Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
09:30 (GMT +7)

Một góc nhìn khác về các thầy Mo, Then, Tào, Pựt

VNTN - Nhắc tới những thầy Mo, thầy Tào, Then, Pựt... có lẽ nhiều người hiện nay sẽ luôn định kiến cho rằng họ thực hành những hoạt động mang tính chất “mê tín dị đoan”, “hủ tục”, “ma thuật làm hại bằng bùa chú”... Nhưng trên thực tế cho thấy, đây chỉ là một vài cách nhìn nhận mang tính chủ quan hoặc người đánh giá chưa thực sự hiểu về vai trò, địa vị và những mặt tích cực của những người mang trong mình cái nghề “trời ban” này. Qua tiếp xúc với nhiều thầy cúng của các dân tộc khác nhau ở khu vực Thái Nguyên, đặc biệt là người Sán Chỉ ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên, đã cho thấy thầy cúng là những trí thức trong xã hội truyền thống và là người lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc.

Từ xa xưa trong xã hội truyền thống người dân Sán Chỉ, số những người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy, thầy cúng trở thành một tầng lớp hiếm trong các bản làng người dân tộc Sán Chỉ nói riêng và các dân tộc khác nói chung. Nhờ biết chữ, thầy cúng đọc nhiều sách cổ mà họ có kiến thức sâu rộng về lịch sử văn hóa, các tri thức dân gian bản địa của chính dân tộc mình và các dân tộc khác nên họ là một trong những tầng lớp ưu tú trong xã hội.

Một người để làm được “nghề” thầy cúng thì phải có công đức cao, có căn duyên hoặc gia đình có truyền thống, tính tình phải trầm lắng, hiền từ, không mưu cầu quá độ hoặc đố kỵ với kẻ hơn mình. Ngoài ra thầy cúng còn có khả năng bói toán, xem tướng số, cúng tế ma chay, giải hạn. Sống vô tư, liêm chính, không đòi hỏi tiền bạc lễ vật trước khi đi làm cho người dân, hoặc phân biệt tầng lớp xã hội giàu hay nghèo trong xã hội. Mỗi khi nhà ai có việc chỉ cần đến nhà thầy cúng thắp nhang thỉnh, là thầy cúng phải đi (trừ khi thầy đau ốm hoặc đã đi làm đám khác).

Để làm thầy cúng, ngay từ bé những người muốn theo nghề đã phải theo ông hoặc bố, hoặc các thầy của mình để học các kiến thức trong sách cổ và phụ giúp tiến hành các nghi lễ thờ cúng. Người làm nghề thầy cúng thường phải có một đến hai gánh sách cổ chép bằng tay. Mỗi một lần đi cúng, gia đình người mời thầy đến cúng phải cử hai người đến nhà thầy; một người đón thầy và người còn lại thì chở hai thùng sách cùng các công cụ phục vụ cho lễ cúng như trống, phách, thanh la, chũm chọe, tranh thờ...

Công cụ phục vụ cho Lễ cúng của thầy Tào

Trong các sách của thầy cúng có nhiều lĩnh vực được đề cập như sách cúng trong tang ma, hôn lễ, làm nhà, sinh đẻ, chữa bệnh, chiêm tinh học, thổ nhưỡng, âm dương, ngũ hành... Vì vậy, người nào muốn trở thành thầy cúng thì phải là người thông hiểu về địa lý, thiên văn, thuộc nhiều bài cúng, có chất giọng truyền cảm. Ngoài ra người đó cũng phải được thử thách, tôi rèn qua nhiều biến cố, sự kiện quan trọng của bản làng.

Xưa kia, trong xã hội cũ, ngoài già làng, trưởng bản thì thầy cúng là người thứ hai được cộng đồng suy tôn, kính trọng. Các vấn đề mang tính chất tâm linh người dân phải dựa rất nhiều vào kiến thức uyên thâm của thầy cúng, vì vậy họ luôn có uy tín rất cao trong cộng đồng làng và được hưởng một số quyền lợi, ưu tiên nhất định. Mọi công việc có liên quan đến các nghi lễ thờ cúng thì người thầy cúng bao giờ cũng được các gia đình đến xin ý kiến và mời đến đầu tiên, như nghi lễ cúng rừng, cúng giải hạn cho làng... Và thông thường, làm nghề thầy cúng thì sẽ biết về thuật phong thủy, xem ngày giờ, hoặc sẽ biết chữa bệnh bằng các cây thuốc dân gian.

 

Thầy cúng là người hiểu biết nhiều về văn hóa của dân tộc, và vì biết chữ Nho nên họ đã ghi lại được những câu chuyện cổ dân gian, các câu tục ngữ, các làn điệu dân ca của cư dân và truyền lại văn hóa truyền thống cho thế hệ sau. Họ không chỉ là những người phát triển các tôn giáo, tín ngưỡng mà còn có vai trò trong việc bảo tồn, sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian.

Đời sống hiện đại làm con người thay đổi nhiều thành tố văn hóa như cách ăn, mặc, ở và ngôn ngữ… thì những thầy cúng lại dường như ít thay đổi theo thiên hướng hiện đại ấy. Người ta vẫn thấy các thầy cúng Sán Chỉ giản dị trong các ngôi nhà sàn truyền thống làm bằng tre nứa, lợp lá cọ. Họ nói tiếng Việt “lơ lớ”, không biết đi xe máy, hàng ngày chỉ trung thành với chiếc đài nho nhỏ nghe thời sự, nghe hát dân ca, hát then, tiếng dân tộc...

Thầy Tào Trần Tiến Lợi xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa

Vừa giữ gìn văn hóa của tộc người mình qua lối sống hàng ngày, các thầy cúng còn bảo lưu các giá trị văn hóa trong việc lưu giữ các loại sách cúng cổ (có sách lâu đời hàng trăm năm) được ghi chép lại thường xuyên bằng chữ Hán - Nôm và được truyền lại cho các thế hệ sau. Các lời hát, lời khấn nằm trong đó sẽ là một tài sản vô giá khi nghiên cứu sâu hơn về tôn giáo, tín ngưỡng, văn học, ngôn ngữ, lịch sử... Hiện nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đến các gia đình thầy cúng người Sán Chỉ - Định Hóa để sưu tầm, ghi chép các sách cúng cổ. Những chiếc áo của các thầy cúng cũng được trao truyền qua bao thế hệ và giá trị cao trong khía cạnh nghiên cứu về kỹ thuật dệt, may vá, nhuộm màu và hoa văn, họa tiết.

Trí tưởng tượng và sáng tạo văn hóa dân gian của các thầy cúng rất phong phú qua các câu chuyện họ kể về đời sống con người sau khi chết, như đến những nơi nào của địa phủ, chịu những hình phạt nào, qua các cửa ải để đến với thế giới “Tây Phương”… Ngoài ra sự sáng tạo đó còn thể hiện qua việc vẽ hàng loạt các tranh cúng (từ 8 đến 12 bức tranh) bằng tay, và thêu các bức vẽ trên mũ và trên áo của mình.

Có thể còn gọi thầy cúng là những nghệ sĩ dân gian, bởi những kiến thức nghi lễ diễn xướng hay cách biểu diễn của họ trong từng nghi lễ, họ như những nghệ sĩ tài hoa, đa năng. Họ không chỉ là người thuộc hàng trăm các bài văn cúng, mà họ còn biết nhảy múa, hát các bài ca nghi lễ của dân tộc mình. Giống như một diễn viên phải thể hiện nhiều vai cùng lúc, miệng vừa hát theo những giai điệu biến chuyển linh hoạt, mặt vừa diễn theo những cung bậc cảm xúc, tay múa lúc chậm lúc nhanh, chân đi nhạc ngựa lúc khoan lúc nhặt, kết hợp cùng động tác phất quạt, tung gạo, múa chầu… Trong các lần tiến hành các nghi lễ thường các thầy cúng phải làm các công việc nhập - thoát hồn đi vào cõi tâm linh, hát và múa những động tác liên quan tới ma thuật như: cầm kiếm, cầm cờ, pháp trượng điều khiển âm binh, thay mặt nhà Phật để phá ngục giải oan cho các linh hồn...

Có thể nói, dù khoa học phát triển nhưng vai trò của các thầy cúng trong đời sống văn hóa tâm linh hay đời sống hàng ngày là một bộ phận không thể thay thế hay mất đi được. Cùng với già làng, trưởng bản, thầy cúng là những tầng lớp có một vị thế quan trọng trong xã hội. Họ đại diện tiếng nói của quần chúng nhân dân trong việc ứng xử giữa con người với thần linh, con người với xã hội, môi trường tự nhiên xung quanh. Họ là đại diện cho thần linh ban bố những quyền năng, phán quyết đến đời sống người phàm lẫn phần hồn của đồng bào Sán Chỉ, ngược lại, họ cũng là người kết nối mang nguyện vọng, tâm tư của người dân đến các thần linh trong mỗi cuộc nghi lễ của người Sán Chỉ.

 

Nguyễn Văn Tiến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy