Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
23:51 (GMT +7)

“Mù Lèn Kinh” – Khúc ca về công lao của người mẹ

VNTN - Trong kho tàng văn nghệ dân gian của tộc người Tày, Nùng thường có bài ca nói về người mẹ được nhiều người biết đến. Đó là bài ca than khóc của người con khi người mẹ lìa đời gọi là “Thán Hoài Thai”, còn người Nùng gọi là “Mù Lèn Kinh” (Mục Liên Kinh). Bài ca này được dùng trong lễ tang mà người chết là phụ nữ. Tuy cách gọi khác nhau nhưng nội dung của bài ca kể về công sinh dưỡng của người mẹ đối với con cái. Tùy từng địa phương, từng đối tượng và khả năng của người “than khóc” mà nội dung bài ca được thể hiện ở các góc độ đơn giản hay phong phú phù hợp với cuộc lễ.

 

Đám ma người Tày. Ảnh: PV

Về bài ca “Mù Lèn Kinh”, có tích truyền lại: Ngày xưa khi loài người còn thời mông muội. Người già không lao động được nữa thì thịt ăn. Nhà nọ có hai mẹ con côi, con trai tên là Mù Lèn Kinh, một hôm chăn trâu ngoài đồng, Mù Lèn Kinh thấy con trâu cái đẻ con khó nhọc, trâu mẹ hết nằm lại đứng, vật vã mãi trâu mẹ mới đẻ được nghé con. Về nhà Mù Lèn Kinh kể lại chuyện trâu mẹ đẻ con cho mẹ nghe. Mẹ Mù Lèn Kinh nói: “Con ạ! Trâu mẹ đẻ con như vậy còn dễ đấy, ngày trước mẹ đẻ con còn khó hơn nhiều, đau vật vã hai ngày mẹ mới sinh được ra con!”. Nghe mẹ nói vậy Mù Lèn Kinh thương mẹ lắm. Từ đó Mù Lèn Kinh làm việc chăm chỉ hơn, có gì ngon đều dành mẹ ăn. Khi mẹ chết, Mù Lèn Kinh lấy thân cây to đục rỗng rồi cho mẹ vào trong bịt đầu đuôi lại. Biết tin mẹ Mù Lèn Kinh chết dân làng cầm dao đến nhà đòi xẻo thịt chia phần, Mù Lèn Kinh đeo dao bên hông đứng canh không cho ai đến gần mẹ. Để có thịt cho dân làng, Mù Lèn Kinh lấy thịt trâu chia cho mọi người. Khi chia hết thịt trâu còn một người đến sau cùng không có phần, Mù Lèn Kinh liền cầm dao cắt khoét lấy hai miếng thịt dưới lòng bàn chân cho người đó. Do chân bị cắt đau nên Mù Lèn Kinh phải dùng gậy chống đứng canh quan tài mẹ. Thấy Mù Lèn Kinh thương yêu, hiếu thảo với mẹ mọi người làm theo. Khi cha, mẹ chết họ cho vào quan tài đem chôn và thịt trâu để mọi người ăn. Do bị xẻo bớt thịt nên dưới lòng bàn chân người khuyết như ngày nay. Tục tổ chức lễ tang đưa hồn người chết lên trời được duy trì đến nay.

Theo quan niệm của họ thì con người được Mẹ hoa cho xuống trần gian sống, khi chết Khoăn (hồn) người thành Phi, con cái có trách nhiệm mời Thầy Tào đến cúng (Nhang Phi) để đưa hồn lên trời sống an nhàn với Tổ Tông.

Khi người mẹ chết, riêng con gái phải lo một phần vải trắng để liệm mẹ gọi là “phải rằm khước” (vải ướt khô), đây là cách trả công sinh thành của người mẹ đối với con gái. Vải trả ơn mẹ được phân như sau: Nếu người mẹ mất dưới 60 tuổi thì vải liệm dài 6 mét, nếu dưới 80 tuổi thì vải liệm dài 8 mét, trên 80 tuổi thì vải liệm dài 12 mét. Ở tuổi này ngoài vải liệm trắng ra còn 12 mét vải đỏ để phủ lên mặt trong và ngoài quan tài.

Trong lễ tang, con cái mặc áo trắng khâu lộn ngược để phần gấu tua rua (thể hiện sự vất vả của mẹ khi nuôi con cái quần áo rách tua rua), đầu đội khăn tang, dây chuối khô thắt ngang lưng, con trai đeo bao dao bên sườn (bảo vệ thân xác mẹ, cha), tay chống gậy vông, đầu đội rế nồi để tỏ lòng ơn cha, mẹ đã vất vả sinh thành nuôi dưỡng con cái.

Trong phần tế lễ đám tang người cha thì có khúc ca “Pjá công đức” (Trả công đức) đám tang người mẹ có khúc ca “Mù Lèn Kinh” kể về công lao của cha, mẹ.

Khúc ca “Mù Lèn Kinh” mở đầu có câu: Đại Thánh hoài thai Mục Liên Kinh/ Gái trai đưa tiễn mẹ an tâm/ Mẹ ơi! Lên Thiên đường trú/ Con tiễn mẹ về với tổ tông/ Kể đến hoài thai bao công khổ/ Chẳng hay ngày trú ra sao nhỉ/ Nay con khôn lớn thành người/ Mẹ liền bỏ con trở về thiên/ Đời trước đặt ra Mục Liên Kinh/ Công khó mọi đường để nữ sinh/ Chín tháng hoài thai ở trong thân/ Tựa đeo quan tài đặt đầu giường.

Nói về việc mang thai này người Kinh có câu thành ngữ “Có chửa cửa mả”. Sự so sánh này thể hiện sự nguy nan của người mẹ khi mang trong mình đứa con. Để sinh con người mẹ phải đối mặt với sự sinh - tử. Đã không ít người khi sinh con xong cũng trút hơi thở lìa đời.

Khúc ca “Mù Lèn Kinh” là kể lại tường tận từng gian đoạn về sức khỏe, tâm trạng của người mẹ trong quá trình mang thai nhi trong dạ.

Khi có thai tháng đầu: Có thai tháng đầu trong thân/ Chân mẹ mỏi rời mặt hơi vàng; Mang thai tháng thứ ba: vàng vọt héo tựa lá bòng…

Khi mang thai tháng thứ mười là lúc người mẹ lâm bồn sinh nở: Con ở trong thân trở dạ đây/ Mắt hoa tối sầm đầu chẳng biết/ Sống chết cách nhau nửa ngón tay/ Kinh động trong dạ đau sắp chết/ Mắt thấy Diêm Vương cầm bút ghi/ Anh em ở đâu về phụ trợ/ Trông thấy trời nhỏ tựa hạt vừng/ Cắn răng đau đớn như xé ruột/ Hai chân trĩu nặng tựa đá đeo.

Sinh ra đứa con người mẹ đã hao tốn bao sức lực, nhưng để nuôi con lớn thành người, người mẹ lại phải bỏ bao công sức. Khi lọt lòng mẹ phải ôm ấp và thức đêm thay tã và cho con bú. Có đứa trẻ trong đêm còn khóc Dạ Đề ba tháng ròng…

Nói về việc nuôi dưỡng con cái, khúc ca kể: Ban ngày địu con trên lưng/ Ban đêm ôm con cạnh mẹ nằm/ Bên khô dành con nằm sạch sẽ/ Bên ướt mẹ nằm ẩm cả đêm/ Ngày ngày bú mẹ no ba bữa/ Ba ngày bú mẹ chín lần đều/ Mút ăn khí huyết mẹ đến lớn/ Thân mẹ gầy héo da vàng vọt/ Xa con một chút lòng như đứt/ Chẳng dám bỏ con ở trên sàn/ Ngày đêm ẵm con ở bên mình/ Mớm bón ba năm mới biết đi.

Nuôi con, người mẹ hy vọng sau con lớn sẽ là chỗ dựa khi người mẹ về già, nên có bao giờ người mẹ kể công. Nhưng khi con cái lớn, mẹ già có một số người lại không trông nom mẹ, mẹ nói một con nói mười, thậm chí còn hắt hủi, rủa mẹ. Khúc ca có đoạn kể: Có người lớn rồi chẳng suy nghĩ/ Mẹ nói một câu chẳng được/ Mở mồm liền muốn quát mẹ ngay/ Đến già mẹ làm chẳng được/ Cơm nước đợi con nấu cho thôi/ Người hiểu biết ơn công cha mẹ/ Người chẳng hay quở mẹ chết mau.

Khúc ca cũng chỉ rõ việc con cái kính trọng cha mẹ hay không sẽ dẫn đến hậu quả như sau: Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận/ Ngỗ nghịch sinh ra ngỗ nghịch ngay/ Chẳng tin hãy nhìn giọt gianh rơi/ Tí ta tí tách chẳng chệch xa.

Ai không coi trọng cha mẹ ắt sẽ gặp điều chẳng lành. Nói về điều này người Tày, Nùng còn có câu thành ngữ: “Rổi đin rổi phạ rổi mừa lăng/ Rổi pỏ rổi mẻ rổi tha hăn” (Phạm đất phạm trời họa đến sau/ Phạm cha phạm mẹ họa đến ngay trước mắt). Nghĩa nhắc con người phải biết kính trọng cha mẹ và đất trời, nếu ai phạm phải điều này làm ăn sẽ bất lợi. Và trong 14 điều Phật dạy con người thì tội bất hiếu với cha mẹ là tội lớn nhất.

Khúc ca “Mù Lèn Kinh” có 55 khổ, mỗi khổ 4 hoặc 6 câu, mỗi câu 7 chữ gieo vần ở phần lưng và được lặp đi lặp lại với điệp khúc “Mười tháng hoài thai mẹ công khổ”. Khúc ca được nhiều người ưa thích và có giá trị giáo dục. Nghe khúc ca da diết, ai oán không ai là không chạnh lòng, rơi nước mắt với phận đời người phụ nữ.

Nói về công lao người mẹ đối với con cái của người Tày, Nùng còn thể hiện ở một số phong tục tập quán như: “Lễ cầu tự”, “Lễ nối số”, “Lễ lập bàn thờ bà Mụ”, “Lễ cầu yên”… Những lễ này đều nhằm mục đích cho con cái khỏe mạnh. Tục ngữ người Kinh có câu “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thì qua nội dung bài ca “Mù Lèn Kinh” cũng thấy được công lao của người mẹ sao kể xiết. Lời ca da diết như muốn nói: Nếu ai chưa thể hiện tình yêu đối với mẹ hãy nâng niu yêu quý mẹ mình nhé! Kẻo khi mẹ đi rồi biết gọi ai là mẹ mình đây?

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy