Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
15:37 (GMT +7)

Mé nhì

Hoài không nhìn đồng hồ, nhưng anh nghĩ còn khá lâu nữa trời mới sáng. Nằm bên quàn, Hoài nghe tiếng gà rừng ở quả đồi Cốc Khuông gáy eo óc, lâu chẳng thấy lũ gà nhà đáp lại. Vậy là thời gian của pa còn ở trong cái nhà này còn rất ít. Trước mặt anh, bàn hương án của thầy tào khói hương cháy nghi ngút. Hai cái ống hương ở hai đầu quàn hương luôn cháy đỏ. Thỉnh thoảng chú Mà, em trai Hoài lại châm một điếu thuốc lá cắm vào ống hương. Mà tiếp bước pa, miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá. Mỗi lần đến nhà, Hoài nghe mé nhì (mẹ hai) ngao ngán “nhà này sợ tiệt nòi người nghiện hút hay sao mà bố con thi nhau đốt tiền thế. Đâu đâu cũng đầu tàn thuốc lá”. Cho đến những ngày cuối đời pa vẫn đòi hút thuốc. Hoài nghĩ pa đã hút hàng vạn điếu thuốc, đã đưa vào cơ thể bao nhiêu chất độc hại cho cơ thể. Nhiều năm trước pa phải vào viện điều trị bệnh lao phổi, bác sỹ dặn ông không được hút thuốc lá, nhưng vì thèm quá pa đã lén ra sau tòa nhà bệnh viện châm lửa hút thuốc. Pa lén hút thuốc bị bác sỹ bắt tại trận. Hoài bị quở trách vì không ngăn được bệnh nhân.

Mé nhì
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Hoài là người ghét thuốc lá, khó chịu khi phải ngửi khói thuốc lá, làm sao anh có thể đi mua thuốc về cho pa hút được. Lời quy kết của bác sỹ làm Hoài cảm thấy tức anh ách, nhưng không biết phải giải thích ra sao với vị bác sỹ nổi tiếng nghiêm khắc nhất bệnh viện. Điều làm anh nhớ mãi. Bây giờ pa không còn, con trai túc trực ở bên trái, con gái, con dâu túc trực bên phải. Các con đang quây quần bên pa, các con ngủ đắp chăn, pa nằm trong quan tài, ngăn cách với các con bằng những tấm gỗ nghiến đóng chặt, bởi những cái đinh mười và keo. Mấy hôm túc trực bên pa, Hoài không ngủ được. Thi thoảng anh chợp mắt được một lát, rồi tỉnh. Mấy hôm pa chẳng hiện về báo mộng với con cháu, không biết pa còn điều gì dặn dò, còn cái gì mà con cháu chưa làm cho pa không? Hoài biết pa không yên tâm khi phải lìa xa trần đời. Những lần nói chuyện với pa lúc người còn khỏe mạnh, anh hiểu được điều đó.

“Phi (anh) ơi, lần này nữa âm dương cách biệt rồi. Từ nay em biết trông chờ vào đâu nữa. Trưa, chiều em đi làm về chẳng còn ai nhóm lửa, thổi cơm đợi về cùng ăn. Con thì bước chân vào vũng lầy không biết ngày nào dứt ra được. Phi nhắm mắt đi về với ông bà, để em một mình bơ vơ như cây mảy ỏ mọc lên từ khe đá, nơi chỏm đá trong hồ nước mênh mông, gió đến nghiêng ngả chẳng biết nương tựa vào đâu được. Không biết có còn ai có số khổ như em nữa hay không phi ới”. Hoài đang thiêm thiếp ngủ, nghe được lời khóc than tận đáy lòng của mé nhì, liền tỉnh hẳn. Nghe mé khóc, tự nhiên nước mắt Hoài cũng trào ra từ lúc nào không hay. Hoài không ghét mé nhì, dù mé đến cướp chồng của mé ruột Hoài. Pa từng nói với Hoài “tu nhân tích đức trời dành phần cho”. Bà ngoại chỉ có mình mẹ, từ nhỏ Hoài đã sống ở bên ngoại, một năm chỉ có vài ba lần đến với pa, mé nhì và các em. Những lần Hoài xuống, mé và các em đối xử tốt với thằng con vợ cả. Có cái gì mé cũng chia phần, thành thử Hoài cũng cảm thấy mình không bị lạc lõng trong căn nhà này. Từ hôm pa nằm xuống, Hoài chỉ nghe con dâu, con gái khóc gọi pa khi thầy làm lễ cúng cơm bữa, anh chưa nghe mé nhì gọi chồng. Cho đến những phút cuối cùng pa còn được ở dưới mái nhà mé mới khóc. Dường như nỗi uất nghẹn, nhung nhớ đã được mé dồn vào bữa khóc cuối này. Hoài cảm thấy thời gian như dừng lại trước những lời khóc than thê thiết của người đàn bà góa chồng.

Những giọt nước mắt tuôn rơi. Mé khóc ma pa, hay mé khóc cho thân phận của mình? Nước mắt như dòng suối nhỏ âm ỉ chảy nhưng giọng của mé thì đã khàn đi bởi những ngày buồn không ăn uống. Con dâu, con gái vỗ về, mé mới dừng khóc. Hoài chỉ còn nghe thấy tiếng mé nấc hừ hự. Sau tiếng khóc của mé, một sự im lặng kéo dài. Hoài vội nhìn Mà, mặt nó không chút biểu cảm. Mà vẫn thản nhiên hút thuốc, nhả khói dày đặc. Không biết những lời than khóc của mé có làm lòng nó có chút lay động? Hoài không biết, anh cũng chẳng muốn biết. Hoài đã khuyên em nhiều lần, nhưng nó không để những lời nói của anh vào tai. “Anh khuyên em thật lòng không? Em như này anh phải vui mừng mới đúng chứ? Sẽ không có người con gái nào lại tự đưa chân mình vào ống đũa, chấp nhận lấy thằng nghiện làm chồng. Em bị tuyệt đường con cái, gia tài, đất đai sẽ thuộc về anh. Anh không muốn như vậy à?”. Mà nói một hơi dài, không nhìn vào mặt anh trai. Hoài ức lắm, chỉ nói được một câu “chú đừng lấy bụng ta suy ra bụng người”. Anh buồn chẳng muốn nói gì thêm nữa.

***

Mé nhì mệnh khổ hơn mé Hoài. Mé với pa sống ly thân chứ không ly dị. Có lần pa bảo “tao lấy được vợ mới, còn mày thì không lấy được chồng”. Mé không đáp lời pa. Mé ở vậy nuôi ông bà ngoại và Hoài, không tính đi bước nữa. “Thành là thành lần nhất, không thành thì bảy lần lữa cũng lỡ dở không thành con ạ”. Mé cũng muốn đi lấy chồng, nhiều người vẫn đến hỏi mé. Nhưng mé sợ con mày con tao lắm. Sau này khi Hoài lớn lên mé mới nói với anh như vậy. Mé thật sự hy sinh vì con, vì pá mé, vì cái nhà này nhiều lắm. Mé đã nén cái khát khao của mình, chôn chặt trong lòng. Cũng có lúc mé nghĩ đến pa bởi những lời xúi giục của những người đàn bà: “mày với pa thằng Hoài đã ly dị đâu mà để yên cho con đàn bà đó đến cướp chồng mình dễ dàng như vậy? Phải đến nhà đánh ghen, xé quần, cắt tóc để hả cơn giận chứ?”. Mé chỉ im lặng. Đánh ghen thì sao? Nếu người đàn bà đó không quấn lấy pa thằng Hoài thì liệu ông ấy có chịu về cái nhà này không? Pa nó chẳng bảo không chịu về ở rể vì mẹ vợ khó tính còn gì. Tôi có con, có nhà cửa để ở, có đất đai, vườn tược để cày cấy, không lo thiếu cái ăn, cái mặc thì việc gì phải đi tranh giành làm gì? Thằng Hoài cũng không bao giờ đến ở cái làng đó. Đường sá đi lại thì khó khăn, đất đai toàn ruộng bậc thang, một đám dài uốn lượn cả quả đồi. Ruộng chỉ một mặt cấy là hết mà dài hết buổi chưa xong. Một mặt cấy bảy cây mạ mà đến mỏi cái lưng mà đám ruộng bậc thang vẫn dài xa tít. Việc phát cỏ, be bờ cũng tốn rất nhiều công sức mà chẳng thu được bao nhiêu thóc.

Mé nhì về với pa cũng bởi chẳng còn nơi nào để đi nữa. Gặp phải người chồng suốt ngày say rượu, suốt ngày gây sự, đánh vợ con, bữa cơm chan đầy nước mắt thì bao giờ mới hết kiếp sống của con người. Mé không thể quay về nhà ngoại, nhà đông anh em, đất đai chia ra chỉ làm đủ ăn. Con gái đã gả chồng sao có thể quay về chia đất đai, nhà cửa với anh em trai được? Không thể sống với người chồng hằng ngày chỉ biết đến rượu, chẳng màng đến ruộng nương, tay không động đến con dao quắm, cái cuốc thì lấy cái gì bỏ vào miệng? Phải ní đíp (chạy sống) thôi, không thể chịu thêm được nữa? Nhưng đi đâu được bây giờ? Ba mẹ con trong túi chẳng có tiền thì chẳng khác gì bước chân đi đụng phải tảng đá cao chắn đường. Gặp được pa Hoài mé nhì như kẻ sắp chết đuối vớ được cái cọc. Ngày mé nhì về nhà với pa có một sự khác lạ. Người ta dâu ra cửa vào ban ngày thì mé đi làm dâu vào giờ Dậu. Người nhà mé nhì lo sợ mé Hoài tổ chức người phá đám trên đường đi nên phải chọn giờ đấy.

Hai đứa con gái, đứa lớn lẽo đẽo theo người lớn, đứa nhỏ ẵm ngửa trên tay người thân đi về nơi ở mới. Những chuyện đó sau này mé nhì tự nói với Hoài, khi thằng em cùng cha khác mẹ đã ngày càng lún sâu vào vũng lầy đen nhơ nhớp. Mé những tưởng đến với pa sẽ ổn cái thân, hai đứa con gái sẽ có được một gia đình có pa có mé. Những năm tháng đầu về bản Nà Pia, pa Hoài là một người dang rộng vòng tay đón mé, pa không chê mé đã qua một lần đò, không ghét bỏ hai đứa con gái còn thơ dại. Pa Hoài yêu thương hai đứa con gái như con đẻ của mình. Người ta đào ao thả cá, đem cá về nuôi tốn bao công sức chưa chắc đã nuôi được, nhưng đây một lúc được hai đứa con, chỉ vài ba năm nữa thôi nó sẽ giúp được việc cấy lúa, hái củi cho pa mé. Chính pa Hoài đã lên xã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho hai đứa con gái theo dòng họ Ma. Pa Hoài muốn mé và cả hai đứa con không còn liên quan gì đến dòng họ Thiếm nữa.

Mé nhì
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Mé nhì vui mừng khi hai đứa con chung với pa lần lượt ra đời. Mé mừng thầm khi nhiều năm qua mé Hoài cũng không tìm kiếm gây sự. Trong lòng mé nhì thầm cảm ơn mé Hoài. Mé biết pa và mé Hoài chỉ sống ly thân chứ chưa hề ra tòa ly dị. Mé đến với pa, đem theo cả hai đứa con riêng, nếu mé Hoài làm đơn kiện mé sẽ thua vì tội cướp chồng, phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Lúc đó mé sẽ đi đâu, về đâu? Về lại bên ngoại ư? Lần trước về mé đã chịu bao nhiêu cực khổ rồi. Mé không dám nghĩ đến nữa. Mé như cái cây người ta bứng về trồng mà rễ chưa bám được vào đất. Cho đến khi có hai đứa con chung mé như cái cây rễ đã bén, lá bắt đầu xanh mát. Thỉnh thoảng ra chợ mé vẫn gặp mé Hoài, nhưng chỉ dám nhìn từ xa không dám chào hỏi. Mé có thể nói gì đây? Mé là người đến cướp chồng người ta mà. Mé Hoài có tha thứ cho tội của mé không? Nhiều lần mé tự hỏi lòng như thế. Mé là người sai thì đâu dám mở lời xin tha thứ. Nhưng mé Hoài là người có tấm lòng rộng như Lũng Vài. Sau này khi đã nói chuyện được với mé Hoài, mé mới biết con à. Mé Hoài chưa bao giờ có ý định gây sự với mé, từ cái ngày mé về làm dâu. Mé Hoài nói cả đời này mé sẽ không bao giờ bước chân đến Nà Pia thêm một lần nữa. Và quả thực cho đến khi pa nằm xuống mé Hoài cũng không đặt bước chân vào làng. Mé bảo đất đai trên này làm còn không xuể, đám nào cũng to như một nửa trời thì việc gì phải đi tranh giành với mé con Lượng những đám ruộng bậc thang và ngôi nhà sàn bốn bề thông thốc gió. Mé Lượng và các con có sức thì làm mà ăn thôi.

Mé cũng không ngờ mé Hoài là một người tốt như thế. Với mé, mé Hoài là một người chị, một người chị tốt bụng luôn bao dung với đứa em tội nghiệp. Mé cũng không biết hai mé thân thiết như hai chị em tự bao giờ. Ngày mùa mé và các em đến giúp mẹ con nhà Hoài từ việc gieo trồng đến cấy hái. Người hai làng thấy hai người hòa thuận thì khen pa “ông Páo thế mà giỏi, hai bà vợ và cả những người con đều yêu thương nhau, giúp đỡ nhau làm tất thảy mọi công việc”. Mé bảo bên nào cũng lo, đầu nào cũng đắp, đắp cho hai bên đủ đầy, không rách rưới, đói khổ là trách nhiệm của những người làm mé. Thế đấy Hoài à. Có được một người chị như thế mé còn mong gì hơn ở cuộc đời này? Nhưng cái số của mé không được hưởng hạnh phúc Hoài à. Không nói con cũng rõ rồi. Em Mà sướng mà không biết sướng, đường quang, đường lớn không đi, lại đưa chân vào bụi rậm. Có lẽ ngày mé về với pa chúng mày nó chẳng thể lo được đâu, mé chỉ trông cậy vào vợ chồng con và mấy chị của nó thôi.

Mé nhì nói với Hoài, rồi nước mắt trào ra. Hoài biết mé nói ra những lời này, mé đã ngẫm nghĩ chín lắm rồi. Mé chẳng còn trông chờ chú Mà quay đầu về con đường rộng thênh thang lúc ban đầu. Nói ra những lời này với người con trai con vợ cả, mé đã phải suy nghĩ nhiều lắm. Không biết cái lòng dạ của vợ chồng Hoài có đủ rộng để thứ tha cho người đến cướp chồng, cướp pa như mé không? Mé nhớ có lần pa thằng Hoài đã từng nói “thằng Hoài là người nóng tính, nhưng cái nóng tính của nó giống như ngọn lửa đang cháy thì gặp cơn mưa lớn. Khi nó nghe được những lời nói có lý, dễ nghe và thật lòng thì nó sẵn sàng lắng nghe và bỏ qua tất cả lỗi lầm cho những người gây ra. Tính tình của nó thể hiện trên tám chữ mệnh của nó cả rồi”. Pa Hoài không phải là thầy tào, nhưng ông biết chữ nho, biết cân mệnh của người. Hoài là người nóng tính, nhưng là người không bao giờ đối ác với người khác. Thường thì nó hay nhẫn nhục và nhận phần thiệt về mình. Giá như thằng Mà được một phần nhỏ của anh nó thì tốt, đằng này… pa không nói hết câu, nhưng nhìn vào mắt pa chúng mày, mé hiểu ông rất buồn. Mỗi người một mệnh, Mẹ Hoa ban cho nó số phận như thế thì làm sao có thể hoán cải được.

Dòng suy nghĩ, hồi tưởng của Hoài không làm thời gian lắng đọng trong làn khói trắng tang thương. Những lời khóc thống thiết của mé nhì thẫm như dòng nước khi người đang khát gặp được mó nước sạch. Có phải mé khóc để cho chú Mà nghe thấy mà thức tỉnh từ trong ý thức tăm tối của một cái đầu nghĩ ngắn, quyết làm lại cuộc đời. Thật lòng Hoài mong thằng em thức tỉnh u mê lo cho gia đình. Vợ chồng anh đâu thể chăm lo tốt cho cả hai gia đình được. Đất đai nhiều làm một bên gia đình đã thấy mệt rồi. Càng già sức ì càng lớn, chỉ muốn nghỉ, chẳng muốn đi. Hồi trẻ dù mệt đến đâu, ăn uống vào là lấy lại được sức, khi có tuổi ăn vào là chẳng muốn đi nữa. Mới nữa cuộc đời mà Hoài còn cảm thấy như thế, nói gì đến mé nhì bao công việc nặng nhẹ đều qua tay, qua vai thì mỗi năm không có vài ba trận ốm nặng mới lạ. Không có vợ Hoài kiên quyết đưa mé đi viện, có lẽ mé đã đi trước pa từ hai năm trước rồi. Mé cứ cương quyết ở nhà, tìm thuốc lá cây về đun uống, lót nằm, nhưng bệnh ngày một nặng. Mới đó mà mé chỉ còn da bọc xương. Những người hàng xóm đến thăm tỏ ra ái ngại “không biết bá Điện có còn qua khỏi đận này không?”. Nhìn thấy mé chỉ còn da bọc xương vợ Hoài trách mé và đứa em gái không gọi điện báo cho vợ chồng con cả được biết. Mé không thể coi chúng con là người ngoài được. Mùa vụ thì sao, công việc thì làm cả năm không bao giờ hết được. Mé phải đi viện ngay, không thể ở nhà như thế này được. Chúng con sẽ thay nhau chăm sóc mé, mé không phải lo nghĩ nhiều, tiền nong chúng con sẽ lo…

Tiếng nai tác trên đồi sau nhà cắt dòng suy tưởng của Hoài. Mấy ông thầy tào nhấp nhổm trở mình. Có lẽ thời gian không còn nhiều, đã đến lúc dậy để làm những thủ tục cuối cùng trước khi đưa pa ra đồng. Đây là những giờ phút cuối cùng của pa còn lại với con cháu. Đồ dùng của pa người nhà đã chuẩn bị đầy đủ cả rồi. Tất cả sẽ đem theo ra mộ đốt hóa theo những cây hương hoa, tiền giấy. Chẳng biết mé nhì có còn để sót thứ gì của pa, đưa vào bao tải để gánh ra đồng theo không? Hoài nghe người ta nói nếu của người chết không gửi hết thì hồn người đó sẽ về đòi người sống làm cho gia đình lục đục, cuộc sống sẽ không có được ngày bình an. Đồ dùng của pa lúc còn sống phải hóa cho hết, để linh hồn pa ở bên kia có cái mà dùng.

Tiếng trống, tiếng chiêng, phèng la mỗi lúc một dồn dập. Bốn người đàn ông lực lưỡng được trưởng làng cắt cử đứng vào bốn góc quan tài, nhận mỗi người một cái túi trong đó chứa ba nắm gạo và hai mươi ngàn đồng tiền lộc cho vào túi quần. Hoài nghe người già nói gạo trên khá ki quan tài đem về làm cháo cho trẻ nhỏ ăn sẽ được mạnh khỏe, quanh năm không ốm vặt. Hoài cũng đã nhiều lần được phân công vào khá ki mỗi khi đi khiêng đám trong làng. Mỗi lần đem gạo đó về mẹ Hoài thường làm cháo thịt băm cho hai thằng cháu ăn. Hai cháu chẳng bao giờ biết đến bệnh viện, mũi tiêm hay viên thuốc uống.

Hoài và em trai đứng dậy đi ra trước cửa, thầy tào đang làm bài khấn, cây phướn trên tay thầy làm dấu xua con gà, con vịt đặt trước quan tài. Con vịt sẽ đưa linh hồn bố vượt biển, con gà đưa hồn bố vượt hồ, hai con vật thân thiết với con người sẽ đưa đường dẫn lối người chết đi đến được với tổ tiên. Xong bài khấn thầy bảo hai người phục vụ hương khói cất đi để chiều đưa về nhà cho thầy. Tiếng trống, phèng la, chiêng giục nhanh hơn, thầy tào nín thở, bước nhanh vòng quanh quan tài. Ba vòng xuôi, ba vòng ngược rồi thầy đứng trước đầu quan tài tay cầm ba nén hương đang cháy rực làm động tác viết chữ trên bát nước được bịt kín bằng tờ giấy bản. Xong thầy dùng ba cây hương đâm rách tờ giấy bản, tay phải thầy cầm bát nước lên hớp một ngụm nhỏ, viết ba chữ lên không trung rồi thầy thổi phù một cái, tay thầy ra hiệu cho bốn người đàn ông khỏe mạnh nhấc quan tài lên di chuyển ra khỏi nhà.

Hoài quỳ phục trên bậc cửa nhưng anh vẫn hình dung được từng động tác, cử chỉ của thầy tào. Thằng em đang quỳ trên cái lát. Anh em Hoài sẽ quỳ sáu lần ba lần hướng mặt vào nhà, ba lần quay sau quay lưng về nhà. Người làng sẽ khiêng pa qua trên hai người con trai. Những thủ tục cuối cùng của con đối với pa, mé khi qua đời. Hoài là người cầm chén lẩu phiac (rượu tiễn biệt) trước tiên, mé nhì là người cầm chén rượu cuối cùng. Sau khi hất rượu qua vai, mé bước thẳng lên nhà không được ngoái nhìn về phía quan tài. Xưa nay không có chuyện chồng, vợ tiễn nhau ra đến huyệt mộ bao giờ. Mé chỉ tiễn pa đến dưới chân nhà sàn. Nghĩa vợ chồng dù có sâu sắc mặn nồng đến đâu cũng chỉ đến chân nhà sàn thôi.

Ngày làm lễ nhuộm khăn, áo quần, mé làm bụt, mời họ hàng thân thích đến ăn cơm. Trong ngày lễ quan trọng này mé mời cả trưởng làng và trưởng họ đến làm thủ tục bàn giao, phân chia tài sản theo di nguyện của pa, khi sống pa chưa hoàn thành với các con.

Hôm nay tròn một trăm ngày pa chúng mày đi xa. Mé bắt đầu việc quan trọng mà pa chưa làm lúc còn sống. Lời của mé nói ra cả căn nhà im phăng phắc. Bàn tổ tôm vui cũng dừng đánh bài. Chú Lạng, con trai trưởng họ, công an viên xóm đang chấp bút theo ý và lời văn của trưởng họ.

Thưa trưởng làng, trưởng họ và các cô, chú, bác trong họ. Hồi còn sống pa thằng Hoài đã có ý định phân chia tài sản cho con cháu. Nhưng lần lữa mãi không làm được. Khi còn tỉnh táo pa chúng nó dặn khi tròn một trăm ngày pa nó đi xa mé nó phải phân chia tài sản cho hai con một cách rạch ròi. Ruộng nương dù ít dù nhiều, đám to hay đám nhỏ, đám vuông vắn hay dài theo chân đồi cũng phải đem ra chia. Con Mà sinh ra, lớn lên ở đất này, con Hoài ở với chị cả có nhà có cửa, ruộng vườn bên đó rồi, thì ngôi nhà này để Mà hưởng không chia nữa. Hoài và các con có ý kiến gì không? Nghe những lời nói của mé, anh biết mé là người rất tôn trọng con cái. Vợ chồng Hoài không có ý kiến gì. Trưởng làng và trưởng họ cũng cho rằng mé chia như thế là hợp lý, hợp tình. Mé biết là mé nói thế, chứ thằng Hoài đang ở ngôi nhà ba tầng lại đi tranh giành ngôi nhà gỗ ọp ẹp xiêu vẹo với em. Mỗi khi nhà có việc hiếu người làng lại phải chặt cây mai về chống đỡ vì sợ đông người nhà sẽ sập xuống. Việc nhà cửa đã xong. Đến phần đất cát. Mà ở đất tổ tiên, tiếp nối tông đường nên được quyền chọn những đám ruộng đất tốt hơn, đám nương ở gần đường hơn. Mà sẽ chọn những đám ruộng nương cho mình, còn lại sẽ thuộc về Hoài. Các con phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra lựa chọn, đây là lần duy nhất mé chia tài sản cho các con. Hôm nay có đông đủ các con trai, gái, các bác trong họ chứng kiến trong việc bàn giao tài sản, sau này không được ai thắc mắc, đòi phân chia lại nữa đâu nhé.

Chú Lạng đã chấp bút xong đọc to lên mọi người cùng nghe. Không còn ai có ý kiến thì cùng ký vào biên bản phân chia tài sản việc coi như hoàn thành. Văn bản này được lập thành ba bản có giá trị như nhau. Một bản giao cho Hoài, một bản Mà cất giữ, một bản sẽ hóa theo giấy tiền vàng cho pa, để pa ở bên đó cũng biết được việc làm cao cả của mé.

Ký tên vào biên bản bàn giao xong Hoài nói, cảm ơn mé đã phân chia tài sản cho các con. Vậy là con có hai phần đất ở hai nơi, đất bên nhà con cũng làm đủ ăn mé và các bác, các chú ạ. Đất mé vừa chia cho con mé và chú Mà cứ tiếp tục canh tác. Mé, chú Mà không làm xuể thì cho cô Niệm làm cũng được. Vợ chồng con có lẽ không thể về trồng cấy được, vì phải làm đất bên đó. Nghe Hoài nói vậy, chú Đương, một người em trong họ đang ngồi đánh tổ tôm nói vui. Anh Mà một thân nghiện ngày chỉ lo tìm thuốc, chứ không lo làm đất đâu anh Hoài ơi. Anh nói như thế là làm khổ anh Mà rồi. Đương vừa nói vừa cười. Mà cũng cười, nhưng nụ cười của nó như đang mếu. Hoài nhớ có lần mé đã từng nói trước mặt hai người. Mé chia thì chia vậy, Mà nhận vậy, nhưng thân Mà còn lo chưa xong, không vợ con, rồi tuổi già sau này cũng đến lượt hai cháu (con Hoài) lo thôi. Đất đai cũng sẽ thuộc về các cháu chứ đi đâu được. Đất đai tổ tiên để lại truyền từ đời này qua đời khác, mày không thể bán để lấy tiền hút hít được. Trong biên bản phân chia tài sản mé đã buộc Mà chấp nhận có một câu như thế.

Đưa giấy tờ cho từng người, chú Lạng nói thêm một câu. Hôm nay bá đã làm xong được một việc lớn, điều mà lúc còn sống bác đã chưa làm được. Giấy tờ này về phía gia đình, dòng họ đã xong. Nhưng để kế thừa một cách hợp pháp thì hai anh em và bá cầm giấy này cùng với sổ đỏ vẫn còn đứng tên bác đến xã làm thủ tục phân tách cho con cái nữa là được.

Hoài cảm ơn lời nhắc nhở của chú. Hoài sẽ lên xã sớm. Nói xong Hoài mời các bác, các chú chén rượu ngô thơm nồng. Xong Hoài cầm ấm đến rót vào bàn thờ pa một chén nước chè. Bà bụt ra hiệu cho người phục vụ đốt tiền giấy, vàng mã cho pa. Tờ giấy phân chia tài sản cũng được đốt theo. Hoài nhìn vào di ảnh của pa. Anh nhớ đến hình ảnh pa trước lúc đưa vào quan tài mà đôi mắt pa vẫn mở trừng, miệng không ngậm kín lại. Dẫu con trai, con gái thay nhau vuốt pa vẫn không chịu nhắm mắt xuôi tay. Cho đến khi Hoài thầm nói “pa không thể tiếp tục sinh sống với chúng con được thì hãy nhắm mắt mà đi nhé. Còn mé nhì thì pa không phải lo lắng đâu. Con và vợ sẽ chăm sóc mé, không bỏ mé đâu”. Nói xong Hoài nín thở dùng bàn tay cò thơm mùi nước lá bưởi vuốt xuôi vuốt ngược ba lần mắt pa liền nhắm lại, miệng cũng ngậm chặt như người đang ngủ say giấc. Lời nói của Hoài mé nghe được, Mà và mấy đứa em gái cũng nghe được. Có lẽ pa cũng nghe được. Thì ra pa không yên tâm ra đi vì lo cho mé không biết những ngày tháng sau này sẽ ra sao? Có ăn, có ở được với người con bất hiếu hay không? Hằng ngày nó chỉ lo sao kiếm được thuốc về hít, đâu cần biết đến mé làm việc nặng nhọc, vất vả đến thế nào, mé đã ăn cơm hay chưa? Đã từ lâu pa không nói chuyện với Mà, hai người ở nhà mà cứ như hai pho tượng đá, người ngồi bất động trên giường, người đang ngồi sát dí mắt vào màn hình ti vi. Giờ nơi đặt ti vi là nơi đặt bàn thờ của pa. Cái di ảnh đặt đúng vào vị trí đặt cái đầu thu mà hằng ngày pa vẫn bấm nút bật tắt mỗi ngày.

Hoài đứng trước bàn thờ pa hồi lâu. Hình như pa đang mỉm cười với anh. Miệng pa mấp máy như đang nói chuyện với con về một việc gì đó quan trọng lắm…

Thung Huê, tháng 4/2024

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 4 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 5 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 1 tuần trước