Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:20 (GMT +7)

Một thời huy hoàng sân khấu Thái Nguyên

VNTN - Hàng năm, những ngày tháng 7, tháng 8 âm lịch giới văn nghệ sĩ sân khấu cả nước vẫn tất bật, bận rộn, háo hức chuẩn bị cho dịp giỗ tổ nghề sân khấu. Những vị tổ nghề anh linh và thiêng liêng như: Ưu bà Phạm Thị Trân thời nhà Đinh và nhà tiền Lê được suy tôn tổ nghề Chèo, Tuồng. Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thời nhà Lý lừng danh với nghề hát Chèo. Ông đã sáng tác lời giáo đầu: “Chiềng làng, chiềng chạ, thượng hạ tây đông…”. Cụ Đào Duy Từ, sinh thời nhà Lê, với nhiều vở tuồng cổ nổi tiếng như: “Sơn Hậu”, “Hoa đăng”, “Nữ tướng xuất quân”…. Các vị tổ nghề sân khấu dân tộc Việt đều sống, sáng tác, diễn trò cách đây từ vài trăm năm đến hàng ngàn năm. Và những đóng góp của các vị, anh linh của các vị, vẫn là chỗ dựa tâm linh của văn nghệ sĩ sân khấu ngày nay.

 

Một cảnh trong vở “Nữ thần vàng” của Đoàn Kịch nói Thái Nguyên

Sân khấu Thái Nguyên là sân khấu cách mạng và kháng chiến. Trước Cách mạng Tháng Tám, các chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở Nhà tù Chợ Chu và Nhà tù Căng Bá Vân đã diễn kịch để động viên tinh thần các chiến sĩ cách mạng và vạch trần tội ác của kẻ xâm lược cùng bè lũ tay sai. Thời kỳ chín năm kháng chiến chống Pháp, nhiều văn nghệ sĩ sân khấu hàng đầu Việt Nam đã lên An toàn khu kháng chiến ở Định Hóa, Thái Nguyên. Họ đã viết kịch, chèo, tuồng và dàn dựng, biểu diễn phục vụ bộ đội và phục vụ nhân dân Thái Nguyên.

Khoảng từ năm 1950 đến 1953, cụ Nguyễn Quang Tốn cùng với vợ là nghệ sĩ Bạch Trà đã chuyển Đoàn Ca kịch Quyết Thắng ở Bắc Giang lên Thái Nguyên (sau đó đổi tên thành Đoàn Cải lương Quyết Tiến). Có lẽ đây là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên ở Thái Nguyên, Đoàn có cả Rạp hát Quyết Tiến tồn tại mãi đến cuối thế kỷ XX. Những năm từ 1950 đến 1980, Đoàn Cải lương Quyết Tiến thật lừng danh, nhiều nghệ sĩ lớn, tên tuổi như: nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thị Lan (thường gọi là Cụ Cả Tam), nghệ sĩ Ngô Mạn, Huỳnh Sửu, Tư Châu, Thọ An, Ngọc Minh, Kim Oanh và Minh Chính,… đã làm lừng danh cải lương và tuồng miền Bắc. Nhiều nghệ sĩ Đoàn Cải lương Quyết Tiến là những hạt nhân tiêu biểu cho nghệ thuật sân khấu dân tộc chuyên nghiệp của Thái Nguyên và của cả nước.

Đoàn Chèo Thái Nguyên được thành lập năm 1960. Có lúc Đoàn được đổi tên là Đoàn Chèo Bắc Thái rồi lại đổi lại thành Đoàn Chèo Thái Nguyên, hoạt động đến đầu thế kỷ XXI. Hiện nay chỉ còn đội Chèo trong ngôi nhà to “Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên”. Hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, các thế hệ nghệ sĩ của Đoàn đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng khán giả và đồng nghiệp. Nhiều vở diễn lớn của Đoàn như: “Tấm Cám”, “Hoàng Hậu Ba Tư”, “Nàng Si Ta” đã tạo nên những cơn chấn động lớn ở các phòng bán vé và trên sân khấu biểu diễn. Công chúng khán giả đã cùng khóc, cùng cười với “Nàng Si Ta”. “Nàng Si Ta” đã lay động đến tình cảm sâu kín nhất của nhiều thế hệ khán giả, đến mức người ta có thể quên đi nhiều thứ vui hay buồn, nhưng không thể quên “Nàng Si Ta”. Với vở diễn “Duyên nợ Ba Sinh” - Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, có lẽ đây cũng là buổi diễn đầu tiên của sân khấu cả nước đưa hình tượng Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên sàn diễn. Cũng chính vở diễn này đã đưa Đoàn Chèo Thái Nguyên vào vị trí “chiếu trên” của Làng Chèo Việt Nam. Ngoài ra còn phải kể đến một số những vở diễn thành công lớn của Đoàn như: “Chiếc bóng oan khiên”, “Thánh Đuổm Dương Tự Minh”, “Nàng chúa ong” đều đạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp. Đặc biệt, vở diễn “Đêm trăng huyền thoại” của Đoàn đánh dấu mốc lần đầu tiên đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu Chèo Việt Nam. Với vở diễn này hình tượng Bác Hồ kính yêu ở Thái Nguyên thời kỳ Kháng chiến chống Pháp đã nhanh chóng chinh phục được đồng nghiệp và khán giả. Năm 2000, tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại thành phố Nam Định, vở diễn đã gây được tiếng vang lớn và đã được tôn vinh Giải thưởng xuất sắc - Giải thưởng đặc biệt. Địa bàn hoạt động của Đoàn ngoài các tỉnh miền núi phía Bắc còn các tỉnh miền xuôi như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Phú Thọ… với những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng như: Hoàng Thiều, Thúy Hinh, Xuân Giao, Thùy Dung, Kim Thu…

Năm 1986, nỗi đau đớn xé lòng giới sân khấu và công chúng khán giả cả nước khi mọi người đều sững sờ được tin Đoàn Kịch nói tỉnh Thái Nguyên gặp nạn trên Hồ Núi Cốc. Hơn 20 nghệ sĩ sân khấu trẻ trung, tài hoa, tràn đầy sức sống, đã hóa thân thành anh linh huyền thoại cùng với chàng Cốc nàng Công. Chẳng ai cầm lòng được, sau vở diễn “Đôi dòng sữa mẹ” vừa dàn dựng và biểu diễn thành công vang dội, các nghệ sĩ đã đi vào cõi vĩnh hằng để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng nghiệp, gia đình, và công chúng khán giả.

Từ nỗi đau đớn, anh chị em nghệ sĩ của Đoàn đã nén đau thương, đoàn kết một lòng, lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần mẫn và đầy sáng tạo. Với thành công của vở “Đôi dòng sữa mẹ” rồi vở “Nhân danh công lý”, “Đại đội trưởng của tôi”, “Hà My của tôi”, “Nữ thần vàng”… đã mở rộng địa bàn hoạt động của Đoàn rộng khắp cả nước. Nhiều chuyến lưu diễn tại các tỉnh phía Nam được công chúng khán giả mến mộ với những tên tuổi các nghệ sĩ tài năng như: Đức Trạo, Sơn Lâm, Trịnh Tích, Yên Bình, Thu An; lớp trẻ có các nghệ sĩ Ánh Thiệp, Thanh Tuấn, Thanh Thúy…

Nói đến sân khấu Thái Nguyên không thể không nhắc đến Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc (Đoàn Văn công Quân khu 1). Đoàn được thành lập từ năm 1957, trên cơ sở hợp nhất nhiều đơn vị nghệ thuật quân đội. Đoàn đã diễn và nổi tiếng với những vở kịch: “Nửa đất nước trong đêm”, “Chân trời xa”, “Rừng Khuôn Mánh”… và đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi của Đoàn đã chiếm được tình cảm yêu mến của công chúng khán giả trong và ngoài quân đội.

Sân khấu Thái Nguyên còn có sự góp mặt của Khoa Kịch thuộc Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc). Đây là nơi chủ yếu đã đào tạo ra những thế hệ nghệ sĩ sân khấu thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn trước. Nhà trường đào tạo nghiêm túc, bài bản và công phu. Nhiều thầy giáo tâm huyết với nghề như các thầy: Hoàng Em, Hoàng Sự… Và từ nơi đây, nhiều nghệ sĩ trưởng thành đóng góp cho sân khấu kịch miền Bắc như các nghệ sĩ: Đức Ban (Nghệ An), Hoàng Cúc (Hà Nội), Hoàng Dung (Phú Thọ)…

 

Ngày nay, do quy luật của thời gian, quy luật thăng trầm của các loại hình nghệ thuật và sự vận động của cuộc sống, có lẽ sân khấu đang khép mình chờ thời? Với nhiều người, thời lừng danh, sôi nổi, hào hoa, có sức lay động và chinh phục lòng người của sân khấu Thái Nguyên chỉ còn là hoài niệm, là ký ức tươi đẹp. Còn đối với những nghệ sĩ sân khấu Thái Nguyên ngày nay, họ vẫn hy vọng một lúc nào đó sân khấu Thái Nguyên lại sôi nổi hào hoa, lại đỏ đèn để các nghệ sĩ được vui buồn, khóc cười, yêu thương và say sưa hóa thân vào các nhân vật mà cống hiến cho khán giả.

Mông Đông Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy