Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
09:09 (GMT +7)

Mùa trám tuổi thơ

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở miền rừng núi, nhưng khi miền Bắc bị chiến tranh của đế quốc Mỹ phá hoại, người dân quê tôi vẫn phải sơ tán vào tận núi sâu. Những ngôi nhà tranh vách nứa nằm lọt thỏm giữa rừng già. Ở đó, con người sống tựa vào thiên nhiên. Những ngày ấy, thật gian nan vất vả nhưng bù lại, tâm hồn tôi luôn được hòa vào một thiên nhiên kỳ vĩ. Tôi đã hiểu một cách đầy đủ thế nào là rừng vàng biển bạc. Cả một rừng cây cổ thụ xanh vô tận, cao vút như chạm mây. Những giò phong lan treo lửng lơ tít những ngọn cây rừng, mỗi mùa hoa, hương thơm ngan ngát. Nhưng hình ảnh đẹp đẽ và thân thương nhất với tôi ngày ấy là những cây trám rừng cổ thụ. Cây trám to, vòng gốc phải mấy người ôm mọc xen kẽ trong trăm nghìn loài cây khác.

Quả trám đen (Ảnh minh họa, nguồn: internet).

Trám lúc chưa vào mùa quả, lá lúc nào cũng một màu xanh thẫm, trầm lặng, hiền lành như đang chìm trong giấc ngủ. Nhưng vào mùa, thường từ tháng sáu đến hết tháng chín âm lịch, cây trám như thức dậy vui cùng đám trẻ thơ và trở thành tâm điểm của cánh rừng. Tờ mờ sáng, tiết trời lành lạnh, chúng tôi đã í ới gọi nhau đi vào rừng nhặt trám. Gặp những đêm sương muối rơi nặng hay mưa to gió lớn, trám thi nhau rụng. Sáng ra, những quả trám rụng trắng một vùng đất rộng lớn, nằm lăn lóc trong những hốc cây, khóm nứa hoặc núp sau những lớp lá khô vàng, ẩm ướt.

Lũ trẻ chúng tôi không đứa nào để ý đến những hạt nước đêm còn sót lại trong lá rừng rơi xuống tóc ướt đầm, thi nhau len lỏi khắp nơi tìm trám rụng. Khi những chiếc túi tay nải màu chàm đeo chéo vai đầy quả cũng là lúc trời sáng rõ. Bàn tay bám nhựa trám đen sì nhưng đôi mắt lại lấp lánh, trong veo đầy vui sướng. Cũng chỉ lúc ấy, chúng tôi mới có thời gian để ngước nhìn thân trám cao vút, những chùm quả sai chĩu chít, căng mọng, bóng vàng treo chon von trên đầu cành. Nghe nói, cây trám kị sắt, nếu đem đinh đóng hay dùng dao chém vào thân cây, hôm sau trám sẽ rụng nhiều quả. Nhưng chúng tôi không bao giờ làm như vậy.

Những cây trám tuy vô tri bấy nay đã trở thành những người bạn thân thiết của mỗi chúng tôi, chúng cũng là một sinh linh. Thương cây trám lắm, chúng tôi chỉ ước những quả trám chín già tự rụng xuống thật nhiều thôi. Túi nải đầy quả đấy, nhưng đứa nào cũng chỉ mót những quả trám nấp kín đâu đó trong đám lá rụng để ăn. Ngồi dưới gốc cây thưởng thức quả trám tươi thật tuyệt vời làm sao. Trước khi cầm quả trám đưa lên miệng, bọn trẻ chúng tôi thường chỉ lau qua bằng vạt áo cho đỡ bẩn. Trám tươi nhai giòn sần sật, thoảng vị ngọt bùi, hơi chua và chát nhẹ. Nhai xong miếng trám mà cái vị ngọt ấy cứ lưu mãi trong miệng. Nhất là khi nhấp ngụm nước suối thì hương vị của trám như tan vào cơ thể, tan vào tâm hồn trẻ thơ chúng tôi. Sau này khi đọc câu thơ “trám bùi để rụng, măng mai để già” của nhà thơ Tố Hữu, tôi lại như được trở về cùng những mùa trám tuổi thơ ngọt bùi và biết bao lưu luyến.

Kỷ niệm về mùa trám trong tôi còn có cả dáng hình tảo tần của mẹ. Mẹ bảo trám rừng có hai loại. Trám nếp quả thon nhỏ, màu vàng ăn ngon hơn, trám tẻ hay còn gọi trám trâu quả to, màu xanh, ăn chua chát hơn. Kỳ diệu nhất là từ những quả trám bình thường, mẹ đã chế biến thành rất nhiều món ăn vừa lạ vừa ngon. Trám muối, trám ỏm, trám kho, trám đập dập tươi nấu canh… Ỏm trám không khó nhưng phải biết cách. Khi ỏm, ngâm trám vào nước nóng già (không cần sôi). Trám vớt ra dùng dao tách đôi quả để lấy phần thịt, bỏ hạt. Mẹ thường kho trám với cá suối. Trám sẽ làm mất đi vị tanh của cá, đồng thời cá có thêm vị chua, vị thơm ngậy của trám. Thỉnh thoảng, tôi cũng được mẹ cho ăn bữa trám kho kĩ với thịt ba chỉ. Vị chua chát quyện với miếng thịt nửa nạc nửa mỡ, dậy lên mùi thơm ngon đậm đà một cách giản dị.

Người miền núi, còn thường hay nấu canh thịt gà cùng trám. Trám tươi đập dập phần thịt, không bỏ hạt, đem ngâm nước lạnh chừng mười phút cho trám bớt nhựa chát. Trám vớt ra để ráo nước, xào qua với thịt gà ướp gừng núi đá, thêm chút nước xâm xấp, đun chừng mươi phút là có món canh thơm phức. Với vị ngọt thanh của thịt gà kết hợp với vị cay nồng của gừng, vị chua nhẹ của trám tươi làm nên bát canh ngon ngây ngất, ngon đến khó cưỡng. Thưởng thức món canh gà nấu trám trong những ngày mưa dầm gió bấc làm nên một cảm giác ấm áp đến khó quên. Dưới ánh đèn dầu le lói, bữa cơm độn sắn cùng các món ăn từ quả trám mẹ làm, mãi còn in đậm trong tiềm thức của tôi.

Ngoài những món ăn mẹ nấu, từ trám, lũ trẻ chúng tôi còn có một món ăn từ nhân trám. Đó là món ăn rất “vớ vẩn” nhưng đã trở thành đặc sản tuổi thơ của chúng tôi. Hạt trám hình thoi nhọn ở hai đầu. Kê hạt trám lên thớt gỗ, lấy dao chặt ngang rồi dùng tăm tre, gai bưởi nhể lấy nhân để ăn. Nhân hạt trám nhỏ, trắng ngần chỉ nhỉnh hơn hạt gạo một chút nhưng đưa lên miệng bỗng dậy lên một vị ngọt bùi khôn tả. Rồi phần vỏ hạt còn lại, chúng tôi thường cắm đầu nhọn xuống nền đất, dùng đá đóng xuống với đủ các hình thù như nhà cửa, cây cối, núi non, hoa văn… theo sự tưởng tượng non nớt mà vô cùng trong trẻo, giống các hình mẹ thêu trên các tấm vải thổ cẩm. Có lẽ, ai đã từng đi qua tuổi thơ cùng vị nhân trám bình dị, dân dã, cùng những trò chơi từ trám hẳn sẽ khó quên những giây phút thần tiên ấy.

Dù không phải món ăn cao sang nhưng ngày nay quả trám vẫn chiếm phần quan trọng trong ẩm thực miền rừng. Với hương vị đặc biệt, trám vẫn là món ăn tao nhã in đậm trong tâm thức người miền núi. Hiện nay trám trắng được chọn làm cây trồng chính trong dự án khuyến lâm, dự án lâm nghiệp trang trại và các chương trình trồng rừng khác để nhằm cung cấp gỗ, quả, khai thác nhựa. Các món ăn từ trám cũng phong phú hơn. Trám còn được chế biến làm mứt trám, ô mai trám...

Bọn trẻ chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả, nhưng chắc chắn những mùa trám tuổi thơ vẫn vĩnh viễn neo đậu trong nỗi nhớ của bao người con xa xứ khi mỗi tiết thu về. Có thể những cây trám rừng tuổi thơ xưa của chúng tôi bây giờ không còn nữa nhưng những mùa trám xa lắc xa lơ ủ đầy hương vị ngọt bùi sẽ còn mãi trong tâm hồn chúng tôi như một miền cổ tích.

Chao ôi! Giá như có một phép màu để trở lại với những mùa trám tuổi thơ xưa!

Tản văn. Lã Thị Thông

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 1 tuần trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước