Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
11:39 (GMT +7)

Một tư liệu quý cho những người yêu văn hóa và du lịch

Thích nghi với hoàn cảnh là năng lực quan trọng của con người, đặc biệt trong những tình huống thử thách. Với những người thích bay nhảy hay làm việc ở lĩnh vực du lịch, “khoảng trống u sầu” của thời gian giãn cách xã hội, đọc cuốn sách “Từ điển văn hóa truyền thống các dân tộc Thái, Tày, Nùng” của nhóm tác giả: Vương Toàn, Cầm Trọng, Hoàng Văn Ma, Nguyễn Thị Việt Thanh, do Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội ấn hành năm 2016 sẽ thật sự bổ ích. Sách dày hơn 500 trang, chúng ta sẽ có “tour khám phá vùng cao” qua lăng kính ngôn ngữ của đồng bào, gom góp kiến thức cho những hành trình mới chắc chắn sẽ bùng nổ sau chuỗi ngày bị kìm tỏa.


Vùng núi phía Bắc Việt Nam là vùng đất diệu kỳ với thiên nhiên đắm say lòng người và sắc diện văn hóa độc đáo đến từ đời sống vật chất, tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Mông - Dao, Tạng - Miến, Môn Khơ me, Hán, Tày - Thái và Kađai. Trong đó, người Thái được coi là chủ thể văn hóa vùng Tây Bắc, người Tày, Nùng lại là đại diện cho văn hóa Đông Bắc. Mặc dù điều kiện kinh tế còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, song với thế mạnh tự nhiên và văn hóa, vùng núi phía Bắc luôn có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch quốc gia. Khám phá nơi đây đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Du lịch vùng núi phía Bắc ngày một được đẩy mạnh với nhiều điểm đến thú vị. Để giúp du khách cảm nhận đầy đủ đặc sắc văn hóa vùng cao thì vai trò của đội ngũ hướng dẫn viên là đặc biệt quan trọng bởi có những giá trị văn hóa chỉ có thể được truyền tải trọn vẹn thông qua hoạt động trải nghiệm kết hợp với những dẫn giải bằng ngôn ngữ. Chính vì thế, việc tích lũy kiến thức là điều không thể coi nhẹ, với cả hướng dẫn viên suốt tuyến, tại điểm hay cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch. Ngoài kiến thức thực tế, sách vở là người bạn đường không thể thiếu trong suốt hành trình nghề nghiệp của những hướng dẫn viên có trách nhiệm.

Cuốn “Từ điển văn hóa truyền thống các dân tộc Thái, Tày, Nùng” không khó để tìm kiếm tư liệu về sắc diện vùng miền, đặc biệt với miền núi phía Bắc - nơi kết tinh của những vỉa tầng văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, việc tiếp cận tri thức văn hóa từ góc độ ngôn ngữ thông qua từ điển chắc chắn là trải nghiệm mới đối với nhiều người, bởi trong ý niệm của một bộ phận độc giả, từ điển đơn giản là cuốn sách chuyển ngữ hoặc lý giải ngắn gọn ý nghĩa từ vựng. Vượt qua chức năng giải nghĩa, cuốn sách là công trình chuyên sâu, cung cấp những thông tin đa dạng về nguồn gốc hình thành khái niệm hay những khía cạnh lịch sử văn hóa có liên quan đến khái niệm ấy. Khám phá tri thức qua từ điển, bạn đọc có thể cảm nhận bức tranh văn hóa tộc người từ những chi tiết nhỏ nhất của từng sự vật, từng hoạt động, từng nghi thức như: dả va (bà Mụ); cong phon (đống củi thiêu trong đám ma người Thái), lệ bjoóc héo (lễ cúng cho trẻ chết yểu), sli (một loại hình dân ca), tháp piệc (gánh lễ đón dâu)…

Toàn bộ công trình gồm khoảng 650 mục từ, phản ánh đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc Thái, Tày, Nùng bao gồm: tên tộc người, nhóm địa phương; tổ chức hành chính đặc trưng; truyền thuyết về sự hình thành, phát triển các dân tộc; hoạt động sinh kế; văn hóa vật thể; phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc thù… Được xây dựng theo phương thức giải nghĩa khái niệm, song như đã nói, cuốn từ điển không đơn thuần làm nhiệm vụ chuyển dịch song song từ tiếng Thái, Tày, Nùng sang tiếng Việt mà bao gồm cả những chú giải thông tin cơ bản liên quan trực tiếp đến nội dung từng mục từ. Và như vậy, mỗi từ ngữ hiện ra như một mã văn hóa được dẫn giải chi tiết, sinh động. Giả sử, từ “Khắp xéo khép mon” trong tiếng Thái được chuyển nghĩa thành “Hát thêu ghép gối đôi”, đồng thời kèm theo thông tin lý giải cụ thể: “Là điệu hát khi khâu may, thêu thùa. Từng người một hát như đang vừa ngồi khâu vừa nói chuyện tâm sự với người thương. Cô gái hát ghép gối đôi khi đã có người yêu, nên khi mở đầu điệu hát thường có câu “Hua co nhing ơi!” (thương của em ơi!) ngân dài. Điệu khắp này hát vào những ngày nông nhàn, mùa màng thu hoạch xong hoặc những ngày mưa tầm tã nghỉ việc làm ruộng nương, chị em ở nhà khâu vá thêu thùa, may vá. Nội dung bài hát mượn hình ảnh chiếc gối để dãi bày khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Chiếc gối đôi mang theo niềm hạnh phúc của người con gái khi đã có người hứa hẹn trọn đời: “Hua co nhing ơi! Chạng tin tháng nga thiêu - Chạng tin thiêu nga tháy tẹ lỏ - Nặm Áy toỏng Nặm Ma khi khon - Noọng lả chắng tắt phén hon mon - Mon lương đeng khép đôi vạy thả phủ hua co nhing nơ!...” (Thương của em ơi! Voi chân doãng ngà xa - Voi chân xa ngà rụng thực mà - Suối Nặm Áy gặp dòng sông Mã - Em cắt vải màu, khâu khăn thêu áo - Vải vàng, chỉ đỏ ghép gối đôi em chờ chàng, thương của em ơi!...)”.

Cảnh vật, con người miền núi phía Bắc nên thơ luôn ẩn chứa nhiều điều để khám phá

Hay từ “Khoăn vài” - tức là Lễ thu vía trâu, trong tiếng Tày Nùng được giải thích kèm thông tin: “Lễ ăn tết thu vía cho trâu được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 6/6 âm lịch nên còn gọi là Kin xo lộc (ăn tết ngày mồng 6). Xưa kia, nghề nông cần có trâu bò khỏe dùng vào việc cày bừa. Con trâu được yêu quí vì nó đã giúp con người có cơm ăn áo mặc. Người Tày, Nùng trước đây chỉ làm vụ mùa. Tháng Tư, tháng Năm âm lịch là hai tháng chính vụ, trâu và người phải làm việc nặng nhọc. Trâu kéo cày, kéo bừa liên tục hết ngày này tiếp sang ngày khác. Suốt hai tháng trời, trâu cùng người làm việc quần quật dưới trời nắng nóng, lại không có nhiều thời gian ăn cỏ no đủ nên gày sút hẳn đi. Người nông dân cho rằng trâu đã bạt hết vía. Vì thế, đến đầu tháng 6 mùa cày bừa đã xong, người Tày, Nùng làm lễ thu vía trâu. Người ta chặt cây núc nác có mấu tựa như đầu gối của trâu đem cúng tượng trưng, nhà có bao nhiêu con trâu thì chặt chừng ấy cành núc nác. Vào dịp này, gia đình nào cũng làm bún, làm bánh, đặc biệt là bánh coóc mò (bánh sừng bò), mổ gà vịt ăn mừng kết thúc vụ cày cấy. Ăn cơm xong, trước khi thả trâu lên đồi ăn cỏ, nhà nào cũng để dành cho trâu một cái bánh coóc mò, tiết, gan vịt gói trong một miếng lá chuối có tẩm nước muối. Buổi chiều hôm đó, các làng có chung một nguồn nước làm lễ slân tổng (lễ tế thần nông) tại một cái chòi dựng ở đầu nguồn, cây cối um tùm, khấn cầu Thần nông trả lại vía cho trâu, cầu Thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi mang lại nhiều thóc lúa”.

Tư liệu trong Từ điển là vốn tri thức quý giá được chắt chiu, góp nhặt suốt một đời nghiên cứu của các nhà dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học uy tín; cũng là sản phẩm của một trong những hoạt động khoa học nổi bật nhất cả nước: “Chương trình Thái học Việt Nam” với lịch sử 30 năm xây dựng, phát triển. Công trình có kiến thức phong phú, sâu rộng, thể hiện bằng văn phong trong sáng, giản dị, có thể đáp ứng nhu cầu hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Thái, Tày, Nùng của những người yêu văn hóa và làm việc trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Đọc cuốn sách, anh Nguyễn Văn Thảo, hướng dẫn viên Công ty du lịch Monisa Thái Nguyên cảm nhận: “Với tôi, cuốn sách không chỉ bổ ích bởi những kiến thức đa dạng và hấp dẫn, mà quan trọng hơn, nó giúp tôi ghi nhớ tiếng nói của đồng bào. Phát “tín hiệu” bằng ngôn ngữ của cộng đồng địa phương là bí kíp để làm nên những cuộc trò chuyện duyên dáng; lý giải văn hóa từ góc nhìn ngôn ngữ cũng là con đường để có những bài thuyết minh ấn tượng và thành công”. Các giảng viên giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa, du lịch; các nhà nghiên cứu, nhà báo hứng thú với đề tài văn hóa vùng cao cũng có thể tham khảo nhiều thông tin qua ấn phẩm này.

Chắc chắn, Từ điển văn hóa truyền thống các dân tộc Thái, Tày, Nùng do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh và PGS.TS. Vương Văn Toàn đồng chủ biên sẽ trở thành cẩm nang quý giá với những người yêu văn hóa và làm du lịch ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Hy vọng, trong tương lai, chúng ta sẽ có thêm những công trình tương tự trên cơ sở nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số khác.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy