Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:26 (GMT +7)

Mảnh vườn xanh

Truyện ngắn. Nguyễn Thị Minh Thắng

Trên cánh đồng rau lốm đốm xanh, loang lổ chút nắng, chị Liều đang cố nhổ hết đám cỏ mới đứng dậy. Trên bờ, chị đã để sẵn bình thuốc sâu. Chị bịt thêm cái khăn cho kín mặt, mặc thêm cái áo mưa rồi khoác bình thuốc lên vai. Một tay chị kéo chiếc cần bơm, tay kia giữ vòi phun, những tia thuốc li ti như làn mưa bụi phủ lên luống rau xanh một lớp trắng mờ. Chị sải chân bước vòng quanh bờ ruộng, theo lối xoáy trôn ốc, dồn lũ cào cào vào giữa đám ruộng. Chúng bay dạt lên, vần vũ như bầy ong vỡ tổ. Chị lia vòi phun, lũ cào cào rơi rào rào:

- Nào thì chết đi, chết đi, đồ phá hoại. - Chị tức tối.

Không tức sao được. Bởi, chiều tối qua trước khi bước chân về chị còn ngoái lại nhìn ruộng rau xanh non mơn mởn, ngút ngát trong gió chiều nhè nhẹ. Chị khấp khởi. Nào tiền thuốc cho chồng, tiền học cho con, tiền ăn,… đều trông vào đấy cả. Chà, nhiều thứ tiền quá mà đám rau thì bán được mấy. Nhưng thôi, chị nén tiếng thở dài, tự trấn an mình “cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần”, được phần nào đỡ phần ấy.

Vậy mà sáng nay vừa bước chân đến, thấy ruộng rau bị lũ cào cào đá tan hoang, chị phát khóc! Đứng ngây một lúc như vừa bị móc túi, chị quày quả chạy ra cửa hàng vật tư nông nghiệp.

- Mà cũng tại cái ông chồng - chị hậm hực nghĩ - không dưng dở chứng ôm vợ rồi nhẹ nhàng nâng đầu chị đặt lên cánh tay mình, thủ thỉ: “Anh biết, anh ốm đau không giúp được gì cho em. Mọi công việc nặng nhẹ đều dồn lên đôi vai của em. Nhưng mà, anh và đồng đội chiến đấu hy sinh cũng vì sự bình yên của mọi người…”. Chuyện gì mà rào đón vậy ta? Chị nghĩ thầm. “…Dù xung quanh, nhà nào cũng đã phun thuốc trừ sâu. Ruộng rau nhà mình ở giữa ngang làm mồi cho chúng. Nhưng, xin em đừng phun thuốc. Làm thế trước là hại mình sau mới hại đến khách hàng…”. Anh nói nhiều nhưng chị đã ngủ, ngủ thin thít như đứa trẻ trên cánh tay gầy guộc của anh.

Sáng dậy, thấy chị chuẩn bị ra đồng. Anh dặn với: “Em nhớ đừng phun thuốc nhé!”. Chị “vâng!” rồi lặng lẽ đi. Chỉ tại anh gàn chị nên giờ mới đến nông nỗi này. Giờ, chị không thể chần chừ thêm được nữa.

***

Anh vẫn coi chị như con bé thủa nào, tóc đỏ hoe, buộc túm lên đỉnh đầu chỏng trơ như đuôi gà, da cháy sạm khét nắng, ngày ngày, lẽo đẽo theo anh đi học. Lúc nào cũng khép nép, sợ sệt, bàn tay bé tí, bíu chặt vào áo anh mỗi khi lũ trẻ “lêu! lêu!...”. Cứ thế, anh chị lớn dần bên nhau, rồi thành vợ, thành chồng.

Anh nhập ngũ, được hai năm thì bẵng tin. Sau giải phóng miền Nam, một số người khoác áo lính lần lượt trở về. Còn anh vẫn biệt tăm. 5 năm sau, người làng vào Đắc Lắc làm ăn, tình cờ họ gặp anh rồi đưa anh về. Nhìn thấy anh, chị thảng thốt, ngây dại. “Có phải anh đấy không?” Chị chạy tới đổ gục lên vai anh. Anh ghẻ lạnh đẩy chị ra và nhìn chị bằng đôi mắt xa lạ. Chị òa khóc nức nở, nước mắt tuôn dòng trên đôi gò má khô héo. Bao thương nhớ, tủi hờn, bao thấp thỏm lo âu, đợi chờ, như gom lại trút vào tiếng khóc, nghe ai oán, tức tưởi.

Anh tiều tụy, xơ xác, lúc tỉnh, lúc mê. Bên mình không giấy tùy thân, không một ký ức đọng lại. Bác sĩ bảo: “Có thể anh bị chấn động mạnh vào hệ thần kinh, nên toàn bộ quá khứ đã bị xóa sạch trong bộ nhớ”. Mặc! Anh trở về với mẹ con chị là mừng lắm rồi. Chỉ mong sao mình khỏe để lo cho anh, chăm sóc cho anh. Chị tin, với người đàn ông bản lĩnh thì dù khó khăn gian khổ đến mấy, họ cũng không dễ gì bị gục ngã. Vậy mà có người độc mồm độc miệng: “Ôi dào! Biết đường nào mà lần, thấy bom đạn ác liệt quá thì đào ngũ, trốn đâu đấy, bây giờ mới mò về…”. Chị lại câm lặng, ruột gan như muối xát, âm thầm nước mắt chảy vào đêm.

Anh ốm triền miên. Chị tất tưởi, sấp ngửa chạy thuốc thang cho chồng. Nghe ở đâu có thầy thuốc tốt là chị tìm bằng được, lấy bằng được, rồi hì hụi, tẩn mẩn sắc từng chén thuốc cho anh. Chị ngồi nhìn anh uống đến giọt cuối cùng mới thôi.

Thấy vậy, chị Lan – chị gái chị, từ bé đã yêu thương và bênh vực em gái, giờ nhìn cảnh em mình mỗi ngày một tiều tụy, xơ xác lúc nào cũng sấp ngửa quay cuồng, không cầm lòng được đã nói thẳng với em rể: “Lúc chiến tranh ác liệt, chú xung phong đi B, vào chiến trận, chú bất chấp hiểm nguy. Giờ đất nước hòa bình, nhà nước có chế độ đãi ngộ thích đáng, vậy mà chú nằm đó, vô danh, một mình chống chọi với thương tật. Chú làm ơn đi! Lúc mê còn có lúc tỉnh, chú phải chớp lấy, phải tự cứu mình chứ! Nếu không, thì ai sẽ cứu chú đây? Một mình dì ấy chịu không nổi. Cứ đà này thì cả nhà sẽ chìm nghỉm…”.

Đang nấu cơm dưới bếp, chị Liều chạy xộc lên nhà, kéo xềnh xệch chị gái ra ngoài, mếu máo.

- Em bảo là chị không được nói. Anh ấy đã đau đớn, đã chịu đựng quá nhiều, chị nói thế anh ấy chán nản rồi ốm thêm, hại anh ấy hại cả em. Em đã bảo là em tin anh ấy. Để em lo. Em xin chị đấy!

- Được thôi! Tao lo cho dì, tao mới nói. Không khiến thì thôi…- Chị Lan cắp nón đi thẳng.

Liều mệt mỏi, toàn thân rã rời. Cảm giác tuyệt vọng lớn dần trong chị. Anh đã lần dậy từ bao giờ, gắng gượng nói: “Anh làm khổ em quá”. Chị bừng tỉnh nhào đến đỡ anh. “Liều ơi hãy cố lên! Mày phải cố!”, chị tự nhủ.

***

Cái Miên học cùng con trai chị thời phổ thông, học hết cao đẳng sư phạm không xin được việc nó ra chợ ngồi bán chuối. Con bé tháo vát, lanh lợi, buôn bán tơi tới. Dạo này nó lấy thêm rau bán buôn cho các nhà hàng. Chị tìm đến nó. Nó nhận mua hết ruộng rau của chị và cho chị ứng tiền trước. Giờ không phun thì rau đâu trả cho nó… Tiếng chồng văng vẳng, nhắc nhở, nhưng mà… mình là người cầm chèo, không quyết thì cái gia đình bé nhỏ sẽ chìm đắm? Mình phải làm thôi! Phun xong, đến ngày hái thì để thêm mấy ngày nữa, như thế rau sẽ được an toàn. Chị tự hứa với mình, và thấy lòng nhẹ nhõm.

Muộn chị mới về nhà, con bé khoanh tròn trong vòng tay bố ngủ. Chị đứng lặng ngắm nhìn con gái ngủ ngon lành, lòng phấn chấn. Dạo này, anh cũng khá hơn, nhúc nhắc hộ chị được chút việc cơm nước. Thỉnh thoảng mới bị một cơn mê sảng do vết thương hành hạ.

“Em tắm rửa, đi ăn cơm kẻo muộn. Anh cho con ăn rồi”.

Chị ăn qua quýt bát cơm rồi chụm lửa bắc nồi cám lợn lên bếp, quay lại dọn dẹp rửa bát đũa, vừa xong cũng lúc nồi cám sôi, chị cho cám vào nồi quấy đều đậy vung, mới đi ra hầm rấm chuối.

Chuối chị thường bán vào dịp ngày rằm, mùng một. Người mua quen ăn chuối chị, bởi chị rấm chuối bằng hương nên chuối thơm, ngọt đậm và an toàn. Hơn nữa, gương mặt dịu hiền, dáng dấp thanh mảnh, giọng nói nhỏ nhẹ, chân tình của chị làm người ta thấy thân thiện, đáng tin. Được mẻ chuối chị mất cả tuần, thi thoảng còn bị hỏng, hoặc không đẹp mã. Một hôm, nhân lúc vắng khách, cái Miên bảo chị:

- Bác chuyển sang rấm bằng thuốc Tàu đi, vừa đơn giản lại không bị hỏng thậm chí chuối còn chín đều và đẹp hơn bác ạ!

Chị ngập ngừng. Chưa biết nói lại thế nào cho phải thì mắt chị đập vào ngôi nhà của nó vừa xây, màu sơn xanh lam nổi bật sau khu chợ. Chị bùi ngùi nghĩ đến ngôi nhà mình. Ngôi nhà gỗ nhỏ nhoi, cũ kỹ bị mối mọt đục rỗng, xiêu vẹo. Có hôm anh bị sốt đang mê man thì trời mưa, mưa dột xiên vào mặt anh ngỡ đạn bắn vội bò dậy lồm cồm bỏ chạy. Nhìn anh lòng chị như có đàn kiến thi nhau đốt! “Phải cố gắng thôi! Phải làm và gom góp tiền để sửa lại ngôi nhà…”. Chị tự nhủ!

- Cháu nói thật - Cái Miên lại rủ rỉ bên tai - Mấy năm nay, nhờ có thuốc Tàu nên cháu bán buôn, bán lẻ mới có tiền xây nhà. Trước nhà cháu cũng chui rúc trong ngôi nhà tấm lợp thấp tè, mùa hè thì nóng như thiêu cực lắm bác ạ. Nhìn hoàn cảnh bác cháu mới bảo, chứ người ta giấu đi chẳng được… - Nó dúi cho chị một gói thuốc bột.

- Bác cứ làm đi, đừng ngại, không sao đâu.

Về nhà chị giấu tiệt gói thuốc lên mái bếp. Rồi quên hẳn.

Kia là mười bốn, chị bất chợt nhớ ra và giãy nảy như đỉa phải vôi. “Làm sao để có chuối chín kịp đây?”. Chị ngồi nghệt ra. Bỗng chị nhớ tới gói thuốc giắt trên mái bếp. Chị đắn đo, chần chừ rồi tặc lưỡi. “Ừ thì làm! Người ta làm được thì mình cũng làm được. Làm một lần xem sao?”. Chị mở gói thuốc lần theo lời hướng dẫn của cái Miên. Chỉ một lúc đã xong, “đúng là chẳng vất vả gì!”. Chị nghĩ và thở phào.

Chị mở cửa hầm, bày ra trước mắt chị là mẻ chuối vàng ươm, tươi rói. “Ôi đẹp quá!”, chị thốt lên. Chỉ chưa đầy 24 tiếng mà đám chuối xanh hôm qua đã chuyển màu vàng rực. Chị phấn khởi xếp chuối vào quang gánh, chuẩn bị sáng mai đi chợ sớm.

***

Chị ra giếng kéo gàu nước hắt lên mặt, tay, chân. Nước giếng mát lạnh, gió từng cơn nhè nhẹ, trăng mười ba lấp ló. Chị tựa lưng vào gốc nhãn ngắm trăng. Ánh trăng xuyên qua vòm lá rọi lên người, lên mặt chị những mảng sáng nhỏ lung linh. Chị cảm thấy trong huyết mạch lưu thông như có thứ thuốc tiên đang chảy trong thân thể chị, khiến người chị bỗng chốc muốn bay lên...

Ánh trăng gợi nhớ đêm đầu tiên chị làm vợ. Anh kéo chị xồng xộc chạy ra ngoài vừa chạy vừa ghé vào tai: “Mình ra ngoài em ạ! Ở trong nhà, cả nhà sẽ không ngủ được…”, anh cười giả lả. Đống rơm làm đệm ngay gần bờ ao. Gió nhẹ nhàng đặt lên cành lá những bước chân vũ nữ. Những tàu lá chuối láng trăng đưa đẩy. Tiếng gió xì xào reo vào bản nhạc du dương của lũ côn trùng dưới cỏ… Đêm thẳm sâu, đêm khơi gợi, đêm đồng lõa… Hai thân thể ghì riết, mê đắm. Cả không gian nhập nhòa.

Rồi anh nhập ngũ. Một tuần sau ngày anh đi, mẹ chồng gọi chị lại hỏi: “Liệu hai đứa có kết quả gì không?”. Chị đỏ mặt, lí nhí trong mồm, nói mà không dám nhìn vào mắt mẹ chồng: “Có lẽ không mẹ ạ”. Bà cụ thở dài, rồi lặng lẽ bỏ đi. Chị tủi thân, trốn ra bờ ao ngồi khóc.

Ba tháng sau, anh vào đến Quảng Bình. Đơn vị anh đang huấn luyện gấp để đi B. Biết tin, mẹ chồng một mực:

- Con phải thu xếp vào ngay với nó. Phải kiếm lấy thằng cu cho chắc ăn. Chứ trận mạc biết sống chết thế nào hả con!

Nói rồi bà khóc. Chị cũng khóc.

- Thưa mẹ, con cũng muốn vào. Nhưng không có địa chỉ, thì làm sao tìm được ạ!

- Cứ liều đi con! May rủi có số, phúc phận nhờ vào tổ tiên. Con cứ đi, các cụ dẫn đường cho…

Chị cơm đùm cơm nắm vào Quảng Bình. Chị lầm lũi đi. Chị đi tới đâu cũng được mọi người giúp đỡ, sẻ chia như người thân thích. Tình cảm chân tình, ấm áp của những con người mà chị chưa hề quen biết, như tiếp sức thêm cho chị. Cuối cùng chị cũng gặp được đơn vị anh. Thủ trưởng đơn vị vui vẻ, cởi mở. Ông bố trí cho anh chị một hầm riêng. Ông cười, vỗ vai anh: “Phải hoàn thành nhiệm vụ, nghe chưa!”.

Kỳ quá, nằm với nhau dưới hầm, thế mà có thằng cu mới lạ chứ. Chắc trời thương! Chẳng bù cho tuần trăng mật, đêm trăng thanh gió mát thật lãng mạn, thế mà uổng công... Nghĩ đến đấy, chị cười tủm tỉm rồi lặng lẽ bước vào nhà.

Chị bế con bé sang một bên rồi len lén nằm xuống bên anh, ngoan hiền như mèo con.

***

Sáng muộn con Tý mới ngủ dậy, nó lay gọi bố, nhưng bố vẫn ngủ, tiếng ngáy phát ra khò khò, khục khục như chiếc quạt khô dầu. Nó lững thững đi ra cửa, ngồi bệt xuống thềm, ngáp dài, ngáp ngắn bụng sôi òng ọc. Nó mò xuống bếp. Mắt nó sáng lên khi nhìn thấy nải chuối chín. Nải chuối chín vàng ươm kích thích cái đói của nó. Nó bẻ quả chuối vội vàng cho lên miệng, cắn núm rồi dùng răng kéo chiếc vỏ xuống, nó ngoạm một miếng thật to. Mặt mày tươi tỉnh hẳn, nó ăn liền ba quả. Bỗng dưng nó ôm bụng, đau dữ dội, mắt tối sầm lại, nó thấy trời đất quay cuồng. Nó gọi thất thanh: “Bố ơi! cứu con…”

Con mực thấy Tý quằn quoại bèn sủa ăng ẳng, mắt nhìn lên nhà trên cầu cứu, vẫn không thấy động tĩnh gì. Nó liền dõi mắt ra cổng sủa một hồi dài vẫn chẳng thấy bóng ai. Con mực càng kêu dữ, nhưng xung quanh vẫn lặng yên.

Máy bay từng tốp quần đi, quần lại, cây cối, đất bụi bay mù mịt, rồi bọn ngụy xông lên ào ào. Tiếng hò hét, tiếng rên la, tiếng kêu thất thanh: “Cứu em với!”. Anh trườn như một con rắn dưới làn đạn dày như mưa, rồi chạy lao lên: “Bắn, bắn…”. Anh bò xuống bếp, thấy cái Tý nằm sõng soài, anh lao tới ôm ghì con bé. Rồi một tay ôm, một tay giơ cao. “Pằng!.. pằng!... Anh cứu được em rồi, nằm yên, nằm yên nhé”. Cứ thế, trong cơn mê anh chạy thục mạng từ đầu làng đến cuối làng, tóc tai rối bù, bộ quần áo ngủ nhàu nát, vừa chạy vừa la…

Thật may mọi người kịp đưa anh và bé Tý đi cấp cứu.

***

Đang ở chợ, nghe tin chị ngất xỉu. Trong cơn mê chị thấy cái Tý mặt tóp teo, nước mắt, nước mũi chảy nhem nhuốc. Nó đang khóc. Tiếng khóc mảnh, lí nhí dính vào nhau như nhựa mít, tiếng khóc không đủ sức thoát ra khỏi cổ họng vì thế thỉnh thoảng nó lại nấc lên một cách khó nhọc. “Sao mẹ lại giết con?”. Đôi mắt nó nhìn chị sao mà lạnh, mà xa cách thế! Chị hét thật to: “Không, mẹ không giết con! Mẹ yêu con! ...”. Chị đuổi theo nó, đuổi mãi, chị suýt ôm chầm được nó thì nó vụt bay lên. Chị nức nở: “Đừng đi con ơi! Đừng bỏ mẹ…”.

Bà con xúm lại, người thì lấy dầu gió xoa bóp, người pha sữa nóng cho chị uống. Vừa tỉnh, chị gặng hỏi:

- Cái Tý đâu? Con tôi đâu rồi?

Chị nhớ như in cái tối hôm đó. Cái tối mà không bao giờ chị quên được. Cái tối như bao tối khác, cảnh nhà nông công việc không tên chồng chất chị lọ mọ đến tận khuya, nên hễ xong việc leo lên giường là díp mắt lại. Thế mà đêm ấy chị lại mở cổng đi ra ngoài. Mắt ráo trơ. Đường làng vắng tanh, nhà nào cũng tắt đèn chìm vào đêm. Chợt chị nghe tiếng trẻ con khóc nhỏ và yếu ớt, vảng vất không rõ. Chị co người lại, gai ốc nổi lên. Chị quay người định bỏ chạy, thì lại nghe tiếng khóc, rõ hơn. Chị đứng lại, trấn tĩnh. “Làm gì có ma, rõ tiếng khóc mà”. Chị nghe ngóng, xác định tiếng khóc phát ra từ đâu. Chị đi tới, thấy có chiếc ô xòe ra. Chị nín thở, lấy lại bình tâm rồi từ từ nâng chiếc ô lên, trong làn nhựa hé lộ gương mặt của một đứa bé đỏ hỏn, đang ngoác miệng khóc mà gần như không ra tiếng. Chị vội ôm con bé lên, ủ nó thật chặt rồi gọi ời ời xem có ai ở gần không. Chị đứng thế một lúc lâu vẫn không thấy ai. Chị mới bế con bé về. Vào nhà chị gọi anh dậy rồi lần tìm trong làn nhựa, ngoài một số quần áo và tã lót, bình sữa còn có một lá thư, viết vội nghệch ngoạc và nhòe ướt.

“Con sinh ra con bé nhưng không thể nuôi được. Người mẹ tội lỗi này đành để đứa con ở lại. Cầu mong con bé may mắn gặp được ai đó, đón nhận và nuôi nó thành người. Con chỉ biết nói lời cảm ơn. Và hứa sẽ không gây phiền toái về sau. Giờ và ngày sinh con bé…”. Khổ thân, chắc phải khóc nhiều, phải khó khăn lắm người mẹ mới rứt bỏ đứa con thơ dại của mình…

- Là con gái! - Chị vui mừng nói với anh. Ôi con bé, bé như hạt mít, da lại nhăn nhúm duy chỉ có đôi mắt là sáng và cái miệng đang chóp chép đòi ăn. Chị ôm nó vào lòng, nước mắt mừng mừng, tủi tủi cứ thế tuôn tràn trên gương mặt gầy guộc của chị.

Chị thức ròng đêm này qua đêm khác, vừa bế, vừa ru, vừa pha sữa cho con. Cái vất vả của người mẹ như vẫn còn đâu đây, hiển hiện trong chị, vất vả mà hy vọng, vất vả mà tràn đầy niềm vui. Chị đã tưởng chẳng bao giờ chị còn cơ may làm mẹ thêm một lần nữa. Vậy mà! Trời thương. Con bé lại ngoan cứ ăn no là lăn ra ngủ, rồi lớn lên như củ khoai, củ sắn.

Có lúc chị lại tự hỏi: “Có phải trời thương, nên trời mới thử thách chị nhiều đến thế? Hay là số kiếp của chị? Để được làm mẹ chị phải đánh liều đi tìm anh nơi xa xôi cách trở, bom đạn loạn lạc. Rồi trong bom đạn chị mới có được thằng bé. Đứa con trai độc nhất của chị với anh. Nó lớn lên cao to, khỏe mạnh với đôi mắt trầm lặng, vầng trán rộng dô lên một cách bướng bỉnh, giống tạc bố. Thằng bé đeo đuổi ước nguyện: “Con học Đại học Y khoa để sau này chữa bệnh cho bố mẹ, cho mọi người”.

Đang học năm thứ hai cậu cùng đoàn trường lên khám và chữa bệnh cho đồng bào miền núi. Vừa sáng sớm, lũ học trò còn chạy nhảy trêu đùa qua dòng suối cạn. Thế mà chiều sấm chớp đùng đùng, mưa bắt đầu đổ xuống. Chẳng mấy chốc con suối cạn nước đã dâng tràn, đỏ ngầu và hung dữ. Mưa lũ thượng nguồn đổ xuống, ầm ào. Mấy đứa kịp đi qua khi con nước vừa dâng lên. Còn bốn đứa chùng chình, lưỡng lự, đến khi liều đi thì đến giữa dòng nước bất ngờ cuộn dâng, chúng chới với kêu thất thanh. Ba thanh niên lao xuống, trong đó có con trai chị. Nước dâng lên quá nhanh, em bé bị đẩy mỗi lúc mỗi xa hơn, cậu cố mãi cuối cùng nắm được tay thằng bé. Nhưng, lúc bơi vào gặp phải dòng nước xoáy mạnh, cậu đuối sức, bị dìm cuốn đi trong thác lũ cuồn cuộn. Hai ngày sau họ mới tìm được xác của hai anh em.

Thằng bé mất đi mang theo cả giấc mơ, hoài bão tươi đẹp mà nó đang nhen nhóm, theo đuổi. Đau đớn làm chị gục ngã. Chị không ăn, không uống người như cái xác không hồn, hai con mắt trũng sâu. Lúc ấy, anh là chỗ dựa, anh vỗ về và luôn an ủi chị. Bàn tay của anh như chiếc lá khô luôn ủ ấp bàn tay chị, trong giấc ngủ say, anh vẫn nắm chặt, lay gọi và truyền sức sống mỏng manh cho chị. Chị gắng gượng từng ngày, từng ngày để không phụ lòng anh. Nếu không có anh chị không biết mình sẽ như thế nào?

Cho mãi đến khi chị ôm con Tý trong lòng, nhìn như thôi miên vào gương mặt thánh thiện của nó, chị mới thật sự hồi sinh.

Vậy mà, chỉ vì một chút khó khăn trước mắt, chị đã làm hại con. Con Tý phải rửa ruột đến giờ vẫn chưa tỉnh. Nó nằm mê man. Chị dằn vặt, ân hận và giận mình vô cùng. Chị lo sợ nếu chất độc ấy ngấm vào cơ thể con bé, rồi để lại di chứng. Trời ơi! chị rùng mình, hốt hoảng cầu mong cho điều ấy đừng xảy ra. Chị lạy trời, lạy Phật đã thương chị, đã rộng lòng cho chị con bé thì hãy giúp con bé tai qua nạn khỏi để chị lại được che chở, được nuôi nấng và dạy bảo, cho con bé lớn lên khỏe mạnh và xinh xắn.

Rồi mọi khó khăn cũng qua đi, con bé khỏe mạnh trở lại. Vào một tối, cả nhà đang xem tivi, bất chợt anh hét toáng lên: “Thằng Hùng, đúng thằng Hùng rồi. Thằng Hùng tính như lửa, nó cùng tiểu đội với anh. Bây giờ là ông chủ trang trại cà phê ở Đắc Lắc có cả số điện thoại của nó…”. Anh lấy máy điện thoại, bấm “Alô…! Hùng à, Hùng “Lửa” đấy phải không? Tao. Minh “Lỳ” đây…”.

Chưa đầy một tháng sau, đồng đội anh kéo đến kín một xe. Mười người thì đến tám người thương binh. Vừa nhìn thấy nhau là lao vào nhau ôm chầm rồi ghì riết, rồi cười, rồi khóc, rồi đấm vào vai vào lưng nhau thùm thụp… Người có tên Hùng, nói:

- Thằng quỷ! Tao biết mà, một thằng gan lì như mày, bom đạn bao phen nổ cho điếc tai, vùi sâu xuống đáy hố mà vẫn phải trừ ra, lũ giặc mới nghe tên đã run rẩy, thì không thể chết được! Chết làm sao được!

Họ ở lại chơi với anh mấy ngày liền, đêm ôm nhau ngủ lăn dưới nền nhà. Từng câu chuyện, từng bi kịch chiến tranh được thay nhau kể, cứ rầm rì như sóng. Đến chuyện anh, Hùng “Lửa” bảo: Chuyện thằng Minh “Lỳ” để tao lo. Đúng là khó khăn, nhưng tao làm được. Bằng chứng ư, giấy tờ ư, bom đạn giặc giã triền miên thế!... Chúng ta sống sót là may mắn lắm rồi. Chúng ta là bằng chứng sống, chẳng lẽ người ta không tin sao? Chúng mày yên tâm. Tao hứa!

***

Chị vớt đất dưới ao lên phơi khô, đập tơi trộn với phân chuồng. Sáng sớm chị ăn vội bát cơm nóng rồi vác cuốc ra vườn. Từ khi có đồng đội của anh tìm về, chị như khỏe ra, anh cũng hồi sinh từng ngày. Chị làm ngày làm đêm không biết mệt. Toàn bộ khu vườn được chị cải tạo, đào hố, đổ phân, chuẩn bị trồng chuối. Chị xuống trường Nông Lâm mua giống chuối mới. Vườn chuối của chị xanh mướt, tràn trề nhựa sống. Chị nghĩ: Rồi mình sẽ xây một cái hầm to ủ chuối bằng điện, chỉ cần ấn nút giữ nhiệt độ thích hợp là chuối sẽ chín đều, vừa ý, không còn sợ hỏng… Còn hai sào ruộng trồng lúa chị chuyển sang trồng rau sạch. Chị áp dụng phương pháp cổ truyền kết hợp với phương pháp mới. Nhờ thế ruộng rau chị tươi tốt, xanh non mơn mởn. Nhìn vườn rau ai cũng tấm tắc.

Một số bà con trong xóm đến học hỏi cách làm của chị. Chị cười, nụ cười dịu ngọt như nắng sớm, rồi vui vẻ hướng dẫn cách làm đất, trộn phân chuồng ủ hoai, cách lên luống, cách chăm sóc rau và cách diệt sâu bọ. Chẳng mấy chốc vườn rau chị thành thương hiệu. Mấy đứa đi học ở xa, mấy người về Hà Nội thăm con đều năn nỉ lấy vài ba cân đi làm quà. Cái Miên nhăn nhó: “Bác bán cho họ, cháu lại bị thiếu cân, nhà hàng thì không chịu lấy rau nơi khác. Thật là khó cho cháu”. Chị cười: “Ừ, cũng khó cho bác, bởi toàn người làng, họ muốn lấy mấy cân làm quà. Bác đâu nỡ từ chối!”.

Sức khỏe của anh ngày một tốt hơn. Anh cùng chị ra vườn cuốc đất, nhổ cỏ. Anh cắt tỉa những lá chuối già chất thành đống, băm nhỏ ủ làm phân. Anh bảo, mình trả lại cho cây. Cây cối cũng như con người, phải nuôi dưỡng, phải chăm sóc thường xuyên. Trong nắng chiều những giọt nắng xiên rọi lên gương mặt anh ửng đỏ lấm tấm mồ hôi.

Cái Tý đi học về, đến cổng gọi rối rít:

- Bố ơi! Mẹ ơi! Hôm nay con được cô khen nhé.

Con mực mừng rỡ chạy ngoe ngẩy cái đuôi rồi sủa lên ăng ẳng.

Nắng chiều sẫm lại. Tiếng nói cười rối rít của cái Tý, của anh, của chị cứ nối dài chật căng ngôi nhà nhỏ. Ngoài kia mảnh vườn xanh đang thẫm lại trong hoàng hôn, mờ mờ, những luống rau cải trỗ vàng bừng cháy giữa miền đất nâu.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước