Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915
Mảnh trăng ở bản Pò Tum
VNTN - Vậy là nó bỏ đi thật rồi. Con bé Đeng về làm dâu nhà bà đã bốn năm. Chân chưa quen hết lối lên các nhà sàn trong bản Pò Tum. Mắt còn sợ cánh rừng nhiều măng trúc nhưng rợn tiếng cú mèo thì nó đã vội quay đầu, buông nón ra cổng. Trong túi không lấy nổi một đồng, đêm hôm khuya khoắt, trời rải mưa dầm, nó đi. Mới đầu, bà nghĩ cái trò mèo vờn chuột của hai “vợ chồng” diễn ra như kiểu bụi dằm vỏ cây “xạ cài” (cây ngứa) rơi vào nhức mắt nên bà đã cười khẩy mà rằng: “Mày có giỏi thì bước. Ngựa quen chuồng, ba bữa quay về tao không đeo tên cũ”.
Đêm qua, chúng nó hục hặc chỉ vì nó tò mò muốn biết trong quyển sách lớp bốn viết cái gì. Nó muốn học chữ nhưng thằng “chồng” nhất mực: Sẽ viết chữ “Đeng” lên lòng bàn tay nó khi nào nó gọt đủ mười con cù bằng gốc ổi. Ấy vậy, con cù quay bao nhiêu là trận với đám trẻ Pò Tum cái vỡ, cái mòn nhưng tay nó vẫn nhọ nhem không một nét ngang dọc. Con bé Đeng bật khóc thì thằng Lợi bỏ sang nhà bạn chơi “Lày cỏ”. Mấy lần trước, con bé bị chồng đánh thì chạy lên đồi. Nó mò về nhà lúc bà đương vấn tóc ở đầu sàn, đôi mắt sụp mí sưng mòng, đầu bê bết rác. Hẳn là cả đêm nó co tròn như một con mèo trong một gốc cây nào đó ngoài bìa rừng Khau Coi. Nó rón rén từng bước lên cầu thang, nhác thấy mẹ chồng thì giật bắn người, cúi đầu lí nhí chào và lủi nhanh xuống gầm sàn kiếm đại con dao quắm, cái cuốc lá đi đồng, đem theo cái bụng rỗng tuếch đang sôi òng ọc. Bà thấy buồn cười. Ngày xưa, bà làm dâu đâu có thế. Bà đặt chồng lên đầu, nịnh ông bằng những bữa “lẩu ba” đãi bạn. Rồi trong thời hương lửa mặn nồng bà biết cậy nhờ ông những việc nặng nhọc. Bà nhàn nhã nhờ cái miệng khéo léo, thành thử ngoài năm mươi tuổi vẫn phây phây, bắp chân tròn vo trắng trẻo, mặt mày hồng hào nhựa sống. Nó vụng dại, âu cũng là mẹ nó không biết cách dạy bảo con cái. Một đứa con gái mù chữ, nứt mắt đã bị bố bán gán nợ thì trông mong được công việc gì cho họ mạc.
Thường thì khi còn ở nhà bà, mỗi sáng, nó biết điều nên dậy từ mờ đất. Nấu nồi cơm, hâm bát canh nóng xong xuôi thì xoay ra chăn lợn gà. Khi xong việc, trời chưa mở mắt, nó ôm gối gục đầu bên bếp lửa ngủ gà ngủ gật. Cả nhà dậy đã có sẵn nước ấm đun để rửa mặt, chải răng. Cơm canh trên mâm thơm lừng. Nó là người ăn xong sau cùng. Nhanh nhảu dọn đống bát đũa vào cái xoong nước chè để rửa nó quay ra hỏi bà:
- Sáng nay, con làm gì mẹ ơi?
Bà phải xỉa răng, súc miệng và tu ngụm trà xong đâu đấy mới kịp nghĩ ra công việc cho nó:
- Lên nương theo tao!
Có hôm, bà nóng tính quát:
- Mày không sáng ý tí nào hay sao mà lúc nào cũng phải hỏi.
Đêm hôm nó bỏ trốn, cả nhà đi soi ếch. Đồng ruộng sau hai ngày tắm mưa, nước ngấp nghé bờ, ếch kêu khắp mọi hướng, trăng sáng vằng vặc. Thằng Lợi đói bụng mò về nhà kiếm tạm miếng bánh ngô nướng thì thấy con Đeng khoác tay nải chạy vụt qua bờ rào đá theo một bóng người mặc vải chàm. Bà nghĩ bụng: Thằng Lợi mới mười ba, hỉ mũi chưa sạch. Con Đeng mười bảy, gái mới lớn phổng phao da thịt. Người ta rỉ tai là theo ngay. Bà nghẹn cổ nghĩ, nếu có một ngày nó ễnh bụng mò về làng, bà sẽ hô cả bản cạo trọc đầu, bắt bỏ rọ thả trôi sông Cầu cho đáng kiếp.
Trời chuyển mùa. Cơn gió chiều đã đem hơi lạnh từ núi phả xuống làng Pò Tum những đợt se se.
Vậy mà đã hơn một năm nay, con bé Đeng đi biệt. Bao nhiêu công việc đồng áng, một mình bà cáng đáng. Đài truyền thanh hằng đêm vẫn phát bản tin về chiến tranh. Dạo này, Đế quốc Mĩ ra sức ném bom bắn phá miền Bắc hòng ngăn chặn con đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Bà nghe không bỏ sót một chữ vì sợ một ngày nào đấy, máy bay của giặc sẽ rải bom lên cánh rừng Khau Coi. Nghe thằng Đăm buôn mắm nói, sức mạnh của bom lớn đến mức xẻ đôi ngọn núi, rơi xuống nghẽn dòng sông Cầu, nước dâng lên gây lũ lụt, cuốn phăng bản Pò Tum ra biển rộng. Bà sợ lắm. Bà chỉ mong bộ đội ở thành phố bắn rơi hết máy bay để bản Pò Tum được bình yên. Con bé Đeng không biết bây giờ ở chốn nào! Nhà đẻ nó mấy lần sang hỏi người, nhưng lần nào cũng quay về với cái thở dài thườn thượt.
Chập tối, khi bà vừa đóng xong gióng chuồng trâu, chưa kịp bê thúng thóc cuối vụ ra xay thì thấy thằng Lợi lập cập chạy về báo:
- Mé ơi, con Đeng nó về ở nhà bá Nhình ấy! Nhiều người cãi nhau um sùm lên ớ mé.
Bà bỏ thúng thóc đánh cù ngoài sân, chân đất tồng tộc chạy sang. Dưới sàn, mọi người đứng rất đông. Giọng con Đeng nhẹ nhàng nhưng rành rõ:
- Thằng Đăm buôn mắm nói láo đấy các bác, các bá à. Quân Mỹ sắp thua đến nơi rồi. Cháu vừa từ thành phố về đây. Các anh chị ở dưới đấy ngày đêm làm việc hăng say chuyển hàng hóa, gạo, thuốc lên tầu hỏa, lên xe vận tải chở ra chiến trường. Bọn Mỹ không thắng nổi bộ đội mình đâu.
Mọi người bàn tán như gió rừng lào xào vào tán cọ, rồi một người hỏi:
- Mấy ngày này máy bay ném bom thành phố dữ lắm phải không Đeng? Có khi nào bọn nó đánh lái lên Pò Tum không thế?
Một người đế theo:
- À lối! “Thai lẹo a ne, bân dựa ơi!” (Chết hết mất! Trời ơi!)
Bà gắng chen chân vào trong cho nghe được rõ hơn. Con bé Đeng kia rồi. Nó không còn quấn ngang tóc buộc khăn mỏ quạ, áo chàm bạc thếch vá vai. Tóc nó đã tết gọn hai bên, mặc chiếc áo kiểu bộ đội màu cỏ úa, tay chân sạch sẽ, da trắng trẻo. Hẳn là nó sống sung sướng lắm. Giọng nó rắn rỏi:
- Bà bá yên tâm, chúng không dám lên rừng này đâu. Các chú bộ đội bắn súng rất giỏi, pháo cao xạ của quân ta bắn lên trời như cái sấm sét ấy, máy bay Mỹ sợ khiếp vía. Bọn nó sẽ phải rút chạy trong thời gian tới thôi. Nhưng bản mình không nên chủ quan, vẫn phải nghe đài phát thanh hàng ngày, cấy hái bình thường, khi nào có lệnh thì mới sơ tán.
Con bé Đeng cười híp mí. Ai cũng vui vẻ chuyện trò. Bà thở phào vì những tảng đá núi không bao giờ có thể lấp hết được dòng sông Cầu vì bom Mỹ như thằng Đăm nói láo. Chúng vẫn sừng sững giữa trời. Sáng, gọi mặt trời mọc. Tối, kéo vầng trăng lên. Bà thấy ai cũng quý con bé Đeng như đón người ở xa về, như vị khách lạ mới đến chơi bản. Mặt nó tròn trịa như trăng rằm. Bà thấy tiếc, tiếc vì đã đánh rơi một mảnh trăng lẽ ra sẽ sáng suốt đời con trai bà, rạng rỡ dòng họ nhà bà. Vậy mà, bà đã đối xử với nó như một con ở. Bà không dám để nó thấy mặt mình nữa bèn khom người lủi nhanh sau ang nước trước sân nhà ra cổng.
***
Thì ra con Đeng đã thậm thụt cùng mấy đứa trong bản trốn nhà đi thanh niên xung phong. Công việc hằng ngày là lấy cuốc xẻng san lấp hố bom, làm đường để hàng hóa vận chuyển được thông suốt. Mỗi người đều được phát quần áo. Ai chưa biết chữ thì học lớp xóa mù. Ở đơn vị, nó đã lấy đúng cái tên thật của nó chứ không gọi Đeng như ở nhà. Bây giờ nó đã đọc và viết thành thạo. Chuyện nó kể lại với người già trong bản về cái thành phố xa xôi ấy - nơi mà bà và nhiều người chưa biết đặt chân đến đã trở thành câu chuyện đi làm đồng, lên nương. Người ta ăn củ sắn độn cơm mà thấy ngon hơn mọi lần. Nhà nào có con trai đi chiến đấu ở chiến trường cũng vui cái bụng vì hiểu rõ sức lao động của mình hàng ngày chính là nguồn chi viện cho các con ở nơi lửa đạn khốc liệt.
Con bé Đeng lại tạm biệt Pò Tum đi làm nhiệm vụ. Trước khi rời bản, nó đến nhà nhưng bà không dám mặt đối mặt. Hôm ấy, chồng bà và thằng Lợi đi ăn cỗ ở bản bên. Trời rét cắt da cắt thịt. Con bé Đeng bước lên sàn, vừa đi vừa gọi từng người một thì bà lủi ra sau nhà, núp trong búi lá dong. Bà nom lên thấy nó lấy tay gạt nước mắt. Tự dưng bà cũng rưng rưng. Nó đứng hồi lâu rồi thẫn thờ đi ra cổng. Đợi cái bóng áo mầu cỏ úa của nó khuất sau lũy tre, bà mới chạy một mạch lên sàn. Trên bàn, một gói chè nhỏ phần ông, một bộ quần áo mới tinh cho thằng Lợi, một thang thuốc bà đoán con bé Đeng dành phần bà. Bên cạnh có một lá thư. Hôm sau, bà lén mang sang nhà trường nhờ cô giáo Hạnh đọc.
“Con kính gửi pá mé và anh Lợi! Con bất hiếu nên đã bỏ nhà đi theo chị Nhình mà không xin phép! Khi nào xong nhiệm vụ con sẽ về tạ tội với pá mé.
Ở dưới thành phố, con vẫn khỏe, ăn uống đầy đủ, học tập chăm chỉ, làm việc hăng say. Tỉnh Bắc Thái rộng lớn lắm nhưng các anh chị đều thương yêu con như người một nhà. Anh Lợi cố gắng học nhé! Mé đau lưng thì nhớ sang ông lang Thành cắt thuốc cho mé. Đơn vị con đóng quân ở Linh Sơn, sang chỗ làm phải qua cầu phao vượt sông Cầu. Mùa đông ít nước nên có chị bơi được qua sông nhưng trời rét lắm. Con ước hôm nào chặt tre đóng bè mảng chống sào ngược dòng để về huyện mình, đến bản Pò Tum. Anh Lợi viết thư đút ống tre thả xuôi là con cũng nhận được. Chị cấp dưỡng bảo với con như thế.
Mới đầu, nghe tiếng máy bay gầm rú, con sợ lắm. Điếc tai nhức óc hơn tiếng hổ gầm. Nhưng bây giờ thì không sợ nữa. Cả Đại đội 915 chúng con cứ ngớt tiếng máy bay là lên khỏi hầm san lấp hố bom.
Kính thưa pá mé! Lúc nào rỗi rãi công việc, con sẽ về! Pá mé giữ gìn sức khỏe! Con mừng!
Bắc Thái, ngày 21 tháng 12 năm 1972
Con Đeng của pá mé".
Nghe cô giáo Hạnh đọc cái thư có những lời của con Đeng mà bà cứ ngẩn mặt. Nó còn nghĩ đến bà, đến pá nó, đến thằng Lợi như vậy tức là nó sẽ về thôi. Ừ, nhất định bà sẽ dọn dẹp lại căn buồng của bà và nhường lại cho nó.
Bốn hôm sau.
Trời cắt da cắt thịt. Những vạt cây ngô khô khốc bên đường va vào nhau kêu lạch xạch. Cỏ tranh, cỏ lau ngả vàng trên đồi. Tự dưng, bà thấy lòng dạ bồn chồn. Từ sáng đến giờ có gặp ai cầm tinh con ma gà đi ngang qua đây đâu mà bà nóng hết mặt. Chất cây rơm ở giữa ruộng mấy lần đều đổ. Bỗng thằng Lợi ở đâu chạy đến gọi lạc cả giọng:
- Mé ới! Con Đeng chết rồi mé ới… ơi!
Bà ngã xuống cây rơm đánh huỵch một cái. Đầu quay ong ong. Nó chết rồi sao? Bà mới nhìn thấy nó được mấy đâu? Bà ôm lấy con trai khóc nức nở. Thằng Lợi mắt đỏ hoe nhưng không dám hỏi gì.
***
Một người của Đại đội 915 mang tin về bản Pò Tum kể lại cho bà nghe với giọng xúc động: Đeng về thăm bản được một ngày thì về thành phố vì nhiệm vụ gấp. Ở khu Nam thành phố, hàng hóa ứ đọng nhiều, đơn vị phải thay phiên bốc dỡ hàng vận chuyển với hi vọng trong thời gian sớm nhất sẽ xong. Nhưng thằng Mỹ ném bom ác liệt quá. Tối 24, nó rải bom làm sập hầm, nhiều người hi sinh, trong đó có Đeng. Đeng bảo đã chụp được một tấm ảnh đẹp lắm, hôm nào sẽ đem về khoe với dân bản nhưng bây giờ tấm ảnh không còn nữa. Ở đơn vị, Đeng thường nói hết chiến tranh sẽ đi học thêm để làm cô giáo dạy chữ cho bản Pò Tum…
Bà ngất đi, bụng đau quặn thắt. Khi tỉnh dậy, ánh trăng đã chênh chếch vào mái cọ. Bà nằm nghiêng nhìn ra ngoài trời xa. Mảnh trăng non như chiếc liềm gặt cả mùa sao hiếm hoi. Sương xuống kéo đất trời làm một. Con Đeng đến với bà như mảnh trăng ấy, ngắn ngủi thế! Pò Tum đêm nay buồn thê lương.
Bà rất muốn xuống thành phố theo chồng và thằng Lợi nhưng sức khỏe bà không cho phép. Bà hối hận vì không gặp con bé Đeng lần cuối. Nó hẳn rất buồn.
Cắm ba nén hương lên bàn thờ vừa lập không có di ảnh, bà nghẹn ngào nói trong nước mắt:
- Con ơi, mẹ thật có lỗi với con, con gái anh hùng của mẹ! Khi nào thằng Lợi lớn lên, mẹ sẽ cho nó đi bộ đội để tiếp tục vì Tổ quốc! Con mãi mãi là con gái ngoan!
Truyện ngắn. Hoàng Thị Hiền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...