sĩ Quắc là người mổ giỏi nhất mổ cho mới yên tâm. Hắn đành mang chiếc áo khoác may kiểu “sĩ quan Đà Lạt” ra chợ giời để bán, nhưng đang mùa hè, ai mua?
Nói mãi, tay buôn quần áo ở chợ miễn cưỡng mua hộ với giá bèo bọt. Số tiền bán áo chỉ đủ mua một cân chè và ít hoa quả vào biếu bác sĩ Quắc. Bác sĩ ngó túi quà rồi cười nhạt, bảo hắn về cho bác sĩ nghỉ ngơi. Thế là không có truyền đạm… Học trò của bác sĩ Quắc mổ cho bố hắn, bố bị dính ruột, đau đớn… Ông bệnh nhân nằm giường bên thương tình bảo nhỏ: - Không có phong bì phải không? Bị thế là đúng rồi, chất xám đâu phải là đất mà cho không!
Trời ơi. Lại tiền. “Cửa” nào cũng tiền? Người nghèo biết làm sao? Không. Hắn là con trưởng, là đàn ông, hắn phải kiếm ra tiền. Không thể nào cam chịu nghèo mãi thế này. Tiếng vợ hắn khẽ khàng: - Anh ơi. Cả nhà ông bà và nhà mình đều hết gạo ăn? Vay ở đâu bây giờ? Em đừng nhìn anh như thế. Đôi mắt em càng tha thiết mong chờ, tin tưởng càng làm anh đau…
4. Canh thứ tư. Sau tiệc khao quân của bưởng Huy, trở về lán mình, hắn vật vã không ngủ được. Mưa đêm buồn rấm rứt. Bốn thằng khỏe như trâu đực được bữa no đang ngáy ngủ như tiếng súng liên thanh. Giờ này em đã ngủ chưa? Gánh rau quanh trường bán hôm nay đắt hay ế? Nghe nói em không có 35 đồng nộp lệ phí cho phòng Quản trị, bị bảo vệ thu mất cân. Không có cân thì bán rau làm sao? Em đứng khóc một mình giữa sân trường.
Hắn vục dậy hút thuốc lào sòng sọc, nước mắt dàn dụa, nhớ đôi mắt to với ánh nhìn hun hút, câu thầm thì hôm nào của vợ:
- Giá anh được vàng, em sẽ mua một con gà to, thật to, cho các con ăn thoải mái một bữa. Rồi mình mua một cái tivi thật to như nhà bác Xoan, để mẹ con em không phải đi xem nhờ Tây du kí…
Hắn xòe hai bàn tay, nhìn thảng thốt, những đường chỉ tay như đường mòn trong rừng chạy qua, giao nhau chằng chịt không có đường ra rõ ràng, những vết chai nổi cộm, sần sùi như đồi núi. Nhìn quanh lán, tài sản chỉ có mấy cái can đựng dầu, đựng nước. Nồi niêu, bát đĩa, cuốc xẻng, xà beng và một đống nợ trên đầu. Trở về thì tay trắng trở về. Ở lại thì tay trắng bật máu, đào một lỗ sâu hun hút để tìm hy vọng mong manh: Vạn người trắng tay, cho cuộc chơi đỏ đen với trời. Chục người trúng vàng thì đồn thổi, thêm thắt để truyền tụng khắp đất trời. Có ai nhắc đến vạn người thất bại như hắn hôm nay không? Ở lại thì tuần sau, tháng sau lấy cái gì mà ăn để có sức mà đào. Trở về thì hắn sợ! Sợ dáng chạy tất tưởi của vợ ra đón, đôi mắt vừa sáng lên e dè với bao mong mỏi vừa ầng ậc buồn đau tủi hờn chờ chực vỡ òa… Không! Hắn không thể trở về như thế. Hắn bật lửa châm đèn đất, đọc lại “Tiếng gọi nơi hoang dã” của Jắc Lơn Đơn. Bỗng hắn vứt sách, tắt đèn, mang thanh mã tấu ra mài dưới ánh trăng, mắt hắn sáng quắc một ngọn lửa kỳ lạ, vừa dữ dội đến diên cuồng, vừa sầu thảm như mắt một con bò mộng nhìn đồ tể sắp sửa dùng búa tạ đập vỡ sọ nó. Hắn hì hụi mài đến mức thanh mã tấu sắc như nước, cười gằn: “Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà”. Chao ôi. Ta không phải Đặng Dung. Nhưng nỗi bi phẫn thì có kém gì nhau. Hắn tính toán và đoán bưởng Khoa hôm nay sẽ mang vàng về quê. Từ bãi Nhâu ra bến xe ôm phải đi qua một con đèo dựng đứng, um tùm cây lá, đan xen những mỏm đá có hình dáng quái dị. Đường mòn nhiều đoạn men theo vách núi, ngay bên cạnh là vực thẳm. Bưởng Khoa vốn đa nghi, sẽ bí mật đi ban đêm rồi lén vượt đèo. Trong lán của Khoa chỉ có một vệ sĩ giỏi võ nghệ, trung thành tuyệt đối, nhưng cũng đã gần 60 tuổi. Hai thằng đều có súng ngắn dắt lưng nên sẽ chủ quan. Chúng không dại gì đi đông người. Ngày giờ lộ ra, băng cướp “Đầu lâu” vẫn lởn vởn quanh đây sẽ không tha cho chúng. Bưởng Khoa từng tâm sự với hắn trong một cuộc rượu chiều 30 tết, hai thằng không một đồng dính túi nên không thể và không dám về nhà, đành pha cồn 90o với nước để uống:
-Tôi nói thật với chú, tôi là dân địa chất bỏ cơ quan ra làm riêng ở đây. Đã 16 năm tôi đào bới ở mảnh đất này. Tôi có bản đồ. Ha ha. Sớm hay muộn tôi cũng sẽ được vàng. Nhưng mang vàng ra khỏi bãi cũng không đơn giản đâu, yếu tố sống chết là sự bất ngờ… bất ngờ đến mức người thân và tin mình nhất cũng phải ngã ngửa người ra. Có thế thì mới chiến thắng. Chú hiểu chưa? Thằng dạy văn như chú không bao giờ làm nên cơm cháo. Vì sao? Vì chú chết bởi lòng thương người. Nhưng người lại không thương chú. Thế là bỏ mẹ chú rồi. Hơ hơ. Không hiểu sao câu chuyện ấy như được khắc tạc vào trí não hắn. Ông Khoa ơi, tôi hay thương người nhưng có ai thương tôi!
5. Canh thứ năm. Hắn nhớ mình đã căn dặn bốn thằng trông lán và máy móc, lo công việc với lý do hắn phải về nhà chữa bệnh. Hắn âm thầm chuẩn bị lương khô quân đội, can nước uống. Cứ thế ngày ngủ, đêm thức, hắn rình ở một đoạn đường mòn độc đạo ven bờ vực, được đặt tên “khúc cua tử thần” vì quá nhỏ và cua gấp, quá gập ghềnh nguy hiểm. Nằm trong bụi cây khuất sau mỏm đá lớn, hắn lên cơn sốt lúc nóng lúc lạnh mà vẫn cầm chắc thanh mã tấu sắc lẻm trong tay. Đói khát mấy năm trời và sự giằng co khủng khiếp trong đầu làm hắn vật vã lúc mê lúc tỉnh. Quá khứ như một cuốn phim quay chậm cứ lặng lẽ đi qua tâm trí hắn. Chỉ có năm canh chờ đợi mà dài như năm năm. Có lúc sốt cao hắn mê sảng gọi vợ, cười dài rồi òa khóc: - Anh mang vàng, rất nhiều vàng về cho em đây. Vợ hắn ôm lấy hắn, khóc nghẹn vì sung sướng. Bỗng em hét lên: - Máu. Anh ơi, máu…, bàng hoàng nhìn xuống, túi vàng vừa lấp lánh giờ đã ngập trong máu tươi. Tỉnh táo lại, hắn vừa khóc vừa nói với chính mình: - Ta là đàn ông. Ta phải xứng đáng là chồng, là cha, dù có phải giết người. Ta hy sinh đời mình vì những người thân yêu nhất, điều ấy chẳng thiêng liêng và đáng tự hào hay sao? Miếng lương khô bỗng trở nên đắng ngắt. Hắn chỉ uống nước, rất nhiều nước, mà không hiểu vì sao cổ và môi cứ khô rát, bụng như có lửa đốt bên trong. Thôi. Gạt phăng những văn chương đẹp đẽ, nhân ái mơ mộng đi. Đời tàn nhẫn và phũ phàng. Khôn ăn người, dại người ăn. Cứ rưng rưng văn chương sẽ nhu nhược, sẽ bị đạp xuống đến không ngóc đầu lên được. Muốn thắng thì phải là kẻ mạnh. Mà muốn là kẻ mạnh thì phải ác. Nhưng nếu nhỡ ta chết thì sao? Thì có làm sao, Êxênhin chả từng viết: - Ở trên đời sống là điều chẳng mới, còn chết thì cũng chẳng mới gì hơn…?! Đôi mắt to tròn, thăm thẳm ấy bỗng mở ra mênh mông, hắn thấy mình rơi tõm vào đấy, vùng vẫy bơi trong nước mắt mặn chát…
Trong cơn mê sảng, hắn thấy túi vàng đẫm máu bay lượn trên mái nhà dột nát của cha mẹ mình, cha thều thào: “Giấy rách phải giữ lấy lề con nhé…”. Hắn cầm một thỏi vàng đưa cho mẹ, mẹ hắn lắc đầu nói trong nước mắt: “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo, mẹ không cần của phi nghĩa, con hãy nhớ lấy…”. Hoang mang, hắn xách túi vàng tìm em, em nhìn hắn ghê sợ, lùi dần về phía vực sâu… Hắn giơ tay muốn níu em lại, em bỗng hét lên khủng khiếp rồi buông mình rơi xuống vực. Nhìn lại tay mình, hắn cũng hét lớn vì hai bàn tay đỏ máu tươi. Hắn choàng dậy. Chao ôi. Đó chỉ là ác mộng. Đêm đã khuya lắm rồi. Chỉ có tiếng chim rừng kêu thảng thốt. Những tiếng chim như những giọt âm thanh buồn rơi chậm, chảy dài vào mắt hắn… Đúng như hắn dự đoán, khoảng 5 giờ sáng, lão Khoa đã đi một mình vượt đèo. Tính đa nghi đã hại lão. Tay vệ sĩ trung thành giờ cũng bị bất ngờ là cái chắc, bị lão cho ăn quả lừa, chắc vẫn đang ngủ say tít, lão không tin và đề phòng cả thằng đàn em thân tín ấy. Cũng đúng thôi, biết đâu đàn em lại khoan thủng sọ đàn anh bằng một viên đạn. Thằng ấy thì cứ cho nốc hết một chai 65, sẽ ngủ đến mức có quẳng xuống ao vẫn còn ngáy. Lão Khoa nai nịt gọn gàng, chiếc ba lô đeo nặng trĩu trên vai, tay chống chiếc gậy đầu bịt sắt nhọn, khẩu K.54 cồm cộm bên hông. Lão đi nhanh nhưng đầy cảnh giác, thi thoảng lại dừng lại, rút súng nhìn xung quanh. Ngon ăn quá. Lão không thể ngờ cái chết đang chờ mình phía trước. Chỗ hắn ngồi vừa đúng tầm, lão Khoa chỉ cần đi ngang qua mỏm đá, từ phía sau tảng đá hắn lia ngang một nhát mã tấu đầu lâu kia sẽ rụng xuống đất như quả mít chín. Lúc đó, chỉ cần nhảy xuống lấy ba lô vàng, quẳng xác lão xuống vực là xong. Ở cái thế giới điên loạn là bãi vàng này, ngày nào chả có người chết? Trong hàng nghìn kẻ tìm vàng đi vào ra như mắc cửi kia, sự biến mất của một con người cũng không hơn gì một hạt bụi bay qua trước mắt. Hầm vàng của tay Khoái chả thấy 3 bộ xương không biết của ai, nằm co quắp, sọ bị đập vỡ nát. Thì cũng đem chôn đi chứ làm thế nào? Đây rồi, lão Khoa chỉ còn cách có mấy bước chân, hắn mím môi nhổm dậy, thanh mã tấu cầm ngang, chỉ cần lão đến vừa tầm, lia ngang một nhát là xong. Lão Khoa đã đi tới, mặt đỏ gay vì mệt và sợ hãi, tóc râu bạc phơ, lưng còng rạp không biết vì balô hay vì tuổi tác với 16 năm đào bới, tìm kiếm điên cuồng trong im lặng, để một ngày trở về trong hào quang chiến thắng. Bỗng cánh tay hắn như bại liệt, tê dại, không sao nhấc nổi thanh mã tấu, mắt hắn nhòa đi, không biết mồ hôi hay nước mắt tràn vào mà xót lắm.
Thời khắc này trời đã gần sáng, cái nóng bỏng rát ban ngày và cái lạnh thấu xương ban đêm đang hiện diện và giằng co trong người. Từ bụi cây gần đó, một con rắn độc oằn mình trườn tới, nhìn trừng trừng bằng đôi mắt lạnh lẽo đến ghê rợn, như đang thôi thúc hắn cầm thanh mã tấu lên, một lần tàn bạo thôi để cả nhà đổi đời. Nóng bỏng, da diết, nặng trĩu là lời nhắn nhủ không lời trong đôi mắt to tròn, với hàng mi dài rợp bóng của em… giờ đây đang nghiêm nghị, buồn trách, nhìn hắn và lắc đầu. Vực thẳm dưới chân và mây trắng trên đầu. Ngay cạnh chỗ hắn ngồi, con rắn độc đang phun phì phì dưới dò phong lan chớm nở. Tim đập dữ dội trong lồng ngực. Có ai dùng kìm sắt nghiến chặt vào hai bên thái dương. Một sức mạnh vô hình bóp nghiến vào cổ tay cầm mã tấu, mồ hôi lạnh toát ra đầm đìa, hình như có ai cầm búa đinh gõ liên tục vào đỉnh đầu. Hình như con rắn độc đã chui vào trong người hắn, quằn quại, cắn xé vào trái tim đang ròng ròng chảy máu. Hắn cào cấu ngực mình. Trong ngực sao đau quá? Rồi những giọt nước mắt của mẹ, của em như thứ thuốc thần kỳ, vừa làm dịu nỗi đau, vừa chảy vào trong ngực… Con rắn kia đã vùng bỏ chạy. Hắn đổ gục xuống, rên một tiếng dài, như một con rắn khổng lồ vừa lột xác lẩy bẩy, yếu ớt, như đã hồi sinh trở lại. Cố gượng đứng lên, há mồm đớp từng ngụm ban mai trong lành. Bóng tối sót lại sau giây phút tranh đấu quyết liệt với bình minh đã bỏ chạy. Hắn tựa vào gốc cây thở dốc, từ cái đầu râu, tóc bù xù, gương mặt nhăn nhúm kia, bỗng thoáng giãn ra, ở hai hốc mắt sâu hoắm hình như có hai giọt nước mắt chậm rãi bò xuống gò má đen sạm, nhọn hoắt… Thanh mã tấu rời khỏi tay. Lão Khoa đã đi qua “khúc cua tử thần”, thấp thoáng ẩn hiện sau những tán cây rồi biến mất. Một cơn mưa ngọt lành ào ạt đi qua, rửa muôn lá cây, bao mỏm đá sạch bong. Con rắn độc đã bò đi đâu mất, chỉ còn hương phong lan nồng nàn gọi tiếng chim họa mi trong vắt ngân nga. Hắn trèo ra khỏi nơi ẩn nấp, tuột xuống đường, đứng nhìn quanh. Mưa đã tạnh, trời đã hửng sáng và cả đại ngàn thức giấc. Ném thanh mã tấu xuống vực sâu… Muôn ngàn lá cây đọng những giọt mưa sáng long lanh, và trong bao nhiêu chiếc lá xanh mướt, ướt đẫm kia đều ngời lên ánh mắt thăm thẳm, dịu dàng, tin yêu và chờ đợi… Muôn ngàn lá xanh… Muôn ngàn mắt lá… Trong veo… Hắn cắn răng, hít một hơi căng đầy lồng ngực, rồi thở dài nhẹ nhõm, trèo lên bẻ một nhánh lan rừng ấp vào mặt hồi lâu, rồi đăm đắm nhìn xuống ngã hai của con đường trước mặt…
Truyện ngắn. Nguyễn Đức Hạnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...