Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
14:41 (GMT +7)

Mùa nấm đỏ

Truyện ngắn. Bùi Như Lan

1. Canh hai. Sương tí tách, lộp bộp lăn trên mái ngói âm dương xuống sân, trong muôn vàn thanh âm rì rào của gió heo may trượt từ đỉnh Pụ Dá, lướt trên ngàn ngàn ngọn cây rừng, vô tư ùa ập xuống bản Nà Khao, len lỏi qua khe cửa, lan man phả hơi lành lạnh vào nhà sàn... Sau tiếng gáy dồn dập của bầy gà nhà, gà rừng vang vang khắp núi gần, núi xa, chị nghe tiếng khe khẽ, thủ thỉ như là sự sống nhỏ nhoi từ dưới lớp lá mục cụ cựa nảy mầm, ló rạng. Đất trời êm ái chuyển mình. Ồ, mùa thu về! Sương thu phập phồng hơi thở thanh khiết, nhè nhẹ phủ lớp bạc trắng tinh khôi lên khắp núi cao, lũng thấp, bản gần, bản xa. Từ dưới tầng sâu lớp lá mục ngai ngái nồng ẩm, ngàn vạn sinh linh bào phôi nấm đỏ uống nước ngầm, tắm sương thu, nghe tiếng gió heo may gọi bật chồi thức giấc! Mùa nấm đỏ mà người bản gọi Bjoóc pào đến rồi.

Hình minh họa

Khẽ trở mình, như một thói quen ẩn dày từ trong tiềm thức, chị quờ tay sang bên cạnh mình, chỗ người đàn ông của đời chị bao năm nay vẫn nằm… Tay chị hẫng hụt trong khoảng không trống vắng, hoang hoải, buốt nhói… Chị giật mình nhận ra, rõ ràng hơi thở ấm nồng của anh vương vất quanh đây, nhưng bây giờ anh đã tình nguyện cùng đoàn y, bác sĩ của tỉnh đi vào miền Nam dập dịch Covid.

Chị thắc thỏm nhớ anh trong nghẹn ngào buốt giá. Từ trong tâm hồn chai sạn vết đau, chị thầm mong anh bình an trở về với chị cùng thằng Hợp. Nước mắt chị trào dâng, chị nhớ thương anh rất nhiều… Chị biết, anh đi vào tuyến đầu chống dịch vì lương tâm và trách nhiệm. Tuy nhiên, từ sâu thẳm, dường như anh muốn xa nhà một thời gian để cân bằng suy nghĩ. Tâm hồn anh cần khoảng lặng trước hạnh phúc chênh chao.

Mùa thu về, là lúc dưới ngàn vạn gốc cây dẻ trắng trong rừng phía sau lưng nhà chồng chị, mọc vô vàn những chiếc nấm thân trắng muốt, đội trên đầu mũ tròn đỏ thắm, phết nhè nhẹ lớp phấn bụi khôi nguyên. Lúc này người bản hối hả gọi nhau vào rừng hái nấm.

Hồi chị mới về làm dâu nhà chồng, nấm đỏ được người dân hái nấu ăn và bán cho dân quanh phố huyện. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, mùa nấm đỏ người xe nườm nượp từ các nơi đến thu mua, mang đi tiêu thụ thị trường trong nước, len lỏi vào các siêu thị, nhà hàng với giá đắt gấp mấy chục lần họ mua của người bản. Mà lạ hơn, năm nay thương lái còn thu mua nấm mang lên cửa khẩu, bán sang bên kia biên giới, thế nên giá nấm đỏ rất cao. Người bản hái nấm về mang bán. Nghe nói ăn nấm bổ, thế nhưng mỗi cân nấm đổi được gạo ăn hàng tháng, mua nhiều vật dụng thiết thực, đóng tiền học cho lũ trẻ… vậy nên không ăn, để bán thôi.

Người bản chị cuộc sống cải thiện nhờ cây nấm trong rừng. Trẻ con, người lớn đến mùa nấm vào rừng từ canh hai, canh ba, bóng tối bưng kín mắt, đến sáng tinh sương chui từ rừng ra, mang theo từng thạ nấm đỏ tươi, khuôn mặt ngái ngủ màu lá, nhưng mắt ánh niềm vui.

Chị bật dậy, nhón bước nhẹ nhàng qua phản gỗ nghiến, nơi thằng con đang ngủ say. Nghe tiếng thở đều đều của nó, chị không muốn làm thằng bé dở dang thức giấc. Thằng Hợp con chị sao giống người sinh ra nó đến thế. Khuôn mặt chữ điền, vầng trán cao và đôi mắt to luôn nhìn thẳng làm chị chạnh lòng.

Thời gian không đợi người chậm nghĩ. Cho đến giờ, chị không biết mình đúng hay sai? Cuộc đời chị sao lắm trái ngang, uẩn khúc. Chị cho thêm gốc củi to vào bếp để giữ lửa. Dù thế nào thì bếp nhà chồng lửa không bao giờ được tắt. Người Tày quan niệm, lửa trong bếp nguội lạnh thì nhà mất phúc. Chị chợt thở dài nhìn vào chỗ thờ “thần bếp”. Mắt chị dán vào hòn đá thờ anh ánh sắc lửa, cảm thấy như nhìn vào nơi hun hút mờ sương…

***

2. Chiều mê mải kéo mặt trời chúi vào bụng núi. Những tia nắng cuối ngày vừa nãy còn nhảy nhót trên ngọn dẻ, vậy mà giờ biển sương đã duềnh lên khuất lấp. Ui chao! Sương đặc như sữa. Điểm trường cắm bản Nà Khao mấy phút trước huyên náo tiếng cười nói của tụi trò nhỏ, giờ vắng lặng. Lũ trẻ tản về nhà trên các con đường mòn tràn đầy sương. Ở đây, chiều ập về nhanh. Bỗng dưng hôm nay chị muốn đủng đỉnh, chậm rãi thả trôi người vào sương chiều. Chị chưa muốn về nhà.

Dòng họ Ma nhà anh đón chị về làm dâu đã chín mùa nấm đỏ. Căn nhà sàn rộng thênh vắng vẻ, ắng lặng tiếng bi bô trẻ nhỏ. Chị lưng ong, bụng lép, không biết mang con như bao người phụ nữ có chồng. Nhiều tiếng xì xào gần xa, chị ở dưới phố, không cùng dòng máu người Tày trên núi, tổ tiên họ Ma không nhận dâu. Chị gầy khô, giống cây sắp héo thì không có con là phải… Từng lời nói như dao chém vào người chị, thế nhưng chị cắn răng chịu đựng. Phận làm dâu, nhà ngoại ở xa, có chồng bên mình an ủi thôi. Nghĩ tủi thân nhưng không thể làm gì nổi. Ban ngày vui với tụi trẻ trên lớp. Nhưng từ chập tối đến suốt đêm dài, nằm nghe tiếng lá cây lào xào, nháo nhác hú gọi gió theo mùa trôi, thì chị buồn. Cái buồn ấy lớn dần, tích tụ trong bụng tựa như đeo búi gai nhưng nhức, âm ỉ…

Thương quý cô giáo, các già bản mách nhỏ, từ xa xưa, người phụ nữ hiếm con, ăn nấm đỏ là uống thuốc bổ, tăng cường thụ thai tốt lắm. Vậy nên, năm nào cũng thế, nấm đỏ trên rừng dẻ trắng, mỗi năm hai mùa cho nấm, vợ chồng chị rủ nhau vào rừng hái về nấu ăn. Vụ nấm đầu vào tháng Ba, lúc ấy cây dẻ hoa trắng bạt ngàn hoa khoe sắc. Hoa dẻ trắng nở từ mùa đông kéo dài sang mùa xuân. Hương hoa dẻ nồng bay rủ tụi nấm hé mắt từ dưới gốc thẹn thùng bật chồi thức giấc. Vụ nấm thứ hai vào đúng độ thu sang, là thời điểm tụi hạt dẻ trên cành sắp tách vỏ gai, rụng hạt xuống để người bản thu hoạch. Lúc ấy, nấm đỏ rủ nhau đội đất thắp lửa dưới chân gốc dẻ rừng.

Chị ăn nấm đều đặn nên dáng người óng ả, khuôn mặt ngời ngợi trăng rằm, da hồng phấn màu dâu da rừng, mắt hạt huyền trong vắt. Mà không riêng ăn nấm, ở đâu có thầy lang hay, bài thuốc chữa hiếm muộn tốt, anh chị đều đến rồi. Từ vùng núi Pụ Dá, sang đến núi Phja Kháo xa mấy ngày đường theo hình vòng cung, hai vợ chồng chị cũng đã đi qua, gặp trên hai chục thầy lang giỏi… thế nhưng, điều chị mong mỏi có con không đến.

Đêm nào cũng vậy, chị mải mê làm việc nhà, soạn giáo án, chấm bài, đọc sách… chị nghĩ ra việc làm quên đi nỗi hiu quạnh. Nhiều đêm chị thức bên bếp lửa. Chị khơi ngọn lửa cháy đều đều, tỏa nhiều hơi ấm, xua tan lạnh lẽo, u buồn. Phận đàn bà lấy chồng không có con thì khổ rồi. Bóng chị héo hắt lặng lẽ trên ván bưng bằng gỗ trong căn nhà sàn rộng thênh. Đêm đêm, trong tiếng thở dài xát muối, chị nướng hạt dẻ, nướng ngô nhiều mà không biết đầy rổ từ lúc nào. Nướng cháy xém bỏng rát mấy ngón tay mới giật mình. Nước mắt chị trào ra, rơi xuống lửa xèo xèo. Hạt dẻ, bắp ngô chín lăn lóc ra sàn nhà.

Những đêm như thế, anh thức giấc từ bao giờ, lặng lẽ ôm chị, khẽ khàng hít hà mùi thơm từ người chị tỏa ra. Anh bảo, chị không được làm khổ mình như thế. Anh yêu thương chị rất nhiều. Có con thì tốt, không có con cũng chẳng sao. Đời này, kiếp này anh chỉ có mình chị thôi. Chị nghe anh nói thế thì bật khóc tức tưởi…

Vào một đêm, anh không đành lòng nhìn chị dằn vặt. Trong tiếng thở gấp gáp, anh nói nhanh, như thể anh không nói thì sẽ khó nói ra. Anh bảo, sẽ cùng chị đi bệnh viện khám vì sao mà muộn con. Chị nghe anh nói thế thì ngả đầu vào lồng ngực vững chãi của anh. Hơi ấm từ anh lan tỏa làm chị yên bụng.

Ừ! Có lẽ phải mấy trăm lần rồi, chị thủ thỉ với anh, hai vợ chồng đi khám để biết vì sao còn tìm cách khắc phục. Bây giờ y học tiến bộ, có thể thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm. Thế nhưng không hiểu vì sao, lần nào chị nói thì anh cũng lắc đầu, khẽ đặt nụ hôn lên đôi môi màu nhót chín của chị. Những nụ hôn miên man, vô tận thay sự trả lời của anh. Chị khắc khoải thắc mắc, nhưng anh bảo, anh là bác sĩ, anh biết vì sao khó có con, chả phải đi khám, mình cứ sống trọn đời yêu nhau là đủ rồi. Anh đâu có biết, chị khao khát làm mẹ. Chị mong muốn sinh con cho anh. Nếu không có con thì sau này lấy ai hương khói cho dòng họ?

Có một lần, chỉ một lần duy nhất ấy thôi, khi nghe tiếng chị thổn thức, anh khẽ lau nước mắt trên gương mặt đẹp của chị, nói khó nhọc:

- Em à, việc hai đứa mình không có con là do anh, tại anh. Em đừng khóc, anh đau lòng.

Chị lắc đầu, thổn thức:

- Không, không phải!

Sau tiếng nấc, chị thầm thì:

- Anh à, hai vợ chồng mình đi khám anh nhé!

Anh thở dài xa xót. Tiếng thở của anh giống như khối đá ì ạch đang đè nặng trên lồng ngực. Vòng tay anh ôm chị bỗng lỏng ra, anh chép miệng: Anh là bác sĩ, anh biết tại anh không có khả năng làm bố, lẽ nào em không tin anh?

Không! Chồng chị vạm vỡ, đêm đêm yêu chị đến ngộp thở. Không thể nào, là anh nói vậy để chị vơi buồn thôi. Chị luôn nghĩ thế, cho đến ngày hai vợ chồng xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cầm tờ kết luận xét nghiệm trên tay mà chị thấy đất trời quay cuồng. Anh mắc chứng vô tinh…

***

3. Hoang mang. Cay đắng. Buốt nhói. Dằn vặt. Chị cảm giác giờ đây chị đang đứng trên tảng đá hẹp chênh vênh trên núi, chơi vơi trước thung sâu. Chị không khéo xoay chân sẽ rơi xuống vực…

Những ngày tháng phía trước của chị dường như thu hẹp lại, gò bó, chật chội. Nếp nhà vốn dĩ vắng vẻ rồi, bây giờ ắng lặng hơn. Anh nhắn tin, dạo này bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở bệnh viện huyện đông, anh tăng cường trực.

Từ bệnh viện huyện về nhà năm cây số, đi xe máy hơn chục phút, vậy mà hơn ba tháng anh mới về. Chị xa xót nhìn gương mặt héo úa, hao gầy, đôi mắt quầng thâm thoáng nhiều vết rạn của anh.

Đêm đông thăm thẳm. Gió lạnh réo ù ù. Sương rơi giá buốt. Gà trong bản gáy dồn dập báo hiệu thời khắc sang canh. Chị và anh không ngủ. Chị nằm yên để anh không biết chị thao thức. Anh thở dài rất nhiều, không thể đếm nổi. Những tiếng thở buốt nhói, dằn vặt.

Anh chợt trở mình, ôm chị. Môi anh ướt át. Mặt anh giá lạnh. Hơi thở anh nóng như thể có lửa tỏa ra. Trí óc chị nhảy nhót loạn xạ. Chị lo lắng. Có chuyện gì hệ trọng đến nỗi anh phải thao thức? Từ ngày lấy chị đến giờ có nhiều nỗi buồn, nhưng chị chưa bao giờ thấy anh thức trắng đêm.

Trời gần sáng giá lạnh, từng đợt gió xoáy vào thinh không tiếng ù ù hoang dã. Anh thủ thỉ: Em à, trong những ngày trực phải xa em, anh nghĩ kỹ rồi và anh đã chuẩn bị cho việc chúng mình có con. Chỉ là chưa có thời gian để bàn với em thôi!

Vắt cánh tay tròn mịn ôm ngang lưng anh, chị thầm thì: Anh à, mình sống thế này tốt mà. Số mình không con thì xin con nuôi. Em nghĩ chắc pa mé trên cao xanh niết bàn cũng ưng bụng.

- Không! Em sẽ làm mẹ. Anh hiểu những năm tháng qua, vì thương yêu anh mà em gánh chịu tổn thương. Chuyện có con anh sắp xếp rồi, mình xin tinh trùng của anh Huấn, bạn anh.

Chị bất ngờ, người chợt run bắn lên. Vốn là người vợ ngoan hiền, yêu anh cháy bỏng, vậy nên từ trước đến giờ anh quyết việc nhà thế nào thì chị nghe thế, nhưng việc này lớn quá, lớn đến nỗi chị hoảng sợ. Mắt chị trào nước. Anh nhẹ nhàng dùng đôi môi mềm lau nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt chị. Nước mắt chắt chíu túa ra từ trong đau khổ.

Dù chị nói thế nào thì anh cũng không nghe. Anh bảo, anh cũng như chị thôi, khao khát có đứa trẻ vui cửa nhà, cháy thêm ngọn lửa phúc đức. Mà anh Huấn cũng chủ động làm xong các thủ tục gửi vào Ngân hàng tinh trùng dưới Bệnh viện Phụ sản rồi. Đây là quả phúc lớn cho nhà mình. Em chuẩn bị đi, hai hôm nữa vợ chồng mình xuống Hà Nội.

Người bạn học thân thiết của chồng thì chị đâu có lạ? Hồi chị học Đại học Sư phạm, chồng chị với anh Huấn học trường Đại học Y. Hai anh dính nhau như đôi sam mỗi khi đến chơi phòng chị. Linh cảm của người con gái mách bảo, cả hai đều muốn là chủ nhân của trái tim chị… Các bạn trong phòng, ai cũng nghĩ chị sẽ yêu Huấn, bởi hoàn cảnh nhà anh Huấn trái ngược chồng chị. Bố Huấn làm giám đốc, mẹ giáo viên, nhà ở giữa trung tâm thành phố. Còn chồng chị, bố mẹ mất sớm trong trận sạt lở đất khi đi làm nương. Anh có được ngày hôm nay là do bà con trong dòng họ cưu mang và trưởng thành, lớn lên nhờ thầy cô giáo trong Trường nội trú tỉnh. Không biết có phải duyên số hay không, mà trái tim chị lại quay quắt nhớ người trên núi? Để rồi chị về làm dâu dòng họ Ma, nơi miền cao xa xôi, trở thành cô giáo cắm bản đến giờ...

Tiếng chim rừng ríu rít gọi sáng, chị khẩn khoản: Anh à, em sợ lắm, nếu lần này đi “cấy con” không được thì thôi nhé!

Anh xoa lưng chị, nói chắc nịch: Không sao đâu em. Anh tin hai đứa mình sẽ toại nguyện.

***

4. Bản năng khao khát làm mẹ đã khai nguyên và cứu rỗi, cho chị một thằng con bụ bẫm khôi ngô.

Nhiều xúc cảm vơi đầy khi tổ ấm chị ăm ắp tiếng trẻ bi bô nói cười. Chị và anh trôi êm đềm trong hạnh phúc nhỏ nhoi. Cho đến một ngày bão khan quay cuồng, xoáy quẩn vào tổ ấm tưởng chừng rất đỗi an bình của anh chị.

Sáng tháng Chín, nắng hong vàng nương lúa gọi mùa gặt, rủ tụi nấm đỏ khoe sắc. Từ dưới con đường lấp lóa nắng, chiếc ô tô ngược dốc. Tiếng máy êm ru chứ không phành phành huyên náo như các loại xe ô tô từng đến bản. Xe rẽ vào nhà chị. Từ trong xe, chồng chị tươi cười bước ra gọi: Em à, ra đón khách quí!

Chị sững sờ! Người đàn ông lịch lãm bước từ trên xe xuống cùng chồng chị là Huấn. Bao năm trôi qua, dáng hình anh vẫn phong độ như hồi trai trẻ. Thằng con chị chạy ra đón bố cùng khách. Thằng bé giống Huấn như bản sao hoàn mỹ. Chị bối rối, mắt chị chợt có đám mây sẫm nước ngang qua. Thoáng trong nếp nghĩ, chị cảm thấy bất an…

Dù tưởng tượng trong mơ ngàn lần, với nhiều giả thuyết khác nhau, chị cũng không nghĩ ra vì sao Huấn tài giỏi, mang vẻ đẹp khỏe mạnh đàn ông lại sống độc thân? Bao năm qua, không lẽ nào anh vẫn giận chị? Hồi ấy, lá thư dài sáu trang của anh, chị giấu kín và không trả lời. Lá thư màu phấn hồng nồng nàn lời yêu của người trai ấy, chị cất kỹ ở dưới nhà ngoại làm kỷ niệm. Vì sao chồng chị lại nhờ anh mang lại hạnh phúc, mà không nhờ người khác? Câu hỏi cứ xoáy vào đầu chị ong ong, nhức buốt. Liệu rằng, một nửa dòng máu của anh hòa chảy trong hình hài thằng Hợp con chị kia, anh vô tư hiến tặng vì tình nghĩa bạn bè thân quí, hay là có lý do nào đó thì chị không hiểu nổi.

Nắng thu đượm vàng, chị thấp thỏm nhìn Huấn hoan hỉ cùng con vui đùa… Anh vác thằng bé chạy

...huỳnh huỵch quanh sân, khắp vườn, làm nó cười nắc nẻ. Anh chơi cùng nó, vô tình quên chủ nhân ngôi nhà này. Lúc ấy, chị nhận ra, chồng chị rất buồn…

Trong bữa cơm, Huấn nói với vợ chồng chị, muốn làm bố đỡ đầu cho bé Hợp. Thiện ý của anh là vô tư nhưng sao chị nhoi nhói trong tim. Vẫn có vết gợn trong nụ cười hởi hả của chồng chị, khi vui vẻ nói: “Ô! Còn gì vui hơn Huấn làm bố đỡ đầu thằng bé! À, mà Huấn rõ ràng là bố của thằng bé mà”…

Giờ thì chị không biết phải làm sao, những ngày Huấn lên thăm, chơi vui cùng bé Hợp ngày càng dày thêm. Có lần, anh lỡ miệng nói với chị: Anh “say” thằng bé mất rồi, xa nó anh nhớ quay quắt... Nó là hiện thân của anh hồi thơ bé.

***

5. Từ ngày Huấn xuất hiện, gia đình chị nổi sóng. Chồng chị vô cớ giận mẹ con chị.

Đi làm về đến nhà mặt anh nặng như đám mây sũng nước. Không biết từ khi nào trong anh nổi thói ích kỷ. Anh độc đoán chiếm hữu chị về mặt tinh thần, bỏ lơi chị về thể xác, biến chị thành một người thừa trước mắt anh. Chị lặng lẽ đón nhận sự nghiệt ngã. Cam chịu nghe anh chì chiết để giữ gia đình êm ấm. Chị tựa như sợi dây mây gai góc quấn chặt cơn khủng hoảng của anh.

Sự dày vò của anh đối với chị lặp đi lặp lại như một lập trình định sẵn. Lần nào anh cũng kể lể, xoáy vào chuyện hồi sinh viên. Anh buộc tội chị ngày ấy đã không rõ ràng để Huấn hy vọng. Anh nổi khùng tự trách mình không nhận ra bạn thân yêu chị… Những lời trách cứ rối mù, vô căn cứ giống như thứ ngải bùa, kéo chị mệt mỏi, giãn xa anh… Khoảng cách giữa chị và anh ngày một rộng ra…

Chị lầm lụi chồng chất ý nghĩ về những cung bậc xúc cảm: Day dứt, hạnh phúc, buồn đau, nhớ mong, hờn ghen… tất cả ngào nặn, trộn nhuyễn trong chất men cuộc sống gia đình trước bão gió.

Giờ thì người đàn ông của đời chị cùng đồng nghiệp đang đi chống dịch. Mà Huấn lâu rồi cũng không lên trên này. Chị nhẩm đếm cũng ba mùa nấm đỏ trôi qua, nghĩa là hơn một năm rồi. Chị không rõ chồng chị và Huấn có xảy ra chuyện gì không? Thằng Hợp con chị vô tư, trong sáng, thi thoảng khoe: “Bố Huấn bận, không lên chơi nhưng ngày nào cũng gọi zalo nhắc con chăm chỉ học mé à”. Chị thương con ứa nước mắt. Nó còn bé quá, không biết chuyện khó xử của người lớn. Chị không muốn chồng chị phải đau khổ. Chị không thể để hạnh phúc gia đình chị trượt trên bờ vực… Nhưng chị phải làm sao đây để giữ được tình bạn của hai anh không sứt mẻ? Khó quá đi thôi.

***

Trên bầu trời bồng bềnh sương trắng, từng tia nắng ban mai khẽ khàng thả xuống bản những sợi tơ vàng. Trong tiết trời thu lành lạnh, giữa ngàn vạn tiếng gió heo may xào xạc, mênh mang… tụi chim sẻ núi, sáo đá véo von cất tiếng hót rộn rã.

Ô! Vậy mà đã sáng rồi. Thật lạ! Bao năm qua, từ ngày về nhà chồng, đây là lần đầu chị mải nghĩ mà không vào rừng hái nấm đầu mùa. Chị bỗng nhiên bật cười và thấy lòng nhẹ nhõm với phương án mình vừa nghĩ ra. Tiếng cười làm thằng Hợp tỉnh giấc ôm cổ chị hỏi: Mé có chuyện gì vui mà cười thế? Chị ôm lấy con rồi cù vào nách thằng bé làm nó cười nắc nẻ trong tiếng lao xao của người bản, gùi gánh những thạ nấm đỏ tươi từ rừng dẻ, nhẹ trôi giữa mê miên nắng vàng.

Thái Nguyên, tháng 8 năm 2021

B.N.L

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước