Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
10:01 (GMT +7)

“Mảnh ghép thời gian” tìm về những giá trị văn hóa của dân tộc

VNTN - “Mảnh ghép thời gian” là một chuỗi những những trải nghiệm thú vị dành cho học sinh và du khách do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (19/12/1960 - 19/12/2020). Vận dụng các kỹ năng chuyên môn, kết hợp với văn hóa, lịch sử dân tộc, hoạt động trưng bày - trải nghiệm lần này giúp học sinh và du khách ngược dòng lịch sử, hiểu sâu hơn những giá trị văn hóa của dân tộc.

Khéo léo tái hiện

“Mảnh ghép thời gian” chia làm 6 cụm không gian trưng bày tương ứng với từng giai đoạn lịch sử khó khăn, gian khổ, nhưng đầy vinh quang của dân tộc, gắn với chặng đường xây dựng và phát triển 60 năm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ở cụm trưng bày II tương ứng với giai đoạn lịch sử: cuộc kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954 và khoảng thời gian này Bảo tàng cũng bắt đầu có chủ trương hình thành và xây dựng.

Xay thóc lấy gạo nuôi quân

Ngay từ ngày đầu thành lập Khu Tự trị Việt Bắc năm 1956, Khu ủy Khu Tự trị đã có chủ trương cần thiết phải xây dựng một bảo tàng xứng tầm, để gìn giữ, bảo tồn, giáo dục về thiên nhiên, đất nước, con người và truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc. Đây là chủ trương đúng đắn, là sự cụ thể hóa việc thực hiện Đề cương văn hóa của Đảng năm 1943: “Văn hóa phục vụ cho cuộc cách mạng phải là nền văn hóa có tính dân tộc, tính khoa học và đại chúng”. Cuối năm 1960, mọi công việc được tiến hành khẩn trương. Bản vẽ thiết kế Nhà Bảo tàng đã được duyệt. Ngày 19 tháng 12 năm 1960, Lễ khởi công chính thức diễn ra. Năm 1963 công trình Nhà Bảo tàng đã hoàn thành. Những ý tưởng thiết kế được kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thổi hồn vào bản vẽ, đã trở thành hiện thực. Đây là một công trình kiến trúc đẹp, bề thế theo phong cách phương Tây, nhưng gần gũi, với phong cách phương Đông, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Vì thế công trình Nhà Bảo tàng đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I…

 

Cùng in tranh dân gian Đông Hồ

Với những kiến thức trên ở cụm trưng bày này, các em học sinh sẽ được nghe các cán bộ bảo tàng thuyết minh về sự hình thành, phát triển của Bảo tàng gắn với lịch sử của đất nước trong giai đoạn từ 1945 đến nay; hướng dẫn trải nghiệm xay thóc, giã gạo nuôi quân,… cùng các trò chơi dân gian thú vị như: đua thuyền cạn, kéo mo cau. Qua các hoạt động này bằng việc hóa thân thành: bộ đội, dân công,… và như những người trong cuộc, các em càng hiểu sâu sắc hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của dân tộc và sự ra đời Bảo tàng Việt Bắc (năm 1980, Bảo tàng Việt Bắc đổi tên thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam).

Ở cụm trưng bày III: Hậu phương miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam và những đóng góp thầm lặng 1954 - 1975. Đây là giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Bằng việc trải nghiệm, vào vai các cán bộ bảo tàng đi sơ tán hiện vật; cùng các trò chơi, làm chong chóng bằng lá dừa, viết thư tình thời chiến, các em học sinh đã tái hiện lại lịch sử đầy khó khăn, thử thách. Vượt lên mọi gian khổ, những cán bộ bảo tàng “nhí” đã đi sâu vào các bản làng, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, để thực hiện công việc nghiên cứu, sưu tầm, đưa về kho cơ sở hàng ngàn tài liệu, hiện vật gốc…

Sau khi tham gia các trò chơi, Hoàng Cẩm Ly, học sinh lớp 6D, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương, xúc động cho biết: Đây là lần đầu tiên em được tham gia các hoạt động trải nghiệm ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Em thấy tự hào vì Thái Nguyên có một bảo tàng lý thú và nhiều cổ vật như thế. Em được các cô chú là cán bộ chuyên môn bảo tàng hướng dẫn nhiệt tình. Chúng em được tham gia trải nghiệm các trò chơi rất vui và phù hợp với những kiến thức đã học. Em thích nhất trò đóng vai các cán bộ bảo tàng đi sưu tầm những bức ảnh của các dân tộc và dán các tiêu đề. Qua trò chơi này em không chỉ hiểu sâu sắc hơn lịch sử, văn hóa của dân tộc mà còn thêm kính phục, quý mến những người cán bộ bảo tàng. Em mong muốn Nhà trường sẽ tổ chức nhiều các hoạt động giáo dục bổ ích như vậy để chúng em được học tập và vui chơi.

Kết nối truyền thống và tương lai

Thú vị và hấp dẫn không chỉ có cụm trưng bày II và III. Tỉ mỉ, công phu và đa dạng đấy là cảm nhận chung của những người tham gia các cụm trưng bày. Không hề thấy nhàm chán, 6 cụm trưng bày, với gần 1.000 ảnh tư liệu, 25 hoạt động trải nghiệm giúp người tham gia thoải mái lựa chọn.

Một ngày tham gia nghiên cứu, trưng bày, trải nghiệm trong vai trò thợ thủ công, nhà nghiên cứu, người thiết kế, ca sĩ, thợ nhiếp ảnh,... học sinh được thỏa sức thực hành tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc. Các hoạt động đã tái hiện lịch sử văn hóa, lịch sử theo dòng thời gian, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mỗi người tham gia có thể thấy được cả trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giữ nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Hoặc chí ít cũng có thể dừng lại, thẩm thấu câu chuyện của anh bộ đội trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, câu chuyện của người nghệ nhân, cán bộ bảo tàng, ca sĩ, nhà thơ, thợ thủ công...

 

Ghép tranh bằng vỏ trấu các biểu tượng văn hóa ASEAN

Về ý nghĩa chương trình, bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: “Dù một lời thơ, câu hát, nhưng đặt đúng thời kỳ lịch sử, cũng có sức mạnh động viên mỗi em cố gắng đến đích của mình. Từ một vài vỏ trấu, hạt đậu… có thể giúp các em dựng lên một bức tranh về quê hương, đất nước, hay một hoa văn chuyển tải thông điệp văn hóa. Từ một quyển sách, chiếc bút, cục tẩy, trang giấy, bài kiểm tra, chiếc kẹp tóc, con búp bê... có thể giúp các em lưu giữ những mảnh ghép thời gian, tích tụ lâu dần, sẽ trở thành kho báu nhân gian,... để tâm hồn bồi đắp những điều tốt đẹp; nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước”.

Được biết để tổ chức thành công “Mảnh ghép thời gian”, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được sự hỗ trợ của Lực lượng vũ trang Quân Khu I, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, Phòng Giáo dục thành phố Thái Nguyên và học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tham gia trưng bày - trải nghiệm. Và với hoạt động trưng bày - trải nghiệm lần này không chỉ nhìn lại chặng đường xây dựng, phát triển của Bảo tàng mà hơn thế, đây chính là dịp để tôn vinh chiến sĩ quân đội nhân dân, học sinh, giáo viên, những người đã đồng hành với Bảo tàng Việt Bắc, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong 60 năm qua.

Có thể nói, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm kết nối truyền thống với cuộc sống đương đại đang là hướng đi phù hợp với không gian trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các hoạt động này không chỉ khéo léo lan tỏa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao của nhân dân và du khách khi tới tham quan sẽ thấy thích thú và muốn quay trở lại.

Quang Khải

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy