Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
09:53 (GMT +7)

Múa Cầu siêu trong tang lễ Tày, Nùng

VNTN - Lễ Cầu siêu gọi theo tiếng Nùng, Tày là “Lễ Khầu Siều”. Cầu siêu nghĩa là cầu cho hồn người chết được siêu thoát lên trên trời. Theo quan niệm của người Tày, Nùng và một số tộc người khác ở Đông Nam Á nói chung, thì con người gồm hai phần: phần thể xác nặng hiện thị trước mặt; phần tinh thần nhẹ không nhìn thấy. Khi con người chết đi, phần thể xác nặng phân hủy còn phần tinh thần nhẹ thì bay lên. Người Tày, Nùng gọi là “Mừa vạ Đẳm chỏ” (về với Tổ tiên). Sinh, lão, bệnh, tử đó là quy luật tự nhiên của mọi sinh vật trong vũ trụ. Đối với những người chết bình thường theo quy luật, nghĩa là đạt được chữ Thọ trở đi, khi tổ chức lễ tang con cháu có thể tổ chức mục múa Cầu siêu. Còn đối với những trường hợp chết do các lý do khác thì không tổ chức mục này.

Tại sao lại tổ chức lễ Cầu siêu, ý nghĩa của lễ Cầu siêu?

Theo quan niệm của người Tày, Nùng thì khi người chết hồn bị đưa xuống nơi “Slam slip ngườm thí, slí slip ngườm đăm” (Ba mươi hang thẳm, bốn mươi hang đen), gọi là ngục dưới địa phủ giam lại. Tại đây có mười vị quan gọi là quan Thập Điện: Gồm các vị Biến Thành, Đô Thị, Chuyển Luân… Trong đó vị quan Chuyển Luân có trách nhiệm xem xét hồn người chết này khi sống làm ăn chân thật, hiền lành hay gian ngoan, lừa lọc,… mà định cho được chuyển sinh lại làm người hay làm súc vật… Cho nên trong đám tang của người Tày, Nùng sau mục thầy Tào cùng con cháu phá ngục đưa hồn người chết từ địa phủ về, người ta lấy tro sàng mịn vào chiếc nong đặt ngay trước cửa ra vào nhà, đặt vào nong ba bộ quần áo cắt bằng giấy màu, cạnh nong là chậu nước lá bưởi có khăn mặt, có lược, gương để hồn người chết trước khi vào nhà nhập quan phải rửa mặt thay quần áo. Thầy cúng đọc bài gọi hồn về, con cháu khóc gọi cha (hoặc mẹ), người ta đốt ba bộ quần áo trong nong, khi cháy hết thì nhìn xem trên lớp tro trong nong có dấu chân người hay dấu chân súc vật. Có hình dấu chân người hay gót chân, nghĩa là người đó sống có đức nên chết đi chuyển sinh ở kiếp sau lại được làm người. Còn nếu có dấu chân chim hay chân trâu…, nghĩa là người này khi sống thiếu đức nên kiếp sau phải chịu kiếp lục súc để trả nợ trần gian về những việc xấu của họ. Những người như vậy hồn chịu nhiều sự trừng phạt, con cháu làm ăn gian nan…

 

Trong lễ Cầu siêu, thầy Tào cùng tang chủ cầu các vị thần trông coi ngũ hành các phương mở đường cho linh hồn người chết được ra khỏi chốn ngục tù giam hãm để siêu thoát lên trời. Lễ Cầu siêu được tổ chức ở ngoài trời. Điều kiện để làm lễ gồm có 4 điều quan trọng: Người chết phải từ 61 tuổi trở lên (đã đạt chữ Thọ); kinh tế của gia đình phải khá giả, vì tổ chức lễ này cần có 3 thầy Tào cùng với 3 đội nhạc lễ, mỗi đội năm người. Riêng khi múa phải 2 đội nhạc công gồm 4 chũm chọe, 2 trống, 2 thanh la, hai thầy Tào, một người cầm Cờ Phan, một cầm Bài Vị; phải có chỗ sân khá rộng để múa; tang lễ phải tổ chức từ 5 đến 7 đêm mới đủ thời gian để múa Cầu siêu.

Sau khi Khai quang cho người chết, người ta trồng một cây nêu trước cửa cao từ 6 đến 7 mét. Dùng vải trắng khổ hẹp dài chừng 3 đến 4 mét viết họ tên, tuổi người chết treo lên cây nêu. Dùng vải trắng quây vòng quanh trong một khoảng sân, trong đó cắm 5 lá cờ màu đỏ khổ hẹp dài 4 mét, cán cờ cao khoảng 2 mét, dưới chân các cán cờ có bát gạo cắm Bài Vị viết tên các vị thần trông coi ngũ hành. Hàng ngày, đến bữa ăn tang chủ phải đưa cơm ra đây cúng.

Múa Cầu siêu

Lễ Cầu siêu được tổ chức vào đêm thứ hai, nghĩa là sau khi linh hồn người chết được Khai quang. Tang chủ đốt năm bó đuốc to cháy sáng rực ở 5 phương. Thầy Tào thỉnh linh ở trong nhà xong, một thầy Tào đi trước cầm Cờ Phan, thầy đi sau cầm Bài Vị cùng đoàn vũ công (từ 8 đến 10 người) ra sân tiến hành lễ. Đoàn vũ công đi vòng quanh cờ ngũ phương, thầy Tào xướng ca, cầu các thần xá tội lỗi cho vong nhân. Đoàn vũ công múa theo các hình thức sau:

Múa Cầu siêu, tay sẽ có ba động tác: Lia đứng, lia ngang và lia nghiêng. Lia đứng: Hai tay vũ công đánh nhạc cụ theo động tác lia đứng. Hai tay cầm nhạc cụ giơ lên cao theo phương thẳng đứng trước mặt, khi đánh lại kéo giật thẳng xuống rồi lại đưa lên. Lia ngang: Hai tay đưa nhạc cụ ngang ra trước mặt, vuông góc với mặt đất, đánh ngang sang hai bên. Lia nghiêng: Hai tay cầm nhạc cụ đưa nghiêng chéo lên trước mặt về phía bên phải rồi đánh giật chéo xuống bên hông bên trái, theo độ nghiêng 45 độ.

Đối với chân sẽ chuyển động theo chiều tiến, gồm: đi theo hình đan một. Người thứ nhất đi vượt qua người thứ hai bên phải, chân phải và chân trái bước lên hai bước rồi xoay mình lại 180 độ đối diện với người thứ hai, tay múa theo các chiều lia ngang, lia đứng, lia chéo sau đó lại chuyển sang đi theo hình đan hai. Đan hai là người thứ nhất đi qua người thứ hai và người thứ ba rồi xoay mình đối diện với người thứ ba cùng cúi chào, người thứ hai đi qua người thứ ba và thứ tư v.v… Cứ thế lặp lại các động tác tay như đan một. Tiếp đến sẽ đi hình đan ba. Người thứ nhất đi qua người thứ hai, thứ ba, thứ tư. Người thứ hai đi qua người thứ ba, thứ tư, thứ năm. Người thứ ba đi qua người thứ tư, thứ năm, thứ sáu…

Khi múa nhạc rộn ràng sôi nổi. Ngoài hình thức đi theo các hình đan trên, nếu đoàn múa thuần thục còn đi theo hình đan năm, đan bảy. Song, càng đan nhiều thì nhịp điệu múa càng khẩn trương. Ngoài múa theo chiều tiến đi lên phía trước theo các hình đan, còn có động tác múa đi lùi. Người di chuyển chân bước lùi lại phía sau theo chiều tay trái, động tác múa cũng như đi theo chiều tiến, nhưng khi đi theo chiều thụt lùi, các vũ công chỉ đi được theo hình đan một. Thường múa lùi được thực hiện ở vòng múa cuối cùng ở ngoài sân, sau đó đoàn vũ công vừa múa lùi vừa vào nhà, khi đến trước vong linh, đoàn vũ công múa quanh ba vòng theo động tác lia đứng và lia nghiêng theo chiều tiến.

Trong các điệu múa Cầu siêu, còn phải kể đến lễ múa Cầu siêu Khai thông đạo lộ, nghĩa là lễ mở đường cho linh hồn lên tiên giới. Lễ này được tổ chức vào đêm thứ tư của tang lễ. Lễ múa để mở/phá lối các phương: Đông, Nam, Tây, Bắc và Trung, nhổ cờ, Bài Vị các phương trên cho hồn người chết có đường lên cõi Trời. Đoàn vũ công múa vòng quanh các cờ ở ngũ phương, sau đó múa vòng quanh từng phương một, cách múa cũng như đêm thứ hai. Ban đầu thì múa theo chiều tiến, sau đó múa theo chiều lùi, đến vòng kết thúc, khi tiếng chũm chọe đánh dồn dập xeng… xeng… xeng, xeng… thì một người bên ngoài chạy vào nhổ cán cờ và Bài Vị ở phương Trung lên, sau đó đoàn lại tiếp tục múa và nhổ cán cờ, Bài Vị ở các phương Bắc, Tây, Nam và sau cùng là ở phương Đông. Các Bài Vị nhổ đem đốt đi, riêng cờ thì các thầy Tào đem về nhà.

Lễ múa Cầu siêu trong tang lễ Tày, Nùng là một trong những vũ điệu sôi nổi mang tính nghệ thuật, đòi hỏi các vũ công phải có sự kết hợp nhịp nhàng, điêu luyện mới thể hiện được không khí sôi nổi mà không giảm đi sự linh thiêng của lễ tục. Múa Cầu siêu hấp dẫn người xem, làm cho không khí bớt tang thương. Ngày nay múa Cầu siêu vẫn còn được sử dụng khá nhiều trong lễ Cấp sắc Bụt Tào của người Tày, Nùng, còn dùng trong các đám tang thì đang có xu hướng ít dần đi. Vì để thực hiện lễ này đòi hỏi các vũ công phải múa điêu luyện và có thời gian, địa điểm rộng rãi…

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy