Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
19:06 (GMT +7)

Một lời thỉnh cầu

Ngồi nhâm nhi chén trà một mình bên chiếc bàn ở góc sân, ông Thìn thấy buồn. Những ngày trước đây, chỗ này thường là nơi tụ tập của mấy ông chơi cờ. Vì phải cách ly phòng dịch mà nhóm cờ giải tán. Giờ dịch Covid đã tạm yên, ông sực nhớ đến bạn cờ và liền móc điện thoại ra:

- A lô! Ông có nhà không đấy!

- Chả ở nhà thì có chỗ nào mà đi đây! Đầu bên tiếng ông Thành vang lên.

- Vậy thì sang làm ván cờ đi.

- Sang ngay đây. Vài tháng trời ngồi im trong nhà chán ngấy rồi.

Chưa đầy năm phút sau, ông Thành đã xuất hiện, tay còn cầm theo bọc túi bóng màu hồng.

- Ông cầm cái gì đấy! Quân cờ mới à!

- Không! Đặc sản Thái Nguyên hảo hạng nhé! Nói rồi ông Thành lôi trong túi bóng ra một gói chè nhỏ đóng trong giấy bạc, một gói kẹo dồi màu xanh nhạt.

- Đây là quà thằng con làm ở Hà Nội, dịch dã Tết không đưa vợ con về được nó gửi cho đấy!

- Thằng này khá. Biết cả mấy ông hay đánh cờ thích nhâm nhi thanh kẹo lạc với chén trà. Nó tâm lý phết nhỉ. Dở mỗi cái không mua kẹo lạc dồi thuần khiết màu trắng lại mua loại màu phẩm xanh lòe loẹt làm gì.

- Ông đừng vội chê nhé! Kẹo lạc chè xanh chính hiệu Trúc Thanh Thái Nguyên đấy! Đặc sản chứ không phải kẹo lạc bình thường đâu.

Ông Thành lúi húi pha trà. Ông Thìn đeo mục kỉnh hết xem nhãn trên bao bì gói chè, đưa lên mũi hít hít, cho vài cánh vào mồm nhấm nhấm rồi lại xem bao bì gói kẹo lạc. Gương mặt ông bỗng rạng rỡ như vừa tìm thấy điều gì quý giá, như hương vị ấy, những dòng chữ ấy đánh thức trong ông điều gì. Ông Thành cũng ngạc nhiên trước những biểu hiện của ông Thìn:

- Có gì mà khấp khởi thế? Uống hớp nước trà Thái cho khoan khoái rồi làm ván cờ đầu xuân nào.

- Ông chờ tôi tí nhá! Nói rồi ông Thìn móc điện thoại ra, nhìn vào bao bì gói chè bấm số:

- A lô! Anh là đại diện ở văn phòng của hợp tác xã chè Trúc Thanh ở Hà Nội đấy phải không?

- Vâng! Bác gặp cháu có việc gì đấy ạ!

- Xin lỗi anh, tôi có một thời ở Trúc Thanh nên nhớ và hỏi vậy thôi chứ những người bạn thời ấy chắc chả còn ai ở đấy vì lâu quá rồi.

- Bác có quen ai ở Trúc Thanh ạ!

- Một anh bạn giáo viên tên là Tiến, từ đầu những năm bảy mươi cơ. Anh làm ơn tìm thông tin này. Nếu có anh báo cho tôi mới nhé! 

Ông Thìn vừa nói hết câu, đầu bên kia tiếng anh bạn trẻ đã hỏi ngay:

- Ông Trần Quyết Tiến phải không ạ!

- Vâng! Đúng tên bố cháu đấy bác ạ, bố cháu đã nghỉ hưu. Bác biết bố cháu ạ!

- Ừ. Bác biết, nhưng mấy chục năm rồi không gặp lại nhau. Hôm nay thấy địa chỉ Trúc Thanh trên gói chè, bác hỏi hú họa vậy mà sao may quá.

- Vâng! Thương hiệu chè Trúc Thanh là Hợp tác xã của anh cháu làm Chủ nhiệm đấy bác ạ! Mà bác tên là gì để cháu nói lại với bố cháu. Cháu mời bác hôm nào về chơi với bố cháu bác nhé!

- Bác tên là Thìn, già rồi đi lại bây giờ bất cập lắm! Cảm ơn cháu.

- Nếu bác về chơi được đến văn phòng đây cháu sẽ đưa về. Cháu có xe mà.

- Để bác sắp xếp xem thế nào đã cháu nhé!

Ông Thìn tắt máy. Nét mặt vui vẻ hẳn lên.

Ông Thành hỏi:           

- Gặp bạn cũ hả? Thế là tôi đem niềm vui bất ngờ cho ông rồi nhá! Sướng chưa?

Ông Thìn cười:

- Đúng là quả đất tròn thật nhỉ. Tôi không bao giờ dám nghĩ có được một dịp may thế này.

Hai ông lại ngồi vào bàn cờ.

***

Cách đây hơn sáu mươi năm, con đường từ quốc lộ 3 vào đến Trúc Thanh mấy cây số toàn đường rừng. Trên chiếc xe đạp của Thìn phải cõng hai chiếc túi du lịch. Một chiếc buộc ở khung đằng trước, một chiếc buộc ép vào một bên giá đèo hàng. Đoạn nào nhẵn nhụi, bằng phẳng thì Tiến lại ngồi lên để Thìn đèo. Đoạn nào dốc người dắt người đẩy. Trên vai Tiến còn khoác thêm cây đàn ghi ta cũ của Thìn. Hai bên đường cây cối xanh rì, thi thoảng có những cây hoa màu tím, màu vàng rất đẹp và lạ. Cả hai cùng đứng lại ngắm mà chẳng biết hoa gì. Tiếng chim hót vang trong lõng núi. Thi thoảng hai người lại lội qua con suối trong veo, mát lịm. Tiếng nước róc rách hòa trong tiếng lao xao của cây lá như một bản nhạc riêng của rừng. Tiến bảo:

- Cảnh sắc núi rừng như chứa bao bí ẩn bên trong Thìn nhỉ?

- Có cái đếch gì mà bí ẩn. Ai mê vào cái nơi đèo heo hút gió này. Chỉ có cánh mình bị điều động phải chịu thôi. Đêm đến tối om như mực, lặng phắc như mặt trăng. Lúc đó tha hồ cho ông mơ mộng nhé!

Minh họa: Dương Văn Chung

Rồi điều ấy đúng như Thìn nói. Trúc Thanh là xã miền núi. Dân số thưa thớt gồm người bản địa và một số vùng xuôi lên khai hoang những năm đầu sáu mươi. Quang cảnh chỉ rừng núi thâm u rậm rạp. Hai anh giáo viên trẻ được ở một gian nhà tranh, tường che phên nứa bên sườn núi. Hai gian lớp học bên cạnh cho bốn lớp học cũng vậy. Hai thày đứng lớp hai buổi nhưng số học sinh gom lại chỉ bằng một lớp miền xuôi. Sĩ số hàng ngày bập bõm. Mưa. Mấy em nghỉ. Nhà bận cấy gặt. Mấy em nghỉ. Hai thày còn phải lặn lội xuống bản động viên phụ huynh cho con tới lớp. Lên lớp về, Thìn và Tiến lại hí húi thay nhau nấu cơm. Bữa ăn thường chỉ rau rừng, cá khô. Thi thoảng các bậc phụ huynh cho con xách đến mấy quả bí đỏ.

Đêm về. Ngọn đèn dầu đỏ quạch giữa rừng núi mênh mông. Tiếng đàn ghi ta và giọng hát của Thìn chỉ có những nốt trầm buồn… “Rừng núi xanh xanh mây phủ đường đi. Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì…”.

Những đêm khuya, tiếng cú kêu vọng trong lũng núi càng gợi một không gian hoang vắng ghê rợn. 

Thìn có xe đạp cứ Chủ nhật tếch về thành phố. Tiến một mình ở lại làm chuồng nuôi gà, vỡ đất trồng rau. Nhiều ngày nghỉ Tiến còn giúp các nhà xung quanh phát bãi trồng chè, hái chè khi đến lứa. Làng bản có việc gì vui buồn, hai thày giáo trẻ đều góp mặt. Thìn là cây ghi ta nên chẳng có cuộc vui nào vắng. Nhiều cô gái trong bản thầm mê thày giáo trẻ đàn giỏi, hát hay. Thìn bảo với Tiến là chỉ có một bông hoa làm Thìn để ý, đó là Hạnh. Một thôn nữ có dáng người vừa thon thả với đường eo mềm mại, lại vừa săn chắc khỏe khoắn. Nước da Hạnh trắng mịn, mái tóc đen dài và đặc biệt đôi mắt to đen láy. Đôi mắt ấy có một sức hút kỳ lạ ngay từ khi Thìn bắt gặp trong lần gặp đầu tiên.

Thời gian sau, theo yêu cầu của địa phương Tiến và Thìn phải mở thêm lớp bổ túc buổi tối. Đối tượng học là những thanh niên chưa biết chữ hoặc còn dở dang chương trình cấp một. Hạnh cũng đăng ký học chương trình lớp bốn, lớp Thìn phụ trách.

Một buổi tan học, đèn Hạnh hết dầu. Thìn bảo: “Anh sẽ đưa em về Hạnh ạ”. Hạnh kêu lên: “Thôi! Em chẳng dám phiền thày giáo đâu. Em đi quen rồi mà”. Nói rồi Hạnh đi nhanh ra đường. Thìn với chiếc đèn bão chạy bám theo. “Em đừng ngại. Được giúp người đẹp cũng là một vinh hạnh với anh mà”. Hạnh nghe câu ấy mà lòng dấy lên bao rung động. Đã bao giờ một người con gái ở vùng núi cô quạnh này được người con trai nói những câu ngọt ngào đâu. Hạnh bảo: “Thày giáo là người thành phố, chúng em là gái nông thôn chân lấm tay bùn, chả xứng với điều thày nói đâu”. “Em là bông hoa của núi rừng này Hạnh ạ! Anh nói thật đấy!”. Hạnh bất ngờ chạy mất hút vào bóng tối. “Thôi! Thày về đi nhé! Em về đây”. Thìn cầm chiếc đèn giơ lên gọi khẽ: “Hạnh ơi! Hạnh ơi!” rồi bần thần, lững thững quay về.

Từ lần ấy, trong mỗi buổi học, ánh mắt Hạnh luôn nhìn Thìn đăm đắm. Khi Thìn quay về hướng mình, Hạnh vội vàng cúi xuống, hai má nóng bừng. Thìn nhận ra điều đó, nên sau mỗi buổi học anh chàng luôn đến bên Hạnh nói khẽ: “Anh rất vui mỗi tối có em. Mai em lại đến lớp nhé!”.

Một tối, học xong thì trời nổi dông. Gió ào ào thổi. Cây lá nghiêng ngả từng đợt. Những ánh chớp chạy loằng ngoằng phía đông. Tốp thanh niên thi nhau lao vào đêm tối mong về trước cơn mưa. Hạnh cũng đang định nhanh chân chạy thì Thìn đã nắm lấy bàn tay: “Cơn mưa đến nơi rồi! Em chạy không kịp đâu. Đợi mưa tạnh hãy về”. “Nhỡ mưa hết đêm em làm thế nào”. “Anh cầm sẵn cho em mảnh áo mưa đây. Trời không tạnh khoác vào mà về”. Hạnh im lặng, rút nhanh tay lại. “Vâng! Em đợi một lúc chờ tạnh vậy”. Hai người đứng bên nhau ở hiên nhà. Thìn nói thì thầm giữa âm thanh lộp độp của những hạt mưa: “Anh rất yêu em Hạnh ạ! Đừng từ chối tình yêu của anh nhé!”. “Em là gái quê mùa, sao dám với tới thày giáo thành phố được anh ơi!”. “Anh yêu em thật lòng. Chẳng có khoảng cách nào ngăn trở được anh em ạ”. Họ còn thì thầm với nhau nhiều chuyện nữa.

Khi thấy Hạnh im lặng. Thìn nắm nhẹ bàn tay và đã cảm nhận được sự rung động trái tim cô gái. Thìn kéo nhẹ Hạnh về phía mình. Hạnh khẽ thốt lên: “Đừng anh” nhưng hai bóng người đã chập vào nhau. Đôi môi của họ đã chập vào nhau. Tới tấp. Hối hả. Họ nghe được cả trái tim đang loạn nhịp của nhau. Mưa bỗng to hơn. Gió thổi mạnh hơn. Họ kéo nhau lui vào phòng học. Và. Gió. Mưa. Vẫn từng đợt ràn rạt, ràn rạt làm rung mái lá.

Mưa ngớt nhưng có một ánh chớp sáng lóe cùng tiếng sấm vang dội. Hạnh như giật mình. Thìn ôm siết chặt hơn nhưng Hạnh đã đẩy ra: Em sợ lắm! Nói rồi cô vùng dậy chạy ào ra ngoài. Thìn vơ chiếc áo mưa loạt soạt gọi với: “Cầm áo mưa em ơi!” nhưng Hạnh đã mất hút.

***

Một buổi, sau khi về Chủ nhật lên Thìn bảo với Tiến: “Tớ sắp biến khỏi nơi này, chắc sẽ có người thay về ở cùng cậu”. “Cậu bỏ nghề à, sao không nói tớ biết trước”. “Ông già tớ kéo cả nhà vào quê nội ở miền trong. Vào đấy tớ tìm việc sau. May có dịp chạy khỏi nơi này, ở mãi đây chịu sao được. Suốt ngày chỉ nhìn thấy núi. Tiền lương không đủ hao mòn lốp xe”.

Thìn cũng đã cho Hạnh biết tin này. Hạnh thảng thốt: “Vậy chuyện riêng chúng mình anh định thế nào”. “Để anh vào trong ấy thu xếp công việc ổn định rồi anh sẽ ra ngay bàn đến chuyện này em nhé!”

Hạnh bị hẫng hụt, nhưng vẫn hy vọng nên chỉ biết im lặng ngóng tin Thìn từ miền Nam từng ngày.

***

Hai tháng trôi qua mà Thìn vẫn bặt vô âm tín. Dù với sự ngô nghê của người con gái mới lớn, Hạnh vẫn nhận ra sự khác thường trong cơ thể mình. Nếu Thìn không trở ra Hạnh không biết giải quyết cách nào. Cô tự dằn vặt đã không biết giữ mình khi lần đầu biết yêu. Rồi cuộc đời mình sẽ ra sao. Hạnh trở nên bấn loạn và luôn tự xa lánh mọi người. Đi làm về là chui vào buồng giam mình trong căn phòng tối.

Mẹ Hạnh cũng đã phát hiện ra sự khác thường của con gái. Bà buồn và thương con vô cùng nhưng không biết phải làm gì. Nhiều lúc bà lựa lời hỏi Hạnh: “Mày trót dại với ai đấy con. Phải bảo người ta tính thế nào đi chứ. Nó mà chạy làng thì khốn. Người con gái chưa chồng mà có con, chó nó còn để mắt vào. Nhục lắm con ơi”.

Bố Hạnh biết chuyện. Ông giận dữ bảo con: “Làm thân con gái mà không biết giữ thì tìm cách nào mà giải quyết cho êm ả đi. Đừng để tao phải ê mặt với họ hàng, với cả cái làng này”.

Hạnh im lặng không nói với bất kỳ ai về Thìn. Cô sợ nếu nói ra, có người lại bảo thấy Thìn đi xa rồi thì đổ cho anh ấy. Nhiều đêm Hạnh thức chong chong. Lúc muốn cắn răng dấm dúi giải quyết để gữi lấy tiếng. Lúc lại lo nhỡ Thìn quay ra mà mình làm thế ân hận một đời. Thời buổi mới giải phóng đi lại, thư từ rất khó khăn. Anh ấy muốn giải quyết việc gì có phải chốc lát là xong đâu. Chần chừ chờ đợi, đến lúc không thể giải quyết cách ấy được nữa cũng là lúc đã có tiếng xì xèo. Bố mẹ Hạnh từ chỗ nhẹ nhàng khuyên răn con giờ đã sinh cáu gắt, chửi bới. Ông thường quát bảo: “Mày đi đâu cho khuất mắt tao đi”.

Hạnh rơi vào chơi vơi. Cô biết bố mẹ mình thương mình cắt ruột nhưng bất lực trước một thực tế chưa bao giờ có ở cái làng heo hút này. Cô đã nhiều lần nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên má mẹ. Bố chửi cô té tát thế nhưng có lần thu dọn giường chiếu, cô nhận thấy trên mặt gối cha mình những vệt loang của nước mắt chưa khô. Hạnh muốn khụy xuống trước những chứng kiến ấy, cô tự dày vò mình sao gây ra cảnh này. Rồi Hạnh có ý định liều mình lặn lội vào Nam tìm Thìn. Nếu không gặp cô cũng quyết không về quê, một mình tìm cách sinh sống ở một nơi khác, tránh xa sự chê trách của mọi người. Mặc cho số phận ra sao thì ra.

Tiến biết chuyện và cũng thừa biết người gây ra hậu quả này. Anh thầm trách người bạn một thời gian đồng cam cộng khổ với mình lại làm một việc thiếu lương tâm thế. Tiến thấy thương Hạnh, một cô gái thơ ngây ở vùng quê bị đẩy vào cảnh dày vò tinh thần và ảnh hưởng tương lai cuộc sống. Tiến đã âm thầm bỏ mấy Chủ nhật ra thành phố mong giúp Hạnh có tin tức về Thìn mà vẫn không thay đổi được gì.

Một buổi chiều, Hạnh đang lúi húi hái chè thì Tiến đến: “Hạnh ơi! Anh hỏi em chuyện này. Vậy anh Thìn có hẹn hò dứt khoát với em thế nào không?”. “Anh ấy có bảo vào thu xếp trong ấy ít ngày rồi ra bàn việc anh ạ”. “Bây giờ đã mấy tháng rồi! Nhỡ anh ấy có khúc mắc gì không ra được em cũng phải thật bình tĩnh để giải quyết nhé”. “Anh ơi! anh bảo em phải làm thế nào bây giờ. Xấu hổ một mình em chịu được, nhưng em thương bố mẹ em lắm. Nay mai bố mẹ em không dám ngẩng mặt với họ hàng dân làng nữa đâu. Nuôi em lớn bằng này rồi. Em… E...m là đứa hư hỏng, bất hiếu. Hạnh nấc lên. Tiến bối rối đứng nhìn dáng Hạnh thui thủi đeo thạ chè đi xuống chân đồi. Những tiếng nấc của Hạnh như những mũi dùi xoáy lòng Tiến những nỗi đau mà đã lâu rồi anh tưởng lòng mình đã được bình yên.

***

Trong căn phòng đại diện của Hợp tác xã chè nhỏ hẹp, dưới ánh đèn ngủ mờ mờ, hai người đàn ông vẫn thì thầm tâm sự:

- Ông vào trong ấy thế nào? Vợ con giờ ra sao?

- Tôi ở một mình. Bỏ nhau mấy chục năm rồi! Giờ ngày ngày có mấy ông bạn cờ làm niềm vui thôi!

- Sao lại bỏ nhau? Sao không lấy bà khác mà ở một mình? Ông có bao giờ nhớ về mối tình cũ không?

Nghe câu hỏi ấy. Ông Thìn im lặng giây lát rồi nói: Ông biết mối tình của tôi hồi ở cùng ông còn gì. Chính sự day dứt ấy mà bao ngày qua tôi chỉ chờ dịp giỗ ông ngoại ngoài này để có dịp gặp ông và biết tin về Hạnh. Thực lòng tôi vẫn nghĩ đến Hạnh, nhưng ba tôi đưa cả nhà vào trong quê này lúc ấy khó khăn quá. Cả nhà trông vào đồng lương ít ỏi của ba. Tôi chưa xin được việc. Mẹ tôi mắc bệnh, đau suốt. Tàu xe những năm vừa giải phóng khó khăn. Tiền lại không có thì quay ra sao được. Rồi tháng ngày cứ qua, tôi không đủ quyết tâm nghĩ về mối tình xa cách ngoài này. Nói thật với ông, tôi mới yêu Hạnh ít ngày. Yêu vậy thôi, đã tính gì đến lâu dài đâu. Xa thời gian rồi cũng quên dần. Mấy tháng sau tôi xin vào ngành thủy lợi, làm anh công nhân chạy máy bơm cho đến lúc được cái sổ hưu. Còn chuyện vợ con, lấy một bà bên thực phẩm mấy năm chẳng có con. Bà ấy đề nghị ly hôn rồi lấy chồng khác lại đẻ ngay. Vậy là tại mình, biết có lấy vợ nữa cũng chẳng có con nên tôi ở vậy một mình.

Ông Tiến bỗng nhổm hẳn dậy hỏi:

- Ông không có con ư?

- Thì tôi chả vừa kể với ông rồi sao?

Hai ông đột ngột im lặng. Mỗi ông đều có lý do để im lặng lúc này.

Một lúc sau, ông Tiến mới lên tiếng:

- Ông Thìn ạ! Trước khi dẫn ông về thăm lại mảnh đất đã có thời trai trẻ của ông ở đấy, tôi phải hẹn ông ở đây định để nói trước mấy vấn đề. Phần để ông đỡ thấy đột ngột. Phần cần có những thống nhất hệ trọng giữa tôi và ông. Qua câu chuyện ông vừa kể, tôi thấy lại càng phải làm rõ vấn đề vẫn được giữ kín bấy lâu nay.

- Có gì mà hệ trọng thế? Đến lượt ông Thìn ngạc nhiên

- Khi yêu Hạnh ông đã vượt quá ranh giới chưa?

- Có. Nhưng đúng một lần do tôi không kìm nén được mình thôi!

- Thế nên tôi phải kể cho ông nghe chuyện này: Sau thời gian ông đi, Hạnh đã có thai. Cô ấy không nói với ai ngoài tôi về người bố cái thai đó. Tôi thấy thương Hạnh bị dồn vào bước đường cùng, bị bỏ rơi. Cô ấy đã có những quyết định liều lĩnh định vào Nam tìm ông, nếu không thấy cũng không quay về. Tôi trách ông sao bội bạc và nhẫn tâm thế. Tôi nhìn thấy điều gì sẽ xảy ra với Hạnh, và tôi quyết định cứu cô ấy, cứu một đứa bé sắp ra đời.

Ông Thìn bật dậy:

- Ngay sau thời gian tôi đi sao? Giờ Hạnh đang là vợ ông? Chắc cô ấy oán trách tôi lắm. Xin lỗi ông. Tôi không nghĩ khi rời đi mọi chuyện lại xảy ra phức tạp thế. Tôi vẫn nghĩ tình yêu của chúng tôi chỉ thoáng qua thôi. Và tôi cũng nghĩ sẽ không có hậu quả gì. Cô ấy đẹp thế rồi sẽ có một gia đình yên ấm. Khi biết mình vô sinh, tôi càng đỡ áy náy về chuyện mình với Hạnh.

- Ông ạ! Tôi đã từng thấu hiểu nỗi đau và sự thiệt thòi một đời của mẹ tôi khi bị lỡ làng. Tôi cũng từng nếm chịu sự thiệt thòi của người con không được biết đến cha mình trên cõi đời này. Tôi hiểu nỗi đau của Hạnh nên tôi đã nhận hậu quả đó do mình và đã cưới cô ấy. Nhiều người chê trách tôi hèn yếu để Hạnh phải đau khổ một thời gian rồi mới dám nhận. Mọi xì xèo dần hết. Tôi bị nhà trường kiểm điểm và cảnh cáo vì gây cho Hạnh bị dư luận xấu ảnh hưởng đến danh dự giáo viên. May là Hạnh đã hồi phục tinh thần và sống yên ổn. Còn tôi kể thế để ông biết thêm câu chuyện thôi chứ giờ bới lại chuyện ấy ích gì. Bà ấy đã đi xa rồi.

- Hạnh mất rồi ư?

- Vâng! Bà ấy bị bệnh mất gần chục năm rồi.

Hai ông lại im lặng.

Ông Tiến vẫn đang mung lung về một điều khác. Ông muốn qua lần gặp ông Thìn sẽ dần tìm hiểu và làm rõ về người bố của anh con lớn. Ông nghĩ đã có tín hiệu của người cha đang muốn tìm lại điều hệ trọng. Vả lại người con lớn ấy đã gần năm mươi tuổi rồi, đủ để biết phải làm gì khi sự thật được hé mở. Chính số phận ông cả một đời khao khát muốn biết bố mình là ai mà không được nên ông hiểu rõ cái sợi dây vô hình thiêng liêng này. Gia đình ông đang yên ấm. Chưa một ai ở địa phương, chưa đứa con nào biết những bí mật được ông bà giao ước với nhau giữ kín những năm qua. Ông nghĩ trước sau cũng nên cho người con đó biết điều này, nhưng phải là khi đã có liên lạc và tìm hiểu về người bố rõ ràng. Ông chỉ cho con cái biết khi hoàn cảnh cụ thể cho phép mà không làm tổn thương ai cả. Được như vậy, lòng ông sẽ thanh thản vô cùng. Thấy hoàn cảnh của ông Thìn, ông càng nghĩ mình nên làm điều đó.

Vậy mà câu chuyện đã bất ngờ chuyển theo hướng khác. Ông đã bị phân tâm tuy chưa bao giờ ông thiếu lòng tin về người vợ hiền thảo đã quá cố của mình. Ông biết mình nên dừng lại mà chưa vội vàng trong chuyện hệ trọng này.

Ông Thìn cất giọng trầm trầm:

- Vậy rồi ông bà sinh được mấy người con?

- Tôi và bà ấy sinh thêm một trai. Thời ấy hai đứa là hết tiêu chuẩn. Anh lớn bây giờ sắp có cháu nội rồi. Đang làm chủ nhiệm Hợp tác xã chè Trúc Thanh đấy. Anh bé đang giúp anh làm đại diện hợp tác xã ở Hà Nội để quảng bá và giao dịch tiêu thụ các sản phẩm làm ra.

- Hơn năm mươi năm rồi. có lẽ Trúc Thanh thay đổi nhiều lắm.

- Mai ông lên sẽ thấy quang cảnh đổi thay. Ngôi trường tiểu học giờ xây hai tầng. Đường ô tô thênh thang các ngả. Sản phẩm chè Trúc Thanh phong phú lắm. Thôi ta nghỉ đi để mai lên đường nhé!

Hai ông nằm im, nhưng họ biết nhau chưa thể ngủ được vì còn đang mung lung bao điều về những quá khứ và hiện tại bây giờ mà họ chưa lý giải được.

***

Ba tháng sau, khi đang đọc báo, ông Tiến vội vàng vơ lấy điện thoại:

- A lô! Ông Thìn ơi! Tôi vừa đọc được một thông tin về y học trên báo. Không ít trường hợp hai người ở với nhau không có con. Họ nói do về zen gì đó. Khi lấy người khác cả hai đều có khả năng có con ông ạ!

- Có thế hả ông. Mà tuổi này nói chuyện ấy làm gì nữa.

- Không! Tôi muốn nói đến chuyện trước kia cơ.

- Thôi ông ơi! Xin đừng nói lại chuyện ấy nữa. Hay ông vẫn chưa tha thứ cho tôi.

- Không! Tôi thấy thương hoàn cảnh của ông. Rất có thể trường hợp của ông giống như bài báo nêu. Hay ta thử… Ông Tiến chưa nói hết ông Thìn đã cắt lời:

- Ông bà là ân huệ của tôi. Vừa rồi tôi cũng thấy vô tuyến nói về chuyện đó và biết rõ điều đó rồi. Giờ tôi chỉ xin ông một điều. Từ giờ chúng ta không được nhắc đến điều đó nữa. Chỉ có thế tôi mới được thanh thản đến hết đời thôi. Ông có hứa với tôi không?

Ông Tiến buông máy. Đứng lặng người vì vừa nghe được một lời thỉnh cầu mà ông bị bất ngờ.

Truyện ngắn. Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước