Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:35 (GMT +7)

Một số yếu tố nghệ thuật trong hát Then

VNTN - Hát Then là một trong những loại hình sinh hoạt văn hóa gắn với tâm linh của người Tày. Hát Then thường được tổ chức nhiều trong mùa xuân, với ý nghĩa giải hạn, cầu yên cho gia đình và còn được xem là cuộc hội ngộ của gia chủ với bà con thân hữu cùng tổ tiên bên cõi âm. Đến với hát Then là đến với nghệ thuật biểu diễn của những nghệ nhân mà ở đó họ thể hiện tất cả tâm trạng, hỉ, nộ, ái, ố…

 

Múa Chầu trong diễn xướng Then của người Tày ở huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn (Nguồn: Vietnam+).

Với chức năng là chữa bệnh tinh thần nên nghệ nhân hát Then vận dụng nhuần nhuyễn nhiều cách thức thể hiện như: âm nhạc (gẩy đàn tính, xóc nhạc, thanh nhạc (hát), múa, lời ca giàu chất văn học... nhằm trút đi nỗi ưu phiền đem lại tinh thần vui vẻ cho người bệnh. Người hành nghề Then có các đạo cụ: tính tẩu (còn gọi là đàn tính, đàn tính tẩu), chùm xóc, quạt, ấn xích lình, kéo, khăn, mũ... Các vật dụng này giúp Then thực hiện được sứ mệnh trấn quỷ, diệt tà, cứu dân…

1. Trong các đạo cụ của Then khi hành nghề thì cây đàn tính được xem như là linh hồn của Then. Vì có sức hấp dẫn với con người do vậy, nơi đâu có tiếng Then, tiếng đàn là người dân tụ đến xem và thưởng thức tiếng đàn, lời ca và nghệ thuật biểu diễn của các nghệ nhân. Nhất là những nghệ nhân có giọng ca hay, truyền cảm, gẩy đàn điêu luyện, người nghe say mê như có một sức mạnh kỳ lạ cuốn hút đến mê hồn. Các cuộc Then tùy theo yêu cầu của gia chủ chữa bệnh hay cầu mùa, đoán số hay cấp, hoặc phong sắc… mà bố trí hành lễ. Một cuộc Then thường kéo dài từ 8 đến 10 tiếng, riêng Then cấp sắc kéo dài thường 2 đêm 3 ngày. Khi hành nghề, nghệ nhân sử dụng nhiều hình thức thể hiện như: múa, hát, biểu diễn trò... Tùy nội dung mà nghệ nhân sử dụng đàn tính theo một số làn điệu nhất định. Cách thể hiện trong Then có một số hình thức như: lối nói vần, điệu vọng hương, điệu đi én…

Lối nói vần “phuối pác, phuối rọi”: Là hình thức nói vần có nhịp điệu, lối nói này thường sử dụng trong trình báo, mo lên bàn thờ với tổ tiên hay các vị thần thánh… hoặc lúc Then đối đáp với các nhân vật thần thánh hay mọi người tham dự trong lễ.

Điệu vọng hương “nai hương hay vọng ẻn” (nhờ hương, mời hương): Then ngồi xếp bằng trước mâm hương, tay cầm cần đàn tính dựng đứng, bầu đàn đặt trên đùi trái, miệng ca, ngón tay trỏ khẽ gẩy ba dây đàn mang tính đệm cho lời ca. Điệu này được sử dụng trong phần đầu nhờ hương, nhờ én lên trên trời thông tin cho các vị tổ sư và các tiên, thánh, tướng xuống dự lễ. Điệu này âm điệu trầm mang tính nài nỉ. Khi hương đã nhận lời lên đường thì Then chuyển sang điệu “liệng hương”, giai điệu nhanh hơn. Phần này chỉ có hương cùng Then bay lên trời báo cáo và xin đạo cụ binh mã nên không xóc nhạc.

Điệu đi én “pây ẻn”: Trong Then hỉn ẻn (chơi én) là những lời mượt mà nhẹ nhàng du dương nhắn gửi khuyên răn chim én hãy giúp Then hoàn thành sứ mệnh dẫn đoàn âm binh dâng lễ vật lên trời.

Điệu đi đường “tàng bốc”: Thể hiện Then cùng đoàn quân âm binh hành trình lên đưa lễ vật lên trời xin các vị tiên thánh tướng, Ngọc Hoàng đáp ứng nguyện vọng của tín chủ. Từ đoạn này Then dùng chùm xóc bạc thể hiện cuộc hành trình gồm quân binh cưỡi voi, lừa, ngựa đưa lễ vật lên trời cống các vị thần thánh.

Điệu đi ngựa “pây mạ”: Điệu này tiết tấu nhạc xóc nhanh rộn ràng thể hiện đoàn quân lừa, ngựa nối đuôi nhau hùng dũng vượt đèo cao đường trường lên trời.

Điệu lưu thủy “tàng nặm”: Khi Then cùng đoàn quân âm binh đưa lễ vật lên thuyền vượt biển thì hát điệu tàng nặm. Đây là điệu hát ngân nga mượt mà du dương thể hiện đoàn thuyền Then vượt trùng khơi mênh mông.

2. Hòa nhịp với âm thanh của cây đàn tính là lời ca. Lời ca trong hát Then giàu chất thi ca, thể loại thơ bảy chữ, năm chữ có lúc chín chữ, trong đó thể bảy chữ là chủ yếu... Lời ca sử dụng nhiều hình ảnh với các thủ pháp so sánh, ví von, cách nói ngoa dụ. Người hát phải rõ lời, thể hiện cảm xúc theo hoàn cảnh... Lời ca trong Then có các thể loại như: thể kể chuyện, thể tường thuật, tự sự, thể tả cảnh, thể công văn…

Thể kể chuyện: Trong Then, kể các câu chuyện như sự tích về ba cõi, sự tích hạt gạo to như quả bưởi, nguồn gốc của rượu, của dầu thắp, chuyện nàng dâu mẹ chồng tranh người yêu, chuyện trai đần gái dở, trai khôn gái thảo, chuyện ăn cơm ba bữa chải đầu chín lần…

Thể tường thuật, tự sự: Thể này có đoạn đoàn quân Then vào rừng tìm chặt gỗ mộc hương về bắc cầu mệnh cho tín chủ. Chọn được cây mộc hương to ở rừng, quân Then vào chặt. Các loài chim muông, khỉ hốt hoảng than khóc: “Phượng hoàng chốn sơn lâm than khóc/ Tối nay ta biết trú nơi nao/ Cây đổ rồi chốn nào để ngủ/ Ta chẳng nơi trú ngụ hoang gia/Khéo làm hại cho ta vậy trời/ Con buồn con khóc sầu than vãn…”.

 

Nhạc cụ, trang phục và các vật dụng trong trình diễn hát Then của nghệ nhân Lưu Đình Bạo, người Tày, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (Nguồn: Vietnam+).

Thể tả cảnh: Cánh đồng rộng lớn “Ca bên tốc, nộc bên thai”, hoặc cảnh trên không giữa trời khi chim én bay lên: “Không trung trời sắc đỏ sắc vàng/ Bốn phương mây trời dâng cuồn cuộn/ Bước lên núi lửa chói rực hồng...”, hoặc cảnh khô hạn: “Ba năm hạn không nắng/ Tám năm hạn chẳng mưa/ Bò đi cày phải về. Trâu đi bừa phải bỏ/ Nước cạn trơ gềnh/ Nước khô trơ cát trắng/ Ếch trong hang chết khô...”.

Thể đối thoại mang tính hài, tếu: Trong Then Cấp sắc, đoàn quân Then ngồi nghỉ diễn ra thể hài tấu. Sau đây là đoạn làm ngựa mang tính diễn trò: “Vua lên ngựa nào? Then hỏi/ Lên ngựa đằng đầu, hay lên đằng đuôi nhỉ? Then đáp/ Không biết lên ngựa. Vậy vua sẽ làm sao đây? Then hỏi/ Thành vua phải lên ngựa đi! Then giục/ Lên đằng đầu đi! Hấp, lên đi!...”. Đoạn trên kể về trình tự làm ngựa cho vua cưỡi lên trời, nhưng làm vua mà không biết cưỡi ngựa nên phải tập lên ngựa, tập đi... có tính biểu diễn mang tính ngẫu hứng tạo cười cho người xem.

Ngoài ra còn có đoạn Then kiểm lễ giữa đường mang tính tếu, ẩn dụ gây cười: “Sậư tao hỏi tội mày! Giáp một dâng chỗ nào?/ Một Giáp dâng cây nghiêng ngả ưỡn ra/ Hai trái quả đậu gốc (sinh dục nam)/ Giáp dưới dâng chốn nào?/ Giáp dưới dâng khoảng giữa hai gò/ Ổ nước rượu (đôi vú đàn bà)/ Giáp giữa dâng chốn nào?/ Giáp giữa dâng chốn sẫm cỏ Nhùng (chỉ bộ phận sinh dục nữ)/ Cay đắng nhỉ?”.

Đoạn tấu hài vừa nêu thể hiện phồn thực bằng hình tượng chứa đựng ý ẩn dụ, tạo ra tính hài.

Trong một cuộc hát Then, nghệ nhân sử dụng rất nhiều ngôi thứ để diễn tả, trong đó ngôi thứ ba được sử dụng nhiều nhất. Có đoạn Then nhập hồn người âm vào người dương và phán quyết một số vấn đề với gia chủ. Có thể hồn tổ tiên bên cõi âm về nhập vào Then để nói chuyện với con cháu bên cõi dương.

Sự xuất nhập hồn vía trong Then tạo lòng tin linh thiêng cho tín chủ. Để hấp dẫn người nghe, Then cần có các yếu tố: đàn phải đánh điêu luyện, lời ca phải rõ ràng, âm nhạc và lời ca phải nhịp nhàng, ngôn ngữ đa dạng, giàu hình ảnh, có chất hài nhưng dí dỏm lịch sự, đảm bảo sự trang nghiêm linh thiêng của nghi lễ.

Với sự đa dạng của làn điệu, cùng đạo cụ, các nghệ nhân Then đã vận dụng các cung đàn, bộ xóc sao cho hòa nhịp với lời ca khiến cho cuộc hành lễ có sức cuốn hút người xem. Trong Then chủ yếu có các điệu múa: Múa Sluông và Múa chầu, mô tả một số động tác, cày bừa, nhổ mạ cấy lúa… Đạo cụ múa là quạt, bộ xóc, đàn tính...

Với một không gian hẹp, một tấm chiếu cót trải trước gian thờ nhà gia chủ, Then với chức năng là vui chơi và chữa bệnh và đã thể hiện nhiều loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp cuốn hút người xem. Thưởng thức Then, người xem như được tham dự cuộc hành trình cùng Then vào cõi hư ảo (cõi mê) nhưng cũng mang các yếu tố hiện thực. Loại trừ yếu tố mê tín, có thể nói Then có một trường năng lượng đặc biệt để người bệnh vui vẻ mà an lòng từ đó mà khỏi bệnh. Đó là sức mạnh vô hình để Then tồn tại trong đời sống cộng đồng người Tày bấy lâu nay.

TRIỆU MAI

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy