Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
22:38 (GMT +7)

Múa lân sư rồng: “duyên nghề” của người luyện võ

VNTN - Hai trên ba đoàn lân sư rồng ở Thái Nguyên đều xuất thân từ những người luyện võ. Họ lựa chọn múa lân sư rồng không chỉ bởi niềm đam mê, yêu thích bộ môn nghệ thuật dân gian, mà còn bởi dẫu đòi hỏi sự khổ luyện, song đây cũng đang là một nghề phát triển trước nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nét văn hóa xưa và “thị trường sự kiện” nay

Hơn trăm năm trước, theo chân người Hoa di cư sang, múa lân dần trở thành nét văn hóa dân gian của người Việt. Tại Việt Nam, múa lân đã được Việt hóa để gần gũi, phù hợp hơn với văn hóa người Việt. Biểu cảm của lân cũng phong phú hơn với 10 cung bậc cảm xúc: vui, buồn, yêu, giận, khinh ghét, im lặng, sợ hãi, nghi ngờ, ngủ, thức được chắp nối, phối hợp với nhau thành những câu chuyện thể hiện ý chí quật cường, khát vọng vươn lên của người Việt. Các động tác của lân vốn dựa từ các thế võ thuật Trung Hoa sang đậm nét võ cổ truyền Việt Nam.

Múa rồng của Đoàn Lân sư rồng Việt Bắc tại Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa, 2018

Đời sống hiện đại, múa lân sư rồng không chỉ phổ biến vào các dịp Tết Nguyên đán, rằm Trung Thu mà còn trở nên thịnh hành trong cả năm với các sự kiện: khai trương, động thổ, tân gia, mừng thọ, đám cưới,… thậm chí cả đám ma.

Tùy vào tính chất từng sự kiện, chương trình mà có những bài múa lân, sư phù hợp. Trong đám cưới, thường diễn “Song hỉ” - Hai con lân cùng biểu diễn, nét mặt tươi vui, động tác quấn quýt, tâm đầu ý hợp như vợ với chồng, trời với đất, âm dương hòa hợp. Khai trương, động thổ, khánh thành, mừng tân gia… có bài diễn “Hồng phát” - Hai con lân với những động tác khỏe khoắn, mang ý nghĩa hồng phúc lớn cho gia chủ. Trong đám tang (thường của những vị sư phụ, bậc cao niên), lân sẽ mang hai màu đen hoặc trắng, diễn tả khuôn mặt buồn rầu, bi ai với ý nghĩa trừ tà, tiễn đưa người mất…

Không phổ biến như múa lân sư, múa rồng cần nhiều diện tích nên chỉ diễn ra ở những chương trình, sự kiện có không gian lớn. Múa rồng thường cần tới 9 hay 11 người hoặc nhiều hơn cùng nâng hình nộm rồng trên những chiếc cột (cọc), phối hợp hài hòa với nhau tạo nên những động tác uốn lượn, uyển chuyển đầy uy lực. Xét về ý nghĩa tâm linh, rồng là con vật hội tụ của muôn loài, lại đứng đầu trong các loài linh vật, múa rồng mang ý nghĩa của uy quyền, trí tuệ, may mắn và sự thịnh vượng.

“Duyên lành” với người luyện võ

Múa lân sư rồng đòi hỏi người phải có thể lực, sự dẻo dai và sức chịu đựng tốt. Nhất là trong múa lân, sư cần rất nhiều kĩ năng trong từng động tác, mỗi bước đi dưới đất phải uy dũng như hổ, trên cọc phải nhẹ nhàng như mèo. Để có một bài diễn khoảng 15 phút, người múa phải tập luyện một năm mới thuộc bài, hai năm mới thành thục. Vốn xuất phát từ võ thuật, nhiều động tác khó, đòi hỏi kĩ thuật cao, phải khổ luyện vất vả, nên những người múa lân sư thường là những người luyện võ, vì có sẵn những nền tảng cơ bản chỉ cần luyện thêm thế đi, cử chỉ, khuôn mặt sao cho lột tả được cái hồn của lân, sư. Dường như vì thế, múa lân sư rồng trở thành “duyên lành” với người luyện võ.

Võ đường Việt Bắc ra đời được gần 10 năm. Cũng trong năm đó Đoàn Lân sư rồng Việt Bắc, gồm các võ sinh của Võ đường được thành lập, trở thành đoàn lân sư rồng đầu tiên cũng là đoàn tiên phong bước ra thị trường sự kiện ở Thái Nguyên. Luôn duy trì ổn định gần 50 người, thành viên của Đoàn hầu hết là những võ sinh xuất thân ở những vùng quê nghèo đến học tập, làm việc ở Thái Nguyên. Ban đầu, đến với Võ đường, nhiều thành viên có hoàn cảnh khó khăn được miễn học phí. Sau đó tham gia Đoàn đi biểu diễn ở các sự kiện có thêm nguồn thu nhập 1-3 triệu/tháng, phần nào giúp họ trang trải cuộc sống.

Là người Thái Nguyên, trưởng thành từ Võ đường và Đoàn Lân sư rồng Việt Bắc, từ võ sinh nay đã là huấn luyện viên võ cổ truyền, Đoàn Tùng (sinh năm 1988) tiếp nối sư phụ ở cả nghề võ và múa lân sư rồng. Năm 2016, Đoàn Lân sư rồng Long Nghĩa Đường được thành lập do Tùng là Chủ nhiệm điều hành. Từ 8 thành viên ban đầu, nay Đoàn có gần 30 người, chủ yếu là sinh viên đam mê múa lân sư rồng và võ thuật, được Tùng dạy và đào tạo cơ bản về võ và múa lân. Mang tinh thần võ học, đề cao kỷ luật, đạo đức nên nguyên tắc khi tham gia Đoàn phải trung thực, thật thà, nghĩa khí, không dính líu đến tệ nạn xã hội…

Và phần thưởng xứng đáng

Nhiều loại hình, bài biểu diễn từ truyền thống đến hiện đại được Đoàn Lân sư rồng Việt Bắc chắt lọc, lựa chọn và dàn dựng nên những bài múa mang bầu không khí náo nhiệt, tươi vui phục vụ cho các chương trình, sự kiện. Một trong những bài diễn ấn tượng của Đoàn là “lân đi cà kheo”. Với bài múa này không chỉ hấp dẫn người xem bởi sự độc đáo, độ khó trong từng động tác, mà còn bởi tính giao thoa văn hóa giữa hai bộ môn nghệ thuật dân gian.

Kế thừa sự truyền dạy của sư phụ, Đoàn Tùng luôn tự ý thức muốn đi bền với nghề phải không ngừng học hỏi, nâng cao kĩ thuật múa, những am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của bộ môn nghệ thuật này. Tùng bỏ thời gian và công sức “khăn gói” đi học hỏi các tỉnh có phong trào múa lân sư rồng phát triển, rồi lại về truyền dạy cho các thành viên trong Đoàn của mình.

Dù chỉ là hai đoàn lân sư rồng ở một tỉnh trung du miền núi, song cả Việt Bắc và Long Nghĩa Đường đều có một cặp rồng và trên dưới 20 đầu lân, sư phong phú về màu sắc, phục vụ thị trường sự kiện trong và ngoài tỉnh. Riêng Đoàn Việt Bắc đã có 8 năm kinh nghiệm lưu diễn ở khắp khu vực phía Bắc, như: Tuyên Quang, Bắc Cạn, Yên Bái, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội… Các lịch diễn kéo dài cả năm, “đắt sô” nhất là dịp Trung Thu, chỉ 5 ngày (10-15/8 âm lịch), mỗi đoàn đều nhận khoảng trên dưới 70 “show” diễn, tính ra cũng gần 15 “show” mỗi ngày.

Tiết mục “Tứ quý hưng long” với ý nghĩa cả năm sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc của Đoàn Lân sư rồng Long Nghĩa Đường

Giá mỗi “show” tùy thuộc vào sự kiện lớn nhỏ, mức độ khó dễ, sự công phu của bài diễn. Múa lân sư rồng mang lại nguồn thu nhập thêm giúp nuôi dưỡng niềm đam mê võ thuật của những người luyện võ. Tuy vậy nghề này cũng tiềm ẩn nhiều sự rủi ro bởi khi thực hiện các động tác khó, rất dễ bị chấn thương

***

Tại Thái Nguyên, ngoài Việt Bắc và Long Nghĩa Đường, còn có Đoàn Nghệ thuật Lân sư rồng Đại Hùng Sư (chủ yếu là những người đam mê nghệ thuật múa lân sư rồng chứ không phải xuất thân từ những người luyện võ). Song, như thầy Phạm Viết Phương - Trưởng Đoàn Việt Bắc chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là làm sao để cho nghề của mình phát triển chứ không phải chỉ riêng cá nhân mình, nên sắp tới chúng tôi sẽ thành lập Hiệp Hội múa lân sư rồng Thái Nguyên nhằm thúc đẩy phong trào múa lân sư rồng của tỉnh cũng như cái “nghiệp” mình đang theo đuổi ngày một phát triển”.

 

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy