
Góc biếm họa số 5 (2025)

Sang xuân, tiết trời ấm áp, cây gạo đầu làng tôi bắt đầu mỡn những nụ non. Lũ chim dường như đã ngóng đợi nụ từ bao lâu, mừng rỡ kéo đến rỉa, ríu rít trên những cành cây cao.
Sớm ấy, tôi thả chạc cho trâu tự ăn cỏ, rồi ngồi dưới gốc cây đợi thầy u ra cày vỡ ruộng để trồng lạc. Kia rồi! Thầy vác cày, u vác cuốc còn chị Giang thì quẩy quang theo sau. Tôi nhỏm dậy, vơ lấy cái chạc, định dắt trâu đi thì dừng lại bởi giọng u mắng chị Giang sa sả:
- Mấy hôm nay, đầu óc mày để đâu, có cái túi lạc mà cũng không nhớ.
- Tại con đi vội. Để con về lấy là được. Chị Giang phân bua.
- Thôi, ra dắt trâu cho thằng Long, để nó về lấy. Long! Về nhà lấy túi lạc trên nóc chạn ra đây cho u.
Tôi vội vã vâng, tai thì vẫn dỏng lên nghe lỏm được:
- Cứ đợi đấy. Đừng hòng mơ tưởng mà bước ra khỏi cái nhà này. Tiếng u đay nghiến.
Tôi về nhà lấy lạc, nhưng cũng lờ mờ đoán ra câu chuyện. Mấy hôm rồi, chị Giang hay đi cắt cỏ. Có buổi trưa trật chẳng thấy về, có buổi thì hoàng hôn chín rũ dưới chân núi cũng chưa thấy đâu. Tôi đoán chắc chị lại sang bên làng gặp chị Năm. Bởi, tôi láng máng nghe người trong xóm hay bàn tán đến chuyện trên tỉnh kêu gọi thanh niên nam nữ vào đội thanh niên xung phong. Dạo này, chị Năm và chị Giang thường xuyên gặp nhau bàn bạc về việc này. Tôi không hiểu vào đội thanh niên xung phong để làm những công việc gì nhưng chắc đó là chuyện lớn lắm. Linh cảm thế nào mà tối đó, tôi ngủ mơ: hai chị trốn nhà đi, không ai biết.
***
Vậy mà đầu tháng sáu năm ấy, chị Giang và chị Năm trốn nhà đi thật. Bữa cơm trưa xong xuôi, thầy sang nhà bác Vĩnh có việc, còn mình u trên nhà. Chị gọi tôi xuống dưới bếp, thủ thỉ dặn dò:
- Nghe chị nói này. Chị sẽ đi thanh niên xung phong.
Chị kịp dừng lời khi thấy tôi há miệng định gào lên một tiếng. Nhanh như chớp, chị lấy tay bịt miệng tôi lại:
- Chị xin em. Đừng để cho thầy u biết. Em là con trai lớn trong nhà, phải có trách nhiệm chăm lo cho thầy u. Giúp chị…
Tiếng từ miệng tôi bị chị cản lại. Tim tôi đập thình thịch vì lo u trên nhà cách có mấy bước chân, lỡ nghe tiếng. Nhìn chị lúc ấy, tôi cảm thấy hoang mang tột độ. Chị là chị gái của tôi, làm sao tôi muốn để chị dấn thân đến chốn bom rơi đạn giật như thế.
- Chị đừng đi. Giọng tôi run lên. Thầy u sẽ sống thế nào nếu biết chị bỏ trốn.
- Chị đi vì đất nước. Em yên tâm. Rồi chị sẽ về. Nguyên vẹn. Em tưởng bom đạn dễ nhằm trúng chị chắc. Trông thầy u cho chị, để chị đi.
Thế rồi, chị trốn qua đằng sau nhà. Quần áo chị gói vào một chiếc áo mưa, cắp đi thật gọn. Nắng trưa ấy nhẹ như bông mà làm lòng tôi nặng nề trong ủ dột. Tôi cũng lẻn theo, nhìn hút bóng chị cho tới khi khuất khỏi cây gạo đầu làng.
Vừa về đến cổng, u đã tóm lấy tôi, nước mắt lưng tròng:
- Mày giúp chị mày trốn đi phải không? Thằng ranh con, mày giỏi lắm.
- Chị ấy quyết tâm như vậy, làm sao con cản hả u? Trả lời u xong, tôi cảm thấy da mặt mình căng lên, lòng như lửa đốt. Có phải việc làm vừa rồi của tôi là đồng lõa, dại dột?
- Chúng mày muốn để u sống hay muốn u chết đây. Đang lúc bom đạn thế này. Con gái con đứa, chưa tròn mười bảy tuổi, không biết giữ cái thân. Mày chạy theo gọi nó về ngay cho u. Nhanh lên!
Tôi lưỡng lự.
U cứ thế phát vào mông tôi tới tấp:
- U bảo mày có nghe không? Đi nhanh lên. Gọi nó về đây cho u.
- U bình tĩnh lại đi. Tôi cố tỏ ra cứng rắn.
Thấy chân u sắp đứng không vững, giọng u trở nên lắp bắp, tôi hoảng quá. Nếu tôi không chạy đi lúc ấy, hẳn là u sẽ ngất lịm.
Tôi chạy như bay giữa trưa nắng để kịp giữ chị lại. Đến cầu Lang Trình thì ơn giời, tôi đã trông thấy hai chị đang đi dọc con sông Đào, rảo chân vội vàng. Mồ hôi mướt mải, tôi gọi với theo. Hai chị ngoảnh lại. Tôi không sao quên được hình ảnh hai chị của tôi khi ấy, tay phải cắp nải quần áo, tay trái cầm quả gạo đang nứt ra những sợi bông trắng muốt. Người làng tôi mỗi lúc đi xa thường đem theo những quả gạo như vậy.
- Chị ơi. Về đi, u khóc ghê lắm. U sắp phát điên khi không thấy chị ở nhà. Tôi ngân ngấn nước mắt.
Chị Giang âu yếm xoa đầu tôi, đôi mắt rưng rưng nhưng cương quyết:
- Để chị đi. Rồi một hai hôm thầy u sẽ quen. Ổn định công việc rồi chị sẽ về báo. Em cứ động viên thầy u giữ sức khỏe giúp chị. Chị có đi mãi đâu mà sợ.
- Nhưng em sợ… Tôi thấy mình như kẻ đứt hơi, không nói được nữa.
- Đừng có trẻ con như thế. Quay về đi, ở nhà phải hộ thầy u làm đồng.
- Nhưng…
- Không nhưng gì cả. Về đi em. Mà chị bảo này, nãy chị ném mãi mới được vài quả gạo, mang đi cho đỡ nhớ nhà. Hôm nào chị về, em nhớ lấy cho chị thật nhiều quả gạo, để chị mang lên cho các anh, các chị biết quê mình là quê bông gạo.
Tôi chẳng biết bảo sao nữa. Trước mặt tôi, chị thì đang vội vã đến nơi tập kết trước khi trời tối. Còn ở nhà, hình ảnh u đang vật vã, làm sao tôi về đối diện. Chị đẩy tôi. Tôi nghẹn ngào:
- Hai chị đi mạnh giỏi. Rồi sớm về với thầy u.
- Ừ.
Cuộc chia tay của chúng tôi diễn ra chóng vánh như vậy. Tôi mang lời chị dặn về nhà: trông nom thầy u và lấy thật nhiều quả gạo cho chị.
***
Một tuần sau, tôi đi chăn trâu về thì thấy chị đang ôm u khóc trong nhà. Chị về báo với thầy u thật. Tôi vội vã gài toang chuồng, chẳng kịp cả tháo mũi trâu, cứ thế chạy vào nhà với chị. U tôi nức nở:
- U khổ quá. Mày muốn u nhớ mày đến chết héo à?
- Con đi rồi con sẽ về. U đừng lo. Giọng chị lạc đi.
- Thôi, mày muốn đi đâu thì đi. U buông chị ra, mặt đờ đẫn.
Chị lau nước mắt:
- Còn thằng Long ở nhà. Nó sẽ đỡ đần thầy u.
Lần nào cũng là nước mắt, khiến tôi ngậm ngùi. Trưa ấy, cả nhà chẳng ai buồn ăn cơm. Tôi nói nhỏ:
- Em sẽ lấy thật nhiều bông gạo. Lần sau chị về là em làm xong chiếc gối cho chị.
- Ừ, chị thích lắm. Lên đó một tuần, chị thấy nhớ nhà quá, em ạ. Nằm gối ba lô mà thấy nhớ cây gạo làng mình, nhớ mùa bông bay. Cảm ơn em nhiều. Bây giờ chị phải lên đường rồi.
Tôi cố tỏ ra vui vẻ vâng lời chị mà trong lòng như xát muối:
- Nhất định em sẽ nhồi chiếc gối bông thật đẹp cho chị.
Tôi tiễn chị lên đường làm nhiệm vụ và dừng lại nơi đầu làng. Cảnh vật xung quanh từ giây phút ấy buồn tênh trong mắt tôi. Tôi biết, những ngày sau nữa, trong tâm khảm thầy u tôi và có lẽ cả con trâu già ngày ngày tôi và chị chăm bẵm, cả cây gạo kia nữa, sẽ phải khắc khoải nhớ chị đến nhức lòng.
***
Những cây gạo quê tôi vào mùa kết trái chín. Quả gạo nở xòe ra nhiều múi như cánh hoa. Những chiều mùa hè chói nắng, tôi đi thả trâu, không quên nhặt bông gạo làm gối cho chị. Tôi nhớ chị quá. Hồi chị còn ở nhà, chị lãng mạn lắm. Mỗi buổi đi cắt cỏ, chị hay nhờ tôi gánh về nhà giúp chị. Còn chị, hộ tôi trông trâu và ngồi bệt xuống gốc gạo. Mùa nụ thì khêu nụ đưa lên miệng tẩn mẩn cắn. Người quê tôi ai cũng thích cái vị vừa ngòn ngọt vừa chan chát của nụ gạo. Mùa hoa thì ngồi ngắm hoa. Ngắm chán, chị nhặt hoa đầy nón mang về. Nhất là đến lúc mùa quả già, chị thường chạy qua chạy lại hứng những bông gạo trắng tinh khôi nhẹ nhàng bay trong gió, rơi trên thảm cỏ, đậu trên các bụi cây dứa dại, thả mình trên mặt ao làng. Chị bảo tôi, chỉ cần có vậy, mọi nhọc nhằn trong một ngày làm việc sẽ tan biến. Khi ấy, tôi mười lăm tuổi, cũng thấy mình bắt đầu biết mộng mơ.
Tôi vui khi gối đã làm xong. U bảo để u thêu cho vài bông hoa lên mặt gối. Chắc chắn chị sẽ rất thích. Gia đình tôi ngóng tin chị về thăm nhà. Tôi thấp thỏm vì chẳng biết làm sao gửi gối cho chị. Càng ngóng càng thấy bập bõm. Rồi cho tới ngày nhận về được tin chị Giang hy sinh. Đêm 24/12/1972. Tôi choáng váng. Hình ảnh những bông gạo bay loạng choạng trong đầu tôi. Chiếc gối nằm im lìm trong tủ, như một nỗi đau hành hạ ruột gan, giày vò tâm trí tôi từ giây phút đó.
***
Tôi lại định giấu u một lần nữa, không cho u biết tôi lên với chị Giang. Nhưng, tôi không giấu được. U đòi lên với chị. Thầy u chỉ còn biết trông vào tôi. Trưa hôm sau, tôi lót vải đay vào sau “gác ba ga” của chiếc xe khung Pháp cũ, đèo u dọc theo con sông Đào, đi theo vết chân ngày xưa của chị. Đến nơi, các liệt sỹ đã được an táng. Người đồng đội trao cho gia đình tôi những kỉ vật của chị. U ôm chầm lấy tất cả, giữ khư khư trong lòng: đây là chiếc ba lô, đây là chiếc áo của chị… Tôi dụi đầu vào những kỉ vật, khóc nức. Nhưng rồi, tôi cũng phải bình tâm lại.
Đường về con sông Đào chiều ấy, dài như nỗi đau của gia đình tôi trước sự ra đi của chị. Làng quê của tôi sẽ xót xa biết nhường nào khi nghe tin dữ này. Đèo u về đến đầu làng, nhìn thấy cây gạo, chân tôi cứng lại không đạp nổi xe nữa. Làm sao tôi có thể tin, mới ngày nào chị còn nhảy nhót chơi đùa và ngồi bệt dưới gốc cây gạo ngắm nụ, ngắm hoa, mà giờ chị đã ở nơi nào xa lắc. Tôi không dám đi qua nó, khi những lời hứa với chị chỉ toàn dang dở. Chiều mùa đông rét mướt, cây gạo khẳng khiu vươn cánh tay gầy như muốn cào xé mảnh trời kia, mảnh trời từ nay không có chị. Còn tôi, đang khổ tâm biết dường nào! Tôi còn chưa kịp khêu trái gạo cho chị ăn. Tôi càng day dứt khi không thể tận tay đưa cho chị chiếc gối mình làm. Về tới sân, tôi vội vã chạy xồng xộc vào trong nhà, lấy gối ra ôm, ngồi khóc dấm dứt.
Tôi tự nhủ: mỗi mùa hoa gạo, tôi sẽ khêu vài nụ non, đặt lên ban thờ thắp hương cho chị để nếu phải đi trên đường dài, sẽ có những nụ gạo quê nhà chị nhấm nháp; để vị thơm ấy làm ấm lòng chị, làm dịu nỗi đau trong lòng tôi. Tối, tôi đặt chiếc gối lên ban thờ, mong chị nhận được ở nơi chín suối. Và mỗi mùa bông gạo bay, tôi cũng sẽ làm thêm gối gửi cho chị. Chắc chắn ở nơi xa ấy, mỗi khi gối đầu lên bông mới, nỗi nhớ quê nhà trong chị sẽ được vợi bớt đi.
Truyện ngắn. Trần Thị Nhung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...