Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:29 (GMT +7)

Một quan niệm về văn hóa thờ Tà của người Việt

VNTN - Người Việt xa xưa kia họ không có tục thờ Tà, mà họ bắt đầu thờ vị thần này là từ sau khi Chúa Nguyễn đưa lưu dân vùng Thuận Quảng vào khai phá vùng đất Nam Bộ. Khi người Việt đến vùng đất mới khai phá và sinh sống thì họ bắt đầu giao lưu và chịu ảnh hưởng ít nhiều văn hóa Khmer. Và tục thờ Tà đến với họ trong môi trường cộng cư là như thế. Một điều cần lưu ý là vùng đất Tây Ninh xưa chủ yếu là rừng rậm, bưng trảng, bàu suối rất nhiều. Những lớp người đầu tiên đến đây khai hoang tất yếu phải hòa mình vào thiên nhiên vốn có của nó. Bên cạnh đó các phum sóc Khmer sống rải rác khắp nơi ở nhiều vùng đất khác nhau, mà tục thờ Tà là nét văn hóa rất phổ biến đối với họ, chính vì vậy mà lưu dân Việt chịu ảnh hưởng tín ngưỡng này cũng là lẽ tất nhiên.

Ngày nay, do ảnh hưởng và giao lưu văn hóa người Việt thờ Tà không đậm đặc và phổ biến, mà chỉ tập trung rất ít ở các thôn xóm vùng nông thôn hoặc vùng ven rừng ven suối mà thôi. Và trong tâm thức người Việt ngày nay chỉ thờ ông Tà một cách chung chung, gần như một vị thần Đất (thổ địa) chứ không chia ra nhiều loại Tà như người Khmer. Đối với người Việt, Tà được xem là vị thần trấn an, phù hộ cho công ăn việc làm, đặc biệt là những việc có liên quan đến đất đai hoặc sông suối, núi rừng mà thôi. Người Việt xưa cũng dựng các miếu tạm và dùng đá cuội để tượng trưng mà thờ Tà. Khi cúng Tà thì cũng thường ăn trước một miếng để cho Tà chứng giám thức ăn không có độc. Khi có chuyện gì oan ức thì cũng đem Tà ra thề thốt như “Tà bẻ cổ, Tà vặn họng…”. Nói chung, chỉ có những xóm người Việt nào sống gần gũi với người Khmer thì mới thờ Tà mà thôi.

Đối với người Khmer thì thờ Tà là một việc không thể thiếu. Nơi họ thờ đó là những cái miếu ven suối, giữa rừng, trong phum sóc mà người dân thường cúng bái lúc đi nương rẫy, săn thú, câu cá… mà họ gọi đó là Miếu Ông Tà. Theo quan niệm của Khmer, chữ “Tà” là dạng nói tắt của Nắc Tà, chữ này được phiên âm từ chữ Neack Ta. “Neack” có nghĩa là người nói chung, “Ta” là đàn ông cao tuổi, hai chữ này hợp lại có nghĩa là Thần linh. Nếu Phật (Preah) là đấng minh chứng cho việc làm lành tránh dữ nói chung, thì Tà là thần phù trợ cho những việc lẻ tẻ trong gia đạo, những việc riêng tư, làm ăn, bệnh tật… Bởi vậy mới có nhiều loại Tà, mỗi vị có thứ bậc và chức năng khác nhau như Tà Sông (Neack Ta Prek), Tà Rừng (Neack Ta Prey), Tà Núi (Neack Ta Phnom)… Người ta thờ Tà cũng không ở một chỗ nào cố định cả, có khi miếu Tà ở ven bờ suối, ở giữa khu rừng, ở ngã ba ngã tư đường, thờ trong bộng cây to, thờ trong xóm, trong nhà… Nếu như bà con người Việt thờ Địa bao giờ cũng có tượng đất mang một số điểm chung như miệng cười, vú bụng to… thì Tà của bà con Khmer không hề có hình dạng gì cụ thể cả. Tà có khi là cục đất gò mối, là khúc cây khô, là tảng đá, là những viên đá cuội hơi to to… Tà có loại thiện cứu giúp người chuyện này chuyện nọ, nhưng cũng có loại Tà chuyên xúi giúp chuyện bậy bạ… nhưng trong tâm tưởng người dân Khmer thì bao giờ Tà cũng đều rất linh thiêng, ít ai dám xúc phạm hay nói bậy bạ đến.

Một điểm đặc biệt khác là có vị Tà được bà con người Khmer thờ sát dưới đất ngay cạnh góc giường ngủ của đôi vợ chồng chủ nhà. Tà này là chuyên chỉ ra những kẻ ăn trộm vặt. Nhà ai bị mất trộm thì đến nhờ Tà này chỉ giúp. Có thể nói đây là vị Tà rất đặc biệt. Mỗi lần cầu Tà lên thì người bị nhập bao giờ cũng chửi thề nói tục tĩu rất dữ dội. Người ta cho rằng loại Tà này kiếp trước vốn là tiện nhân nên mới vậy. Trước khi hỏi Tà về việc mất trộm thì họ sẽ hỏi về chuyện sinh hoạt phong the của vợ chồng gia chủ trước. Nếu Tà nói trúng phóc, được người vợ hay người chồng công nhận đúng là Tà lên thật. Rồi họ mới hỏi về việc nhờ Tà chỉ dùm ai trộm cắp đồ đạc. Còn nếu Tà nói sai là họ cho Tà xạo và cho thăng ngay, không hỏi gì nữa cả. Khi “giao tiếp” với Tà này là phải nói thẳng ra, chứ không được nói bóng gió hay úp mở gì cả… Cúng loại Tà này ngoài rượu thịt thông thường thì phải có thêm máu gà tươi bỏ trên miếng lá chuối xanh… Tục này hầu như ngày nay không còn nữa. Lại có vị Tà chuyên trị rắn cắn. Đây là vị Tà được bà con Khmer rất sùng bái. Ông Tà này cũng khá đặc biệt, nhà ai bị rắn cắn khi đến rước thầy thì tuyệt đối không được nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào, năn nỉ… mà vừa vào đến cửa là phải chửi ông thầy như tát nước vào mặt, chửi bậy bạ thô tục càng tốt, khi thấy ông thầy giận đỏ ngầu hai con mắt, người run rẩy lên là biết Tà đã nhập, lập tức đi cứu chữa liền. Còn một loại Tà nữa thường hay thờ trong phum xóm, thường là đầu xóm dưới gốc cây to, có khi họ đục thân cây một lỗ rồi đặt vào đó một cục đá cuội dài dài cỡ trái bí đao và vài viên sỏi trắng bằng đầu ngón chân cái. Người ta cho cục đá ấy là ông Tà còn mấy viên sỏi kia là đám ma quỷ theo hầu để Tà sai vặt. Ông Tà này có nhiệm vụ là canh chừng kẻ gian, ăn cắp ăn trộm vào phum xóm. Hễ kẻ nào đi vào nhà ai ăn cắp, ngang miếu thì Tà sẽ vặn cho trật cổ. Ngoài ra, ông Tà này còn có thêm nhiệm vụ là làm chứng cho những người thề thốt. Hễ ai làm gì gian dối mà không dám nhận thì bị kêu ra miếu ông Tà thề độc… Phong tục này làm cho con người ta sống thật thà, không dám gian dối bậy bạ vì sợ Tà bắt, và đó cũng chính là lương tâm của con người ta không cho phép vậy.

 

Miếu thờ Ông Tà cạnh cây cổ thụ ở Trà Vinh. Ảnh: internet

Đối với người Khmer, Tà hết sức quan trọng và có nhiều màu sắc linh ứng là thế. Nhưng đến với người Tà Mun thì lại hoàn toàn khác, mặc dù tục thờ Tà của người Tà Mun cũng ảnh hưởng từ Khmer mà ra. Bà con dân tộc Tà Mun ở Tây Ninh hiện nay đa phần theo tôn giáo Cao Đài và trong suốt quá trình cộng cư họ chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn hóa đời sống của người Khmer từ cách ăn mặc đến nếp sinh hoạt tinh thần. Một trong những nghi lễ còn tồn tại hiện nay là lễ cúng miếu Tà.

Lễ cúng miếu chính thức diễn ra vào ngày 16 tháng 11 âm lịch hàng năm ở các xóm bà con Tà Mun sinh sống. Đây là lễ cúng tạ ơn vị thần bảo hộ đất đai mùa vụ và các chiến sĩ trận vong giữ gìn cương thổ…. Cúng miếu là công việc chung của mọi người trong xóm chứ không phải là việc riêng lẻ của từng hộ gia đình. Vì vậy mọi người mọi nhà đều có nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau, cùng nhau góp tiền, cùng nhau làm, sắm sanh mọi lễ vật để cúng bái. Trong lễ cúng miếu của họ vị thần trung tâm là ông Tà. Ông Tà của người Tà Mun vừa là thần đất vừa là tổ tiên của họ. Miếu Tà của người Tà Mun thường được xây cất dưới gốc cây cổ thụ, vì họ quan niệm vong linh của người đã khuất thường ẩn mình dưới những gốc cổ thụ lâu năm. Khu miếu thường có hai ngôi miếu một to một nhỏ đối diện nhau. Trước ngày cúng chính thức một ngày thì các cụ già trong xóm sẽ đến miếu quét dọn, rửa các vật thờ cúng cho sạch sẽ và làm lễ xin Tà cho phép làm lễ cúng vào ngày mai. Đó là một nghi thức không thể thiếu, vì họ quan niệm phải xin phép thì Tà mới chứng giám và phù hộ.

Cũng trong ngày này các thanh niên tập trung lại tại nhà già làng để làm cây bông. Cây bông trong lễ cúng miếu cũng như cây cờ trong các lễ hội vậy. Bà con người Tà Mun chọn một cây tre nhỏ hoặc cây trúc to dài độ 1,5 mét, cắt bằng hai đầu. Đầu trên chẻ đều rồi banh ra giống như cái lồng hái trái cây vậy và họ để trầu cau têm sẵn vào đó. Trên thân cây cứ cách độ một tấc sẽ buộc một vòng dây, họ chẻ các nan trúc cho tưa mỏng ra như hình những cành hoa và cắm so le vào các vòng dây đó kèm theo một ít tiền lẻ. Đó gọi là cây bông. Cây bông có ý nghĩa tượng trưng cho việc báo hiệu lễ cúng, trầu cau và tiền lẻ có ý nghĩa là hóa cho những vong hồn lang thang không nơi nương tựa, thiếu ăn thiếu mặc.

Sáng sớm hôm sau, những người phụ nữ trong xóm với những bộ quần áo đẹp nhất sẽ đi ra chợ mua đồ cúng. Trong lễ cúng này có năm thứ quan trọng làm hoa tươi, đầu heo, gà, xôi nếp… và voi ngựa làm bằng cây chuối. Ngoài ra còn có trái cây và rượu trắng. Đối với lễ cúng miếu, bà con Tà Mun lựa chọn hoa rất kỹ, họ quan niệm mua được hoa đẹp càng nhiều thì càng gặp nhiều điều may mắn. Voi và ngựa sẽ được một người khéo tay trong xóm làm ra bằng thân cây chuối và tàu lá chuối. Họ cho rằng voi và ngựa là những con vật mà các chiến sĩ của họ ngày xưa trong quá trình giữ gìn cương thổ, chống giặc ngoại xâm đã sử dụng. Khi cúng thần thì cúng luôn họ như một sự tri ân sâu sắc…

Nói tóm lại, tục thờ Tà có nguồn gốc từ văn hóa Khmer. Đây là một phong tục lâu đời được người Khmer gìn giữ. Người Việt và người Tà Mun trong quá trình cộng cư đã chịu ảnh hưởng văn hóa thờ Tà của Khmer. Nhưng ở mỗi dân tộc đều có nét tâm linh cũng như nghi lễ khác nhau. Ngày nay ở miền Nam nếu có dịp đi đến các vùng đất ven núi, sông, bưng, suối, trảng, ruộng… thì chúng ta vẫn thấy đâu đó các miếu thờ Tà. Đó là những dấu vết của một thời khai phá vùng đất mới, của sự hòa nhập và chung sống của các dân tộc anh em. Nghiên cứu về tục thờ vị thần này cũng là điều thú vị và cần được bảo tồn để phát huy các giá trị văn hóa cũng như bản sắc của người Việt.

Hoài Chi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy