Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
10:02 (GMT +7)

Mùa xuân, mùa lễ hội Lồng Tồng

VNTN - Xuân về, trên các triền núi hoa đào thắp lửa hồng rực rỡ, hoa mơ, hoa mận e ấp màu trắng tinh khôi, nhè nhẹ tỏa hương, rủ bầy ong làm bạn. Đất trời mở ra chu trình mới. Người Tày trên núi cao rộn ràng, tưng bừng mở lễ hội Lồng tồng đón xuân sang.

Lồng tồng theo tiếng Tày là xuống đồng. Nhưng, “Lồng tồng” còn có nghĩa khác là “cái trống”. Lồng tồng là âm thanh náo nức của cái trống. Tiếng trống mở hội gióng giả, tưng bừng cất lên thanh âm vang vọng từ chiếc trống cái treo giữa làng chủ, chọn làm nơi khai hội. Trong tâm linh của người Tày, đó là ngày hội đông vui, nhộn nhịp. Đó đây vang vọng tiếng trống rộn ràng, náo nức, mời gọi, giục giã… vắt qua triền núi, băng qua những cánh rừng, chảy tràn trên từng thửa ruộng bậc thang, lan xuống các bản gần, xa mời gọi người bản đến vui xuân trong lễ hội Lồng tồng.

 

Hội Lồng Tồng. Tranh của Vi Kiến Minh

Ngày hội đến từ lúc bầy “cáy cúm” (con gà) cất tiếng te te gọi sáng, sương ban mai vương vấn quấn quyện bản làng, người dân trong làng chủ chuẩn bị làm mâm cúng lễ hội Lồng tồng. Trong mâm cúng có: con gà trống tơ luộc vàng ươm, đĩa thịt lợn vai luộc, hai cặp bánh “pẻng ben” (bánh chưng) bọc lá dong xanh, trứng gà năm quả nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng và hai đĩa xôi. Xôi đỏ tượng trưng cho mặt trời. Xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng. Hai con chim én bằng giấy đỏ đậu hai bên đĩa xôi. Trong quan niệm của người Tày, chim én là biểu tượng của mùa xuân. Mùa xuân cánh én đỏ nâng ước mơ, dệt no ấm và hạnh phúc. Đặc biệt, trong mâm cúng Lồng tồng có các loại bánh của ngày Tết như bánh “thoóc théc” (bánh bỏng), bánh “pẻng hủi” (bánh mật), bánh “pẻng đấng” (bánh gio), bánh “pẻng sla cao” (bánh khảo trộn mỡ gà)… bày bên cạnh là hai quả còn đính tua rua bảy sắc cầu vồng và một quả yến.

Vào thời điểm nắng xuân rực rỡ trải xuống núi rừng, tiếng trống ngày hội rộn ràng gấp gáp vang xa, từng đoàn các gia đình ở làng chủ lần lượt đội mâm cúng ra thửa ruộng bậc thang rộng nhất, đó là thửa ruộng “đất ấm hơi người” được chọn làm nơi trẩy hội. Từng mâm cúng bày đầm ấm bên nhau, tạo một lối đi ở giữa. Mâm cúng đầu là mâm của gia đình thầy cúng Pú mo đặt trên nền giấy đỏ. Pú mo là vị mo già uy tín trong vùng, được chọn làm chủ trì cúng trong ngày hội. Những nén nhang trầm được thắp lên. Trong khói hương nghi ngút, các cô gái đẹp nhất trong vùng nhẹ nhàng dâng nước cúng đựng trong các quả bầu vỏ vàng óng. Đây là nước thiêng được rước từ đầu nguồn về.

Khi mặt trời bơi từ núi cao xuống đến ngang tầm bắn nỏ, khắp các ngả đường từ trên núi xuống, từ dưới thung lên, từ rừng sâu ra, trẻ già, trai, gái với những bộ quần áo chàm đẹp nhất, rực rỡ nhất đổ về dự vui ngày hội. Tiếng trống âm vang hòa trong tiếng thanh la, não bạt, tiếng mõ vang vọng khắp núi rừng mời gọi các đội múa kỳ lân, múa sư tử ở các bản làng về vui hội Lồng tồng. Mỗi đội múa sư tử thường có một Lao slay (võ sư) dẫn dắt.

Đội múa sư tử làng chủ hội Lồng tồng có mặt từ sớm để nghênh đón đội bạn. Các đội múa sư tử đến, lạy Thần thành hoàng, lạy trời, lạy đất, lạy mâm cúng Lồng tồng ba nhịp vái. Sư tử cái đi đầu vung cao đầu múa đầy hào khí. Tiếp đó các sư tử con, khỉ, báo… nhịp nhàng múa theo. Âm thanh của trống, thanh la, não bạt nhịp nhàng, êm nhẹ, náo nức theo nhịp múa. Sư tử lạy xong mâm cúng là xong lễ nhập hội. Lúc này, các đội múa sư tử đua nhau thử tài, thi sức. Trong hội thi tài, từng đôi sư tử hào hứng, thận trọng quấn quyện vào nhau. Lúc bừng bừng khí thế tấn công, lúc nhảy nhót lên cao, khi sà sát đất, có khi chậm rãi thế thủ… vừa múa, vừa tung đầu gối của mình, đẩy đội sư tử bạn chệch choạng lùi ra hoặc ngã. Đội sư tử nào lùi hoặc ngã là đội đó thua. Những đội thắng cuộc lại múa cùng nhau để chọn ra đội đầu đàn. Đội múa sư tử đầu đàn được chủ hội Lồng tồng phong “tua hốt tàu” (đội đứng đầu) được thưởng chiếc đai màu đen uy quyền. Đó là đội múa dẻo dai, có sức mạnh lão luyện, được bản trên, làng dưới nể trọng.

 

Cày vỡ đất đám ruộng đầu tiên sau khi khai hội Lồng Tồng ATK Định Hóa. Ảnh: PV.

Sau khi sư tử múa xong, Pú mo niệm thần chú. Hội Lồng tồng chuyển sang nghi thức lễ hội cầu mùa. Người người, nhà nhà đứng vòng tròn quanh mâm cúng. Pú mo ngửa mặt lên trời, tay bưng cao những “nậm” nước thiêng của các mâm cúng, cầu mong nước từ mường trời tưới khắp trần gian, để bản làng đầy nước, con người sức khỏe dồi dào, vật nuôi chóng lớn. Nương cao, ruộng thấp đủ nước cày cấy, ngô lúa sai bắp, mẩy hạt, trĩu bông, nơi nơi no ấm… Khấn xong, Pú mo tưới nước khắp bốn phương trời, mọi người xúm xít hứng nước để hưởng phúc.

Trong lễ hội Lồng tồng có hoạt động mang đậm bản sắc lễ hội đó là trò chơi đánh yến, tung còn.

Trước lúc diễn ra trò chơi đánh yến, các bà then, ông mo mặc áo thêu hình chim én, tay nẩy đàn tính thánh thót, miệng cất tiếng hát mượt mà “dẫn dắt” tâm linh trong lễ hội bay cùng cánh én mùa xuân lên thăm “mường trên xứ lạ” (mường trời), nơi muôn vàn cảnh đẹp thần tiên mà con người hằng mong ước cuộc sống no ấm, tươi đẹp… Để rồi, sau khi tiếng tính tẩu cùng lời hát bay bổng vừa ngưng là từng đôi, từng cặp trẻ già, nam nữ thi nhau chơi đánh yến.

Quả yến biểu tượng mùa xuân làm bằng tre mai vàng óng ả. Giữa đế nối một ống trúc ngắn cắm từ ba đến bốn hoặc năm lông gà trống màu đỏ. Trong nhịp trống tưng bừng, Pú mo lấy những trái yến từ mâm cúng phân phát cho mọi người dự lễ hội. Từng đôi “trai thanh, gái lịch” thi nhau hồ hởi đánh yến. Quả yến chao lượn qua lại bằng những đôi tay mềm dẻo, khéo léo. Trong khi chơi, nếu người nào lỡ để yến rơi nhiều, sẽ kỷ niệm cho người thắng một vật quý. Thường thì, chơi yến có lúc tới hơn chục đôi, đứng quây thành vòng tròn rộng, nhiều trái yến cùng bay một lúc. Có trái yến bay cao, bay thấp. Có trái yến bay gần, bay xa… tầng tầng, lớp lớp đan chéo nhau, tựa như cả đàn chim én chao liệng, dưới trời xuân ăm ắp hoa đào, xôn xao nắng vàng.

Cùng với trò chơi đánh yến là hội tung còn. Trên khoảng đất rộng người ta dựng cây mai cao từ mười lăm đến hai mươi mét. Trên ngọn mai uốn vòng tròn, đường kính chừng nửa mét, phong kín bằng giấy đỏ điều, dựng cột theo hướng Đông - Tây gọi là phông còn. Quả còn là túi nhỏ khâu bằng vải hoa sặc sỡ, nhồi thóc hoặc hạt đỗ, hạt vừng, hạt bông… phía đuôi còn nối bằng tua rua bảy sắc cầu vồng vui mắt.

Giữa biển người đông vui, trong tiếng trống gấp gáp, giục giã liên hồi, Pú mo nhẹ nhàng lấy từ các mâm hội ra hai quả còn. Pú mo tung từng quả còn lên cao. Lúc đó, từng đôi “trai nụ, gái hoa” chia làm hai bên đua nhau nhặt quả còn để tranh tài thi ném còn. Người nào ném thủng phông còn là thắng cuộc. Người ấy được tôn vinh là trai tài, gái giỏi trong hội thi tung còn.

Khi phông còn xác nhận được chủ nhân ngày hội, thì từng đôi, từng cặp trai gái tung còn cho nhau. Những quả còn chao lượn giữa trời xuân, không những dệt nên ước vọng một năm tràn đầy no ấm, mà còn gửi gắm tình cảm yêu thương nồng nàn. Thế nên, sau hội tung còn, nhiều đôi mắt trong mắt, tay trong tay nên vợ, nên chồng.

Hội tung còn kết thúc, bằng việc chủ hội chọn những quả còn ném trúng phông còn, lấy hạt thóc, hạt đỗ, hạt bông… chia cho mọi người mang về làm giống thiêng. Nhiều quả còn ném trúng phông còn là năm đó khởi đầu thuận lợi, báo hiệu sự sinh sôi, nảy nở, bản làng được mùa, dân bản bình yên…

Nhiều địa phương, trong lễ hội Lồng tồng còn tổ chức các trò chơi dân gian thi đấu cờ, làm bánh, kéo co, đi cà kheo, đu quay…

Khi màn đêm buông rèm, từng đôi thanh niên trai gái trong lễ hội hát sli, lượn thâu đêm, suốt sáng. Người trong vùng gọi đêm hội Lồng tồng là “đêm lượn”. “Đêm lượn” kéo dài đêm này qua đêm khác. Lời lượn nồng đượm, ngân vang như lá rừng gọi gió. Trình tự “đêm lượn” phát triển theo cao trào của tình cảm nam nữ: Lượn mời, nghênh đón, lượn xe kết, lượn mừng và lượn tạm biệt…

Nhiều đôi nam nữ sau những “đêm lượn” của lễ hội thì tình cảm quấn quít, ước hẹn son sắt, thủy chung… về chung một nhà. Và cuối mùa lễ hội, các bản trên triền núi gần, núi xa, lời lượn thánh thót nối dài niềm vui trong đám ăn hỏi có lượn quan lang, đến đám cưới là lượn mừng cưới, đón dâu…

Thanh âm trữ tình của hội Lồng tồng mời gọi, réo rắt, lan xa… theo nhịp bước chân người về bản gần, bản xa giữa những triền núi hồng rực hoa đào, trắng muốt hoa mơ. Để rồi, kết thúc lễ hội, mọi người trở về nhà trong lòng đầy hứng khởi, bước vào vụ mùa mới chứa chan hy vọng đủ đầy, no ấm.

Thái Nguyên, xuân 2021

Thùy Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy