Một góc nhìn khác về văn hóa đọc của người Việt
VNTN - Được mệnh danh là những quốc gia “mọt sách” trên thế giới, những huyền thoại về văn hóa đọc của người Do Thái và Nhật Bản chắc không còn xa lạ với nhiều người. Các bà mẹ Do Thái ướp mật ong và nước hoa vào từng trang sách để kích thích lũ trẻ, thậm chí đặt sách ở nghĩa trang để “phục vụ” nhu cầu đọc của những linh hồn.
Ở Nhật Bản, từ thế kỷ XVII, các vương quyền đã đề cao việc đọc sách, dịch sách và xuất bản sách. Theo nhà sử học Nguyễn Xuân Xanh, văn hóa đọc Nhật Bản không phải chỉ bùng nổ vào thời Minh Trị Duy Tân (1868) khi đất nước được mở cửa, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600 - 1868, lúc dân tộc chỉ có văn hóa võ sĩ trên chiến trường. Năm 1615, tướng quân Tokugawa Ieyasu, đã truyền lệnh cho tất cả các đại danh, võ sĩ, samurai rằng: “Quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải. Văn đi trước võ để có thể trị nước lâu bền”. Hơn hai thế kỷ khép kín, quay lưng lại phương Tây, người Nhật vẫn “ngậm” được viên ngọc Tây học để rồi biến nó thành quốc sách thời Minh Trị. Viên ngọc ấy chính là tình yêu sách, ý thức dùng sách vở để khai minh dân tộc. Đọc sách chính là chiếc chìa khóa để Israel trở thành một trong những dân tộc có chỉ số thông minh cao nhất thế giới với những thiên tài lỗi lạc như Einstein, Karl Marx… Và cũng nhờ đọc sách mà mặt trời đã mọc và tỏa sáng trên đất nước Nhật Bản - quốc gia vốn chỉ có thiên tai. Câu chuyện về những giọt mật trên sách của người Do Thái hay các chính sách khai minh của Nhật còn cho thấy một chân lý: Tình yêu sách không nằm sẵn trong gien di truyền của đứa trẻ mới sinh. Nó phải được rèn rũa từ một thứ “mồi nhử” như mật ong hay những chính sách quyết đoán mang tinh thần võ sĩ đạo.
Không gian trưng bày sách báo tại Lễ hội Thơ Thái Nguyên
Việt Nam chỉ cách Nhật Bản và Israel mấy giờ bay nhưng chúng ta đang cách họ vài trăm năm về văn hóa đọc. Ngày nay, không khó để tìm thấy những bài báo bàn về vấn đề xuống cấp của văn hóa đọc trong giới trẻ Việt Nam. Những con số, hình ảnh, tư liệu quá thừa để chứng minh cho một hiện thực phũ phàng, rằng người Việt ngày càng quay lưng với sách vở, với sự minh trí của nhân loại. Vậy lẽ nào, tất cả những định giá truyền thống về đức hiếu học, nền văn hiến của người Việt Nam đều là giả dối. Người viết cho rằng, từ xưa đến nay, chúng ta chưa hề hạ thấp vị thế của sách vở nhưng đề cao sách và say mê đọc sách lại là hai việc khác nhau, và chúng ta mới chỉ làm được điều thứ nhất.
Ngưỡng mộ điển trương, sách vở tới mức linh thiêng hóa nó là một xu hướng trong văn hóa Việt. Đi lên từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu với phần lớn dân số mù chữ, chịu ảnh hưởng của Khổng giáo Trung Hoa nên chữ nghĩa, sách bút vốn được người Việt tôn thờ như một tín ngưỡng. Chẳng nói đến những bức thư pháp quý tựa “vật báu ở đời” như chữ ông Huấn Cao trong truyện Nguyễn Tuân mà trong một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc, các cụ nhà ta hễ thấy chữ ở đâu là kính cẩn nâng lên, hóa đi để vàng son không bị nhuốm màu bụi đất. Lấy bối cảnh nông thôn miền Bắc giữa thế kỷ XX, “Cuộc đời của Yến” - bộ phim điện ảnh của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ mới ra mắt khán giả gần đây cũng đi sâu khai thác chi tiết cô vợ quê nâng niu, gìn giữ từng cuốn sách của chồng - một anh giáo làng yêu sách hơn cả yêu vợ. Hình ảnh Yến phơi sách rồi lại tất tưởi cất vào khi trời đổ mưa trở thành một ám ảnh nghệ thuật về thân phận của người phụ nữ.
Cách đây vài năm, đạo diễn Lê Hoàng - một người nổi tiếng vì tài ăn nói đã dính scandal ngồi lên sách trong một buổi tọa đàm. Nhiều người nặng nề cho rằng, đó là hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, kê mông lên tri thức… Nhưng không ít những con mọt sách thực sự lại có dịp tỏ lòng: sách vở suy cho cùng cũng chỉ là giấy mực, người ngồi lên sách chưa chắc đã quay lưng vào sách, người đóng giá sách chục triệu kê trong nhà có khi cả đời chẳng động đến những cuốn sách ấy bao giờ... Những ai đã từng đến phố Đinh Lễ - kinh đô sách cũ hay chỉ đơn giản là mấy hiệu sách gần trường Sư phạm Thái Nguyên sẽ chẳng lấy gì làm lạ với chuyện đôi khi phải ngồi lên sách, dẫm lên cuốn nọ để với cuốn kia bởi sách kê ở khắp mọi nơi: gầm cầu thang, bậc cầu thang, sàn nhà, nóc tủ… Ngồi lên sách, nằm lên sách, thậm chí mang sách vào WC để tranh thủ đọc không quan trọng bằng việc, cuối cùng những kiến thức trong sách vào đầu ta như thế nào. Sách là để đọc, không phải để trang trí, để lưu trữ như một hiện vật bảo tàng để rồi cả thập kỷ chẳng động đến.
Trong các trường tiểu học, bao năm nay, nhà trường vẫn duy trì đều đặn nề nếp kiếm tra sách vở. Những cuốn sách ngay ngắn, sạch tinh như mới, không một nếp quăn mép được tôn vinh. Nhưng thử hỏi những học trò say sưa với sách vở, xem sách như một vật bất ly thân thì những vết tích để lại trên trang sách trắng cũng đáng trọng biết bao. Chắc chắn, trong tủ sách mỗi nhà, cuốn sách mới tinh thơm mùi giấy suốt nhiều năm, là những cuốn sách có số phận hẩm hiu nhất.
Từ một góc nhìn khác, bất cập trong văn hóa đọc của người Việt Nam còn thể hiện ở lối “đọc gạo”, nghĩa là đọc cốt để đối phó, xếp nhanh kiến thức vào một góc “nhớ tạm” trên vỏ não, để rồi đẩy nó ra ngay sau khi vượt qua một buổi thi, nhanh như người ta dọn dẹp mớ tư liệu lôi thôi, vô dụng trên màn hình desktop. Cách đọc này ngày càng phổ biến ở những người trẻ. Thời sinh viên, một người bạn tôi từng khoe thành tích đọc bốn bộ tiểu thuyết kinh điển Trung Quốc chỉ trong 2 đêm trước khi thi vấn đáp. Ấy vậy mà vẫn qua xuất sắc nhờ cái gọi là “nghệ thuật đọc hiểu”. Học sinh phổ thông ngày nay đọc văn, viết văn mà đôi khi không cần đọc hết tác phẩm, chỉ tóm lược ý chính, chọn lọc vài dẫn chứng tiêu biểu. Phải chăng, kỹ năng “đọc hiểu” trong môn ngoại ngữ (chỉ cần hiểu mơ hồ ý chính, từ khóa đủ để trả lời những câu hỏi bên dưới) đã ảnh hưởng đến lối đọc của người trẻ, dù là đọc các tác phẩm văn chương.
Trong môi trường khoa học, tôi đã từng nhận được nhiều bài học về văn hóa đọc. Trong một buổi bảo vệ chuyên đề Tiến sĩ, khi đặt câu hỏi cho nghiên cứu sinh, một vị Giáo sư nổi tiếng đã khiến hội trường ngỡ ngàng khi tất cả các câu hỏi nêu hướng về mục tài liệu tham khảo - phần tưởng như bị quên lãng ở trang cuối cùng của cuốn luận án. Dĩ nhiên, tác giả không thể thuyết minh hết về nội dung các cuốn sách kê trong danh mục bởi theo lẽ thường, rất nhiều người viết chỉ liệt kê công trình tham khảo một cách “minh họa” cho dù “mắt chưa từng ngó”. Một lần khác, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dự một hội nghị khoa học sinh viên ở trường Đại học Khoa học. Được mời lên phát biểu, Giáo sư không nhận xét về các bài tham luận, không kể về các thành tích cá nhân mà hoàn toàn chỉ nói về chuyện đọc sách. Cả hai nhà khoa học trong những câu chuyện trên đây đều không lạc đề hay nhầm lẫn. Họ muốn nhắc nhở những người đi sau về một chân lý thấm thía: Trong khoa học, trước khi hy vọng tìm ra những khám phá mới mẻ thì hãy tiếp thu những thứ đã có bằng việc đọc sách. Đó mới là con người hoàn thiện tri thức bền vững nhất.
Xin chữ đầu xuân rất thành kính nhưng mấy ai hiểu nghĩa những chữ đó
Suối Linh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...