Một năm thành công của nhà văn Cao Thị Hồng
VNTN - Tôi quen biết chị đã lâu, nhưng mấy năm gần đây, chúng tôi mới có dịp đồng hành cùng nhau ở một số chuyến đi. Điều tôi nhận thấy ở chị là ở mỗi hành trình dù dài hay ngắn, chị đều tìm hiểu, gặp người này người khác để trò chuyện, ghi chép, đồng cảm, trăn trở, để rồi bật ra ý tưởng cho một bài viết nào đó. Chị tâm sự: Với tôi viết như một sự đặt để của số phận, viết bởi tiếng lòng, bởi đam mê, bởi yêu thương và tin tưởng, hy vọng vào con người và cuộc sống.
Nhà văn, nhà giáo Cao Thị Hồng (bút danh Cao Hồng, Anh Hồng, Sao Khuê) hiện là giảng viên của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Hành trình lao động cần mẫn, nghiêm túc để sáng tạo trên “cánh đồng” văn chương của chị đã thu hoạch những mùa vàng. Đến nay, Cao Thị Hồng đã ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm ở thể loại thơ và đặc biệt thể loại lý luận - phê bình văn học như: Mùa bánh kiến (Thơ - 2006); Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986-2011) (Chuyên luận - 2011); Lý luận - phê bình văn học đổi mới & sáng tạo (Nghiên cứu, phê bình - 2013); Người đàn bà qua hai mùa tóc (Thơ - 2015); Lý luận - phê bình văn học: Một góc nhìn mới (Nghiên cứu, phê bình - 2017)…
Năm 2018 là năm thành công của nhà văn Cao Thị Hồng. Đầu năm, chúng tôi chia sẻ niềm vui với chị khi hai tác phẩm thuộc thể loại Thơ và Lý luận - Phê bình Văn học của chị được UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giải thưởng 5 năm (2012 - 2016). Tiếp đó, chị được Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương Tặng thưởng công trình xuất sắc về lĩnh vực Lý luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật. Chị tâm sự: Giải thưởng không phải là mục tiêu hướng tới của tôi nhưng giải thưởng cũng là thước đo sự thành công nhất định trên mỗi chặng đường lao động nghệ thuật để xác quyết sự hiện hữu của mình trong đời sống văn học.
Nhiều lần trao đổi với nhau về quan điểm viết văn, chị giãi bày: Muốn sáng tạo phải tìm tòi, quan sát đời sống, cầu thị học hỏi, chiêm nghiệm, từ đó tác phẩm của mình mới không nói những chuyện “trên trời”. Nói là làm, chị rất “ham” đi. Có khi một mình một xe rong ruổi hàng trăm cây số đến với tọa đàm văn chương của bạn bè. Riêng năm 2018, chị vào Nam ra Bắc như con thoi, dự nhiều cuộc hội thảo quốc gia, quốc tế. Tiêu biểu như các hội thảo: Cuộc đời và sự nghiệp văn học Lưu Quang Vũ (tại Đà Nẵng); Cuộc đời và sự nghiệp văn học Nguyễn Bính (tại TP. Hồ Chí Minh); Phật giáo và văn học Bình Định, thành tựu và những giá trị (tại Bình Định); Vấn đề xã hội hóa văn học nghệ thuật ở Việt Nam (tại Hà Nội)… Sau mỗi chuyến đi là các sản phẩm trí tuệ của chị ra đời. Năm qua, chị đã công bố các tác phẩm: Thơ tình Nguyễn Bính từ góc nhìn nữ quyền luận; Thân phận con người trong thơ Lưu Quang Vũ; Cảm thức về phái đẹp trong thơ Hàn Mặc Tử; Nhận thức về vấn đề “nhà văn là một công nhân, nghệ thuật như là sản phẩm” nhìn từ thực tiễn xã hội hóa văn học nghệ thuật ở Việt Nam; Tiếp nhận lý thuyết hiện sinh trong nghiên cứu, phê bình văn học ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập... Những bài viết có giá trị học thuật của Cao Thị Hồng luôn được bạn đọc xa gần quan tâm, chú ý.
Tiếp xúc với nhà văn - nhà giáo Cao Thị Hồng, người đối diện dễ nhận thấy ở con người chỉn chu từ trang phục đến cử chỉ giao tiếp này tỏa lan mạnh mẽ một năng lượng sáng tạo. Chị đón năm Kỷ Hợi với một loạt dự định lớn: Tập trung nghiên cứu, đánh giá thành tựu và giới hạn của phê bình văn học dân tộc qua chặng đường hơn 30 năm đổi mới (từ 1986 đến nay), đặc biệt tập trung phân loại các khuynh hướng phê bình văn học trên cơ sở các hệ hình tư duy triết học, mỹ học mà nó chịu ảnh hưởng về mặt lý thuyết để giải mã các hiện tượng văn học, từ đó đúc kết những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp khoa học góp phần khắc phục những gì còn hạn chế của đời sống phê bình văn học hiện nay. Đồng thời, chị sẽ cho ra mắt bạn đọc ba tập sách, gồm hai cuốn nghiên cứu phê bình văn học và một tập thơ.
Thật là một khối lượng công việc khổng lồ. Nhưng tôi tin, chị sẽ làm được!.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...