Mưa ướt áo ai
Truyện ngắn. Tống Ngọc Hân
Đây là cái tết cuối cùng Mắn ăn tết cùng với gia đình. Ăn tết xong, Mắn đi lấy chồng rồi. Chồng Mắn ở Hồng Ngài, bản xa tít của Ý Tý. Ở đó cũng người Dao, cũng rừng già, cũng thảo quả. Nhà chồng Mắn rất giàu. Giàu lên nhờ thảo quả. Nhưng mà...
Không biết từ bao giờ, con gái Dao ở vùng này lại không chọn con trai Mông làm chồng. Dù bản của người Mông và bản người Dao ở cạnh nhau. Mẹ Mắn nói, có lẽ do sự khác biệt về phong tục tập quán. Hoặc xa xưa, hai tộc này từng có hiềm khích gì đó. Các bạn của Mắn, các chị em họ của Mắn, hình như không có ai lấy chồng là người Mông. Mắn không hiểu sao Mắn lại chọn Chá. Giữa bao nhiêu người con trai đến hỏi cô làm vợ cô lại chọn một người đàn ông từng có một đời vợ. Lễ hỏi và lễ chọn ngày vừa mới diễn ra tuần trước. Thầy cúng đã tìm ra được ngày tốt nhất năm để họ Phàn đưa con gái về làm dâu họ Thào. Nhà Mắn không nghèo. Mỗi mùa thảo quả thu cả mấy trăm triệu ai bảo nghèo. Nhà Mắn cũng không lép vế ở bản. Họ Phàn là họ to mà. Mắn cũng không phải cô gái kém sắc. Mắn tự biết mình không thua kém bất cứ đứa con gái nào ở bản Chu Lìn. Nhưng Mắn lại chuẩn bị làm vợ Chá. Vừa mới trưa nay, lúc hai chị em ngồi ăn cơm nắm trong lều, Chanh hỏi Mắn, chị có yêu anh Chá không? Mắn lắc đầu. Chưa, chị chưa yêu. Thế sao chị lấy? Chị có thể không lấy mà! Chị cũng không biết. Hình như chị muốn làm vui lòng một người trong nhà mình. Bố phải không? Mắn không trả lời em gái, chỉ giục em ngủ đi.
Sáng sớm ra, hai chị em kéo hai bó củi to về bản. Chanh năm nay mười tám. Mắn vừa hai mươi. Cả hai chị em đều học hết lớp chín rồi nghỉ. Con gái ở Chu Lìn, học như Mắn là nhiều rồi. Mẹ bảo cộng số ngày đi học của mẹ với bố và ông bà nội, cũng không bằng chín năm Mắn học. Nhà Mắn, duy nhất chỉ có chị Mẩy là học hết lớp mười hai thôi. Học xong mười hai năm thì cũng chỉ lấy chồng sinh con. Chị lấy chồng ở Pa Cheo, chồng chị bị nghiện ma túy và nhà nước đem đi cai mấy tháng nay rồi. Ngày tết, tốn củi lắm. Củi để nấu bánh, nấu thức ăn cho người và gia súc. Củi cho người già sưởi. Và cả khách khứa sưởi nữa. Tết đến, lo củi còn nhiều hơn lo thịt với rượu đấy. Đây là chuyến củi cuối cùng của hai chị em. Phải cho con dao nghỉ việc chứ.
Vừa về đến sân, Mắn đã thấy nhà mình như đang có việc gì. Một bếp lửa ngoài trời vừa được đốt lên. Trên cái kiềng ba chân to đùng là nồi nước cũng rất to đang sôi phì phò. Cạnh đấy là con lợn phải đến ba chục cân đã nằm sõng soài và chậu tiết đỏ ối. Năm nay bố mổ lợn sớm thế. Mới hai sáu mà.
Mẹ Mắn thấy hai con gái đi lấy củi về thì chạy ra thì thào, vẻ mặt vui mừng. Mẩy đẻ rồi, đẻ con trai, sẽ về đây ở. Mắn lấy làm lạ. Sao chị đẻ lại về nhà mình? Thế chị đang ở đâu hả mẹ? Chị đang trên đường đi. Chị điện về từ lúc trời chưa sáng bảo nhà ta chuẩn bị để đón em bé mà. Mau lên, giúp mẹ một tay. Thì cũng để con tắm đã chứ. Người hôi mù. Mắn nói thế rồi vội vàng đi lấy quần áo. Rừng xa mới có củi tốt. Củi tết cũng phải là củi đẹp. Hai chị em đi từ sáng sớm, mang theo cơm nắm lên rừng. Buổi chiều chặt củi, tối ngủ lại lều, sáng sau mới về sớm. Rừng trong dự án nhà nước giao cho nhà Mắn đấy. Trên là tán cây, dưới là thảo quả. Thảo quả thu xong rồi thì có thể tỉa bớt những cành khô làm củi. Tắm xong, Mắn đi ra thấy bố dùng sống dao rựa gõ vào những miếng ván bưng ngay phía ngoài buồng của hai chị em, cộc cộc cộc. Vừa gõ bố như vừa nghe tiếng gỗ kêu. Rồi ông lấy cục than, đánh dấu vào ba miếng gỗ liền nhau. Mắn cũng không hiểu bằng cách nào mà bố chỉ mất vài phút, đã nhấc ba tấm ván ấy ra, dựng gọn vào gốc cây dâu đất. Cái cửa này là cửa để chị gái và cháu bé mới sinh đi vào buồng đấy. Chị sinh nở mà về đây là Mắn và Chanh phải xuống bếp ngủ rồi.
Không biết từ khi nào, người Dao vùng này lại kiêng kỵ chuyện phụ nữ sinh nở bước vào nhà bằng cửa chính. Họ chỉ được đi cửa ngách. Nếu không có cửa ngách thì một số tấm ván ở phía ngoài sẽ bị gỡ ra để làm lối vào buồng. Cái cửa này sẽ được mở trong suốt một tháng đầu tiên để sản phụ ra vào. Nhiều gia đình, cái cửa này mở như vậy cho đến khi phụ nữ kết thúc việc sinh nở mới thôi và nó sẽ được lắp thêm một cánh cửa mới. Vì thế, khi làm nhà, thợ mộc thường ghép hờ một số miếng ván và sẽ đánh dấu, để sau này có thể gỡ ra dễ dàng. Nếu năm tháng qua đi, dấu mờ, muốn tìm ra nhưng miếng ván bí mật ấy, thì chủ nhà chỉ việc gõ vào những miếng ván rồi lắng nghe, như bố Mắn vừa làm ý. Những miếng ván như người ấy, sẽ tự lên tiếng.
Mắn bắt đầu nghĩ về mình. Nếu tết này cưới, thì quãng này sang năm, Mắn cũng sinh con như chị gái. Nhưng chưa biết Mắn sẽ sinh con ở nhà chồng hay ở đây. Nhà chồng Mắn liệu có tốt với mẹ con Mắn không? Nếu đẻ ở nhà, Mắn sẽ được mẹ lo tìm lá tắm cho như với chị Mẩy bây giờ. Nhưng sẽ rất phiền phức cho bố mẹ. Chưa kể người bản nhìn vào nữa. Giá mà Mắn được mẹ chồng thương như mẹ đẻ thì tốt. Những bà mẹ Dao thường thế. Tự tay chuẩn bị lá cho con dâu dùng sau khi sinh. Một loại lá để tắm. Một loại để uống. Và một loại để ăn. Lúc rảnh, mẹ Mắn vẫn thường đi lấy thuốc bán cho người ta và hướng dẫn cho con gái. Nhưng Mắn cũng chẳng tài nào nhớ hết được. Chị Mẩy hơn Mắn ba tuổi, lấy chồng năm năm nay rồi. Đứa con trai đầu của chị cũng đã ba tuổi. Trước đây, chị rất ít khi về nhà, vì có vẻ như chị làm đổ vỡ niềm hi vọng của bố khi lấy phải anh rể nghiện. Chị thường về nhà vào dịp trước tết, biếu bố mấy lít rượu San Lùng, biếu mẹ chiếc khăn mới và một ít thịt lợn, ít thịt trâu sấy. Những thứ chị biếu, thậm chí bố còn làm ngơ. Mắn biết, cả nhà đều biết, bố thèm một đứa con trai như thế nào. Mà mẹ thì sau khi sinh em Chanh đã không thể sinh nở thêm nữa.
Mẹ ra vào sốt ruột. Cửa đã mở, lợn đã giết, gà đã trói chân. Lá tắm đã thơm ngào ngạt. Chỉ đợi con gái đem cháu về thôi. Ông có vẻ không vui. Bà nội cũng thế. Ở Chu Lìn này, rất ít người đi làm dâu rồi lại đem con về ở chung với bố mẹ, ông bà. Nếu có thì cũng phải làm nhà riêng ra. Đằng này, đã quay về nhà, lại lúc con đỏ hỏn, đêm hôm nó quấy khóc ai ngủ được, rồi lại vào dịp tết, khách khứa đến chơi, tã áo sơ sinh bay phấp phới, biết ăn nói thế nào?
Đến trưa, sương vừa tan hết, mặt trời cũng vừa dậy thì anh trai chồng của chị Mẩy đưa hai mẹ con về bằng xe máy. Cả nhà ùa ra. Chị Mẩy bế đứa trẻ trên tay, mặt cúi gằm, lí nhí chào cả nhà. Đứa bé được choàng kín mặt mũi, chỉ hở hai con mắt nhưng cũng nhắm tịt, dường như nó đang bận ngủ nên cũng không thể mở mắt ra mà chào mọi người.
Ông nội Mắn là người nổi tiếng khó tính. Xưa nay, việc người Dao tổ chức đón chào những đứa trẻ trai mới sinh bằng một nghi lễ rất cầu kỳ đã được chuẩn bị trước từ nhiều tháng. Việc đặt tên cho đứa trẻ phải hết sức thận trọng, chu đáo và đầu cuối, dưới sự chứng kiến của thần linh, tổ tiên và thầy cúng. Tại sao cháu gái của ông lại có thể tùy tiện đem về nhà một đứa trẻ đỏ hỏn thế này vào ngày hai sáu tết mà lại chỉ nói trước có hai giờ đồng hồ? Nhà chồng nó đâu? Sao họ lại cư xử với chắt của ông như thế? Họ xem thần linh ở xa, thầy cúng thừa thãi và ông bà lẩm cẩm hết cả rồi hay sao?
Như tục lệ, chị Mẩy và cháu bé bước vào buồng bằng ô cửa mới trổ ấy. Ô cửa được che chắn tạm bằng một tấm bạt, muốn ra vào, chị phải vén tấm bạt ra.
Đứa bé khóc rất khỏe. Da nó trắng hồng mịn màng. Mẹ Mắn vạch áo xem cái rốn còn băng kín của thằng bé rồi nói. Thần linh chứng giám, cái bụng tròn và hồng hào như này là ngoan và mau lớn lắm đây. Chúng ta sẽ ăn tết sớm để mừng cháu.
Mắn biết, mẹ đang cố tình rào đón để mọi người tập trung vào tết mà bớt xét nét việc có thêm một thành viên bé tí trong nhà.
Nhưng chao ôi, ngày nó ngoan thế, mà đêm thì… Cả đêm ấy, thằng bé làm mọi người trong nhà lục đục thức theo. Nó khóc suốt từ lúc mọi người đi nằm đến lúc gà gáy sáng vẫn chưa thôi. Nó chỉ nghỉ lấy sức độ nửa giờ là lại gào lên như không vừa ý gì đó. Chị Mẩy cố nhét vú vào miệng nó, nó nhè ra không bú. Sáng sau, cả nhà bơ phờ mò dậy thì nó thiêm thiếp ngủ. Gần tết, nhà nhiều việc, cả ngày quần quật, tối không được ngủ, ai cũng mệt mỏi rã rượi. Con Chanh lườm thằng bé qua màn và nói. Ngủ cho khỏe vào đêm lấy sức mà hành mẹ. Thực ra là Chanh bóng gió đấy.
Bố Mắn uể oải đem bó lạt giang ra ngâm nước để gói bánh nếp. Ông bà nội ngồi lim dim cạnh bên bếp lửa. Con mèo ngồi giữa hai người cũng lim dim. Thi thoảng bà còn gật một cái, rất thương. Chị Mẩy nhờ Mắn trông con cho. Chị bịt bọc rất kín rồi ra ngoài mua gì đó. Phải một tiếng sau chị mới về, mà thằng bé cũng chưa dậy.
Đêm ấy, thằng bé ngủ rất ngoan. Thi thoảng chỉ ọ ẹ một tí rồi thôi. Có lẽ, tiếng nặng tiếng nhẹ của người lớn, nó cũng cảm nhận được chăng? Ba đêm liền thấy cháu ngủ ngoan như vậy. Mẹ Mắn mừng ra mặt, nịnh nọt thành tiếng. Cốt để cả nhà thấy.
Bữa cơm chiều cuối năm, bố mời Chá đến. Chồng sắp cưới của Mắn năm nay ba mươi tuổi, đang là y sỹ ở trạm xá xã. Trong bữa ăn, bố ý tứ nhắc chuyện ở rể. Cả nhà sửng sốt. Bố rõ lạ. Đời nào Chá ở rể nhà bố? Nhà Chá rất giàu mà. Đàn ông mà đi ở rể thì chỉ là người rất nghèo thôi. Mà vùng này, nhờ cây thảo quả, chả còn người con trai nào nghèo đến nỗi không sắm được sính lễ đưa đến nhà gái mà phải đi ở rể cả. Ngày cưới của Chá và Mắn đã định vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng rồi. Giờ bố lại nói chuyện ấy, không hợp đâu. Mắn nhìn bố như thể muốn nhắc bố. Mẹ cũng đánh lạc hướng bố. Tết rồi, chỉ nói chuyện vui thôi. Chuyện vui của mẹ là chuyện con lợn bé nhất đàn mổ ăn tết. Còn những con kia to hơn, nhiều nạc hơn sẽ để làm cỗ cưới con gái. Chuyện vui là thảo quả đã hơn giá năm ngoái và sang năm bố mẹ sẽ xây nhà mới. Sau rất nhiều chuyện vui, mẹ mới dẫn dắt đến chuyện chị Mẩy sinh con và đem về nhà. Cháu bé, trộm vía chỉ khóc mỗi đêm đầu tiên rời bụng mẹ thôi, còn ba đêm nay ngủ yên thin thít.
Cuối bữa, khi tất cả lại bàn ngồi uống nước, Chá bần thần một lúc rồi xin phép vào buồng thăm cháu bé. Bố Mắn phảy tay. Ấy chết, người Dao kiêng mà, phải một tháng thì đàn ông mới vào buồng bà đẻ. Người nhà còn thế mà. Chưa kể là khách. Chá cười. Con mà là khách à? Cưới xong con về đây ở rồi mà bố vẫn gọi con là khách à? Ông nội sững sờ dừng chén rượu đang nhấp. Bố Mắn mừng quá, nắm lấy tay Chá. Con nói lại bố nghe! Con sẽ về đây ở à? Chá tỏ ra rất thành thật. Vâng ạ. Con đã nói với gia đình con về mong muốn của bố. Bố mẹ con cũng đã đồng ý rồi. Bố cứ để con xem cháu bé thế nào. Mẹ Mắn hùa vào. Phải rồi. Để con rể xem. Con rể làm cán bộ bác sỹ mà. Giờ thì Mắn hiểu, vì sao bố lại chỉ ưng Chá. Có lẽ vì nhà Chá đông anh em trai, và Chá có thể sẽ thành "con trai" của bố.
Lần đầu tiên chiếc bóng điện trong phòng của hai mẹ con Mẩy được bật lên. Suốt năm ngày liền, phòng chỉ thắp sáng bằng đèn dầu. Sau khi xem rốn, mắt xem mũi thằng bé. Bế cả thằng bé lên. Rồi xem lọ thuốc chị Mẩy để trong giỏ quần áo của cháu. Chá nói gì đó rất nhỏ. Mắn đứng ngay bên ngoài mà không nghe rõ. Chỉ thấy chị gái cúi gằm mặt, lấy tay lau nước mắt.
Chá đi ra ngoài, ngồi xuống ghế. Sau khi uống chén nước lá. Và có vẻ như để lấy bình tĩnh, Chá còn nhìn ra ngoài sân một lúc rất lâu. Mà sân thì không có gì ngoài bóng đêm tối đặc sệt. Tối như đêm ba mươi mà lại. Cuối cùng thì Chá cũng cất tiếng. Ông bà và bố mẹ có biết vì sao cháu bé quấy khóc một đêm rồi ba đêm sau lại ngủ ngon không? Mẹ cháu đã cho cháu uống thuốc ngủ đấy. Dù là thuốc ngủ cho trẻ em và ở dạng siro, thì cũng rất không tốt cho trẻ sơ sinh. Cháu quấy khóc sau sinh một thời gian là để thích nghi với môi trường mới rồi sẽ tự ổn định. Nếu cháu quấy khóc kéo dài thì phải đưa đến bác sỹ khám để tìm ra nguyên nhân. Khi gia đình ta đã đón mẹ con cháu về đây, là chấp nhận sẽ có một số thay đổi trong sinh hoạt. Có lẽ mẹ cháu không muốn mọi người mất giấc nên đã cho cháu uống thuốc an thần vào mỗi tối…
Cả nhà lặng đi. Mẹ Mắn vội vàng đi vào buồng con gái, tiếng bà xót xa. Con ơi, sao dại dột thế con ơi!
Chá phải về nhà trước giao thừa nên không ai dám hỏi han thêm gì. Bố tranh phần tiễn con rể ra tận cổng, nắm tay rất chặt như chả muốn rời. Khi bố vào nhà rồi, vẫn không thấy tiếng xe máy nổ. Mắn lững thững đi ra. Từ lúc Chá đến, hai người chưa nói với nhau một câu riêng tư nào. Chỉ thi thoảng Mắn lén đưa mắt nhìn chồng sắp cưới và cũng ngay lập tức thấy Chá đang nhìn mình. Mắn đi ra cổng. Đến gần chiếc xe máy. Cô đứng cạnh Chá, giữ một khoảng cách vừa vặn mà vẫn thấy hơi ấm từ người Chá vấn vít làm mặt cô nóng bừng. Chá nói. Cứ như này đến giao thừa nhé cô bé. Mắn ẩy nhẹ vai Chá. Về đi. Mưa ướt áo ai kìa. Phải như thế nào thì mới về được chứ. Mắn nhích lại gần Chá thêm một chút. Chưa được mà. Mắn lại nhích thêm chút nữa, đủ gần để cô úp mặt mình vào lưng Chá.
Mắn không nhớ là Chá đã nói gì lúc ấy nữa. Tâm trạng của Mắn thật khó tả. Hình như không phải chân Mắn đã đưa cô vào nhà. Mà là sự im lặng dịu dàng đã cuốn cô đi rất xa, rất lâu, rồi mới đem trả cô về đây, dưới hiên nhà. Phía trong kia, có một cậu bé mới năm ngày tuổi đang nức nở hờn dỗi mẹ!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...