Món ngon mẹ làm
Miền núi quê tôi có một nền văn hoá lúa nương. Những hạt gạo chứa đựng trong mình những chắt chiu của đất trời bao la đại ngàn, cả những nhọc nhằn lo toan của mẹ tôi. Dường như những năm tháng tuổi trẻ, mẹ dồn toàn bộ sức lực đời mình vào những ngày mưa nắng để làm ra hạt gạo nuôi nấng chúng tôi nên người. Những món ngon mẹ làm xuất xứ từ hạt ngọc - Hạt gạo của trời chứa chan tình yêu của mẹ đã trở thành món ngon đặc biệt mà khiến cả đời tôi trân quý.
Những món ăn ngày thường cũng như ngày Tết lễ do mẹ làm ra nhiều vô kể. Nhưng có những loại bánh như: bánh khảo, khẩu sil, pẻng khua... thơm lựng mà mẹ chế biến từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo bên bếp lửa ấp iu nồng đượm đã theo tôi từ thời thơ ấu cho đến bây giờ.
Tôi nhớ món bánh khảo của mẹ thuở nào. Tết đến, ngoài cặp bánh chưng xanh được bày trang trọng thì trên bàn thờ tiên tổ gia đình tôi không thể thiếu phong bánh khảo - loại bánh truyền thống mang hương vị rất riêng của dân tộc Tày. Để có được loại bánh khảo thơm ngon, đẹp mắt đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo qua nhiều công đoạn bắt đầu từ sự chuẩn bị cầu kỳ nguyên liệu cho mẻ bánh khảo như: Gạo nếp hoa vàng, mật mía, mỡ gà, nước gừng... Mẹ cần mẫn rang từng mẻ gạo nếp, mẹ bảo: Rang gạo phải cẩn thận vì nếu rang chưa đủ độ chín thì bánh sẽ không đủ độ thơm. Còn nếu rang gạo cháy vàng quá thì bột xay màu sẽ bị sẫm lại, bánh mất mùi thơm. Mùi thơm của bột bánh khảo khi xay mịn bằng cối đá lan tỏa trong gian bếp óng đen bồ hóng, đến bây giờ vẫn còn nguyên trong tâm khảm tôi.
Những miếng đường vàng rộm, giã thật mịn đến khi trộn với bột tạo độ kết dính cao. Mẹ dùng khúc gỗ tròn như cái chày chà đi chà lại cho bột ngấm đường, tơi xốp rồi chọn một góc khuất trong nhà, quét sạch và vảy một chút nước cho có độ ẩm. Mẹ lót vài lớp giấy to bản xuống đất, trải đều bột lên rồi lại lấy giấy phủ lên trên để hạ thổ vài ngày cho bột hút đủ ẩm, ỉu ra mới đem đóng khuôn bánh. Lũ trẻ chúng tôi háo hức chờ đợi những chiếc bánh sau hạ thổ được đóng khuôn cắt thành từng phong nhỏ. Mẹ khéo léo gói bánh lại bằng một lớp giấy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Những chiếc bánh rực rỡ sắc màu nhìn thật ngon mắt. Ăn bánh khảo truyền thống có vị ngọt ngào của đường phên nấu từ mía, vị thơm bùi của bột nếp rang, bánh tan nhẹ nơi đầu lưỡi và còn đọng mãi. Vất vả để có những khay bánh nhưng chưa bao giờ mẹ than phiền. Khi cháu con phương trưởng tỏa đi khắp muôn nơi công tác, học hành, lưng mẹ còng như bông lúa chín già thì những rổ bánh khảo càng cao chất ngất. Mẹ miệt mài làm để trong hành trang xa quê, những đứa con có những chiếc bánh khảo vị quê mang theo.
Tôi nhớ bánh khẩu sli, món ăn gần gũi và thân quen với bao người dân xứ núi. Khẩu sli tiếng địa phương có nghĩa là bánh gạo nếp nổ hay còn gọi là bánh bỏng. Khẩu sli được sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với các công đoạn khác nhau như: Đồ xôi nếp, giã dẹt hạt xôi, phơi, thắng đường phên… Sau khi chế biến, hai lớp bánh dính chặt lấy nhau, ăn giòn tan, lại có vị ngọt của đường phên, vị thơm của bỏng gạo. Cái hương vị lạ lẫm đó khiến cho người ăn một miếng thôi mà vấn vương mãi. Công đoạn nấu xôi để làm khẩu sli là cả một nghệ thuật tinh tế. Gạo nếp phải chọn kĩ, không sạn, không sót một hạt thóc và được giã lại cho hết cám. Cái cảm giác sục bàn tay vào chum gạo mát rười rượi. Vốc nắm gạo lên cao để từng hạt gạo trơn bóng đua nhau chảy qua kẽ tay, để lại nơi bàn tay mùi thơm ngan ngát còn đọng mãi trong tôi.
Gạo được vo kĩ, để ráo rồi ngâm vào nước vài giờ là được. Đồ xôi phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây mới có được mùi vị thơm ngon. Xôi chín đổ ra mẹt, dùng đũa xới đều cho bốc hết hơi nước. Hạt gạo nếp căng mọng như trái chín nhìn đã thèm. Lũ trẻ chúng tôi xúm quanh mẹt xôi thi nhau hà hít hương thơm… Xôi nguội hẳn, lúc ấy mới đem rắc một ít bột thính lên và trộn đều, sao cho chúng không dính vào nhau. Mẹ đem xôi phơi hong trong gió cho se se khô. Xôi giã mà từng hạt xôi dẹp mỏng không dính bết vào nhau mới đạt tiêu chuẩn. Tiếp theo cũng là công đoạn rang xôi trên chảo phết mỡ gà. Những hạt xôi nở phồng tròn căng như reo vui trong mắt trẻ thơ chúng tôi. Mẹ thắng đường mật đến độ kết dính trút bỏng vào chảo. Đảo thật nhanh tay và đổ khẩu sil ra mâm dùng chai thủy tinh cán nhẹ, đều. Miếng khẩu sil giòn tan trong miệng khiến tôi cảm phục sự đảm đang khéo léo của mẹ. Mẹ bảo tất cả các công đoạn này đều được học từ kinh nghiệm của bà ngoại và biết cách làm từ 18 tuổi. Phụ nữ Tày khéo tay hay không, chỉ cần xem cách đồ xôi, khâu vá thêu thùa là biết.
Pẻng khua theo tiếng Tày có nghĩa là “Bánh cười”. Nguyên liệu chính để làm pẻng khua là gạo nếp cái hoa vàng ngâm với nước tro của cả chục thứ cây như: Rau dền, mướp, vừng, chuối hột, cây cọc rào... Gạo được ngâm qua một đêm đem đồ thành xôi. Xôi chín được đổ ra cối giã nhuyễn đến khi dẻo, đổ ra nong cán thật mỏng và cắt thành miếng nhỏ rồi phơi bánh trong râm để bánh khô dần mà không bị nứt. Khi chế biến Pẻng khua, dùng mỡ chao cho bánh nở phồng sau đó mới thắng đường. Bánh đã chao phồng đổ vào chảo đường đảo đều để lớp đường mật phủ ngoài bánh thành một lớp mỏng màu vàng mật. Tôi nhớ mẹ kể: Những người làm bánh cho rằng tiếng cười khúc khích con gái trở thành một thứ bí quyết giống như là một câu thần chú làm cho bánh nở phồng to. Pẻng khua chưa ăn đã thấy vui. Bánh không chỉ ngon thơm mà còn cầu mong người thưởng bánh có hạnh phúc viên mãn...
Món ngon mẹ làm khiến cho ngôi nhà nơi đại ngàn giăng phủ đầy sương chật ních tiếng cười, chộn rộn ấm áp hẳn lên vì đó là dịp gia đình tôi được quây quần, sẻ chia, vui chơi với gia đình, bạn bè, làng xóm, quê hương. Tôi không thể nào quên được không khí những lúc làm bánh người lớn vừa làm vừa chuyện trò đối đáp giao duyên, câu Sli câu lượn mượt mà bay bổng. Tay mẹ và tay các sơn nữ Tày làm bánh thoăn thoắt điệu nghệ. Đêm về trong vòng tay mẹ, tôi dần chìm sâu vào giấc ngủ mà bên tai tôi vẫn vẳng đâu đây tiếng chày thì thùm giã bánh, bóng dáng mẹ ẩn hiện vung chày nhịp nhàng như múa.
Dẫu đi muôn nẻo đường đời, món ngon từ hạt ngọc ấm áp tình mẹ đọng mãi trong tâm hồn tôi. Đây cũng là thứ bánh để tôi - người con gái Tày xa xứ luôn nhớ về quê hương, nguồn cội.
Lã Thị Thông
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...