Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
15:58 (GMT +7)

Mùi ký ức

Tản văn. Đỗ Thị Hoa Lý (Ukraina)

Nguồn: perousheartblog.wordpress.com

Mấy hôm trước, chồng tôi đi làm về, vừa mở cửa đã gọi rất to: - “Em ơi, có sắn cho em này”.

Tôi vội vàng chạy ra:

- “Ôi, sắn ở đâu vậy anh?”

- “Cô bạn quý gửi quà cho em đấy”.

Nhìn củ sắn to, tròn và nây đều, hấp dẫn quá. Chỉ nghĩ hai từ sắn luộc thôi mà đã thấy cả một trời thơ ấu ùa về, bồi hồi bao kỷ niệm! Sắn chuối, sắn nếp, sắn dẻo, sắn lá tre, sắn nghệ, sắn dù... xếp hàng chờ gọi tên. Nhà tôi ở thị xã (nay là thành phố) Vĩnh Yên. Bố mẹ tôi đều là công nhân nên đồng lương hạn hẹp. Mẹ tôi chịu khó tăng gia khai khẩn lắm. Chỗ trên cao nhiều sỏi thì trồng sắn, nơi đất mềm gần nước thì trồng rau, chỗ trũng thì khai bờ đắp ruộng trồng lúa. Chả thế mà từ hồi tóc đuôi gà, chị em tôi đã biết cuốc đất đánh luống, trồng rau và gánh nước tưới rau đến mức không cao được vì đôi thùng quá to mà tôi lại bé tẹo. Lại còn gieo mạ, cấy lúa, bón phân làm cỏ, tát nước, gặt hái, phơi thóc rồi mang đi xay giã nữa chứ. Tóm lại, tôi tự hào nói rằng mình biết làm tất cả mọi công việc của nhà nông. Nhà tôi ở cạnh Khách sạn Vĩnh Yên nơi có các chuyên gia quân sự từ Nam Tư sang làm việc và đông nhất là các chuyên gia Liên Xô cố vấn của Trường Tăng 500. Vì vậy chúng tôi quen gọi Khách sạn Vĩnh Yên là “Khu chuyên gia”. Chúng tôi thích người Liên Xô lắm! Thi thoảng họ cũng vào nhà tôi chơi, thích thú ngắm đàn lợn háu ăn trong chuồng. Tôi vẫn nhớ như in có lần “bà Tây” mang một nồi khoai xuống cho lợn, mà có nhân viên khách sạn chạy xồng xộc vào thẳng nhà tôi để theo dõi... Lại nhớ, bọn trẻ con chúng tôi hóng nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần được xem phim Liên Xô do các chuyên gia chiếu lên bức tường quét vôi trắng bao quanh khách sạn. Tiếng máy chiếu phim cuộn chạy xè xè, tiếng Nga xì xồ, bọn tôi không hiểu gì nhưng rất khoái. Đêm mùa hè lũ chúng tôi ngồi bệt trên nền xi măng còn phả hơi nóng hầm hập, mắt tròn mắt dẹt theo dõi những bộ phim Liên Xô. Vô cùng tò mò, ngưỡng mộ khi thấy xe tăng, xe bọc thép chạy ầm ầm trên mặt băng (sau này mới được cô giáo dạy tiếng Nga cho biết đó là mặt sông đã đóng băng vào mùa đông ở Nga). Những chiến sĩ Hồng quân quả cảm trong lửa khói mù mịt, lao mình trong bom đạn làm nên cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Rồi ở trường, chúng tôi được học bài hát “Thành Lê nin đây có em thiếu niên ngày đêm đi trên con đường quanh co khắp miền. Tới xóm nơi nào có người, tức khắc dân ra đón mời, người chiến sĩ thật gian khổ nhiều...” mà xúc động, ngưỡng mộ những em bé giao liên nhỏ tuổi anh hùng!..

Quanh bờ tường của khách sạn có nhiều đất bỏ hoang, vậy là mẹ tôi hô hào mấy đứa con trồng sắn. Bỏ bao nhiêu công sức với đất sỏi cứng đầu, có khi cuốc đất chồn hết cả cánh tay, những nhát cuốc bổ xuống còn bắn ra những tia lửa tung tóe. Cuối cùng gia đình tôi cũng có sắn để ăn. Từ đó các món được mẹ tôi chế biến từ sắn đã gắn liền với những bữa ăn của gia đình: sắn luộc, sắn hấp, xôi sắn, bánh sắn, sắn phơi khô độn cơm những ngày giáp hạt... Tuổi thơ tôi luôn có sắn đồng hành... Tôi nhớ mang máng sắn chuối, sắn nếp củ to, nây đều bở và thơm ngon; sắn lá tre lá và củ đều nhỏ năng suất cao; sắn nghệ ruột trong và vàng nhưng không ngon bằng sắn nếp hay sắn chuối; còn sắn dù thì chỉ dành cho lợn. Thú vị nhất là đến mùa thu hoạch. Mẹ tôi dạy cứ cầm gốc của khóm sắn mà lay một hồi rồi nhổ lên, cẩn thận không để củ bị gãy mới đảm bảo chất lượng. Năm nào được mùa, gốc sắn chi chít củ nhìn thật thích mắt. Tôi ưa ngắm những khúc sắn luộc còn bốc khói, trắng muốt bày trên đĩa. Cũng có khi tươm tất một chút là mẹ lại nấu món xôi sắn thơm lừng chiêu đãi cả nhà. Chưa kể mẹ tôi còn hái búp sắn non muối dưa rồi nấu canh tép. Ngọn sắn khi hái về, phải vò lá và búp, rửa sạch. Khi vò phải thật cẩn thận để không bị dập hết lá hay búp sắn, rồi muối thành dưa bình thường như những loại dưa khác. Khi đã chua là có thể vớt ra cho ráo nước và nấu với tép vừa bắt ở Đầm Vạc lên còn tươi ngon nhảy tanh tách. Dưa sắn và tép được cho vào cái nồi gang thần thánh thời bao cấp chuyên để nấu canh, lửa đun vừa phải, thời gian chế biến tuỳ theo mình thích ăn nhừ hay vừa chín tới. Mùi dưa sắn thơm chua chua cộng hưởng với mùi tép, dưa sắn át hết mùi tanh, bùi bùi khiến món canh này có một hương vị đặc biệt. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi hồi tưởng lại tôi vẫn có thể cảm nhận được món ăn dân dã, đậm nét trung du và ngọt ngào tuổi thơ ấy. Mấy chục năm xa quê hương, lần đầu tiên tôi được biếu củ sắn tươi ngon như thế này. Đây là loại sắn nhập khẩu từ Thái Lan thì phải, có bán trong các siêu thị lớn của Ukraina. Cầm củ sắn trên tay, tôi nhớ lại từ cách lột vỏ, ngâm nước rồi luộc với một chút muối cho thêm đậm đà. Sắn chín tỏa hương thơm phức khiến tôi nhớ mùi sắn của ngày xưa đến nôn nao, lòng rưng rưng, khoé mắt cay cay.

Một trời tuổi thơ ùa về, rung động tâm hồn người xa xứ... Cảm nhận rõ hơn hồn cốt dân tộc đã thấm sâu trong huyết mạch ngay từ những tập quán đậm chất vùng miền, từ những gì nhỏ bé thân thương nhất.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 4 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 5 ngày trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 4 tuần trước